SỐNG  GỬI  THÁC  VỀ

          Về mối tương quan giữa khủng hoảng đức tin và văn hóa, Chritopher Dawson viêt trong cuốn The Crisis of Western Education ( Cuộc khủng hoảng giáo dục Phương Tây – 1961 ): “ Văn hóa Ki Tô giáo là hiện thân của Ki Tô giáo trong các định chế xã hội cũng như các khuôn mẫu về lối sống và tác phong. Do đó  đối với hầu hết người Công giáo, nền văn hóa này như tình cờ vớ được chứ không hẳn do dạy dỗ và nó đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho niềm tin của người Công giáo” ( Vietcatholic News – 25/5/2023 – Vũ Văn An – Đạo Công giáo không thể được truyền lại  nếu không có nền văn hóa ).

          Sau khi nêu vấn đề mối tương quan giữa đức tin và văn hóa, tác giả bài báo ( Vũ Văn An ) đã đưa ra giải pháp làm sao để có thể vực dậy đức tin đã mất: “ Ngày nay có đất canh tác nào để ít nhất một số hạt giống Công giáo có thể sống sót và đâm hoa kết trái ? Tôi tin rằng  một khu vườn hình tam giác được chăm bón bằng ba chất dinh dưỡng: Gia đình, giáo xứ và trường học Công giáo có thể cung cấp đủ đất màu mỡ cho việc phản văn hóa phát triển. Cả ba với những điểm nhấn độc đáo của chúng có thể cung cấp các yếu tố văn hóa cần thiết  để hỗ trợ đức tin phát triển nơi cha  mẹ và con cái của họ” ( Vietcatholic News 25/5/2023 – Vũ văn An đã dẫn ).

          Trong ba chất gọi là… dinh dưỡng: Gia đình, giáo xứ và trường học, theo tôi ngày nay chẳng những không còn thích hợp để cho đức tin phát triển, trái lại còn làm cho nó ngày càng hủy hoại. Làm sao có thể không bị hủy hoại với một thực tại đáng buồn như  thế này ?: “ Một thế hệ trước chúng ta  đã than phiền về việc có nhiều người Công giáo không học giáo lý ngồi trên băng ghế nhà thờ. Nhiều con em của thế hệ đó hiện là thế hệ thiên niên kỷ ( Milennials ) đã trôi dạt từ chỗ không học giáo lý đến chỗ không đi nhà thờ. Họ hiếm khi tham dự Thánh Lễ và con cái của họ cũng vậy. Số liệu thống kê xác định những bậc cha mẹ này nằm trong số những nhóm ít tôn giáo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đối với họ, đức tin Công giáo là một khái niệm mơ hồ như vật lý lượng tử hay phép vi tích phân” ( Vietcatholic News – 25/5/2023 – Vũ Văn An đã dẫn ).

          Thực trạng nêu trên nói về những gì đã và đang xảy ra với  người Công giáo sống tại nước Mỹ nhưng thật ra nó cũng đúng cho Việt Nam chúng ta và mọi nơi khác dù rằng nó có thể ít trầm trọng hơn. Tại sao nói nó có thể đúng cho mọi nơi khác ? Bởi  thực chất  của vấn đề không hệ tại ở việc học giáo lý  hay là  siêng năng tham dự Thánh Lễ nhưng điều quan trọng ở chỗ là giáo lý ấy dạy dỗ về điều gì cũng như  việc tham dự Thánh Lễ có đem lại ơn ích nào hay không mà thôi !

          Nói cách  dễ hiểu, mục đích việc học giáo lý là để biết những lý lẽ trong đạo hầu đem ra thực hành và sự thực hành ấy  chỉ có mục đích duy nhất là để cho ta được Rỗi Linh Hồn ! Ngoài mục đích ấy ra, tất cả chỉ là phù phiếm vô ích. Với việc tham dự Thánh Lễ cũng vậy cũng chỉ có mục đích đem lại sự sống đời đời: “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là bánh từ trời xuống chẳng phải như thứ tổ phụ ( các ngươi ) đã ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).

          Để đạt được kết quả trong bất cứ lãnh vực nào dù là kinh tế, chính trị hay tôn giáo. Trước hết người ta cần phải biết đến  cái mục đích  việc mình làm. Có xác định mục đích  và cố gắng để đạt mục đích ấy thì mới đem lại kết quả, trái lại thì không…

          Nếu trong lãnh vực đời thường để đạt thành công nhất định cần phải biết mục đích việc mình làm  thì trong lãnh vực tâm linh biết được mục đích việc sống đạo của mình lại càng vô cùng cần thiết hơn nữa. Tại sao ? Bởi vì những mục tiêu mà con người nhắm  đến ở cõi thế gian này nó đều mang tính chất cụ thể có thể cân đo đong đếm được. Chẳng hạn người đi học thì cái đích của họ là tốt nghiệp bằng này cấp kia. Người nông dân cày sâu cuốc bẫm là mong có mùa gặt bội thu. Cha mẹ nuôi con, dạy dỗ chúng để mong chúng được làm người mang lại danh giá cho dòng họ, tông môn v.v…

          Để đạt được những mục tiêu cụ thể, đời thường như thế, con người phải cần rất nhiều nỗ lực nhưng dẫu sao nó còn dễ hơn trong lãnh vực tâm linh. Tại sao ? Bởi vì tâm linh thuộc lãnh vực vô hình, nó hoàn toàn khác với đường đời. Đi trên đường đời ( đường bộ, đường thủy, đường hàng không ) người ta có bảng chỉ đường có hoa tiêu, la bàn… còn trong đường đạo thì hoàn toàn không có những thứ đó mà chỉ có lòng tin, hy vọng  và lòng cậy trông !

          Tôn giáo cũng gọi là…đạo tức con đường thực hiện tâm linh và để bước đi trên con đường ấy thì điều cần yếu là phải có người dẫn đường chỉ lối và đặt trọn niềm tin vào con người ấy là chính Đức Giê Su Ki Tô, Đấng Chăn Chiên Lành: “ Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Ta là cửa của chiên: hết thảy những kẻ đến trước Ta đều là quân trộm, kẻ cướp nhưng chiên không nghe chúng. Ta là cái cửa, nếu ai bởi Ta mà vào  thì chắc được cứu và sẽ vào ra gặp đồng cỏ” ( Ga 10, 7 -9 ).

          Ở đây Chúa nói một câu xem ra có vẻ khó hiểu. Tại sao  những kẻ đến trước Ngài đều là quân trộm kẻ cướp, những kẻ đó là ai nếu chẳng phải là những triết gia cổ đại Hy Lạp như Parmenit, Phytagor, Democrit, Socrate Platon, Aristote v.v…? Sở dĩ những triết gia ấy bị cho là quân trộm kẻ cướp  bởi vì tất cả họ chỉ nói triết lý, bàn xuông về lẽ huyền vi vũ trụ, nguyên ủy  của nó là gì  mà không hề nói đến cái lẽ sống chết ở đời, con người ta sinh ra bởi đâu, sống trên đời để làm gì và chết rồi đi đâu ???

          Chỉ bàn về những lẽ siêu hình mà không bận tâm gì về cuộc hiện sinh, điều đó thật là vô ích, nó chẳng liên quan gì đến những nỗi khổ đau của con người. Đang khi đó Chúa Giê Su nói  chỉ có một việc đáng phải quan tâm, Ngài nói: “ Ớ Mattha, Mattha ngươi lo lắng và bối rối về nhiều điều quá nhưng chỉ có một điều cần yếu mà thôi. Maria đã lựa chọn phần tốt nhất là phần không ai có thể đoạt lấy của nàng được” ( Lc 10, 41 -42 ).

          Có thể nói, người ta sống ở đời không ai lại không có những mối lo toan. Người nghèo thì lo sao cho có cái ăn cái mặc, nhà ở, công ăn việc làm…Người giàu thì lo kiếm tiền, giàu càng giàu hơn nữa…Người làm chính trị thì lo tranh đấu nhân sinh nhân quyền này nọ…

          Suy cho cùng thì tất cả những mối lo toan ấy chung quy cũng chỉ là lo chuyện thế gian mà lo chuyện thế gian thì rút cục cũng chỉ là lo cho “Cái Tôi” ích kỷ nhỏ nhen mà thôi. Quy về “Cái Tôi” ở đây thật ra cũng chỉ là lo sao cho cái thân xác thịt này được thỏa mãn ấm no. Lo cho tấm thân được no đủ, khỏe mạnh nhưng  rồi ra chẳng một ai lại tránh khỏi cái chết và chết rồi thì bụi đất lại trở về đất bụi làm mồi cho dòi bọ rúc tỉa ???

          Thân phận con người sống trên cõi đời buồn vui lẫn lộn  nhưng nói chung là khổ. Điều này đã  được Đức Chúa phán quyết sau khi nguyên tổ phạm tội vì  không vâng lời: “ Người phán cùng người nữ Eva rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần  trong cơn thai nghén. Ngươi sẽ phải chịu đau đớn mỗi khi sinh con. Sự dục vọng của ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi. Người lại phán cùng Adam rằng: Vì ngươi đã nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã cấm không được ăn. Vậy đất sẽ bị nguyền rủa vì ngươi. Trọn đời ngươi phải khó nhọc mới có vật đất sinh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và  cỏ lác…Ngươi phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn cho đến ngày ngươi phải trở về  đất  là nơi mà ngươi sanh ra, vì ngươi là bụi đất sẽ trở về với đất bụi” ( St 3, 16 -16 ).

          Lo toan vất vả suốt cuộc đời để rồi dù muốn hay không  cũng phải  đối diện với cái chết  mà không biết mình sống trên đời để làm gì. Chính vì không biết mình sống trên đời để làm gì thế nên triết gia Hiện Sinh  Jean Paul Sartre  mới cho rằng cuộc đời hoàn toàn phi lý và không có ý nghĩa gì cả.

          Nếu quả thật cuộc đời là vô nghĩa, chết là hết chuyện thì không thể có văn hóa, nghệ thuật, triết học, cũng như tôn giáo. Tuy nhiên chết đâu phải là hết  và cũng  chính vì…chết không phải là hết nên Thánh Phao Lô cho rằng đời sống tôn giáo ví như một cuộc…chạy đua về với vĩnh cửu: “ Anh em há chẳng biết rằng những kẻ chạy nơi trường đua đều chạy cả nhưng chỉ có một người giật giải hay sao ? Vậy anh em phải chạy cách nào cho giật được giải ! Mọi người đấu sức trong cuộc đua thì tiết chế mọi sự và họ làm vậy chẳng qua là để lãnh mão miện hay hư nát. Còn chúng ta thì để lãnh nhận mão miện chẳng hay hư nát” ( 1C 9, 24 -25 ).

          Đối với những người đầu tắt mặt tối,  ngày này tháng nọ lo cơm áo gạo tiền  để rồi có ngày…lăn ra chết thì không nói làm gì, phần số của họ là như vậy. Còn  những  hạng người  được cho là xuất chúng, làm nên những giá trị  đáng được đời ngưỡng mộ như các công trình nghệ thuật những tác phẩm văn học lẫy lừng thì sao ? Chắc chắn họ cũng phải chung  hoàn cảnh  Sinh Lão Bệnh Tử như mọi con người khác nhưng số phận  đời đời của họ sẽ ra sao ?

          Trong lãnh vực tôn giáo, tất cả đều bình đẳng trước cái chết, không phân biệt giàu nghèo, thông minh hay ngu dốt nhưng vấn đề là họ có tên trong Sách Sự Sống hay không ?“ Kẻ đắc thắng  sẽ được mặc áo trắng  như vậy, Ta hẳn chẳng xóa tên ngươi  khỏi danh sách Sự Sống  nhưng Ta sẽ thừa nhận tên ngươi  trước mặt Cha Ta cùng trước mặt các thiên sứ Ngài” ( Kh 3, 5 ).

          Sách Sự Sống ở đây ám chỉ cho Nước Thiên Đàng Hằng Vui Hằng Sống ( Cực Lạc ) hay còn có tên khác là Nhà Cha mà Chúa Giê Su đã hứa ban cho những kẻ có lòng tin, yêu đến Ngài: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin Thiên Chúa thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ, bằng chẳng vậy thì Ta đã chẳng từng nói với các ngươi: Ta đi để  sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).

          Chúa nói: Ta đi có nghĩa là Ngài ra đi chịu chết cho phần rỗi linh hồn của mỗi người. Chúa tự ví mình như hạt lúa miến:“ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: Nếu hạt lúa mì mà chẳng rơi xuống đất, chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình nhưng nếu chết đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt” ( Ga 12, 24 ).

          Chúa chết, một cái chết vô cùng đau thương nhục nhã nhưng cũng chỉ qua cái chết ấy mới có thể trở nên  của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn con người: “ Ta là bánh của sự sống. Ai đến cùng Ta hẳn chẳng hề đói. Ai tin Ta thì chẳng hề khát” ( Ga 6, 35 ). Đói, khát ở đây cố nhiên không phải là đói, khát phần xác nhưng là tâm linh. Thế nhưng con người chỉ thực sự cảm nhận  sự đói khát ấy  khi nhận ra tình trạng khốn quẫn của mình giống như trong Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng: “ Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng: Biết bao người làm thuê cho cha ta được bánh ăn dư dật còn ta đây thì lại phải chết đói” ( Lc 15, 16 -17 ).

          Người ta chỉ thực sự dấn thân trên con đường thực hiện tâm linh một khi nhận ra ( tỉnh ngộ) về tình trạng khốn quẫn của mình. Dẫu có nhiều hoàn cảnh và ơn soi sáng khác nhau nhưng các thánh đều là những con người đã tỉnh ngộ, nhận ra sự mê lầm giả trá của thế gian, quyết lòng theo Chúa để lo phần rỗi linh hồn mình và cho tha nhân. Bởi đó, thánh Phao Lô đã đưa ra lời khuyên: “ Hỡi anh em, xin anh em hãy lo lắng cho phần rỗi linh hồn vì nó hệ trọng hơn mọi thứ khac” ( 1Tx 4, 10 ).

          Để nên được Thánh thì phải lo việc rỗi linh hồn, ngược lại không lo cho việc ấy thì thật là khờ dại nếu không muốn nói là…điên. Thánh Euke nói: “ Chẳng có tội nào  khác  ví bằng tội trễ nãi việc rỗi linh hồn. Ở đời cho dù ta gặp nhiều tai ương hoạn nạn, ta cũng còn có phương cứu chữa. Mất của, mất công ăn việc làm hay bị cách chức, ta còn mong co ngày khôi phục hay tìm lại được. về phần rỗi linh hồn của ta cũng thế, cho dẫu ta có bị thiệt mất mạng  sống đời này mà được hưởng sự sống đời đời thì đó là sự sung sướng nhất cho ta. Trái lại nếu ta đánh mất sự sống đời đời  thì ta chẳng  còn mong tìm lại được nữa” ( Thánh An Phong – Việc Rỗi  Linh Hồn ).

          Chúa nói: Chỉ có một việc cần  đó là lo việc rỗi linh hồn. Thế nhưng tại sao người ta lại chỉ lo chuyện thế gian và ngay đến cả thần học cũng…rêu rao chuyện Tục Hóa ( De’sacralisation ) ? Nguyên nhân sâu xa là vì đã không tin vào Chúa Giê Su Ki Tô và sứ mạng của Ngài: “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo ý Đấng đã sai Ta. Đây là ý chỉ của Đấng đã sai Ta: Phàm kẻ nào Người đã ban cho Ta thì Ta sẽ chẳng để mất một ai nhưng Ta sẽ khiến họ sống lại nơi ngày sau rốt” ( Ga 6, 38 -39 ).

          Chỉ những ai được Cha…ban cho mới có thể đến được với Đấng Ki Tô và đến với Ngài là để được giải thoát ra khỏi chốn thế gian mê lầm  hầu được vào cõi sống vinh hiển đời đời. Nói Chúa đến để giải thoát thật ra cũng đúng mà cũng không đúng bởi vì nếu Chúa đến để giải thoát thì lẽ ra phải giải thoát tất cả dù họ có tin hay không tin ? Thế nhưng thật sự thì không phải vậy và sự giải thoát chỉ đến cho những ai nhận biết sự thật tức tỉnh ngộ. “ Chúa phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Không phải Chúa nhưng là sự thật sẽ giải thoát  vậy sự thật ấy là gì ? Câu hỏi này đã được Philato nêu lên với Chúa Giê Su trong phiên xử án nhưng Ngài không trả lời vì biết rằng dù có nói thì ông ta cũng chẳng hiểu gì. Chẳng những Philato ngày ấy mà cả cho đến các triết gia đương đại cũng chẳng thể biết. Sở dĩ họ không thể nào nhận biết Sự Thật là vì đã vướng vào  cả hai cái chấp về Thân ( Phiền não chướng ) và về Tâm ( Sở Tri Chướng ).

          Chấp về Thân tức coi cái xác thân này là thật có và vì nó thật có nên ai ai cũng cho nó là rất mực quý giá và mong nó được mãi trường tồn. Còn chấp về Tâm là chỉ biết theo ý riêng mình. Bởi chấp Thân là thật nên cũng cho cõi thế gian này là thật có bởi đó cho nên không cách chi có thể tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng. Tại sao ? Bởi xác thân là cái hữu hạn và ô trọc này làm sao  có thể…về được Thiên Đàng là nơi thanh tịnh, hằng sống: “ Vậy anh em ơi, tôi nói rằng  thịt và huyết chẳng có thể thừa thọ Nước Thiên Đàng được. Sự hay hư nát cũng không thể hưởng được sự không hay hư nát” ( 1C 15, 50 ). 

          Chấp xác thân là mình đó là trở ngại rất lớn về đức tin khiến việc sống đạo không còn ý nghĩa gì nữa: “ Vậy chúng ta hãy vững lòng luôn luôn vì biết rằng khi chúng ta còn ở trong thân thể này  thì xa cách Chúa. Vì chúng ta bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy. Vậy thì  chúng ta hãy vững lòng, thà nguyện  lìa khỏi thân thể này để ở cùng Chúa thì hơn. Cho nên chúng ta  hoặc còn ở hoặc lìa khỏi cũng hãy lập chí cho đẹp lòng Ngài. Bởi lẽ chúng ta hết thảy  đều phải ứng hầu trước tòa án của Đấng Ki Tô hầu cho mỗi người nhận lãnh những điều mà bản thân đã làm  theo như sở hành hoặc thiện hoặc ác vậy” ( 2C 5, 6 -10 ).

          Thân xác cũng như  cõi thế gian  chỉ là thứ phù du, ảo mộng, tất cả do duyên mà hợp nhưng cũng do duyên mà tan. Cái ….duyên ấy chính là duyên nghiệp bởi đó mà nói do nghiệp duyên mà chúng ta sinh ra trong đời nhưng cũng do nghiệp duyên mà chết và chính do nơi  cái  duyên hợp, duyên tan ấy  chúng ta nói “ Sống Gửi, Thác Về )

          Sống đạo là sống cuộc trở về và việc trở về ấy là về nơi chốn nào đó tùy theo nghiệp thiện hay ác mà mình đã tạo tác trên cõi đời này. Để thực hiện việc trở về ấy, Đức Ki Tô đòi hỏi mỗi người cần có sự từ bỏ: “ Như vậy, hễ ai trong các ngươi  không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Mọi sự mình có ở đây có thể là tài sản, sự nghiệp nhà cửa, ruộng vườn v.v…mà cũng có thể là những tình cảm quyến luyến thế gian, gia đình cha mẹ vợ con anh em, bạn bè… “ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai  yêu mến con trai hay con gái hơn Ta cũng không đáng cho Ta. Ai không vác thập tự giá mình theo Ta thì cũng không đáng cho Ta. Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ  tìm  lại được” ( Mt 10, 37 -39 ).

          Những tình cảm quyến luyến dù có cao đẹp đến đâu nhưng chúng là những trở ngại lớn lao cho con đường giải thoát nhất là trong cơn hấp hối, thập tử nhất sinh dù chỉ khởi một niệm trần lao cũng không thể về với Chúa. Phần khác Chúa đòi hỏi cần có sự từ bỏ bởi vì Đạo Chúa là Đạo Xuất Thế Gian: “ Con đã ban đạo Cha cho họ mà thế gian ghét bỏ họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác. Họ không thuộc về thế gian  cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ Nên Thánh, Đạo Cha là lẽ thật” ( Ga 17, 14 -17 ).

          Chúa không xin Cha cất chúng ta khỏi thế gian có nghĩa những người theo Chúa Ki Tô vẫn sống cuộc đời như mọi người khác, chu toàn bổn phận đối với gia đình, xã hội và tổ quốc  nhưng không nhiễm những thói hư tật xấu của thế gian. Tuy nhiên sống ở đời mà không vướng tục lụy là điều rất khó, không có ơn Chúa không ai có thể làm được. Bởi đó cho nên chúng ta rất cần có Giáo Hội hiểu như Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô: “ Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không ở trong cây nho thì không thể tự kết quả được. Nếu các ngươi không cứ ở trong Ta  thì cũng vậy. Ta là cây nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta  thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy, quăng vào lửa” ( Ga 15, 4 -6 ).

          Sống đạo là sống cuộc hành trình đức tin với mục đích làm sao để ta được ở trong Chúa và Chúa ở trong ta. Muốn thực hiện được điều này thì không có con đường nào khác là  phải “ Bỏ Mình”  tức bỏ ý riêng mình đi. Bỏ đi ý riêng để thực thi Thánh Ý Chúa đó là cốt tủy của việc Nên Thánh.

          Tuy nhiên vấn đề  quan trọng ở chỗ là làm sao biết đâu là ý riêng đâu là Ý Chúa ? Cần phải biết đâu là ý riêng thì mới có thể bỏ. Trái lại không biết đâu là ý riêng  thì không những không thể bỏ được lại còn lầm ý riêng là Ý Chúa !!!  Nhà Thiền đưa ra nguyên tắc để biết đâu là ý riêng tức vọng tưởng đâu là  Ý Chúa  tức  Tri Kiến Phật đó là “ Thủy sanh ba, ba tàn hoàn thủy”.

          Nước sanh sóng là nhờ ở gió. Gió lặng sóng lại trở về nước. Sóng thì có sóng bạc đầu, sóng lăn tăn  tức có hình có tướng. Còn nước thì không có hình có tướng gì cả tượng trưng cho Tánh Biết. Thời nay người ta chỉ chuộng hình tướng mà quên đi  bản tánh  tức Tánh Biết  vẫn luôn có ở nơi mình.

          Bản tánh chân thật luôn có ấy Chúa Giê Su  xưng tụng là Đấng Cha Hằng Hữu cũng chính là Thiên Chúa của các tổ phụ: “ Thiên Chúa của Apraham của Isaac và của Gia Cop ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).

          Thiên Chúa của các tổ phụ cũng là Thiên Chúa của lời hứa và lời hứa ấy trong Cựu Ước là Đất Hứa Canaan còn trong Tân Ước là lời hứa của Đức Ki Tô chính là Nước Thiên Đàng đời sau. Thiên Chúa của kẻ chết tức là của những khái niệm thần học nó hoàn toàn chẳng dính dáng gì tới Thiên Chúa Cha được Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 )

          Thiên Chúa do Đức Ki Tô mạc khải là Đấng Cha cũng là Đấng Thiên Chúa nội tại trong mỗi người ( Deus Abconditus ) và cũng chỉ với Đấng Chúa Nội Tại ấy, Chúa Giê Su đòi hỏi mỗi người phải hết lòng tìm kiếm và trở về với Ngài. Lại nữa  để trở về với Đấng Thiên Chúa Hằng Sống ấy Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta cần từ bỏ ý riêng mình  tức ma quỷ, xác thịt. Thế nhưng để bỏ được ý riêng mình là điều bất khả nếu không ở trong Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Ki Tô “ Không có Ta các ngươi không thể làm chi được có nghĩa  nên được Thánh !

          Ở trong Giáo Hội, tham dự các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể với tất cả lòng tin yêu tuy vậy là điều rất khó nếu không bỏ được ý riêng mình bằng cách siêng năng thực hành Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy. Kinh Mân Côi đã được giáo hội và rất nhiều các thánh xưng tụng là một thứ thần lực có  sức xua trừ ma quỷ và sở dĩ như thế là vì Đức Maria chính là Người Nữ đạp giập đầu rắn được tiên báo trong Kinh Thánh: “ Đức Chúa phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ  giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Kinh Mân Côi dành cho tất cả mọi người, già trẻ, gái trai, trí thức hay thất học  kể cả những người ốm yếu, liệt lào nhưng dù đã được Đức Mẹ nhiều lần hiện ra khuyên nhủ nhưng ngày nay  kinh nguyện này dường như đang đi đến chỗ tàn lụi mà nguyên nhân đưa đến cho nó chính là vì người ta đã không có lòng tin và sự kiên trì.

          Thời nay là thời cuối là thời đức tin phai lạt và khi đức tin không còn thì làm sao  người ta có thể kiên trì với việc lần Chuỗi Mân Côi ? Đang khi đó chỉ có lòng kiên trì, nhẫn nại trong việc hành đạo mới có thể được cứu: “ Vì ngươi đã giữ sự nhẫn nại Ta. Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sắp đến trong khắp thiên hạ để thử những người ở trên mặt đất” ( Kh 3, 10 )./.

Phùng  Văn  Hóa

( Thân tặng anh Phạm Đình Nhiên, người bạn cố tri ).

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts