SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Trong cuộc phỏng vấn của  Larry King với Stephen Hawing và Leonard Mlodinow đồng tác giả cuốn The grand Design ( Thiết kế vĩ đại ) ngày 10/9/2010, ta thấy có câu hỏi: “ ông gần đây đã nói ông nhìn thấy các nguy hiểm to lớn cho loài người. Nguồn gốc các nguy hiểm này là gì ? Nó có phải tự chính loài người hoặc các yếu tố bên ngoài ? Stephen Hawking trả lời: “ Chúng ta đang trong nguy hiểm tự hủy diệt bởi tham danh và ngu xuẩn. Chúng ta không thể tiếp tục nhìn vào trong chính chúng ta trên một hành tinh nhỏ bé và ngày càng ô nhiễm và quá đông đúc.”. Với câu trả lời này ta thấy nó rất chi là mâu thuẫn, một đàng nói rằng loài người đang trong nguy hiểm tự hủy diệt bởi tham danh và ngu xuẩn, một đàng lại nói rằng không thể tiếp tục nhìn vào bên trong chính ta. Nói rằng con người tự hủy diệt vì chính sự tham lam ngu xuẩn của mình là đúng. Nếu quả như vậy thì cần phải nhìn vào bên trong để nhận ra nguyên nhân của sự hủy diệt ấy chứ sao lại bảo không thể nhìn vào bên trong chính mình ? Từ chỗ mâu thuẫn này lại nảy sinh một câu hỏi và trả lời khác. Vậy thì các cơ may của loài người sống sót qua các nguy hiểm đó là gì ? Đáp = Nếu chúng ta có thể qua được vài trăm năm, kế tiếp chúng ta sẽ tràn ra vào không gian, lúc đó tai ương riêng lẻ sẽ không xóa bỏ toàn bộ chủng loại con người “ ( Nguồn Trần hữu Thuần Dunglac.org ).

Theo Stephen Hawking thì nhân loại chỉ có thể cứu nguy nếu nó có thể tồn tại được vài trăm năm và sau đó nhờ vào tiến bộ vượt bực của khoa học, con người sẽ di cư đến một hành tinh nào đó trong không gian ? ở đây ta thấy cái mối lo của nhà thiên văn tàn tật nhưng được xưng tụng là thông tuệ hàng đầu của nhân loại hôm nay là lo cho sự tồn vong của chủng loại người. Sự tồn vong ấy tùy thuộc vào hai điều , một là nếu cho đến vài trăm năm nữa nhân loại vẫn chưa bị hủy diệt và hai là sự tiến bộ của khoa học. Về cái mối lo bị hủy diệt thì không chỉ có Stephen Hawing mà nói chung là của cả giới khoa học. Mới đây các nhà khoa học thuộc cơ quan Nasa đã công bố kế hoặch đổ bộ lên một hành tinh có ký hiệu là 1999 RQ 36 nhằm nghiên cứu tìm cách làm chệch hướng của nó có thể va chạm vào trái đất với xác xuất …1/1000 vào năm…2180 nghĩa là gần hai trăm năm nữa. Mặc dầu giải pháp cứu nguy đưa ra có khác nhưng mối lo nhân loại bị hủy diệt thì không khác, chúng đều đến từ bên ngoài. Tưởng rằng cái mối lo…trời sập ấy nó chỉ có ở nơi những đầu óc…hâm hâm nhưng ở đây lại là của khoa học, đỉnh cao trí tuệ loài người !!! Trời…có sập hay không sập, nhân loại có tồn tại sau hai trăm năm nữa hay không, điều ấy nào có can hệ chi đến tôi, đến cha mẹ vợ con bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng những người thân thích ruột thịt của tôi? Lo cái lo sống còn của cả nhân loại sau vài ba trăm năm nữa để làm gì đang khi đó cái lo trước mắt là cơm áo gạo tiền, bệnh hoạn, lũ lụt, kẹt xe, cúp điện triền miên v.v. và v.v… thì thử hỏi có ai lo cho không ? Những mối lo của những nhà khoa học ấy thật ra chẳng có chút gì là thông tuệ, trái lại nó là một thứ căn bản vô minh khiến chân tính con người ngày càng bị khuất lấp. Ác nghiệt thay, vô minh ấy lại được nhân loại hôm nay vồ vập coi đó như là một thứ đồng minh đáng tin cậy. Có thể nói toàn bộ giới truyền thông hiện đại hăm hở đưa tin về tuyên bố của Stephen Hawing rằng = vũ trụ không cần bàn tay của Thiên Chúa để hình thành.

 Nguyên nhân sâu xa khiến con người tỏ ra hăm hở trước tuyên bố ấy là vì họ như thấy mình một lần nữa được…bảo kê bởi thế giá khoa học về việc bác bỏ niềm tin về sự hiện hữu của Đấng Thần linh Tạo Hóa. Không có niềm tin nào ăn sâu bén rễ vào tâm thức con người cho bằng việc tin vào Đấng Tạo Hóa, thế nhưng cũng không có niềm tin nào bị phủ nhận, bị thóa mạ nhiều như nó. Thiên Chúa giáo và sau này là Kito giáo đã nhiều lần tìm cách chuyển hướng diễn giải niềm tin ấy sang những hình thức khác chẳng hạn như Thần học giải phóng , Thần học nữ quyền, Kito học v.v.. nhưng cuối cùng thì Thần học vẫn nghiêng về phương án…khai tử Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu )

 Tôn giáo mà cũng tiếp tay cho việc …giết chết TC như vậy thì không còn gì để nói. Dẫu vậy, tôn giáo vẫn tồn tại lý do là bởi Thiên Chúa thật thì đâu thể…chết. Ngài vẫn có đó vô thủy vô chưng, hằng hữu đời đời. Cái mà người ta, kể cả thần học mong muốn nó phải chết đi, đó hoàn toàn không phải là Thiên Chúa thật, Đấng mà như Đức Kito nói “ ĐCT của Abraham , ĐCT của Isaac, ĐCT của Giacop , ấy Ngài chẳng phải là ĐCT của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Vì vậy ai nấy đều vì Ngài mà sống.” Lc 20, 37 – 38”

 Cái mà người ta từ lâu quyết lòng đạp đổ , còn tôn giáo lại chống đỡ một cách yếu ớt ấy thực chất chỉ là một thứ quan niệm về Thiên Chúa chứ hoàn toàn không phải TC của kẻ sống. Thiên Chúa của quan niệm thì đúng là đã đến lúc phải chết, thế nhưng cần nhận ra đâu là nguyên nhân đưa đến cái việc thay thế Đấng TC của kẻ sống bằng quan niệm như thế. Nếu không chúng ta vẫn cứ mãi là những kẻ thua cuộc và đức tin cũng hóa ra vô dụng”( 2Tm 3,8 ).

 Nguyên nhân ấy đã được Louis Pasteur ( 1822 – 1895 ) cha đẻ của ngành sinh vật học thế giới cũng là một tín hữu Công giáo thuần thành đã nêu lên trong diễn văn gia nhập Hàn Lâm viện Pháp thế này “ Nuôi cao vọng đưa khoa học vào tôn giáo là một sai lầm. Càng sai lầm hơn nữa là nuôi cao vọng đưa tôn giáo vào trong khoa học bởi vì khi ấy họ bắt buộc phải tôn trọng phương pháp khoa học. Con người của đức tin không hiểu biết và không muốn biết gì hết. Họ tin vào lời nói siêu nhiên, điều đó bất khả dung hợp với lý trí con người và nó càng bất khả dung hợp hơn nữa với lý trí con người khi tin vào quyền năng của lý trí trên các vấn đề về nguồn gốc và cứu cánh của vạn vật”. ( Khoa học và đức tin – Ấn phẩm roneo – Vô danh ).

Khoa học và cả lý trí không có một chút thẩm quyền nào để mà đánh giá tôn giáo bởi vì nó thuộc hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Khoa học và lý trí chỉ có thể ứng dụng trong phạm vi hiện tượng. Trái lại tôn giáo siêu vượt hiện tượng để đi vào bản thể giới. Hậu quả của việc sử dụng lý trí ( Thần học duy lý ) trong tôn giáo tất yếu đưa đến một thứ Thiên Chúa của khái niệm, hoàn toàn không ăn nhập gì tới đời sống có nghĩa không thể giải quyết được vấn đề khổ đau của con người. Đức Kito xuống thế không phải là để cho biết về nguồn gốc cũng như cứu cánh vạn vật hiểu như một thứ vật chất vô tri nhưng là để mạc khải cho con người về Đấng Cha nội tại, chính Đấng ấy mới là Thiên Chúa của kẻ sống và ai nấy đều phải vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 – 38 ) .

 Có những vấn nạn mà lý trí tự đặt ra cho mình và rồi nó bị mắc kẹt trong cái mớ bòng bong suy tư đó không bao giờ có thể thoát ra được: “ Vũ trụ này từ đâu đến, có lý để hỏi ai hoặc cái gì đã tạo dựng thành vũ trụ. Nhưng nếu câu trả lời là Thiên Chúa thì câu hỏi về ai đã tạo dựng ra TC ….( Nguồn Dunglac.org ) Những câu hỏi đại loại như thế là bất tận và sẽ không thể có câu trả lời lý do bởi vì đó là trò chơi cút bắt của ý thức hay còn gọi là vọng tưởng phân biệt. Quả đúng chỉ là một thứ trò chơi và Stephen Hawking là một trong những nhà khoa học bị cái trò đó hớp hồn. Người ta ca tụng ông ấy hết lời như thế này “ Tôi nghĩ ông ấy là khuôn mặt quan trọng nhất của thời đại chúng ta, ông ấy có một tầm cỡ mô hình tương tự như Einstein trong thời đại chúng ta. Ông ấy, tâm trí của ông ấy rong chơi các biên giới của vũ trụ, ông ấy là nhà khoa học nổi bật nhất” ( Nguồn Dunglac.org )

Ca tụng một con người chỉ biết rong chơi trong các biên giới của vũ trụ là thuộc tầm cỡ ….mô hình, chả trách nhân loại này lại không đồng loạt chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó, chối bỏ Thiên Chúa thì Thiên Chúa cũng chối bỏ con người “ Đức Thánh cha Benedicto XVI trong Sứ điệp ngày Quốc Tế giới trẻ 2011 nói “ Kinh nghiệm dạy rằng một thế giới không có Thiên Chúa là một hỏa ngục, nơi mà những thói ích kỷ, những sự chia rẽ nơi các gia đình, lòng hận thù giữa những con người và các dân tộc. Việc thiếu tình yêu niềm vui và hy vọng thắng thế” ( Nguồn Tin Xuanbichvietnam ).

 Tại sao thế giới vắng bóng Thiên Chúa lại là Hỏa ngục ? Đó là vì Thiên Chúa là Tình Yêu, là Bản Thể của mỗi người ( 1Ga 4, 18 ) Thiên Chúa là Bản Thể, là nguồn cội và cứu cánh phải hướng về mà nay lại xua đuổi chối bỏ Tình Yêu ở nơi mình thì đó chẳng phải là Hỏa Ngục sao ? Một đàng Thiên Chúa vốn hằng hữu ở nơi mình, một đàng lại cứ hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật để đành quên mất Ngài; chính vì vậy mà cứ phải đương đầu với hết mối lo này đến mối lo khác, kể cả lo…trời sập. Vì hướng ra bên ngoài mình tìm cầu nên mới lo, trái lại muốn hết lo thì phải quay về để nhớ đến Chúa ở nơi mình. Nhớ Chúa ở nơi mình đó gọi là Sống Tỉnh Thức và sống tỉnh thức trong từng phút giây cũng chính là sống giây phút hiện tại.

I/- Sống tỉnh thức

Cuộc đời là cơn mê ngủ kéo dài, người ta sống mà thật sự không sống. Chính bởi vậy Chúa nói với người muốn xin về chôn cất cha mình rằng ‘ Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” Lc 9, 59 – 60) Người thế gian sở dĩ gọi là kẻ chết bởi vì hết thảy đều sống trong mê, có nghĩa không nhận thức ( Biết ) được những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình. Nhà Thiền có câu chuyện về sự tỉnh thức thế này “ Lần kia lãnh tụ một giáo phái ngoại đạo đến gặp Đức Phật và hỏi: Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của Đạo Phật thế nào, các ngài làm gì mỗi ngày ?

Chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ…

Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu. Ai lại không đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ ..?

Đặc biệt lắm chứ thưa ngài. Khi chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ. …Còn khi những người khác đi đứng nằm ngồi… v.v..thì họ không ý thức được là họ đang đi đứng nằm ngồi…v.v…( Nhất Hạnh – Nẻo vào Thiền học )

Biết trong từng hành vi cử động thường nhật của mình đó là tỉnh, trái lại là mê. Điều này xem chừng đơn giản nhưng thật khó hiểu. Có thật sự ta không biết là mình đang đi đứng nằm ngồi ….hay không ? Vâng quả đúng là như vậy, đang đi trên đường ( lái xe hoặc đi bộ ) nhưng tâm trí lại không ngừng tư lự hết chuyện này việc kia. Cái việc gọi là…đi ấy đối với những người không tu tập thì nó chỉ diễn ra như một quán tính chứ chẳng có ý thức gì cả. Việc đi đã vậy còn biết bao việc khác, kể cả đọc kinh cầu nguyện cũng vậy mà thôi “ Dân này nó chỉ kính thờ Ta ngoài miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” . Tâm được ví như loài khỉ vượn, ngựa hoang ( Tâm viên ý mã ) luôn chạy nhảy leo chuyền. Trong tất cả các truyền thống Tâm linh Đạo học, cốt yếu của việc tu tập chỉ là để dừng lại cái tư tưởng vọng động đó mà thôi. Ngay trong danh từ Thiền ( dhyana ) dịch sang tiếng Hán là Tịnh lự tức dứt bặt tư lự cũng đủ nói lên công việc của nó rồi. Còn việc tu thân của Nho giáo hệ tại ở việc làm cho tâm mình được chính đáng “ Sở vị “ tu thân tại chính kỳ tâm” giả, thân hữu sở phẫn sứ, tắc bất đắc kỳ chính. Hữu sở khủng cụ , tắc bất đắc kỳ chính. Hữu sở hiếu lạc tắc bất đắc kỳ chính. Hữu sở ưu hoạn tắc bất đắc kỳ chính” ( Điều gọi là “ sửa thân mình ở tại, làm cho lòng mình được chính đáng” ấy là mình có điều tức giận thì không được chính đáng. Có điều sợ hãi thì không được chính đáng. Có điều lo buồn thì không được chính đáng” Lý minh Tuấn – Đại Học thuyết minh- Chương VII )

Trong câu “ Sửa thân mình ở tại” thì chữ “ Ở Tại” đây nghĩa là hiện hữu, là SỐNG. Chúng ta chỉ thực sự SỐNG trong từng giây phút hiện tại, điều này có thể được ví như bánh xe lăn tròn trên đường, mỗi một lúc chỉ có một điểm của bánh xe tiếp xúc với mặt đường. Điểm tiếp xúc ấy chính là hiện tại và như thế hiện tại nhất định là phải trôi vào quá khứ. Bánh xe luôn quay tròn, dòng đời cứ vô tình trôi, nếu không tỉnh thức trong từng giây phút hiện tại thì cả cuộc sống của ta chỉ là sống trong mê. Sống trong mê có nghĩa là chúng ta bị thất tình lục dục nó chi phối mà một khi đã bị chúng chi phối thì Tâm càng ngày càng mờ tối loạn lạc “ Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” ( Lòng không ở tại thì nhìn mà không thấy, lắng mà không nghe, ăn mà không biết mùi vị – Lý minh Tuấn – Sđd ) Lòng không “ Ở Tại” có nghĩa là không tỉnh thức mà không tỉnh thức Nhà Thiền nói đi, đứng nằm ngồi…mà không biết là mình đi đứng nằm ngồi…Còn Nhà Đạo, tiên tri Isaia nói “ Các ngươi lắng thì nghe nhưng hẳn chẳng hiểu chi. Xem thì thấy nhưng hẳn chẳng nhận biết chi” Is 6, 9 – 10). Làm sao để cho Tâm có thể “ Ở Tại” đó phải là tất cả ý nghĩa của việc tu tập.

II/- Tỉnh thức với con đường chuyển hóa

Có lẽ không ai sống trên đời mà không có những mối lo , trẻ có mối lo của trẻ, lo học hành thi cử. Già có mối lo của già, lo bệnh lo chết. Người nghèo có nỗi lo của người nghèo, lo nghèo lo đói. Người giàu có nỗi lo của người giàu, lo thị trường chứng khoán sụt giảm, lo khủng bố, lo bắt cóc lo mất chức mất quyền v.v..Tuy nhiên tận cùng của tất cả những nỗi lo lắng sợ sệt ấy có thể gom về một nỗi đó là lo cho “ Cái Tôi” của mình. “ Cái Tôi” ấy có thể là là những người thân thích ruột thịt của mình hay chỉ là một vật dụng ưa thích nào đó. “ Cái Tôi” ấy cũng có thể là một chủ nghĩa, một nhân loại…hay chỉ là một tập quán, thói quen v.v… Chính vì đủ loại “ cái Tôi” ấy mà đã khiến cho cuộc sống con người luôn lâm vào tình trạng lo lắng sợ hãi không một phút giây an nghỉ. Có hai đặc điểm của những nỗi lo , một là người ta lo là lo về một điều gì đó có nghĩa luôn phải có một đối tượng cho từng nỗi lo và hai là tất cả những nỗi lo sợ ấy là lo về những cái chưa xảy đến, những gì sẽ là. Lo đói có nghĩa là chưa đói, lo cháy nhà thì có nghĩa là nhà chưa cháy v.v… Để chữa trị tất cả những nỗi lo ấy thì chỉ có cách là trở về sống trong từng phút giây hiện tại bởi vì hiện tại là quá khứ đã qua, còn tương lai thì chưa đến nhưng muốn sống hiện tại thì phải tỉnh thức. Có hai đối tượng cần phải tỉnh thức, một là tỉnh ở nơi Thân và hai là tỉnh ở nơi Tâm. Tỉnh thức ở nơi Thân tức là ngay trong phút giây hiện tại đó Thân đang ở trong trạng thái nào: Đang đi hay đang đứng, ngồi, nằm ….hoặc bụng đói, nhức đầu v.v…thân thể đau nhức hay dể chịu v.v.. Còn tỉnh ở nơi Tâm tức là Tâm đang tư tưởng nghĩ suy gì đang tham muốn, hay hối hận điều gì v.v.. Thân xác là vật chất vô tri, nó chỉ là cái dụng cụ, là phương tiện để cho Tâm phát huy, bởi vậy tỉnh hay không tỉnh hoàn toàn là do ở nơi Tâm tức do tư tưởng và cũng chính là nó mà đã hình thành nên “ Cái Tôi”…đáng ghét, cội nguồn của mọi thứ lo lắng sợ hãi. Bao lâu tư tưởng còn khởi là còn có “ Cái Tôi” mà còn có “ Cái Tôi” thì chẳng bao giờ có thể hết lo, hết sợ. Tuy nhiên nói như thế không phải là muốn hết lo thì phải dứt bỏ cho bằng hết tư tưởng ? Hoàn toàn không phải vậy, tư tưởng không thể dứt mà chỉ có thể chuyển hóa nó thông qua con đường tỉnh thức. Thân đang đi đứng nằm ngồi, đau bụng, nhức đầu thì biết là thân đang đi đứng nằm ngồi đau bụng nhức đầu v.v.. Biết ở đây có nghĩa là quan sát những hành vi tư tưởng nó đang diễn ra như thế nào bằng một thái độ khách quan, coi nó như một đối tượng bên ngoài mình. Để có thể quan sát bất cứ thứ gì thì trước hết cần phải ở một nơi vị trí cố định. Muốn nhìn dòng nước chảy trên đó có bèo dạt hoa trôi thì ta cần phải đứng ở trên bờ. Còn như nếu cũng bị cuốn trôi theo hoa theo bèo thì không thể …nhìn. Đối với các sự vật hữu hình, hữu tướng đã vậy còn như quan sát tư tưởng là thứ vô hình thì còn khó gấp bội. Phương pháp của Thiền tông là sử dụng Công án ( Kung an ) tức là một câu gây sốc hoặc vô nghĩa nào đó chẳng hạn như Phật là cái que cứt khô hoặc thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay ?. Những câu nói đó khiến cho tư tưởng người tu cứ xoáy sâu tập trung vào đó để đợi đến khi có cơ duyên tư tưởng sẽ dứt bặt để mở đầu cho một tiến trình khai ngộ. Con đường Thiền tông là đường triệt để phá chấp hoàn toàn dựa vào tự lực vì vậy rất khó. Trái lại với Tịnh độ tông PG hay Công giáo chúng ta thì chọn con đường tín thác vào tha lực nên rất dễ. Tịnh độ dùng câu niệm “ Nam mô A di đà Phật” là phương thế tu trì. Còn Công giáo thì đọc kinh nhất là lần chuỗi Mân Côi. Mục đích cốt lõi của việc đọc kinh chính là để chuyển hóa tư tưởng tức là chuyển từ Ý riêng sang Ý Chúa. Sở dĩ do nơi đọc kinh mà có thể chuyển được như thế là bởi Kinh tức là Lời Chúa mà Lời Chúa thì được ví như một thứ gươm báu “ Vì lời ĐCT là lời hằng sống, linh động sắc hơn gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người, chẳng có vật thọ tạo nào không đượctỏ ra trước mặt Ngài nhưng thảy đều trần trụi và mở ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải khai trình” Dt 4, 12 – 13.)

“ Vật thọ tạo” ở đây chính là đủ loại tư tưởng từ thô đến vi tế. Không một vật thọ tạo nào mà không được tỏ ra tức mọi tư tưởng sẽ được nhận diện ngay khi nó vừa chợt khởi. Người có hành động trộm cắp cướp giật là vì y ta đã chất chứa ở nơi mình quá nhiều tư tưởng gian tham, ngược lại nếu không có tư tưởng tham thì sẽ không thể có hành vi trộm cắp cướp giật. Là người chắc hẳn không nhiều thì ít ai cũng có tư tưởng tham sân nhưng nếu nhờ vào Ơn Chúa biết dừng ngay nó lại thì tội sẽ không phạm mà tội đã không phạm thì không một địch thù nào có thể hại được ta dù cả thế lực của Hỏa ngục. Đạo Chúa là con đường chuyển hóa và sự chuyển hóa ấy chỉ có thể thực hiện với sự chuyên cần tỉnh thức “ Hãy tỉnh thức cầu nguyện luôn kẻo các ngươi phải sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối” Mc 14, 38.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts