SỐNG MỘT MÙA CHAY THÁNH THỂ

Mùa Chay mời gọi chúng ta dấn thân vào một cuộc hành trình tâm linh giống như vào nơi hoang địa. Nó thúc giục chúng ta gắn bó với việc thực hành ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái của Chúa Giêsu. Đây là một mùa để ăn năn hoán cải và sống đức tin. Mùa Chay năm nay có một ý nghĩa rất đặc biệt vì nằm trong Năm Phục hưng Giáo xứ của kế hoạch Phục hưng Thánh Thể. Bởi vì Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, nên Mùa Chay không những phải dẫn chúng ta đến với Thánh Thể và nhận lấy sức sống từ Thánh Thể, mà còn chuẩn bị cho chúng ta chu toàn sứ vụ đem Thánh Thể vào thế gian để cho thế gian được sống. Vì thế, bài này đề nghị một cách sống Mùa Chay qua lăng kính Thánh Thể.

  1. Ăn Chay

Việc thực hành đầu tiên trong Mùa Chay là Ăn chay. Nó bắt nguồn từ những Lời của Chúa Giêsu vào Thứ Tư Lễ Tro: “Khi ăn chay…” (x. Mt 6:16-18). Thay vì chỉ là những vẻ bên ngoài, Chúa Giêsu mong muốn việc ăn chay của chúng ta ảnh hưởng đến tất cả các bình diện của chính đời sống chúng ta, đặc biệt là những bình diện chưa được kết hợp với Người, những nơi mà Người còn vắng mặt.  

Ăn chay, như Thiên Chúa đã phác hoạ qua lời các ngôn sứ Giêrêmia và Isaia, là một phương tiện để nuôi dưỡng lòng khao khát Thiên Chúa và những gì Ngài mong muốn. Việc thực hành ăn chay trước khi Rước Lễ của Hội Thánh nhằm mục đích hướng sự đói ăn của chúng ta đến lương thực vĩnh cửu của Thiên Chúa, là Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu đã khuyến khích: “Đừng làm việc vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6:27). Việc ăn chay trước khi Rước Lễ của chúng ta phục vụ mục đích chung cuộc là hướng ước muốn của chúng ta về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Thánh Thể sắp sửa được hiện tại hoá trong Thánh Lễ mà chúng ta sẽ tham dự. Tuy nhiên, cơn đói Thịt và Máu Chúa Giêsu còn vượt qua Thánh Lễ. Nó kéo dài thành một đời sống Thánh Thể; biến từng giây phút của đời mình thành của lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa.

  1. Cầu Nguyện

Chủ đề thứ hai cùa Mùa Chay là Cầu nguyện.  Chúa Giêsu mời chúng ta rút về nơi thanh vắng trong một thời gian ngắn để kết hợp với Người. Giống như Chúa Thánh Thần đã dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa, Mùa Chay khuyến khích chúng ta noi theo, đối diện với những phiền nhiễu trong sự im lặng thánh thiện và tập trung vào căn tính cùng các mối liên hệ của chúng ta. Trong cầu nguyện, chúng ta để Đức Kitô hướng dẫn mình sửa lại những méo mó do ma quỷ gây ra.

Trong cầu nguyện, sự tôn thờ và phụng sự Chúa trở thành những điều then chốt. Việc Chầu Thánh Thể giúp chúng ta đập nát các thần tượng đang luẩn khuất chung quanh chúng ta như tiền tài, danh vọng, nhất là tính ích kỷ…. Nó giúp chuyển hướng tập trung của chúng ta từ những theo đuổi trần thế sang những ưu tiên dành cho Thiên Chúa. Việc dành thì giờ để Chầu Thánh Thể và cầu nguyện trong Mùa Chay giúp chúng ta kết hợp mọi khía cạnh của cuộc sống với Thiên Chúa, bảo đảm rằng chỉ có Ngài là Thiên Chúa của chúng ta.

  1. Làm Việc Bác Ái

Việc thực hành thứ ba trong Mùa Chay là Bố thí hay làm việc Bác ái, phản ánh việc Chúa Giêsu tự hiến trong Bí tích Thánh Thể. Giống như Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và làm cho bánh và cá hoá ra nhiều, sự tiếp xúc của chúng ta với Người trong Bí tích Thánh Thể thúc đẩy chúng ta hướng tới các việc Bác ái bằng bằng cách nhìn thấy Người trong tha nhân. Hành động Bác ái này liên quan đến việc cùng với Chúa Giêsu hiến dâng những hy sinh nhỏ mọn hằng ngày, và nếu cần thì chính mình và máu của chúng ta, vì hạnh phúc của người khác, noi gương Người vào Tam Nhật Thánh.

  1. Ra đi Truyền Giáo

Việc chia sẻ đức tin, đúng ra là một phần của các việc Bác ái, trở thành chủ đề cuối cùng của Mùa Chay. Nó bao gồm cả các việc Thương Linh Hồn. Mùa Chay là thời gian để canh tân, không những chỉ cách nên thánh mà còn cả sứ vụ Kitô hữu nữa. Mối tương quan Thánh Thể của chúng ta với Chúa Giêsu biến đổi chúng ta thành những sứ giả của Người. Nó thúc đẩy chúng ta chia sẻ Tin Mừng và công bố Mầu Nhiệm Đức Tin, đặc biệt là truyền bá việc Phục hưng Thánh Thể đến cho càng nhiều người càng tốt, nhất là những người trong Giáo xứ chúng ta, ngõ hầu tình yêu Chúa Thánh Thể tràn ngập và đốt cháy thế gian.

Tóm lại, Mùa Chay này mang đến một cơ hội thiêng liêng để tái quyết tâm sống những chiều kích Thánh Thể thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Qua việc ăn chay, chúng ta khao khát Đức Kitô trong Thánh Lễ.  Qua việc cầu nguyện, chúng ta tôn thờ Người trong và ngoài Thánh Lễ. Được Người thúc đẩy, chúng ta dấn thân vào các việc bác ái Thánh Thể, hy sinh cho tha nhân như Chúa đã hy sinh cho chúng ta.  Và được Người ủy thác, chúng ta loan truyền việc Phục hưng Thánh Thể đến cho nhiều người để họ nhận ra sự hiện diện yêu thương của Người qua lời nói và đời sống của chúng ta. Kết quả là Người sẽ biến đổi thế gian qua những việc làm nho nhỏ của mỗi người chúng ta.

Câu hỏi để suy nghĩ

  1. Có khi nào bạn nghĩ về ý nghĩa của việc ăn chay một tiếng đồng hồ trước khi rước Lễ chưa? Bạn sẽ làm gì để biến thời gian này thành thời gian khơi lại lòng khao khát Thiên Chúa trước khi rước Lễ?
  2. Bạn thờ phượng Chúa thế nào trong và ngoài Thánh Lễ?  Bạn sẽ thay đổi cách cầu nguyện của bạn ra sao để phù hợp với tinh thần Thánh Thể?
  3. Bạn quyết tâm làm những việc bác ái nào mỗi ngày trong Mùa Chay? Bạn áp dụng Linh đạo Thánh Thể vào những việc bác ái này thế nào?
  4. Bạn có thể tham gia vào việc truyền bá Phục hưng Thánh Thể không? Bạn có thể bạn giới thiệu chương trình Phục hưng Thánh Thểphuchungthanhthe.org đến ít là 5 người bạn quen mỗi tuần bằng email, tin nhắn hay FaceBook, đặc biệt là những người trong gia đình hay trong các hội đoàn và giáo xứ của bạn không?

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Chia sẻ Bài này:

Related posts