SỐNG MỘT MÌNH KHÔNG TỐT

“It was not good for the man to be alone.” [1]

“Con người ở một mình thì không tốt.” [2]

“Không tốt, nếu người chỉ có một mình.” [3]

Đọc lại trình thuật sáng tạo, khi Thượng Đế tạo dựng muôn loài, Ngài đem đến cho Adam, ông đã đặt tên cho tất cả, chỉ trừ một tên gọi “đàn bà” là ông chưa đặt cho bất cứ tạo vật nào. Cũng vì thiếu tên này nên ông buồn. Và Thượng Đế đã cứu ông ra khỏi nỗi buồn cô đơn ấy khi dựng cho ông một tạo vật lấy từ chính xương thịt ông.[4] Ông đã reo vui khi đón nhận tạo vật này: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” (2:23)

Điều đã làm cho Nguyên Tổ loài người vui thì cũng làm cho con người trải qua muôn thế hệ vui. Không chỉ là đàn ông hay đàn bà, ở một mình đều không tốt.

Số đông bạn hữu của chúng tôi hoặc trong tình trạng độc thân hay góa bụa cũng phản ảnh tâm lý buồn chán, nỗi cô đơn, và sự lo lắng khi phải ở một mình. Nếu là người lớn tuổi, họ cảm thấy lẻ loi, và cô độc. Nếu là người trẻ tuổi, họ để lộ cảm giác trống trải, lo lắng và muốn tìm cho mình một bờ vai, một điểm tựa trên hành trình cuộc sống. Trong những buổi họp hành, xã giao, rất dễ nhận ra những điểm này phía sau những ồn ào, náo nhiệt, và vui vẻ mà họ như không muốn bỏ lỡ.  

NHU CẦU YÊU VÀ ĐƯỢC YÊU

Một em nhỏ sinh vào đời, việc đầu tiên em cần và kiếm tìm bầu sữa của người mẹ. Những dòng sữa trong lành hòa cùng tình yêu của người mẹ đã làm em cảm thấy hạnh phúc và lớn lên. Em không thể sống và phát triển nếu bị bỏ rơi một mình. Nhu cầu được yêu của em phát triển trước khi nhu cầu yêu – tình yêu mẹ con. Nhưng đối với người mẹ, nhu cầu yêu đã trở nên bản chất của tình mẫu tử. 

Em nhỏ sống một mình không tốt. Trong khi em hạnh phúc đón nhận tình yêu của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, thì hạnh phúc của cha mẹ là trao ra, cho đi, và hy sinh hết mình vì con. Bà mẹ sẽ hạnh phúc biết bao khi con bà uống từng giọt sữa từ bầu sữa mẹ của bà. Những dòng sữa cũng là sức sống, sinh lực, tình thương mà bà chuyền cho con bà. Còn đứa nhỏ, với những dòng sữa mang đậm tình thương đã lớn lên theo tháng năm.

Với tình yêu, em đã được nuôi dưỡng, trải qua những tháng năm của tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi thành niên, và tuổi trưởng thành. Cha mẹ nhìn con với niềm hạnh phúc khi thấy con khôn lớn, nên người, thành công và bước những bước chân vững chãi trên đường đời. Nhưng nếu cha mẹ hạnh phúc và hy sinh cho những đứa con ngoan, đứa con dễ bảo, dễ dậy bao nhiêu, thì ngược lại, cũng chính cha mẹ lại càng yêu thương, chăm sóc, và lo lắng cho những đứa con bệnh hoạn tinh thần cũng như thể xác bấy nhiêu. Có thể nói, tình thương và sự hy sinh cha mẹ dành cho những đứa con này còn nhiều hơn dành cho những đứa con bình thường.

Tóm lại, đứa trẻ lớn lên và trưởng thành không chỉ nhờ vào cơm bánh, mà còn nhờ vào dòng sữa tình thương của mẹ và sự yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Nó không thể tự mình có, tự mình lớn lên, và tự mình phát triển. Tâm lý học đã chứng minh rằng một đức trẻ lớn lên mà thiếu thốn tình thương, nó sẽ mang mãi trong mình mặc cảm bị bỏ rơi, bị quên lãng, một nỗi buồn không gì có thể bù đắp. Theo the National Runaway Switchboard, một cơ quan nhận những điện thoại và để giúp các em bỏ nhà hoặc có ý tưởng bỏ nhà đi hoang, thì 1 trong 7 em tuổi giữa 10 và 18 sẽ bỏ nhà vì một số lý do. Và có 1 tới 3 triệu bỏ nhà và trở thành vô gia cư ngoài đường phố tại Hoa Kỳ. Một trong những lý do đó là:

-Bị hành hung (bạo hành trong gia đình.)

-Cha mẹ ly hôn, ly dị hoặc phải sống với cha mẹ kế.

-Cha mẹ nghiện hút hoặc rượu chè. [5]

Rồi khi đứa trẻ đã đủ khôn lớn, nhu cầu tâm sinh lý và nhu cầu tình yêu triển nở, nó lại đi tìm cho mình một đối tượng để yêu và được yêu. Có thể nói, nhu cầu yêu và được yêu là căn bản của đời sống tự nhiên con người, và nó được phát triển do tình yêu đầu tiên của cha mẹ. Theo Form, tâm lý gia tình yêu, thì tình yêu trai gái, tình yêu hôn nhân là căn bản và cao cả nhất ngoài trừ tình yêu đối với Thượng Đế. Đơn giản vì con người sống một mình không tốt. 

TÌM LẠI CON NGƯỜI THẬT  

Nhờ những mối tương quan gia đình, bạn bè, xã hội, con người sẽ tìm ra những gì mình có và không có, những gì mình còn thiếu sót. Đặc biệt trong tình yêu hôn nhân chân chính, con người còn tìm được một nửa của mình, và với sự hiệp nhất giữa hai mảnh ghép ấy, con người mới thật sự tìm lại con người thật của chính mình.

Văn chương Việt Nam có một từ diễn tả đầy đủ nhất, ý nghĩa nhất về sự kết hợp tình yêu trai gái đó là chữ “mình”. Vợ chồng gọi nhau là mình. Mình ơi! Đây là lối diễn tả chính xác nỗi thao thức của nguyên tổ khi thiếu một nửa của mình. Chính vì thế thay vì gọi Evà là mình, Adam đã gọi bằng một từ mang ý nghĩa vừa thể lý và tâm lý, “xương của xương tôi, thịt của thịt tôi”. Nhờ sự kết hợp xương, thịt, và tâm trí này, người đàn bà hay người đàn ông nào đó khi đã tự tìm được phần còn lại của mình, họ trở nên một, “tuy hai mà một”. Họ trở nên một mà không phải giống nhau.   

Cũng vì là mình – là tôi, nên trong cuộc sống hôn nhân sự hòa hợp, kết hợp thân xác mới có ý nghĩa toàn vẹn và đầy đủ. Không chỉ là nên một trong thân xác mà còn nên một trong tâm hồn. Thánh Kinh mô tả về vẻ đẹp cao trọng của sự kết hợp thân xác, đó là “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau (Sáng Thế 2:25). Chỉ có trong cử chỉ trao đổi, hòa hợp ấy người ta mới không thấy hổ ngươi, mắc cở với chính thân xác mình, và với chính mình.

Về mặt tâm lý, khi hai người nam và nữ hòa hợp với nhau, yêu thương nhau, họ tự nhận ra những khác biệt, tự nhận ra những thiếu sót, và khuyết điểm mà chỉ có tình yêu mới hóa giải được, mới tha thứ, và chấp nhận. Bởi vì khi yêu đúng nghĩa là yêu toàn bộ con người của nhau, yêu cả những ưu và khuyết điểm của nhau. Và ở một nghĩa nào đó, chính những khác biệt ấy lại làm phong phú cho tình yêu, và thăng hoa tình yêu.

Ngoài ra, việc hai người nam và nữ trở nên vợ chồng, trở nên mình của nhau còn đem lại hoa trái của tình yêu đó là con cái. Vì con cái là hồng ân Thiên Chúa ban cho cha mẹ, và cũng là kết quả của tình yêu mà cha mẹ dành cho nhau. Tình dục trong hôn nhân không mang nghĩa của một nhu cầu thấp hèn và tự nhiên, nó mang một sứ mệnh cao cả là sinh sản và bảo tồn nòi giống. “Hãy sinh sản ra nhiều mặt đất, và hãy bá chủ trái đất.” (Sáng Thế 1:28), đó là lệnh truyền, là một đòi hỏi của hôn nhân. Vinh dự này, Thượng Đế ban cho con người qua hành động sáng tạo của họ.

 

KHÔNG AI LÀ MỘT HÒN ĐẢO

Việc con người sống một mình không tốt hiểu theo ý nghĩa xã hội, đó là “Không ai là một hòn đảo.” [6] Con người ai sinh ra cũng mang trong mình nhu cầu và tập tính đoàn thể, xã hội.

Xã hội tính là một phần trong cuộc sống con người. Theo đó, một phần thời gian con người được dành cho những tương giao xã hội, những giao tiếp lành mạnh với những người khác. [7] Bàn về kết quả trước mắt đối với những giao tiếp bạn bè, ca dao tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Giầu vì bạn.” [8]

Với cái nhìn tâm lý học, những người mang hội chứng Autism (Tự Kỷ) là những người mất xã hội tính, và chỉ sống trong thế giới riêng mình. Ở một mức độ cao, hội chứng Antisocial Personality Disorder (Chống đối xã hội) là những suy nghĩ, nhận thức và thái độ bất thường trong giao tiếp với người khác. Những người có lối sống và hành động này có những hành động làm tổn hại hoặc không quan tâm đến những người chung quanh. Anti Social cũng có thể được định nghĩa như một hình thức vi phạm những quyền lợi căn bản của người khác, và nó cũng được coi như việc làm phiền người khác trong xã hội. [9]   

Sống trong tâm trạng “ốc đảo”, với tư tưởng không làm phiền ai, và do đó cũng không muốn ai phiền mình là một lối sống lệch lạc. Là con người thì làm sao tránh khỏi phiền người khác và có lúc bị người khác làm phiền? Làm sao không phải mang ơn người khác, và ở một nghĩa nào đó cũng là ân nhân của một số người?

 

KẾT LUẬN

Tóm lại do tình yêu con người được vào đời, và do tình yêu con người lớn lên, trưởng thành và bước đi trên hành trình cuộc sống. Nhưng con người không bước đi đơn lẻ. Từ khi sinh ra cho đến chết đã mang ơn Trời, ơn đời, và ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục ra mình. Do đó, xã hội tính là một tính chất cần thiết để con người có thể sinh hoạt và chung sống với nhau.      

Chúng ta không nói đến những quan niệm và lối sống vong thân của nền văn hóa sự chết ngày nay, bao gồm những suy nghĩ và lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính, chuyển giới, hoặc tệ nạn phá thai. Nhưng có ít nhất những giá trị của cuộc sống mà không ai có thể phủ nhận lời của Thiên Chúa, “con người sống một mình không tốt”. Đó là cuộc sống tình yêu trong hôn nhân chân chính, tình bằng hữu và những tương quan xã hội lành mạnh.

_________

Tài liệu tham khảo:

1.Genesis 2:18. Saint Joseph Edition of The New American Bible. Catholic Book Publishing Co., New York. 

2.Thánh Kinh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước. Tòa Tổng Giám Mục tp HCM thực hiện, 1998.

3.Kinh Thánh. Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng Chúa Cứu Thế, 1976.

4.x.Khởi Nguyên 2:18-22.

5.https://kidshealth.org › kids › running-away.

  1. No Man Is an Island, a 1955 book by the Trappist monk Thomas Merton.
  2. “Social life.” Merriam-Webster.com.

8.Ca Dao, Tục Ngữ. Ôn như Nguyễn Văn Ngọc.

  1. https://en.wikipedia.org› wiki › Anti-social_behaviour.

 

  Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt

Chia sẻ Bài này:

Related posts