Sáng nay có một bệnh nhân nam 50 tuổi, làm ruộng, quê ở Tiền Giang đến khám bệnh xin thử đường huyết. Khi được hỏi lý do chú tới khám bệnh, chú chỉ nhìn tôi trả lời thật thà: “Vì tôi sụt cân nhanh, người ta nói do bệnh tiểu đường”. Tôi thắc mắc sao chú không khám tổng quát, đã đi cả một quãng đường dài như vậy lên đây mà chỉ để đo mỗi đường huyết. Rồi tôi nhìn bộ quần áo chú đang mặc và những giọt mồ hôi vẫn còn nguyên vẹn trên má, nghĩ thầm, có lẽ do nhà chú nghèo.
Chú nhìn tôi đắn đo một lúc rồi ngập ngừng hỏi: “Dạ, thử hết mấy thứ đó bao nhiêu bác sĩ?”. Tôi trấn an: “Bệnh viện công giá rẻ lắm. Chú đi thử đi!”. Rồi người đàn ông khắc khổ ấy cũng đồng ý đi vào phòng xét nghiệm. Khi cầm kết quả phim phổi trên tay, tôi bỗng nghẹn nghẹn. Dù mỗi ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân mắc đủ loại bệnh khác nhau, nhưng trường hợp của chú để lại trong tôi thật nhiều dư vị.
“Chú hút thuốc nhiều không?” – Tôi hỏi.
“Cỡ một gói một ngày. Bữa nào buồn hút nhiều hơn”.
“Chú uống rượu nhiều không?” – Tôi hỏi tiếp.
“Tôi uống mỗi ngày, nhưng chủ yếu là dịp vui chơi với anh em thôi”.
“Chú có vợ con gì không?”.
“Dạ, một vợ, 3 con. Nhưng nhà có vài công ruộng, nên vợ con bỏ lên Bình Dương làm công nhân hết rồi”.
“Cháu nghĩ chú nên qua khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch”.
Nói đến đây người đàn ông có vẻ sửng sốt: “Tôi bị lao hả bác sĩ”.
“Cháu cũng hy vọng là lao. Nhưng…”
“Bác sĩ cứ nói đại đi. Tôi ở quê lên khám bệnh cực lắm”, chú thúc giục.
“Cháu cũng nghĩ đây là khối u. Nhưng chú biết đó, có u lành u ác. Mà u ác bây giờ có thể trị được”.
“Ý bác sĩ là ung thư phổi hả?”, chú nhìn tôi mắt đã rưng rưng.
“Chưa chắc đâu. Phải làm thêm xét nghiệm, sinh thiết… mới có thể kết luận”, tôi trấn an chú.
Một khoảng im lặng kéo dài. Tôi nhìn khuôn mặt bệnh nhân từ trắng bệch chuyển sang tím tái và khoảng 15 phút sau chú mới trở lại trạng thái bình thường.
“Ung thư phổi thì sống được bao lâu bác sĩ?”.
“Chưa chắc đây là ung thư. Nhưng nếu là ung thư thì có thể vài tháng, vài năm… Tuỳ vào cơ địa mỗi người, tuỳ vào đáp ứng điều trị”.
“Tại sao lại là tôi chứ?” – Người bệnh nhân run rẩy, than thở. Tôi cảm giác được sự tuyệt vọng trên khuôn mặt chú. Lại một khoảng im lặng kéo dài…
Chú nhìn tôi với ánh mắt cầu cứu: “Tôi về bỏ thuốc lá và rượu có thể cứu vãn được không?”
“Cháu nghĩ, bỏ được thì tốt. Nhưng bây giờ việc này không còn ý nghĩa nữa rồi”.
Rượu bia và thuốc lá có điều gì hấp dẫn đến vậy mà bao nhiêu người hi sinh mạng sống của mình vì nó. Chúng như những giá trị ảo ảnh vô hình, có hại nhưng lại khiến con người đâm đầu vào không có lối thoát. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế, và không một ai có thể cho tôi một lời giải thích xác đáng. Thế giới này biến đổi theo một cách mà con người ta khó có thể lý giải nổi…
Lúc trước, tôi rất ngạc nhiên khi Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia và thuốc lá lớn nhất thế giới, bây giờ tôi cảm thấy đây là điều dễ hiểu. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các bợm nhậu chén chú, chén anh trên khu phố nào đó. Họ tìm đến việc nhậu như một cách thể hiện niềm vui và nỗi buồn, những cảm xúc cá nhân mà người ta khó lòng bộc bạch. Họ cứ hết mình với thứ cồn dễ gây nghiện ấy để rồi một ngày bệnh tật kéo đến…
Có những bệnh có thể chữa lành, có những bệnh tiền mất rất nhiều nhưng không thể cứu vãn. Dù vẫn biết ung thư là “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng tôi không tin là chúng ta không có quyền chọn lựa một cách sống và cơ thể lành mạnh cho riêng mình. Cơ thể thu nạp chất gì, sẽ biểu hiện ra thứ ấy. Một người béo phì, ăn nhiều lười tập thể dục… làm sao mà không đủ thứ bệnh về chuyển hoá, một người suốt ngày hút thuốc uống rượu làm sao tránh khỏi ung thư phổi, xơ gan? May mắn lắm không mắc bệnh, do thân thể người đó đặc biệt.
“Bác sĩ có thể nói cho tôi biết, tôi có thể sống bao lâu nữa không để tôi thu xếp nhà cửa”.
“Cháu nói thật, không dám chắc chắn về điều gì. Có những thứ hôm nay đúng, ngày mai lại sai. Có những thứ ngỡ là phúc nhưng lại là họa. Điều quan trọng bây giờ không phải là chú sống bao lâu, mà sống có thật sự sâu hay chưa?”.
“Sống thật sâu?” – Chú có vẻ ngơ ngác khi nghe điều tôi nói.
“Đúng rồi. Chú còn rất nhiều thời gian để suy nghĩ về điều đó. Ví dụ như có bao giờ chú đến quỳ bên gối mẹ của chú và thì thầm lời cám ơn? Ví dụ như có bao giờ chú chở cha chú qua con đường làng nơi ngày xưa cha chú dẫn chú đi học? Ví dụ như có bao giờ chú cám ơn người vợ rất mực dịu hiền và chung thuỷ đã đi với chú ngần ấy năm mà không một tiếng than van dù chú nát rượu và nghiện khói thuốc?”
“Bác sĩ … Tôi … Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó”.
“Chú có bao giờ quan tâm đến những đứa con mình? Chú có nghĩ rằng một lời hỏi han của chú không thể làm họ hạnh phúc?”
“ …”
“Vậy đó, sống sâu là sống với những điều nhỏ bé đơn giản như thế. Cuộc sống là vô thường và con người không ai giữ được gì cho mình khi chết đi. Sinh Lão Bệnh Tử là quy luật của tự nhiên rồi, ai mà không mắc bệnh rồi từ giã cõi đời. Chỉ tiếc rằng, chú đã chọn một con đường ngắn hơn cho riêng mình để chấm dứt sự sống… Sau giai đoạn sốc này chú sẽ chấp nhận được sự thật thôi. Và khi đó chú sẽ quay trở về với bản thân mình, với chính sự đơn sơ nguyên bản của con người mình, để trân trọng nốt những giây phút còn sót lại của hiện tại”.
Người bệnh trầm ngâm một lát rồi bảo: “Cám ơn bác sĩ”.
Khi tiễn chú ra cửa, tôi thấy có một người đàn ông đang ngồi ở đó, vẫy vẫy tay. Tôi tiến lại gần rồi hỏi nhỏ: “Chú ấy là gì của anh?”
“Cha ruột”, chàng trai đáp.
“Anh có biết ba anh bị ung thư phổi?”
“Dạ…”
“Ông ấy hút thuốc nhiều lắm không?”
“Chẳng những hút thuốc còn uống rượu. Mỗi khi say xỉn về là đập phá nhà cửa chửi bới vợ con… Từ nhỏ đến giờ ông chưa dạy tôi bất cứ điều gì tốt đẹp. Anh em tôi chẳng được đi học…”
“Anh có hận chú không?”
“Không” – Anh trả lời dứt khoát.
Tôi ngạc nhiên: “Không?”
“Dạ, dù xấu hay tốt ông cũng là cha mình mà bác sĩ. Đúng hay sai cũng không hẳn chỉ do lỗi do ông ấy…”
Tôi có chút bất ngờ trước cách trả lời của người con. Anh ta làm công nhân, chắc chắn là ít học. Nhưng học nhiều cũng không thể sánh được với một trái tim lương thiện, bao dung và một nhân cách tốt đẹp. Tôi biết nhiều vị giáo sư tiến sĩ không biết quan tâm thương yêu cha mẹ già và sống có tình nghĩa như chàng trai nghèo thất học này. Đúng là không thể đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, tâm hồn họ sẽ được thể hiện rõ nét trong những điều nhỏ nhặt nhất.
Nhìn hai cha con bước ra khỏi phòng khám mà lòng tôi chùng xuống. Từ trong sâu thẳm, tôi mong có phép lạ nào đó xảy ra với hai cha con họ, bởi một người con chí hiếu như vậy xứng đáng được cuộc sống ban tặng những điều tuyệt vời.
“Dù xấu hay tốt ông cũng là cha của mình”, câu nói ấy cứ văng vẳng trong tâm trí tôi mãi…
Một bác sĩ, không rõ tên