Trên con đường từ Giêrusalem dẫn đến làng Emmaus, hai môn đệ của Chúa Giêsu đang lặng lẽ lê những bước chân mệt mỏi với một tâm hồn buồn rầu thất vọng ê chề. Cả hai thỉnh thoảng trao đổi với nhau vài câu…
Bất ngờ có một người xuất hiện cùng nhập bọn với họ, Chúa Giêsu. Người lên tiếng:
Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?
Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong mấy bữa nay. (Cleopas, một trong hai người trả lời)
Chuyện gì vậy?
Chuyện ông Giêsu Nazareth.
Rồi Cleopas kể lể hết nỗi niềm của nhóm họ từ thời họ theo Thầy là một ngôn sứ đầy uy thế trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thủ lãnh và thượng tế nộp Người để Người chịu chết như tên nô lệ của nhà cầm quyền Roma … rồi các bà trong nhóm họ cùng với một vài người ra mộ đều không thấy xác Người đâu cả…
Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đức Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?…
Rồi Người bắt đầu giảng giải cho hai ông nghe về tất cả những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh từ thời Mose và tất cả các ngôn sứ…
Thế mà hai ông không nhận ra Thầy mình đang cùng đồng hành với mình, chỉ vì hai ông đang đau nỗi đau mất mát quá nhiều… mất Thầy một cách đau đớn, nhục nhã… mất cả những giấc mơ nếu Thầy làm vua thì mình cũng có chức vị đúng đầu trong thiên hạ… hai ông đang khóc thương cho thân phận của tất cả 12 anh em trong nhóm, bây giờ tan đàn xẻ nghé…
Còn đâu những ân cần, những chia sẻ, những nâng đỡ nhau khi vui, lúc buồn sầu với nhau… hai ông đang sầu muộn vì những việc xảy ra quá nhanh chóng và thật bàng hoàng, thật sợ hãi… không thể tưởng tượng được, tất cả sụp đổ… đau thương… mất mát…mất hết… mất hết.
Họ không còn chút hy vọng nào, không biết bám víu vào đâu, nên đành phải quay về quê hương với niềm đau tê tái và căm phẫn. Hai ông đã không thể nhận ra giọng nói của Người rất thân thiết với mình, là Người đã và đang nói lời thương yêu tận cõi lòng với họ, cho họ.
Phúc cho những ai than khóc, họ sẽ được ủi an, gói ghém trong những lời chia sẻ về Sách Thánh, mà lòng họ cũng cảm thấy có chút ấm áp của lửa hy vọng nhóm lên trong lòng…
Cả đoạn đường dài 11 cây số, Người bày tỏ hết tấm lòng xót xa của Người cho hai môn đệ tội nghiệp của mình…
Người chần chừ chưa muốn xa họ, Người thương yêu họ đến cùng, Người không muốn để mất họ, vì Người đã mất Giuda Iscariot, một trong 12 môn đệ thân cận nhất.
Cả ba người đã đến làng Emmau, Người giả bộ còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người, mời Người ở lại vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Người ở lại với họ, vì Người hiểu thấu cái tâm trạng đau thương đã xế chiều và ngày sắp tàn trong lòng họ, họ đã mất hết hy vọng, họ đang thất vọng tràn trề, đang tan nát tâm can…
Khi đồng bàn với họ, bánh và rượu đã sẵn, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
Thoắt cái Thầy hiện ra với họ, thoắt cái Thầy biến mất. Thoắt cái họ giật mình, mắt tâm hồn mở ra, bừng tỉnh nhớ lại những lời mà Người đã nói với họ khi đồng hành trên đường, những lời đã khiến cho lòng họ bừng lên chút lửa nóng… và bây giờ ngọn lửa bừng cháy, nung đốt niềm hy vọng, khiến họ thoắt đứng lên và đi trở về Giêrusalem.
*
Thầy cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra vào trao cho, cử chỉ này đã xác định là chính Thầy đây. Đây là Mình và Máu Thầy, ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời…
Đây chính là bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm Thầy để lại, nuôi sự sống tâm linh cho nhân loại.
Trong Giáo Hội Công Giáo, chỉ có quý vị mục tử của Thiên Chúa mới được phép cử hành bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ. Các ngài lập lại thật cẩn trọng và tôn kính, lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu Kitô trong bữa tiệc cuối cùng trước khi Ngài tự đi nộp mình. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.
Thánh Thể Ngài nuôi sống linh hồn chúng ta, là một ân ban, một quà tặng quý giá cho những ai có lòng biết ơn. Mỗi cuộc cử hành Thánh Thể trong Thánh Lễ đều bắt đầu bằng những lời kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa.
Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con, thương xót chúng con. Kyrie Eleison. Kyrie Eleison. Đó là tiếng kêu cầu của những người có lòng sám hối ăn năn.
Lời cầu khẩn lòng Chúa Thương Xót xuất phát từ tâm hồn ý thức rằng sự đổ vỡ của nhân loại không phải là một điều kiện không thể tránh được, một điều kiện khiến ta trở thành những nạn nhân khốn khổ của nó, mà sự đổ vỡ ấy chỉ là kết quả của sự nói KHÔNG Với TÌNH YÊU…
Hai môn đệ trên đường Emmau buồn rầu vì họ đã mất một Con Người, một Người mà họ đặt tất cả niềm hy vọng của họ, nhưng họ cũng ý thức rằng chính những vị lãnh đạo của họ đã đóng đinh Ngài. Họ cũng biết rằng nỗi đớn đau của họ cũng liên quan đến sự ác, một sự ác mà họ có thể nhận ra trong lòng họ.
Ta phải công nhận rằng ta cùng chịu trách nhiệm về sự ác chung quanh ta, đang vây hãm ta trên bình diện địa phương và cả những vùng quốc gia, quốc tế.
Nếu ta chỉ biết đổ trách nhiệm cho chúng, liệu ta có thoát khỏi chúng bằng cách chọn một cuộc sống tha thứ, hòa bình và yêu thương chăng.
Đấy chính là hai mặt giữa tình trạng tội lỗi của ta và ý thức sự đồng trách nhiệm của ta về sự ác trên thế gian này.
Việc xưng thú tội lỗi làm ta suy yếu đi, nhưng có tội lỗi nào mà không đụng đến ân sủng của sự tha thứ. Cách thức ta đến với Thánh Thể cũng thế. Luôn luôn có sự pha trộn giữa hy vọng và thất vọng.
Xin Chúa thương xót chúng con, xin thương xót chúng con!
vẫn là lời cầu nguyện trồi lên từ cõi sâu thẳm của lòng sám hối, của lòng khao khát yêu thương và hiệp thông của ta để đập tan những bức tường nghi ngờ, ghen tức, giận hờn, thù oán mà ta không thể kềm chế được.
Muốn được như vậy ta cần phải xin ơn chữa lành nơi Thiên Chúa: Ơn Ta đủ cho ngươi.
Người khách lạ không biết từ đâu tới, đã đem đến cho họ một sự can đảm và niềm hy vọng mới, chỉ đúng vào lúc họ nhận ra người khách lạ chính là Thầy mình,
Thầy đã khẳng định những gì xảy ra với họ là một phần của biến cố lớn hơn nhiều, mà chính họ được phép đóng một vai trò không ai thay thế được.
Chúa Giêsu đã đồng hành với ta khi ta bước đi trong những ưu phiền, những lo lắng, những khổ đau trong đời sống.
Ngài giải thích Kinh Thánh cho ta, nhưng ta cũng không nhận biết đó là Chúa. Ta nghĩ về Ngài như một người xa lạ.
Tuy nhiên, khi ta cảm nhận một điều gì đó, trực giác của ta cho thấy một cái gì đó bắt đầu bừng cháy. Chính khi ấy Ngài đang hiện diện với ta mà ta không hề biết, không hề hiểu…
Mãi cho đến sau này… khi tất cả mọi sự đã trôi qua, ta mới có thể nói:
Lòng ta đã chẳng bừng cháy trong khi Ngài nói chuyện với ta trên đường và giải thích Kinh Thánh cho ta đó sao?
Đây chính là sự hiện diện mầu nhiệm mà việc phục vụ Lời Chúa trong các cuộc cử hành Thánh Thể muốn cho ta được đụng chạm, cũng chính là sự hiện diện mầu nhiệm sẽ luôn luôn mạc khải cho ta khi ta sống cuộc sống Thánh Thể.
Mỗi ngày chúng ta đọc những bài đọc Cựu Ước, Tân Ước là lúc Ngài hiện diện bên ta, Ngài cùng sánh bước với ta trong u buồn, khốn khó, trong vui mừng và hân hoan…
Ta không thể sống mà không có Lời của Thiên Chúa, những lời an ủi và nâng ta tới một nơi mà từ đó ta có thể khám phá ta đang thực sự sống những gì, sống ra sao, sống thế nào…
Trong hành trình cuộc sống của ta, Chúa Giêsu vẫn luôn giải thích cho ta những đoạn Kinh Thánh nói về Ngài, tất cả đều làm cho tâm hồn ta bừng cháy lên.
Không có sự hiện diện Lời Chúa, ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện của Ngài trong việc bẻ bánh. Thiên Chúa muốn hiện diện với ta và muốn thay đổi tâm hồn nhát đảm yếu đuối của ta.
Không phải Đức Kitô cần phải trải qua đau khổ rồi mới bước vào vinh quang sao?
Tình yêu của Ngài ấp ủ cả thế giới, đã mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô, người luôn đồng hành với ta.
Lời Chúa nâng ta lên và làm cho cuộc sống bình thường trở nên một cuộc sống thánh thiêng, có vai trò trọng yếu trong việc hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Ngài dành cho ta ơn cứu độ.
Công bố của Thánh Thể cho phép ta cùng với Đức Mẹ Maria thưa lên:
Ngài đã nhìn đến phận hèn nữ tỳ Ngài, khiến từ đây muôn thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…
Hai môn đệ trên đường quay về nhà, nhà là nơi cần thiết cho những tâm hồn mệt mỏi, thất bại, đau khổ trở về tìm nguồn an ủi.
Với hai môn đệ, nhà, bây giờ đã có ý nghĩa hơn hẳn một nơi cư ngụ cần thiết.
Trời đã xế chiều, và ngày đã tàn… mời ông đến và ở lại với chúng tôi.
Căn nhà của họ đã nên một nơi để tiếp đón một người khách, một nơi hội ngộ, tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở, một nơi ấm áp nơi bàn ăn, và chính nơi đây họ đã gặp được Thầy mình, cũng là lúc họ gặp lại chính họ trong nhà nội tâm họ.
Trong hành trình đức tin của ta, đã có khi nào ta mời Chúa Giêsu Thánh Thể ở lại với ta chưa?
Vì thường thì ta chỉ nghĩ đến Chúa mời gọi ta đến nhà Ngài, tới bàn tiệc của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu lại muốn được mời. Ta không mời thì Ngài rời đi nơi khác, Ngài luôn là người khách lạ dù Ngài đã đem đến cho ta bao niềm vui, mang đi dùm ta những nỗi u buồn và mang vác dùm nhiều gánh nặng…
Một trong những giây phút có tính quyết định nhất của Bí Tích Thánh Thể chính là lúc ta thực hiện lời mời ấy. Chúa Giêsu là một con người rất thú vị, rất tế nhị. Lời Ngài đầy khôn ngoan, có sức đánh động mãnh liệt. Sự hiện diện của Ngài sưởi ấm tâm hồn, xoa dịu nỗi khổ đau. Sứ điệp của Ngài đầy thách thức. Song ta có dám mời Ngài vào nhà ta không, vào tận cõi thẩm sâu nhất của ta để chính ta biết rõ ta như thế nào không? Ta có muốn Ngài vào căn phòng mà chính ta chỉ muốn khóa kín thật kỹ không? Ta có muốn Ngài ở lại với ta mãi mãi không?
Trong cuộc đời ta cũng nhiều khi gặp những người khách lạ, đồng hành với ta một chặng đường. Nhiều người đã để lại trong ta những ý nghĩ độc đáo, những lời khuyên tốt lành, những quan điểm kỳ diệu, những ý tưởng hữu ích cho đời sống v.v…song chỉ khi ta có lời mời xin hãy đến và ở lại với tôi thì một cuộc gặp gỡ thú vị mới có thể phát triển thành mối tương quan có tính biến đổi.
Thánh Thể Chúa đòi hỏi lời mời này. Ngài chấp nhận lời mời vào bàn ăn là nơi chúng ta khám phá ra nhau, là nơi diễn tả tình thân cho mọi thành viên hiện diện, cũng là nơi diễn tả sự xót xa cay đắng nhất khi không có tình yêu thương hiện diện. Chúa Giêsu đã phải lên tiếng trong bữa tiệc ly: Nhìn kìa, kẻ đang đồng bàn với Thầy chính là kẻ phản Thầy
Thánh Thể là một cử chỉ thần thiêng nhất. Đó là sự thật rất thật về Chúa Giêsu. Rât nhân loại nhưng cũng rất Thiên Chúa, rất quen thuộc nhưng cũng rất mầu nhiệm, rất gần gũi nhưng cũng rất khó hiểu. Đó chính là chuyện Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cho ta, Thiên Chúa ở với ta và ở trong ta. Ngài cho đi tất cả. Anh em hãy ăn, hãy uống đi, này là Mình Thầy, này là Máu Thầy… đây là Thầy vì anh em.
Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu cho đi tất cả. Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu Ngài để cho đi. Rượu là Máu Ngài được đổ ra cho ta. Vì Thiên Chúa đã hiện diện đầy đủ với ta nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng hiện diện với ta đầy đủ nơi Bánh và Rượu Thánh Thể.
Ngài đã không giữ lại gì cho chính Ngài. Ngài cho đi tất cả trong mầu nhiệm Nhập Thể. Nhập Thể để cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi mà Adam&Eva đã gieo vào thế gian. Nhập Thể và Thánh Thể là hai mầu nhiệm diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trao ban chính Ngài một cách vô biên. Ngài đến thế gian và muốn trở nên thức ăn của uống cho nhân loại mọi nơi, mọi lúc.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho ta. Khi ta nhận bánh ấy từ tay vị mục tử của Ngài và đưa lên miệng ăn, thì mắt đức tin ta mở ra và ta nhận ra Ngài. Chính lúc này Ngài hiện diện với ta, lại là lúc Ngài xa vắng nhất. Đó là sự hiệp thông thánh thiêng sâu thẳm nhất của Thánh Thể, một sự hiệp thông rất mật thiết, rất thánh thiện, rất thần thiêng và rất thiêng liêng đến độ giác quan của ta không còn sờ đụng được nữa.
Đó là sự cô đơn của đời sống thiêng liêng, một sự cô đơn thánh Augustino đã cảm nghiệm:
“Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung của lòng tôi” (Deus intimior intimo meo!)
Sự hiệp thông với Thánh Thể Giêsu là để trở nên giống Ngài. Từ đó hiệp thông tạo nên cộng đoàn. Đức Kitô sống và nối kết mọi người trong cộng đoàn với nhau cách mới mẻ và sống động. Thánh Thần Chúa Phục Sinh qua việc ăn và uống chung, cùng chia sẻ một bánh và một chén của Thầy, là chính Mình và Máu Thầy, cộng đoàn trở nên một thân mình duy nhất trong Giáo Hội Công Giáo.
Khi hai môn đệ trở về Giêrusalem họ hứng khởi với một tinh thần vui tươi, an bình và can trường, hy vọng và yêu thương của Thiên Chúa. Họ không còn nghi ngờ nữa:
Ngài đang sống. Thầy mình đã trỗi dậy và đang sống. Ngài sống như một hơi thở mới hiện hữu thực sự trong tâm hồn và thể xác của họ.
Họ trở về với nhóm của họ một cách hân hoan mới mẻ như những người đang mang một sứ mạng chia sẻ để mọi người cùng được đón nhận. Mặc dầu họ biết rõ những nguy hiểm sau khi Thầy mình bị hành quyết thì sẽ có những nguy hiểm gì sẽ xảy ra với họ, có thể họ sẽ mất mạng sống nhưng họ không còn sợ hãi nữa. Họ phải gặp nhóm 11 để xác quyết với nhau về Thầy mình: Tình Yêu mạnh hơn sự chết.
Hiệp Lễ cuộc sốngThánh thể, luôn luôn bao gồm một sứ vụ: Hãy đi và hãy nói (Ite Missa est) (Anh chị em hãy lên đường, đây là sứ vụ của anh chị em). Chúng ta nhận ra Ngài không phải để nếm cảm một mình hay để ta giữ lấy bí mật cho riêng ta.
Đây là một sứ vụ, một cuộc sống Thánh Thể chứ không phải chỉ là Bí Tích Thánh Thể, mà khi sống cuộc sống thì mới tạo nên những thay đổi. Cuộc sống Thánh Thể cho ta thấy đức tin của ta là gì, và ta phải sống đức tin ấy cách mạnh mẽ và trọn vẹn bao nhiêu có thể.
Sống Thánh Thể bao giờ cũng là một cuộc truyền giáo. Thánh Thể đã giải thoát ta khỏi cảm thức chai cứng về sự mất mát và mạc khải cho ta Thần Khí Đức Kitô, Đấng đang sống trong ta, ban sức mạnh cho ta để ta ra đi, lên đường, đem Tin Mừng cho người khác và công bố Thiên Chúa đang bày tỏ ân sủng của Ngài cho mọi người.
Cuộc sống Thánh Thể bao giờ cũng là một cuộc sống thừa sai. Ta được sai đi cùng với anh chị em mình, đem niềm hy vọng cho toàn thế giới, bằng sự diễn tả đức tin, rằng tất cả những gì ta cho đi đều xuất phát từ Đấng đã quy tụ lại.
Ta đang sống trong một thế giới mà con người đang rên xiết về những mất mát, các cuộc chiến phi nhân đang hủy diệt loài người, nạn chết đói chết khát đang hủy hoại các dân tộc, tội ác và bạo động đang cầm giữ hàng triệu con người, cả những phụ nữ và trẻ em trong khiếp sợ hoảng loạn…những bệnh ung thư, AIDS, dịch tả, Abola và bao nhiêu bệnh khác đang làm tiều tụy thân xác con người… rồi những thiên tai: động đất, núi lửa, lụt lội v.v… và tai nạn do con người gây ra… bạo động, giết người vô tội, giết thai nhi… một thế giới mất mát vô tận, làm cho cuộc sống của đồng loại, hiện đang bước đi trong u buồn ủ dột… sợ sệt… mất hết hy vọng.
Đây chính là thế giới ta được Thiên Chúa sai đến để sống cuộc sống Thánh Thể, có nghĩa là, ta phải sống với một tâm hồn bừng cháy nhờ Thần Khí Chúa Kitô, với đôi mắt đức tin rộng mở, đôi tai đức tin biết lắng nghe, một trái tim biết thổn thức, nhạy bén, đập cùng nhịp với những nỗi lo sợ, đau đớn của đồng loại.
Thần Khí của Tình Yêu cho ta thấy sứ vụ của ta là kiên trì đến với những nơi nghèo nàn, đổ vỡ, phiền muộn… và của thách thức những người bạn cùng trên đường đi, để những người này sẽ chọn lòng biết ơn thay vì sự căm phẫn, hy vọng thay vì tuyệt vọng.
Thánh Thể vẫn đang được cử hành tại đâu và ở đâu, khi người ta vẫn còn hội họp chung quanh bàn ăn để cùng bẻ bánh cho nhau, và để mang lại nụ cười cho người hấp hối, niềm hy vọng cho những người trẻ, người cô đơn, niềm an ủi cho người già yếu v.v…
Cuộc sống Thánh Thể âm thầm như thế, nó giống như một nhúm men, một hạt cải, một nụ cười trẻ thơ. Cuộc sống Thánh Thể là một cuộc sống biết ơn. Lòng biết ơn cần phải được khám phá và được sống với một sự quan tâm đặc biệt. Những kinh nghiệm về những mất mát, những sự bị bỏ rơi, lôi kéo ta đến sự giận dữ, cay đắng, chán nản và căm phẫn…cuối cùng cũng chỉ là biểu hiện của những sự ngu ngốc. Vì thế ta cần nhận định để quyết định chọn cuộc sống Thánh Thể = sống Biết Ơn.
Thánh Thể = Biết Ơn – là một quà tặng quý giá của Chúa Giêsu Kitô trao tặng cho nhân loại một cách tự do. Vì thế ta cũng phải tự do đón nhậnThánh Thể, bằng cách ta mời Ngài đến căn nhà tâm hồn của ta, mời Ngài đồng bàn với ta, Ngài sẽ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho…
lúc ấy cuộc sống nhỏ bé, nghèo nàn của ta được biến đổi nên dồi dào ân sủng.
Biến cố này công bố một ngôn ngữ khôn ngoan của đức tin, đức cậy, đức mến được sống động trong một thế giới luôn luôn nằm bên lề sự hủy diệt./-
Elisabeth Nguyễn (26.5.2018)
cảm nghiệm tác phẩm “With Burning Hearts” ( Henri J.M. Nouwen)