Sứ điệp lòng thương xót cho con người ngày nay mang tính khẩn cấp đặc biệt. Thiên Chúa đã gởi một sứ điệp khẩn cấp đến với thế hệ chúng ta. Người muốn chúng ta đón nhận và thi hành. Liệu chúng ta có quyền dùng ý chí tự do để sống theo ý mình, không quan tâm đến kế hoạch của Chúa và không đón nhận sứ điệp từ trời này không ? Liệu chúng ta có quyền phớt lờ bao lời mời gọi tha thiết và mệnh lệnh của các Đức Thánh Cha, giờ là lúc trở về với lòng Chúa thương xót không ? Có phải con người ngày nay đã rất trưởng thành, rất trần tục và rất độc lập đến độ không còn cần đến lòng Chúa thương xót đã được loan báo theo cách thức mới và khẩn cấp qua vị “Tông đồ và Thư ký” của lòng thương xót là nữ tu Faustina không?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II chỉ thị: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”
Thánh Nữ Faustina – “Tông Đồ và Thư Ký” của Lòng Chúa Thương Xót
Qua nữ tu Faustina, Chúa cho biết rõ là Ngài muốn lòng thương xót ấy phải được tôn vinh : Hãy ca ngợi và tôn vinh lòng thương xót của Ta (NK, 206) ; Ta đòi hỏi người ta tôn kính lòng thương xót của Ta (NK, 742) ; Nếu họ không tôn thờ lòng thương xót của Ta, họ sẽ tàn lụi đi (NK, 965) ; Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ (NK, 998) ; Hãy công bố sự tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật (NK 1572). Đối với các linh mục công bố và tán dương lòng thương xót của Ta, Ta sẽ ban cho những quyền năng lạ lùng (NK, 1521) ; Đối với ai loan truyền lòng thương xót của Ta, Ta sẽ bảo vệ họ trong giờ chết (NK, 1540) ; Ta sẽ xử theo lòng thương xót của Ta vào giờ chết của họ (NK, 379) ; Danh tánh của họ được ghi trong cuốn sách sự sống này (NK, 689). Người cam đoan rằng: Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, thì sẽ không bị tàn lụi, vì tất cả những việc của người đó đều là việc của Ta, và những kẻ thù của họ đều sẽ bị tan tác dưới bệ chân Ta (NK,723).
Loan truyền Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót chính là thực hiện lệnh truyền của Chúa : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16 ; Lc 24,47 ; Mt 28,19 ; Cv 1,8). Đã là lệnh truyền của Chúa thì bất cứ ai, dù thích hay không thích, muốn hay không muốn, cũng phải thi hành. Không thể dựa vào cảm tính của mình, hay nhân danh bất cứ quyền lực nào mà khước từ, ngăn cản, thậm chí chống phá công cuộc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót. Đã là lệnh truyền thì ta có bổn phận phải thi hành, khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, như Phaolô quả quyết : “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1 Cr 9,16). Không tin, không loan truyền Lòng Chúa Thương Xót, tôi đang tự kết án mình, chuốc lấy án phạt vào mình. Thật khốn cho tôi !
Phêrô và Gioan bị các thủ lãnh Do Thái, kỳ mục và kinh sư điệu ra trước Thượng Hội Đồng cấm tuyệt đối hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa, nhưng hai ông đáp lại : “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem ! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,19-20) ; Phêrô và các tông đồ dù bị nghiêm cấm không được rao giảng Tin Mừng và mạng sống bị đe dọa, chết thì chết, vẫn khẳng khái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Các tông đồ bị đánh đòn vì loan báo Tin mừng, nhưng “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 40-41).
Cũng như các tông đồ, Faustina gặp biết bao hiểu lầm, nghi ngờ, chống đối từ chính chị em trong Dòng khi loan báo lòng Chúa Thương Xót. Lúc đó Chúa phải trấn an : “Con được hợp nhất với Cha; con đừng sợ gì cả. Con hãy biết rằng Satan căm ghét con; nó căm hờn mọi linh hồn, nhưng đặc biệt căm thù con, bởi vì con đã giật khỏi quyền thống trị của nó quá nhiều linh hồn” (NK, 412)
“Công cuộc này sẽ giật khỏi nanh vuốt hắn rất nhiều linh hồn, và đó là lý do khiến thần dữ nhiều khi cũng ra sức cám dỗ những người lành ngăn trở công cuộc… Satan căm hờn với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khủng khiếp biết bao! Hắn chống đối với toàn bộ công cuộc này.” (NK,812)
Gamalien là một kinh sư được toàn dân kính trọng, cũng lên tiếng cảnh báo Thượng Hội Đồng: “Tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người này. Cứ để cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại trở thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5,38-39). Faustina cũng xác tín: “Tôi biết được chính Chúa đang xúc tiến toàn bộ công việc. Chúa đã khởi sự thế nào thì Người sẽ tiếp tục thực hiện như vậy. Càng thấy những khó khăn chồng chất, tôi càng an tâm hơn. Ô, nếu toàn bộ vấn đề này không phục vụ hữu hiệu cho vinh quang Thiên Chúa và lợi ích các linh hồn, thì có lẽ Satan đã không điên cuồng chống đối đến thế. Giờ đây tôi đã biết Satan căm ghét Lòng Thương Xót hơn bất kỳ điều gì khác. Đó là cực hình đáng sợ nhất của nó. Tuy nhiên Lời Chúa sẽ không qua đi ; điều Người phán vẫn sống động; những khó khăn sẽ không thể đè bẹp công cuộc của Thiên Chúa, nhưng làm sáng tỏ công việc của Người mà thôi… ” (NK, 764).
Thánh Phaolô tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa tuyệt mỹ biết bao sau khi thánh nhân nói rằng kế hoạch và khát khao của Thiên Chúa là “mọi người đều được hưởng lòng thương xót”. Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa thật sâu thẳm !…Vì mọi sự đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại, và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen (Rm 11,33-36).
“Ta tự thân là lòng thương xót”, Thiên Chúa diễn tả về lòng thương xót của Ngài cho thánh Faustina như thế (NK 281, 300, 1074, 1148, 1273, 1739, 1777). Thánh Gioan nói “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Cả hai cách diễn tả bổ sung cho nhau. Thiên Chúa tự thân là tình yêu và khi tình yêu được tuôn đổ trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa, đó là lòng thương xót. Lòng thương xót là tình yêu được tuôn đổ. Đó là tên gọi thứ hai của tình yêu (Gioan Phaolô II, Dives In Misericordia).
Chúa vui thích với danh hiệu “Lòng Thương Xót” (NK, 300), vì nó diễn tả thật tuyệt mỹ Ngài là ai và sự mong chờ tuôn đổ lòng thương xót ấy cho ta. Ngài cũng gọi mình là “Hoàng Đế của Lòng Thương Xót” (NK 1075, 1541), và ám chỉ trái tim đầy thương xót của Ngài (NK 177, 1074, 1152, 1447, 1520, 1588, 1602, 1682, 1728, 1739, 1777).
Tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do và mục đích chính của đời nữ tu Faustina (NK 835, 1604, 1242). Chị tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi lời nói, việc làm và lời cầu nguyện. Đó cũng phải là sứ mạng của giáo hội trong thế giới hôm nay.
Hãy Đi và Làm Nhân Chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, Nguồn Hy Vọng của Mọi Người và của Toàn Thế Giới
Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Chúa Thương Xót lần thứ I tổ chức tại Roma từ ngày 2 đến 6 tháng 4-2008 mang dấu ấn của ĐTC Benedictô XVI. Ngài chúc lành và cổ võ sáng kiến quan trọng này trong đời sống giáo hội. Đức Benedictô XVI đã khai mạc Đại Hội với thánh lễ cầu cho Đức Gioan Phaolô II, một tông đồ vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót, và long trọng trao huấn lệnh trong ngày bế mạc Đại Hội :
“Các bạn thân mến, Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Thương Xót lần thứ I kết thúc sáng nay với buổi cử hành thánh thể trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Tôi chân thành cảm ơn các vị tổ chức, cách riêng giáo phận Roma và gởi tới toàn thể các vị tham dự lời chúc mừng điều giờ đây trở thành một mệnh lệnh : Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới. Chúa Phục sinh ở cùng các bạn luôn mãi !” (Thông điệp Regina Caeli, 6/6/2008).
Huấn lệnh của ĐTC Benedictô là “Hãy đi và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa” chứ không phải lòng thương xót của con người chúng ta. Chứng từ lòng thương xót phải xuất phát từ Thiên Chúa, vì ĐTC khẳng định “Lòng Chúa Thương Xót chính là nguồn hy vọng cho mọi người và cho toàn thế giới”. Việc của ta là tín thác vào lòng thương xót của Ngài, đồng thời biết xót thương tha nhân.
Khi nói đến “mệnh lệnh” hoặc “huấn lệnh” thì nó mang nghĩa là “một lệnh truyền, một chỉ thị, hoặc một huấn thị có thẩm quyền, một hướng dẫn rõ ràng, một giáo huấn, một cho phép”. Do đó những lời của ĐTC mang sức mạnh của một mệnh lệnh không chỉ dành cho 4000 tham dự viên nhưng còn nhắm đến tất cả các tín hữu trên toàn thế giới.
Sứ điệp và hình thức tôn sùng đặc biệt Lòng Chúa Thương Xót mà Đức Giêsu ban cho nữ tu Faustina vào thập niên 1930 được ghi lại trong cuốn “Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi” của thánh Faustina. Sứ điệp này kêu mời ta hãy tín thác vào Đức Giêsu, hãy đón nhận Lòng Chúa Thương Xót và chia sẻ cho tha nhân. Khi công bố mệnh lệnh : Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới, ĐTC nhấn mạnh đó một sứ điệp khẩn cấp cho thời đại chúng ta. Đã là một mệnh lệnh khẩn cấp từ ĐTC ban ra thì mọi tín hữu trung thành với giáo hội, với ĐTC đều phải thi hành, không có bất cứ lý do gì để khước từ hay chống đối.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đi theo sứ điệp này, đặc biệt khi tuyên bố Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa tại lễ phong thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000. Để làm nổi bật sự khẩn thiết của sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa cho thời đại hôm nay, ĐTC nói : “Hôm nay tôi muốn chuyển sứ điệp này vào thiên niên kỷ mới”, và vào ngày 17-8-2002 khi thánh hiến Đền Thờ Quốc Gia Lòng Chúa Thương Xót tại Lagiewniki, Ba Lan, ĐTC cũng phó thác thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót và khẳng định: “Xa lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không có nguồn hy vọng cho loài người”. Tương tự, Đức Benedictô cũng nhấn mạnh “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là nguồn hy vọng cho mỗi người và toàn thế giới”.
ĐTC Benedictô đi theo sự dẫn bước của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm nổi bật sứ điệp của Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại này. Vào ngày 28/7/2008, trong dịp tôn vinh linh mục Michael Sopocko, là cha giải tội và linh hướng của thánh Faustina, lên bậc Chân Phước, ĐTC nói : “Theo sự hướng dẫn của cha, nữ tu Faustina đã diễn đạt trải nghiệm thần bí và những cuộc hiện ra của Đức Giêsu trong cuốn Nhật Ký nổi tiếng. Xin tạ ơn về những cố gắng, về bức ảnh với lời “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” đã được vẽ và gởi đi cho thế giới. Đầy tớ Chúa đây được biết đến như một linh mục, người thầy và người cổ động cho việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót đầy nhiệt thành… Vị tiền nhiệm yêu quý của tôi, Đức Gioan Phaolô II chắc chắn rất vui mừng trong cuộc phong Chân Phước này tại quê nhà. Ngài là người đã giao phó thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót. Đó chính là điều tại sao tôi lập lại ước vọng của Ngài : “Chớ gì Thiên Chúa, Đấng Giầu Lòng Thương Xót chúc phúc cho tất cả quý vị”.
Vào ngày 20/4/2005, trong sứ điệp đầu tiên làm Giáo Hoàng, Đức Benedictô XVI bày tỏ niềm tri ân vì món quà của Lòng Chúa Thương Xót được lãnh nhận nhờ sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II : “Lúc này đây niềm tri ân sâu xa về hồng ân của Lòng Chúa Thương Xót vượt trên tất cả trong trái tim tôi. Tôi coi đây là một đặc ân mà Vị Tiền Nhiệm đáng kính, Đức Gioan Phaolô II đã nhận cho tôi. Tôi dường như cảm thấy bàn tay mạnh mẽ của ngài đang nắm tay tôi. Tôi như thấy đôi mắt của ngài đang mỉm cười và nghe được trong lúc này lời ngài gọi riêng tôi : Đừng sợ !”
Lòng Chúa Thương Xót là một Quà Tặng Cho Nhân Loại
Lòng Chúa Thương Xót là một quà tặng cho nhân loại như trong thông điệp ĐTC Gioan Phaolô II chuẩn bị cho Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa ngày 3/4/2005 trước khi ngài qua đời: “Như là món quà tặng cho nhân loại mà đôi lúc dường như bị hoang mang và lấn át bởi quyền lực sự dữ, bởi ích kỷ và sợ hãi, nhưng Chúa Phục Sinh đã ban tình yêu của Ngài xuống để khỏa lấp, để hòa giải và mở lại trái tim cho tình yêu. Một tình yêu biến đổi cõi lòng và đem lại bình an. Thế giới cần hiểu ra và chấp nhận Lòng Chúa Thương Xót biết bao !”
Khi so sánh lời của Đức Gioan Phaolô II tại Lagiewniki năm 2002: “Lửa của Lòng Thương Xót cần được chuyển đến cho thế giới”, và của Đức Benedictô năm 2007: “Trong thời đại hôm nay, nhân loại cần một lời công bố mạnh mẽ và chứng tá về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”, chúng ta thấy hai vị chủ chăn trong giáo hội đều có chung một chủ đề và nội dung. Lửa của lòng thương xót là những chứng tá về lòng thương xót rất cần cho thế giới hôm nay.
Ban biên tập của National Catholic Register đã viết trong dịp lễ Lòng Chúa Thương Xót 15/4/2007 như sau :
“Tình yêu đến độ đam mê của Thiên Chúa đối với con người cũng đồng thời là tình yêu tha thứ. Tình yêu đó quá lớn đến nỗi quay lại chống đối với chính Ngài, tình yêu của Ngài chống lại sự công bình của Ngài.
Đây quả là mệnh đề khởi điểm và căn bản về Lòng Chúa Thương Xót – một kiểu tuyên bố mà một người có thể trông đợi được quy về Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, điều đó đã được Đức Benedictô XVI viết trong thông điệp đầu tiên : Deus Caritas Est / Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bảy năm sau kể từ lần đầu Đức Gioan Phaolô II công bố thành lập Chúa Nhật Lòng Thương Xót, vậy mà nhiều linh mục hãy còn thận trọng về ngày lễ ấy. Tại sao họ còn do dự ? Có tư tưởng cho rằng Lòng Chúa Thương Xót chỉ là việc sùng kính riêng của một người Ba Lan, xảy ra vì Đức Gioan Phaolô làm Giáo Hoàng, chứ không phải xảy ra cho mọi người.
Đọc những lời của ĐTC Benedictô về Lòng Chúa Thương Xót phải bỏ ngay đi nhận xét thiển cận đó. Đúng hơn, tính phổ biến của lòng đạo đức này có phần đóng góp của Đức Gioan Phaolô II. ĐTC Benedictô dường như muốn quy chiếu sự vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II vào việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót”.
Khi được phóng viên Đài Truyền hình Quốc gia Ba Lan hỏi về “Những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong đời Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II”, Đức Benedictô đã nhắc đến một trong số những di sản chính của vị Tiền Nhiệm là “Ngài đã tạo nên một nhận thức mới về sự vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót”.
Chủ Nhật Lòng Thương Xót Chúa 15/4/2007, ĐTC Benedicto đã chọn tổ chức sinh nhật của mình dù rằng sinh nhật của ngài là 16/4. Ngài nói : Hãy có đức tin nơi Lòng Chúa Thương Xót! Từng ngày hãy trở nên con cái của Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Thương Xót là chiếc áo ánh sáng Chúa đã ban cho ta ngày Rửa Tội. Ta không được phép để ánh sáng này bị dập tắt, trái lại nó phải sáng lên trong ta mỗi ngày để đem Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho trần gian.
Theo ĐTC, trước khi làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ta phải đích thân lãnh nhận quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa. Tất cả những ai khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, đều nhận được “Một quà tặng lớn lao của Lòng Chúa Thương Xót”. Hãy để cho ánh sáng của Lòng Thương Xót ngày Rửa Tội “lớn lên trong ta từng ngày” bằng việc thực hành lòng thương xót.
“Việc Tôn Kính Lòng Chúa Thương Xót là Chiều Kích Toàn Bộ của Đức Tin và Kinh Nguyện Kitô Giáo”
Có nhiều người cho rằng việc sùng kính này chỉ là phong trào “chợt đến chợt đi”, chỉ là việc đạo đức tùy phụ, không làm cũng không sao, nhưng ĐTC Benedicto nhấn mạnh trong thông điệp Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 23-4-2006 rằng “Việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót không phải là lòng sùng kính bậc hai, nhưng là chiều kích toàn bộ của đức tin và kinh nguyện Kitô giáo”.
Vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 30-3-2008, ĐTC gởi thông điệp: “Lòng Thương Xót là Hạt Nhân Trung Tâm của Sứ Điệp Tin Mừng; đó là chính thánh danh của Thiên Chúa, là khuôn mặt Ngài tự mạc khải trong Cựu Ước và đầy đủ với Đức Giêsu Kitô, sự nhập thể sáng tạo và tình yêu cứu độ”.
Thánh Faustina ghi lại trong Nhật Ký những lời của Chúa diễn tả nỗi khát khao vĩ đại là chia sẻ lòng thương xót cho các linh hồn. Ngài khao khát các linh hồn (NK 206, 1182, 1521, 1784) và tiếp tục tuôn đổ lòng thương xót (NK 50, 177, 699, 703, 1074, 1159, 1190, 1689, 1784), kêu hét đến mệt lả (NK 177) như ngọn lửa đang cháy bên trong mình (NK 50, 177,186, 1074, 1190, 1521). Nỗi khát khao lớn nhất được dành cho tội nhân (NK 206, 378, 723, 1146, 1275, 1665, 1739, 1784), đặc biệt cho người khốn khổ (NK 723, 1182, 1182, 1273, 1541). Lòng thương cảm của Ngài thì chan chứa (NK 1148, 1190, 1777), với vòng tay mở rộng và chờ đợi (NK 206, 1541, 1728, 1777). Ngài không loại trừ ai (NK 1076, 1182, 1728), chỉ đòi hỏi tin cậy, niềm tin cậy không giới hạn.
Như Mẹ Têresa Calcutta thường nhận xét : cái nghèo nhất là không biết Đức Kitô. Vì thế, ta cần giúp tha nhân tìm kiếm Thiên Chúa trong khuôn mặt đầy Lòng Thương Xót của Đức Kitô. Ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp ta “tiêm nhiễm” Lòng Thương Xót của Chúa.
Nếu ta muốn tỏa lan Lòng Chúa Thương Xót theo lời Đức Thánh Cha và Giáo Hội, Tin Mừng về Lòng Thương Xót này phải trở thành điểm nhắm của ta vì chúng ta không chỉ được kêu gọi để loan báo nhưng còn để sống Lòng Thương Xót ấy. Đức Benedictô mô tả Đức Gioan Phaolô như “tông đồ vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót”, người “đã có trực giác tiên tri về nhu cầu mục vụ khẩn cấp” đối với Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại này. Đức Gioan Phaolô II được ca ngợi như vị ngôn sứ của Lòng Chúa Thương Xót bằng chính điều ngài làm.
Ngày 6/4/2008, trong vai trò chủ tịch đại hội, cử hành thánh lễ bế mạc đại hội lòng thương xót tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Hồng Y Christoph Schonborn nói : “Quá trình thành công của Kitô giáo không phải là chuyện chiến thắng quân đội hoặc chính trị. Đúng hơn đó là chiến thắng của lòng thương xót sống động. Chỉ trong cách ấy bạn mới có thể thâm tín. Ngôn từ có thể đẹp nhưng cuối cùng vẫn chỉ là ngôn từ. Tuy nhiên, những hành động của lòng thương xót lại là những gì thật hiển nhiên”. Ngài vui mừng kêu lên: “Thật là xúc động khi nhìn thấy Lòng Chúa Thương Xót lan tỏa khắp thế giới”.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 ở Cologne bên Đức, ĐTC mời gọi họ tới gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô trong và nhờ Giáo Hội, đặc biệt bằng việc đến với Chúa Giêsu Thánh Thể nơi “Nhà Tạm của Lòng Thương Xót”.
Trong lần thăm viếng mục vụ Ba Lan, gặp gỡ 500.000 bạn trẻ ngày 27/5/2006 tại công viên Blonie, ở Kralow, ĐTC Bededicto đã ủy thác “Ngọn Lửa Lòng Thương Xót” cho đám đông giới trẻ tham dự, để họ là “những sứ giả của Tình Yêu và Lòng Chúa Thương Xót trong thế giới” (Diễn văn chung 31/5/2006).
Thay Lời Kết : Ta cần phải Sống Lòng Thương Xót Mỗi Ngày
Khi nhận được Lòng Thương Xót từ Đức Kitô, chúng ta được kêu gọi tiến bước vào thế giới như những con người của lòng thương xót và thứ tha. Như Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót cho ta thế nào thì ta cũng được gọi để bày tỏ lòng thương xót ấy cho tha nhân, đặc biệt cho những ai tối cần đến. Nếu không, chứng tá cho Lòng Chúa Thương Xót sẽ mất đi độ tin cậy và sự toàn vẹn. Chúa nói với Faustina : “Ta đòi hỏi con việc làm cho lòng thương xót phát xuất từ tình yêu đối với Ta. Con sẽ tỏ bày lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi mọi lúc. Con không được lùi bước hay biện hộ hoặc tự miễn trách nhiệm cho bản thân việc đó. Ta ban cho con ba cách sử dụng lòng thương xót đối với người thân cận : Thứ nhất – bằng việc làm, thứ hai – bằng lời nói, thứ ba – bằng lời cầu nguyện. Trong cả ba cấp đó cần chứa đựng đầy lòng thương xót, và đó là bằng chứng không thể nghi ngờ được của tình yêu dành cho Ta. Chính nhờ cách này mà một linh hồn có thể tôn vinh và tôn kính lòng thương xót của Ta.” (NK, 742).
ĐTC Benedicto nhắc nhủ: “Ta cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”.
Theo gương thánh Faustina và theo lời kêu gọi của các vị chủ chăn trong giáo hội, ta có thể quảng bá việc tôn kính lòng thương xót Chúa, lần chuỗi lòng thương xót, cử hành lễ kính lòng thương xót, dâng những khổ đau của ta làm hy lễ tình yêu cho tha nhân. Ta cũng có thể nên sạch nơi “Tòa Thương Xót” của bí tích Hòa Giải. Ta cũng có thể kêu gọi mọi người đến với lòng thương xót của Chúa, khích lệ tất cả, đặc biệt các tội nhân hãy tin cậy vào lòng thương xót ấy. Ta có thể tham dự Đại Hội Thế Giới về Lòng Thương Xót hoặc giúp tổ chức cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót trong các xứ đạo. Ta có thể làm một tông đồ, một nhân chứng của lòng thương xót bằng chính cuộc sống của ta. Chúa đang kêu mời ta sống chứng tá lòng thương xót từng ngày trong gia đình, trong cộng đoàn, ngoài xã hội, khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, hãy có lòng thương xót đối với tha nhân như Thiên Chúa xót thương ta. Cầu nguyện và tín thác nơi Chúa phải là điều quan trọng khi theo đuổi hoạt động như thế.
Vượt lên trên, ta hãy phấn đấu cho “lòng thương xót sống động của Chúa đi tới khải hoàn” để đáp ứng huấn lệnh của ĐTC Benedicto : Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới.