SỐNG  ĐẠO THỜI … GIÃN  CÁCH 

Những ai có quan tâm đến đời sống đạo của người Công Giáo trong thời…giãn cách xã hội này  thật không khỏi lo lắng; nhà thờ bị đóng cửa chẳng biết đến bao  giờ mới được mở lại và vì thế cũng chẳng có Thánh lễ, các hội đoàn không được sinh hoạt !

Để tránh sự lây lan của dịch bệnh quái ác này thì việc …giãn cách xã hội là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên việc ấy không những đem lại những thiệt hại lớn lao cho xã hội về mọi  mặt mà còn ảnh hưởng  vô kể đến đời sống đức tin của người có đạo.

Đối với người Công Giáo, từ bao  đời nay, đời sống của họ luôn gắn bó với cộng đồng, có thể ví như cá với nước. Cũng vì thực tế ấy mà đâu đâu  cũng thấy người Công Giáo  luôn quy tụ thành các giáo xứ với sự hiện diện không thể thiếu của  linh mục quản xứ  để ban các Bí Tích cho cả  người sống lẫn kẻ chết.

Tính chất cộng đồng  của người Công Giáo, ngoài giáo xứ còn có giáo hạt, giáo phận và giáo hội toàn cầu Ro Ma dưới quyền cai quản của đức giáo hoàng. Sự thống thuộc  của tất cả mọi cấp trong Giáo Hội là điều hết sức cần thiết và cũng chính vì đó, Giáo Hội mới có bốn đặc tính: Duy nhất. Thánh thiện. Công giáo và Tông truyền. Bỏ đi bất cứ một đặc tính nào thì đó không phải là Hội Thánh Chúa Ki Tô hiểu như Thân Mầu Nhiệm.

Với mỗi người là chi thể  thì sự gắn kết với Thân Mầu Nhiệm là điều vô cùng thiết yếu: “ Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều, vì ngoài Ta các ngươi không thể làm  chi được” ( Ga 15, 5 ).

Gắn bó với Thân tức ở trong Giáo Hội để được nhiều hoa trái thiêng liêng là điều hết sức quan hệ. Thế nhưng trong cơn đại dịch Covid  bị giãn cách  này, Thánh lễ bị đình chỉ, các sinh hoạt cộng đồng không được tổ chức  vậy làm sao có được sự gắn kết  ?

Dù không muốn nhưng nếu không có sự gắn kêt hữu hình ấy thì đức tin và lòng yêu mến Chúa Giê Su Thánh Thể rồi sẽ tàn lụi và đi đến chỗ mất hẳn ? Người ta nói “ Xa mặt cách lòng” là vậy.

Sở dĩ có sự “ Xa mặt cách  lòng” ấy là vì thực sự trước đây trong tình trạng bình thường khi chưa bị cơn đại dịch …uy hiếp, vẫn có Thánh lễ thậm chí mỗi chủ nhật có cả  bốn hay năm lễ. Các hội đoàn hoạt động rầm rộ và phát triển đều đều v.v…Ấy thế mà người ta nào có gặp gỡ, kết nối với Chúa Thánh Thể đâu, những hoạt động tôn giáo đó chẳng qua chỉ là một thứ hình thức bề ngoài ?

Đi lễ, nếu có vào trong nhà thờ thì cũng chỉ có cái thân xác hiện diện còn tâm trí thì không ! Chính vì thế khi nghe cha chủ tế đọc Phúc Âm, tuy chẳng biết nội dung bài đọc ấy là gì nhưng  cũng xướng lên “ Lạy Chúa Ki Tô, ngợi khen Chúa” và khi tan lễ ra về nghe lời chúc bình an mà chẳng thấy có… bình an chi cả.

Các Thánh Lễ vẫn diễn ra hàng ngày hết năm này tháng nọ, nghe hết bài giảng này  đến bài giảng khác mà Lời Chúa hầu như  gió thoảng qua tai, chẳng có lời nào sống động được ở nơi mình.

Nguyên nhân khiến Lời Chúa không thể…sống ở nơi mình là vì không có sự chú tâm. Đang khi đó Tâm là cái quyết định tất cả, không có Tâm ở đó thì dù là ăn là uống, đi đứng, nằm, ngồi ….tất cả chỉ như một cái xác vật vờ. Với những việc… phần đời đã vậy  còn việc tâm linh cũng không khác, không có Tâm  thì ngay cả việc cầu nguyện cũng chẳng ơn ích gì !

Người Công giáo, nếu…ngoan đạo thì rất thích đọc kinh. Điều ấy thật ra cũng là tốt đấy nhưng đó không phải là cầu nguyện thực sự: “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín  đóng cửa lại  rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).

Để cầu nguyện…cho nên thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong bởi chỉ  ở nơi đó mới có Đấng Cha ngự trị. Đức Ki Tô  từ trời xuống thế để làm một cuộc đại cách mạng tâm linh  bằng cách chỉ cho con người  một phương pháp cầu nguyện hoàn toàn mới. Chúa nói với người  phụ nữ  xứ Samari: “ Này bà kia ơi ! Hãy tin Ta, giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Gierusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết, vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến mà nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy thật, hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn hằng tìm kiếm người dường ấy  để thờ lạy Người” ( Ga 4, 21 -23 ).

Cầu nguyện chân thật tức là cầu nguyện  với Thiên Chúa, Đấng là Cha mình vì thế cần cầu nguyện cách xứng hợp. Như đã nói, người Công Giáo ( VN ) rất thích đọc kinh nhưng chỉ có thể …đọc cùng với cộng đoàn còn không thể đọc một mình.

Nếu hiểu mục đích sâu xa của việc cầu nguyện là để tìm kiếm Thánh Ý Chúa  thì nếu chỉ đọc kinh chung  với cộng đoàn thì việc ấy không giúp ích gì cho việc tìm kiếm. Tại sao ? Bởi vì đọc kinh chung với cộng đoàn  có nguy cơ chia lòng chia trí ( Phân Tâm ) mà không biết. Miệng cứ…đọc rang rang còn tâm trí thì cứ mặc tình rong ruổi  hết việc này chuyện khác, được ví như sự leo chuyền, chạy nhảy của loài khỉ, vượn, ngựa hoang ( Tâm viên, Ý mã ). Một khi Tâm đã loạn động như thế thì làm sao Lời Chúa có thể…an trụ  trong ta ?

An trụ trong Chúa  đó chính là cái cốt tủy của việc sống đạo. Có an trụ trong Chúa  thì mới…nghe được Tiếng Chúa. Quan niệm của người Công giáo xưa nay phần lớn là chỉ xin hết ơn này ơn kia cho mình  và tất cả những ơn xin đó đều chỉ mang tính vị kỷ chẳng mảy may liên hệ gì đến việc tìm kiếm Thánh Ý !

Lại nữa, cầu nguyện mà chỉ mang tính vị kỷ như thế thì vô hình chung đã…cô phụ công ơn cứu chuộc  của Chúa, Ngài đã chịu nạn chịu chết, tất cả là để cho ta nhận biết và nghe được Tiếng Chúa ở nơi mình. Chính bởi lẽ đó, triết gia Hiện Sinh Hữu Thần Kierkegaard ( 1813 – 1855 ) đã nói cách chí lý: “ Trong những gì  liên quan thật sự với cầu nguyện, không phải Thiên Chúa nghe những gì người ta xin Ngài nhưng kẻ cầu nguyện và tiếp tục cho đến  lúc chính anh ta là kẻ nghe được những gì Thiên Chúa muốn” ( Cầu Nguyện Hôm Nay – Andre Seve ).

Thế nào là …nghe được những gì Thiên Chúa muốn ? Những gì Thiên Chúa muốn được tóm lại trong hai Giới Răn đó là: Mến Chúa và  Yêu Người. Có luật sư hỏi để thử Chúa Giê Su rằng: “ Thưa Thầy, trong luật pháp, giới răn nào là quan trọng nhất ? Chúa đáp: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý chí mà thương yêu Chúa là Đức Chúa ngươi. Còn  giới  răn thứ hai cũng vậy. Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình vậy. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn ấy” ( Mt 22, 35 -40 ).

Mục đích các giới răn là để đem lại hạnh phúc cho con người cả đời này lẫn đời sau. Nhưng để thực thi những giới răn đó  thì  nhất định cần…nghe được Tiếng Chúa. Còn như…không nghe thì biết đâu mà thực hiện ?

Giới răn thứ năm Chúa dạy: Chớ giết người  mà lại cứ giết và ngay cả những người mẹ cũng đã nhẫn tâm giết cả con mình ( Phá Thai ) thì với tội lỗi tầy đình như thế, làm sao tránh khỏi đọa lạc  đời đời trong Hỏa Ngục.

Giới răn thứ sáu, Chúa dạy: Chớ làm sự dâm dục mà lại cứ gian dâm ngoại tình, chẳng những kết hôn đồng tính lại còn tự hào về điều quái gở ấy thì  sao có thể tránh thoát tam đồ, ác đạo ?

Tuân giữ các giới răn đó là nền tảng của Đạo Chúa, giống như người xây nhà trên đá tảng. Trái lại thì giống như người xây nhà trên cát, bị mưa tuôn, gió giật sẽ thiệt hại rất lớn ( Mt 7, 24 -27 ). Như đã biết, để thi hành các Giới Răn thì cần nghe được Tiếng Chúa qua việc thành tâm cầu nguyện. Tuy nhiên trong thời…giãn cách này, nhà thờ đóng cửa, Thánh lễ không còn, các hội đoàn không sinh hoạt thì việc cầu nguyện làm sao có thể tiến hành ?

Có hai câu trả lời. Một, với những người trước đây vốn… khô khan đạo nghĩa thì việc giãn cách không có Thánh lễ, chẳng có chi liên quan đến họ, trái lại còn khiến lương tâm khỏi bị cắn rứt ??? Hai là với những người…ngoan đạo thì lại  rất tiếc, nhưng cái tiếc ấy không phải vì không được  đến gặp Chúa Giê Su Thánh Thể, tỏ lòng tôn kính và đón Ngài vào lòng. Nhưng có thể là họ tiếc chỉ  vì không được đến nhà thờ như một tập quán lâu đời, ở nhà cũng chẳng biết để làm gì ?

Lời khuyên của các đấng  trong thời giãn cách thì nên ở nhà…xem lễ trực tuyến, lần chuỗi Mân Côi…Thế nhưng vì không được Rước Lễ, chỉ đọc kinh Chịu Lễ Thiêng Liêng trên màn hình, thế nên chẳng may … cúp điện hoặc TV trục trặc gì đó thì Thánh Lễ cũng như việc chịu lễ thiêng liêng bị….dứt ngang, nào có để lại  ấn tượng gì cho tâm hồn ?

Còn về việc lần chuỗi Mân Côi, nếu đọc chung với cộng đoàn thì…ngon lắm nhưng khi một mình  thì hầu như không thể. Lý do là vì khi đọc chung, có chia lòng chia trí cũng…chẳng sao. Còn khi đọc một mình thì được một lát sẽ lẫn lộn Mùa này, Thứ khác…rút cục sẽ chán nản bỏ cuộc thôi ?

Đọc hoặc tụng thì  phải có sách, có sách lại cần có ánh sáng có con mắt tỏ…Không có những điều kiện ấy thì  chẳng lẽ không cầu nguyện được sao ? Không phải vậy, thực tế cho thấy có những người mù, người không biết đọc  họ vẫn lần chuỗi Mân Côi rất tốt và sinh vô vàn ơn ích.

Để giải thích tại sao người mù, người không biết đọc vẫn có thể cầu nguyện tốt. Chúng ta cần nên biết mục đích sâu xa của cầu nguyện là để cho ta được Nhớ đến Chúa là Đấng  hằng ở trong ta.

Nhớ ở đây, Hán tự gọi là Niệm. Có hai thứ Niệm, một là Chánh Niệm, hai là Tà Niệm. Đối với Đạo Công Giáo thì chánh niệm là  nhớ đến  Chúa. Còn Tà niệm là nhớ đến những chuyện thế gian. Nhớ đến Chúa thì  Tâm được giải thoát, an vui. Trái lại nhớ đến những chuyện thế gian thì bị  phiền não  trói buộc.

Lời Chúa là lời giải thoát được ví như gươm bén: “ Vì Lời Chúa là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn, khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).

Bởi Lời Chúa có sức biện biệt tư tưởng, thế nên bất cứ  tư tưởng bất thiện ( Ác tưởng ) nào thoạt khởi liền được nhận biết và một khi được nhận biết thì nó bị dứt trừ. Tư tưởng xấu, ác bị dứt trừ thì không hành vi xấu ác nào được làm. Không có hành vi xấu, ác ( Tham, sân, si )  thì  sẽ không bị cái khổ nào làm cho điêu đứng.

Vấn đề đặt ra cho người Công Giáo chúng ta trong thời gọi là…giãn cách này là làm sao duy trì được Lời Chúa ở trong tâm tưởng mình. Muốn duy trì Lời Chúa trong tâm tưởng mình thì điều kiện không thể thiếu đó là lòng kiên trì. Chúa nói chỉ những ai bền đỗ đến cùng thì mới được cứu” ( Mt 10, 22 ).

Đức Mẹ khuyên nhắc ba mệnh lệnh Phatima: Sám hối ăn năn tội lỗi mình. Siêng năng lần Chuỗi Mân Côi và Tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ thì phải cố gắng thực hiện cho mình và cho cả gia đình mình. Còn Chúa Giê Su  phán với chị Faustina: Con sẽ chuẩn bị  thế giới cho  lần đến sau cùng của Ta bằng cách thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót vào lúc 03 giờ chiều mỗi ngày. Còn Đức Mẹ nói: Phần con, con phải nói cho thế giới biết về Lòng Thương Xót bao la của Người và chuẩn bị cho  thế giới  tiếp đón Người đến lần thứ hai. Người sẽ không đến  trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Từ nhưng trong tư cách của Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts