“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng ngay sau đó chính ngài lại can ngăn con đường Cứu Độ của Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22). Mạnh mẽ tuyên xưng nhưng lại nhút nhát, can đảm tuyên xưng nhưng lại sợ hãi. Vì sao vậy? Bởi lẽ, trong Phêrô còn mang những giấc mộng hoàn toàn trần tục, còn bị đeo đuổi bởi những ước muốn ham danh hưởng lộc ở đời. Tư tưởng đó chỉ có thể xuất phát từ mưu chước của ma quỷ. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã quở trách Phêrô: “Sa tan, hãy lui ra đàng sau Thầy” (Mt 16, 23).
Phêrô bị trách móc vì không biết điều quan trọng mà Chúa Giêsu sắp làm, vì nghĩ rằng theo thầy sẽ được hưởng vinh hoa phú quý ở đời này, vì nghĩ rằng mình cũng được san sẻ phần nào quyền lực trong việc thống trị khi Chúa Giêsu lên làm vua. Vâng, Đó là những suy nghĩ đơn thuần của một con người mà mỗi chúng ta hôm nay cũng không dễ gì tránh khỏi.
Nhưng chúng ta phải xác tín rằng: Kẻ tin Chúa còn phải là kẻ chấp nhận bước đi theo Đức Kitô. Con đường Chúa sẽ đi ở đây là đường Thập giá, đường chịu nạn, đường tự hủy chính mình mà theo ý Cha, chứ không phải con đường của dễ dãi, sung sướng, cũng chẳng phải của danh vọng, quyền lực trước mắt như ma quỷ và thế gian hằng tìm kiếm. Mà đó là con đường đưa tới sự thật và hạnh phúc đích thực.
Lời Chúa mời gọi chúng ta trước hết cần cảnh giác với thế quyền: nước đôi, thỏa hiệp, vốn là những cơn cám dỗ triền miên của Giáo hội. Trong lịch sử, đã không ít lần Giáo hội gặp sóng gió, bị sa sút, đó là những lúc Giáo hội bắt tay với thế quyền, rập khuôn theo và mặc lấy những hào nhoáng của thế quyền. Tuy nhiên, sức mạnh và hình ảnh đích thực của Giáo hội không phải là số đông những người mang danh hiệu Kitô, không phải là những cuộc biểu dương rầm rộ hay con số những giáo đường nguy nga đồ sộ, lại càng không phải là những “đặc ân” mà chính quyền ban phát cho. Giáo hội đích thực của Chúa Kitô là Giáo hội phục vụ và phục vụ cho đến cùng, Giáo hội yêu thương và yêu thương cho đến hiến mạng sống mình vì yêu. Nghĩa là đi lại con đường thập giá của Chúa Giêsu. Có như thế, chúng ta mới có thể sống một đức tin sống động như Chúa hằng mời gọi.
Tiếp đến, chúng ta cũng cần cân nhắc, cuộc đời bước theo Chúa là con đường băng qua những sa mạc về Đất hứa. Đã là sa mạc thì không đơn gian chút nào, bởi thế trên con đường đó không thiếu gì lúc Chúa muốn thử thách ta về đức tin hoặc chính chúng ta sa sút về đức tin vì mệt mỏi, chán chường, vì đau khổ, bất công… Những lúc như vậy ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu – Người đã bước đi trọn vẹn con đường Thập giá, chính Người sẽ thấu hiểu những khó khăn mà những thân phận yếu đuối đang gặp phải. Đến với Ngài, chúng ta sẽ được nâng đỡ đức tin yếu kém và Ngài sẽ tiếp tục lôi kéo chúng ta đi sát bên Ngài trên con đường của kiếp người lữ hành. Dù đau khổ, thiệt thòi, dù gian truân, vất vả nhưng với ước mong và xác tín như vậy, Thần Khí Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả những sợ hãi, thử thách trên con đường tiến về Quê Trời.
“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt16, 15). Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ ngày xưa nhưng cũng là lời chất vấn đối với mỗi người chúng ta hôm nay. Nếu Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng là Đấng Cứu Độ nhân loại bằng con đường Thập giá, thì cuộc sống đức tin của chúng ta sẽ phải như thế nào nơi trần gian này?
Nguyện xin Chúa luôn soi sáng cho các mục tử ngày nay, ban thêm lòng can đảm để các ngài luôn biết chọn ý Chúa làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động. Xin ban cho chúng con Thần Khí sức mạnh, để chúng con biết sống và thực hành đức tin ngay trong cuộc sống hằng ngày và giữa những thách đố của xã hội hôm nay.
JB. Lê Đình Nam