Khi nghe tin Chúa Giê Su đã làm cho nhóm Sa Đốc phải câm miệng thì những người Phariseu nhóm lại và trong đó có luật sĩ hỏi để… thử Ngài rằng: “ Thưa Thầy, trong luật pháp điều răn nào là trọng nhất ? Chúa Giê Su đáp: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn quan trọng và đầu nhất. Còn điều thứ hai cũng vậy. Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 34 -40 )
Để trả lời cho câu hỏi của viên luật sĩ, Chúa Giê Su đã căn cứ theo sách luật Moise: “ Hỡi Itsraen, hãy nghe đây: Giêhova ĐCT chúng ta là Giehova có một không hai: Ngươi phải hết lòng hết ý chí, hết sức mình kính mến ĐCT ngươi. Các lời mà Ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở lại trong lòng ngươi. Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến hoặc khi ngươi ngồi trong nhà hoặc khi đi ngoài đường hoặc lúc ngươi nằm hoặc khi chỗ dậy. Khá buộc nó trên tay như một dấu và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như dấu chí. Cũng phải viết các lời đó trên cột nhà và trên cửa nhà ngươi” ( Đnl 6, 4 -9 ).
Những lời truyền dạy trên đây thật là khẩn thiết có ý nhắc nhở con người về lòng yêu thương cần phải có đối với Thiên Chúa. Thế nhưng một câu hỏi cần đặt ra: Tại sao lại phải yêu thương Thiên Chúa hết lòng như thế và đây là câu trả lời: “ Vậy nên phải nhận biết rằng: Giehova ĐCT ngươi ấy là ĐCT thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những ai yêu mến, vâng giữ các giới răn Người. Người sẽ báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Người mà hủy diệt chúng nó đi. Người không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Người đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó” ( Đnl 7, 9 -10 ).
Qua mệnh lệnh trên đây cho thấy định luật quả báo diễn ra trong đời sống tâm linh: Yêu mến Thiên Chúa thì được sống, trái lại thì phải chết. Mặc dù dân Do Thái là Dân Riêng nhưng họ đã không tuân giữ Luật Yêu Thương đến nỗi đã trở thành một…dân phản nghịch để rồi đã lãnh chịu quả báo tương xứng.
Trước khi qua đời, tiên tri Moise đã báo trước về sự phản nghịch này: “ Vì ta biết rằng sau khi ta qua đời, các ngươi hẳn sẽ bại hoại, trở bỏ con đường ta đã truyền dạy cho các ngươi. Trong ngày sau rốt, tai họa sẽ xông đến các ngươi bởi các ngươi làm điều ác trước mặt Đức Giehova, lấy những công việc của tay mình mà chọc giận Người” ( Đnl 31, 29 ).
Sự phản nghịch của dân Do Thái chính là ở chỗ họ đã cậy dựa vào tài sức mình mà quên đi Thiên Chúa là Đấng Thành Tín, giữ sự giao ước đến ngàn đời cho những ai yêu mến Người và chỉ một mình Người thôi. Cũng chính vì sự phản bội ấy, Thiên Chúa đã thiết lập một Giao Ước Mới: “ Chúa phán, kìa ngày đến, Ta sẽ cùng nhà Itsraen và nhà Giu Đa thiết lập một Giao Ước Mới mà Ta đã lập cùng tổ phụ họ. Trong ngày Ta cầm tay họ dắt ra khỏi xứ Ai Cập vì họ không cứ giữ giao ước Ta nên Ta không kể đến họ, ấy là lời Chúa phán…
…Chúa lại phán: Này là Giao Ước Ta sẽ lập với nhà Itsraen: Sau những ngày đó Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm, ý họ, ghi tạc nó vào lòng họ. Ta sẽ làm ĐCT của họ và họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 8 -10 ).
Với Giao Ước Mới này thì mọi luật pháp, giới răn sẽ không còn mang tính hình thức bên ngoài nhưng được đặt trong Tâm mỗi người và như thế Thiên Chúa sẽ là một Thiên Chúa…nội tại, ẩn giấu cần hết lòng tìm mới gặp.
Chỉ có Đấng Thiên Chúa…nội tại như thế mới thật sự cần đến lòng yêu mến của con người. Tuy nhiên, yêu mến và trở về với Đấng Thiên Chúa…nội tại như thế là điều bất khả nếu không có mạc khải của Đức Ki Tô: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
“Biết” ở đây không phải là …cái biết của tri thức phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu Vô Phân Biệt và cũng chính vì thế nên nói Biết cũng chính là Yêu và Yêu cũng chính là Biết.
Người Do Thái cậy vào tri thức và việc làm của mình thế nên họ không bao giờ có được Tình Yêu đối với Thiên Chúa. Đang khi đó Thiên Chúa lại đòi hỏi con người cần yêu mến Ngài hết lòng hết ý chí, hết trí khôn…Viên luật sĩ chỉ hỏi để…thử Chúa Giê Su, tỏ ra mình là người thông luật và vì thế làm sao có thể nhận biết và thực hành Tình Yêu đối với Thiên Chúa ?
Thiên Chúa rất cần đến lòng yêu mến không phải…vì Ngài nhưng là vì hạnh phúc của chính con người. Thế nhưng yêu mến Thiên Chúa, hơn nữa lại phải yêu hết sức mình, hết cả trí khôn…là điều quá sức khó khăn. Nguyên nhân sâu xa của…cái khó ấy là bởi con người còn chấp có một Bản Ngã đã ăn sâu, bám rễ từ muôn muôn kiếp.
Bao lâu còn chấp lấy Bản Ngã thì không thể yêu mến Thiên Chúa chính là Bản Thể Tình Yêu ở nơi mình. Cần Bỏ Mình ( Phá Ngã Chấp ) thì mới có thể yêu mến Thiên Chúa và đây chính là “ Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu” mà Chúa Giê Su đã truyền dạy chị Consolata Betrone ( 1903 – 1946 ) một nữ tu mọn hèn dòng Capucine ở Torinto ( Ý ).
“ Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu” chính là bí quyết để Nên Thánh và đồng thời đó cũng chính là phương pháp tối hảo để chúng ta có thể “ Sống Đạo Yêu Thương”.
Người đời ai cũng nghĩ mình sống với thân xác nhưng thật ra là sống với tư tưởng. Thật vậy, tất cả mọi hành vi, cử chỉ, lời nói của con người đều do tư tưởng quyết định. Ta có nghĩ đến ăn và ăn món này, món kia đều là do tư tưởng. Không ai nghĩ ăn món này mà lại…ăn món kia bao giờ. Tất cả đều do tư tưởng, ngay đến cả việc làm thiện, làm ác cũng vậy. Ta có nghĩ thiện mới có thể làm thiện. Trái lại nghĩ ác sẽ làm ác…
Làm thiện thì có hạnh phúc còn làm ác sẽ có quả báo ác. Cái lẽ nhân quả báo ứng này không bao giờ sai chạy mảy may nhưng bởi con người vì sống trong vô minh điên đảo nên cứ mặc tình làm ác để rồi lãnh nhận khổ đau mà không biết !
Giới răn truyền dạy: Ai yêu mến Thiên Chúa thì được sống, trái lại phải chết, thế nhưng người ta chẳng những không…yêu mà còn ghét bỏ, chối từ Thiên Chúa cách phũ phàng. Dân Do Thái xưa kia cũng như nhân loại ngày nay cũng vì không thực thi Giới Răn Yêu Thương nên mới phải chịu cảnh khốn quẫn cả về tinh thần lẫn vật chất như đang thấy: Dịch bệnh ngày càng lan tràn nguy hiểm, chiến tranh đe dọa sự tồn vong của nhân loại đã gần kề !!!
Con đường Nên Thánh là đòi hỏi dành cho tất cả mọi người: “ Thế thì các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi là Đấng Trọn Lành” ( Mt 5, 48 ). Con đường trọn lành ấy giờ đây đã được truyền đạt cho chị Consolata Betrone với chỉ một câu Tác Động: “ Giê Su Maria, lòng con yêu mến, xin cứu các linh hồn”.
Câu Tác Động Mến Yêu này là một bí quyết để ta có thể kết hợp với Chúa Giê Su, Đấng là nguồn mạch sự thánh thiện. Ngày 22/8/1935, Chúa dạy chị Consolata: “ Trong sự tiếp xúc liên tục với Cha nhờ TĐYM con sẽ nhận ra cả những khiếm khuyết nhỏ mọn nhất ngăn trở con hiệp nhất với Cha và con sẽ loại trừ chúng đi. Ngày sống sẽ đổi thành nhịp đập yêu mến liên lỷ từ lúc thức dậy tới khi đi ngủ và tiếp tục mãi đời đời”.
Chúa đòi hỏi Tác Động Yêu Mến phải tinh ròng và liên lỷ có nghĩa không để cho một tư tưởng nào dù là thiện lành xen vào. Đây là điều hết sức khó bởi vì tư tưởng con người không khi nào dừng dù chỉ trong giây lát. Chính cái sự sinh khởi không ngớt của tư tưởng mà đã khiến cho con người phải sống trong vòng trói buộc của vô minh. Thiền sư Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Ông một niệm không thể dừng là Cây Vô Minh”.
Để dừng được niệm, thiền tông chủ trương sử dụng Công Án ( Kung An ) tức một câu nói hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả mục đích là để thu hút vọng niệm. Lý do không thể dừng niệm là vì còn có “ Cái Tôi” hay nói cách khác bao lâu còn có “ Cái Tôi” thì niệm không thể dừng. Ngày 06/12/1935 Chúa nói: “ Trong các tư tưởng dù tốt đột nhập vào trong con, bao giờ cũng có chút tự ái hay tự phụ lẻn vào làm mất vẻ đẹp của TĐYM nhưng nếu con chống cự lại sự xâm nhập đó bằng cách nhắm mắt tin tưởng rằng Cha nghĩ và sẽ nghĩ đến mọi sự cho con thì TDYM sẽ sáng chói lên vẻ đẹp tinh ròng”.
Để có thể…chống lại các tư tưởng xâm nhập thì chỉ có cách tiếp tục niệm câu TĐYM. Tuy nhiên việc tiếp tục niệm như thế là một cố gắng phi thường và có thể nói đó là…thập giá. Ngày 15/11/1935 Chúa nói: “ Chúa Giê Su vác Thánh Giá và trèo lên Núi Sọ. Còn con, con có biết Thánh Giá của con là Thánh Giá nào không ? Đó là không bỏ một Tác Động Mến Yêu nào. Đó chính là chương trình của con. Thực ra thì TĐYM không phải là một Thánh Giá nhưng thực thi TĐYM luôn luôn trong mọi hoàn cảnh là một Thánh Giá. Nhưng Thánh Giá này giúp con vác nổi mọi Thánh Giá khác”.
Sống ở đời, không ai là không có thập giá là những nỗi khổ đau vì vợ vì chồng vì con cái cùng những trở lực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ là ta có vui lòng…vác lấy nó hay không ? Như đã biết tất cả những thập giá không ngoài tư tưởng, bởi vậy cứ tiếp tục niệm TĐYM thì thập giá lại trở thành Thánh Giá có nghĩa Chúa đã…vác thay cho ta.
Chúa sẽ…vác thay với điều kiện là ta phải hết lòng cậy trông nơi Ngài. Ngày 08/9/1934 Chúa nói: Con hãy bắt mọi tiếng ( Tư tưởng ) im lặng đi trừ một tiếng Giê Su, Maria lòng con yêu mến, xin cứu các linh hồn” được tồn tại trong con mà thôi. Rồi con hãy tin rằng Cha sẽ lo liệu mọi sự cho con cả đến thời giờ cần thiết để con vá dép cho chị em con. Ma quỷ tìm cách bóp nghẹt con trong công việc, làm cho con bối rối về nhiều chuyện. Không, đã có Cha nghĩ đến mọi sự, đến thì giờ cần thiết cho từng việc”.
Chúa hứa lo liệu mọi sự đó là một sự thật nếu chúng ta biết tín thác vào Ngài. Thế nhưng điều ấy thật khó biết bao khi mỗi người trong chúng ta không thể không lo lắng mọi điều trong cuộc sống tất bật hôm nay, nào cơm, áo, gạo, tiền thúc bách nào nợ nần, công ăn việc làm v.v…
Ngoài những mối lo toan có tính…đời thường đó còn có một mối lo có tính siêu nhiên đó là lo không biết trong ngày sau hết mình có được…rỗi linh hồn hay không ? Ngày 15/12/1935 Chúa nói: “ Cha đã chăm sóc và ban ơn dồi dào cho chúng con, suốt đời tại thế cho chúng con. Thế rồi trong giờ sau hết của chúng con khi Cha chỉ còn có việc hái lấy hoa trái của Ơn Cứu Chuộc, khi linh hồn chúng con sắp được hưởng hạnh phúc thế mà Cha lại để cho ma quỷ kẻ thù tệ hại nhất của Cha cướp lấy linh hồn chúng con sao ? Như vậy các lời Cha hứa ban sự sống đời đời trong Phúc Âm sẽ ra sao ? Làm sao có thể tin được những sự kỳ quái như vậy ? Chết mà không được hối cải chỉ xảy đến cho kẻ muốn xuống Hỏa Ngục và do đó từ chối Tình Thương Xót của Cha. Bởi vì về phía Cha, không bao giờ Cha từ chối tha thứ. Tình thương vô biên của Cha ôm ấp toàn thể vũ trụ vì Cha đã đổ máu ra cho mọi người. Nhiều tội không làm mất linh hồn nhưng sự cố chấp từ chối ơn tha thứ của Cha và muốn mất linh hồn thì mới mất được thôi”.
Chỉ những ai muốn mất linh hồn thì mới…mất được thôi. Lời Chúa nói thật an ủi biết bao cho những ai có lòng kính mến Chúa. Thế nhưng cũng lời này lại khiến cho những ai sống đạo cách khinh thị, hờ hững, được chăng hay chớ phải… xét lại ! Tại sao ? Bởi lẽ tuy không muốn xuống Hỏa Ngục nhưng việc làm của họ lại chứng minh cho điều ấy.
Chúa đã dùng biết bao phương tiện để lo cho phần rỗi các linh hồn như các Bí Tích, những lời cầu nguyện của cộng đoàn, tràng chuỗi Mân Côi v.v…nhưng họ không chịu thực hành kể cả khi có điều kiện…
Nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa mà chỉ những ai…muốn xuống Hỏa Ngục mới phải đến chốn cực khốn ấy thôi. Tuy nhiên cũng nhờ vào Lòng Thương Xót ấy chúng ta thấy được giá trị lớn lao của câu Tác Động Mến Yêu. Ngày 08/10/1935 Chúa nói: “ Con hãy nhớ kỹ rằng một Tác Động yêu Mến định đoạt về phần rỗi đời đời của một linh hồn. Vì thế con phải ân hận mỗi khi bỏ mất một Tác Động Yêu Mến: “ Giê Su Maria lòng con yêu mến. Xin cứu các linh hồn” Lời hứa rất an ủi đó Chúa Giê Su đã lập lại nhiều lần: Con đừng bỏ mất thời giờ vì mỗi Tác Động Yêu Mến là một linh hồn đấy. Đức Mẹ cũng bảo với chị về TĐLLYM ( 10/10/1935 ) Chỉ khi lên Thiên Đàng rồi con mới biết giá trị về sự phong phú của TĐLLYM trong việc cứu rỗi các linh hồn”.
Giá trị của Tác Động Yêu Mến chính là làm cho ta được…ở cùng Chúa. Được ở cùng Chúa tức được…ở trong Tình Yêu và ở trong Tình Yêu có nghĩa là ta được…làm hòa với Ngài: “ Sự thương yêu ở trong điều này: Chẳng phải chúng ta đã thương yêu ĐCT nhưng Ngài đã thương yêu chúng ta và sai Con Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi, Hỡi kẻ yêu dấu, nếu ĐCT đã thương yêu chúng ta dường ấy thì chúng ta cũng phải thương yêu lẫn nhau. Chẳng có ai thấy ĐCT bao giờ nhưng nếu chúng ta có lòng thương yêu nhau thì ĐCT cứ ở trong chúng ta và tình thương yêu của Ngài được trọn vẹn trong chúng ta” ( 1Ga 4, 10 -12 )./.
Phùng Văn Hóa