SỰ PHỤC SINH LÀ GÌ?

Sự sống lại là trọng tâm của đức tin Kitô giáo đến độ Thánh Phaolô có thể nói: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì đức tin của chúng ta trống rỗng” (1Cr 15, 14).

Sự kiện này là không gì có thể diễn tả. Điều này được chứng thực bởi các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã nhìn thấy Chúa Giêsu còn sống, sau khi Ngài chết trên thập giá. Sự kiện này đại diện cho một biến động đối với lịch sử nhân loại, “Tin mừng” (nghĩa của chữ “Ευαγγέλιο” trong tiếng Hy Lạp) mà các môn đệ làm chứng cho điều đó bằng các tác phẩm của họ, bằng sự dạy dỗ của họ và trên hết là bằng cuộc sống cho đi của họ cho đến chết.

Không thể tưởng ra được? Phi lý?

Tuy nhiên, sự sống lại là điều không thể tưởng tượng được trong lịch sử. Từ “Phục sinh” có nghĩa là sống lại. Tới nay, không ai, ngoại trừ Chúa Giêsu, được cho là đã sống lại sau khi chết. Trong bối cảnh Chúa Giêsu sống, thì sự sống lại là một điều phi lý đối với người Rôma. Về phần người Do Thái, họ bị chia rẽ về chủ đề này. Một số người như những người Pharisêu khẳng định rằng sẽ có sự sống lại của kẻ chết vào thời kỳ cuối cùng bởi vì Thiên Chúa không thể bỏ mặc kẻ công chính trong cái chết. Những người khác như người phái Sađusêu vốn chống lại người Pharisêu trong lãnh vực này. Vì vậy, khi những kẻ thù của Chúa Giêsu nghe Ngài nói rằng sự chết không có quyền trên Ngài, họ tìm cách bịt miệng Ngài, thậm chí loại trừ Ngài, trước tiên bằng cách ném đá Ngài, sau đó kết án Ngài chết trên thập giá, vì cách nói như vậy bộc lộ sự phạm thượng. Khi các phụ nữ vào buổi sáng Lễ Phục sinh thấy ngôi mộ trống rỗng, cả họ và các môn đồ đều không nghĩ rằng Ngài đã “sống lại”: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Gioan 20: 9).

“Ngài thực sự sống lại!”

Bấy giờ, các phụ nữ, cũng như các môn đệ, thấy mình đối mặt với Chúa Giêsu đang sống. Tất cả đều nhận ra Ngài như họ đã từng biết Ngài. “Chúa trỗi dậy thật rồi!” (Luca 24, 34) Sự sống lại không phải là điều bịa đặt của các phụ nữ, hay sự phóng dọi từ nhận thức của các môn đồ, càng không phải là một thủ đoạn của các ông để làm cho người khác tin rằng Ngài đã trở lại cõi sống.

Chúa Giêsu Phục sinh thoát khỏi quyền lực của sự chết. Ngài không chỉ được hồi sinh trong một khoảng thời gian: “Cái chết chẳng còn quyền chi đối với Ngài” (Rôma 6, 9) Ngài không tái sinh trong một yếu tố tự nhiên khác. Chính Ngài, người mà các môn đệ đã biết, người mà họ đã đồng hành trên đường Galilê và miền Giuđê, người mà họ đã nghe giảng dạy và người đã giải tỏa nỗi thống khổ của những ai đến với Ngài. Chính Ngài, Chúa Giêsu, hiện ra với họ trong thân thể vinh hiển của Ngài, như phần cuối của mỗi câu chuyện Tin mừng dù nói khác nhau nhưng vẫn đồng nhất ( Mátthêu 28; Máccô 16 ; Luca 24 ; Gioan 20-21). Phải thừa nhận rằng điều này bỏ qua những ràng buộc về không gian-thời gian (Ngài vào nhà nơi các môn đệ khóa chặt, Ngài xuất hiện bên hồ, trong vườn, v.v.). Nhưng Ngài có thể được nhận ra trong một nhân tính đã được biến đổi. Các môn đệ phải đối mặt với bằng chứng rằng Chúa Giêsu thực sự là con của Thiên Chúa kể từ khi Ngài sống lại.

Sự phục sinh, không gì có thể diễn tả nhưng có thể tin được

Chúng ta không thể tưởng tượng được sự sống lại vì nó giả định phải có sự lật đổ của các quy luật tự nhiên và thoát khỏi nhận thức của chúng ta. Về vấn đề này, chúng ta nói đến một sự kiện siêu việt. Các sách Tin mừng không bao giờ mô tả sự sống lại. Đó là một hành động của Thiên Chúa vốn vượt quá con người. Các sách Tin mừng chỉ chứng thực rằng “Ngài đã sống lại”, rằng “Ngài không còn ở đây nữa” trong ngôi mộ: “Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết” (Mátthêu 28, 7 ). “Người hiện ra” với các môn đệ, với các phụ nữ, với một số ít người: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Ngài đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.  Ngài đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Ngài đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Ngài hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Ngài cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 1-11) . Vì Chúa Kitô tự để cho các môn đệ thấy Ngài trong thế giới của các ông, nên chính trong thế giới này, họ phải làm chứng cho Ngài. Từ bây giờ họ sẽ đi công bố điều đó cho đến khi họ niêm phong lời chứng của mình bằng máu của mình.

Đây là lý do tại sao các Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu Phục sinh đến độ đức tin của họ sẽ trống rỗng nếu không có sự phục sinh của Chúa Giêsu.

 

Phêrô Phạm văn Trung chuyển ngữ

theo Chantal Reynier, jesus.catholique.fr. [1]

 

[1] Chantal Reynier, giáo sư chú giải tại phân khoa Dòng Tên ở Paris.

Chia sẻ Bài này:

Related posts