Sự sống đời sau

        Mỗi khi đọc Kinh Tin Kính ( Nice’a ) chúng ta tuyên xưng: “ Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” Đó là đức tin của  Đạo Công Giáo còn  nếu như không có đức tin ấy  thì không phải  người Công Giáo. Tuy nhiên trong thực tế chúng ta có thực sự tin và sống niềm tin đó hay không ?

          Giữa việc tin và  sống đức tin rất có thể là  hai việc khác nhau. Tin rằng chết sẽ được sống lại mà không làm gì để có được sự sống lại ấy  thì nào có ích chi ? Tin có sự sống lại, quả thật chúng ta vẫn tuyên xưng như thế. Nhưng trước hết  cần  tìm xem …cái được sống lại ấy là gì ? Đó có thực sự là thân xác hay không ? “ Nhưng có kẻ sẽ hỏi rằng:  Người chết được sống lại thể nào, lấy thân thể nào mà đến ư ? Ớ kẻ ngu dại kia, vật gì ngươi gieo nếu không chết đã thì không sống lại được. Còn như vật ngươi gieo ấy không phải là hình thể sẽ có. Chẳng qua như là cái hột như hột lúa mì hay một giống gì khác. Nhưng ĐCT cho nó hình thể  tùy ý Ngài. Mỗi giống cho một hình thể riêng. Mọi xác thịt  chẳng phải đồng một xác thịt. Nhưng xác thịt của loài người khác. Của loài thú khác. Của loài chim khác. Của loài cá lại khác nữa.” ( 1C 15, 35 -39 ).

          Một cái hạt như hạt lúa chẳng hạn được gieo xuống đất và sau vài ngày nếu có đủ điều kiện: độ ẩm, ánh sáng, không khí  và không bị côn trùng cắn phá  thì sẽ nứt mộng mọc lên một lá mạ để rồi sau đó lớn lên thành cây lúa. Nếu hạt lúa gieo xuống  không mọc, không trồi lên cũng  một cái hạt  ấy  thì đối với xác thân con người cũng vậy. Một khi chết đi, chôn xuống đất  thì tất nhiên không phải cái xác thân đó sẽ…sống lại nhưng hẳn sẽ  là một cái chi khác ?

          Cái chi khác không phải…xác thân vậy đó là cái gì ? Câu hỏi này thật không dễ để trả lời. Nếu  cho rằng linh hồn sống lại cũng không đúng bởi vì linh hồn   là…giống thiêng liêng không thể chết  mà  đã…không chết  thì  cần gì phải…sống lại ?

          Thân xác không sống lại mà linh hồn  cũng không. Vậy đó là…cái gì ? Xin thưa đó chỉ có thể  là  Cái Nghiệp  đã được tạo của mỗi người khi còn sống trên cõi đời  này. Tạo nghiệp lành sẽ được về cõi lành. Tạo nghiệp ác sẽ đọa vào cõi ác.

          Con người sẽ đem theo Cái  Nghiệp của mình để bước vào đời sau. Đó mới thực là lẽ công bình  của Thiên Chúa: “ Ta sẽ tùy theo công việc của mỗi người mà báo ứng” ( Kh 12, 23 ).

          Dưới ảnh hưởng của nạn Tục Hóa đã và đang lan tràn trong Giáo Hội.  Người Công giáo hầu như không còn sống đức tin của mình  và nguyên nhân đưa đến sự tệ hại đó chính là vì người ta đã không có lòng tin nơi Lẽ Nhân Quả.

          Cũng vì không tin Lẽ Nhân Quả thế nên người đời nói chung và người Công Giáo nói riêng đã không còn ý thức về tội. ĐGH Pio XII nói: “ Tội lớn nhất của thời đại hôm nay không phải là tội này, tội kia nhưng là cái tội đã đánh mất cảm thức về tội”.

          Mất ý thức về tội có nghĩa đã không còn coi cái chi là tội. Chẳng những…bỏ lễ Ngày Chủ Nhật, không ăn chay ngày Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh v.v…không cho là tội mà ngay đến việc phá thai, cổ vũ việc kết hôn đồng tính  cũng chẳng  tội lỗi gì !!!

          Tội lỗi đưa con người đến cái chết về phần tâm linh và vì thế đức tin chẳng thể còn. Giữa tội lỗi và đức tin không thể cùng tồn tại. Tại sao ? Bởi vì  đức tin ở đây là tin vào sự chết và sống lại của Đức Ki Tô, đó cũng là sự sống lại của  mỗi người: “ Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại  thì  Đức Ki Tô cũng  chẳng đã được sống lại. Nhưng nếu Đức Ki Tô đã chẳng được sống lại thì đức tin của anh em cũng ra vô ích. Anh em vẫn ở trong tội lỗi mình….

          ….Vậy những kẻ đã chết trong Đức Ki Tô cũng bị hư mất rồi. Nếu chúng ta chỉ có hy vọng  trong Đức Ki Tô ở đời sống này mà thôi thì trong cả mọi người  chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” (1C 15, 16 -19 ).

          Nếu chỉ hy vọng trong  Đức Ki Tô ở đời sống này thì người Công giáo sẽ là những kẻ  đáng thương hơn hết. Tại sao ? Bởi vì theo Chúa thì phải từ bỏ: “ Hễ ai trong các ngươi không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Môn đệ Chúa từ bỏ mọi sự, nào là tài sản, sự nghiệp, công danh, địa vị…là để sống niềm hy vọng nhưng nếu niềm hy vọng ấy chỉ là viển vông, hão huyền thì đó chẳng phải là đáng thương hay sao ? Nhưng đâu phải vậy ? Trong lịch sử dài lâu của Giáo Hội đã có không biết bao nhiêu là những chứng nhân  đã hy sinh đến cả tính mạng và  đức tin ấy không hề lừa dối.

          Sở dĩ người môn đệ Chúa  dám hy sinh đến cả tính mạng bởi vì họ tin  còn có một đời sống khác ngoài sự sống xác thân bọt bèo chóng qua này: “ Vậy chúng ta vững lòng luôn  vì biết rằng bao lâu còn ở trong thân xác này thì còn xa cách Chúa. Vì chúng ta bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy. Vậy thì chúng ta thà nguyện lìa khỏi thân xác này để ở cùng Chúa thì hơn. Cho nên chúng ta còn ở hoặc lìa khỏi  cũng hãy lập chí  cho được đẹp lòng Ngài. Bởi vì chúng ta đều phải ứng hầu trước tòa án của Đấng Ki Tô hầu cho mỗi người nhận lãnh những điều mà bản thân đã làm theo như sở hành hoặc thiện hoặc ác vậy” ( 2C 5, 6 -10 ).

          Con người sống là sống với thân xác cùng với những nhu cầu không thể thiếu của nó như cơm ăn, áo mặc, nhà ở v.v…Tuy nhiên đối với người có đạo  thì ngoài sự sống đời này ra  còn tin có Sự Sống Đời Sau và đó mới là đời sống  viên mãn không còn bóng dáng của khổ  đau.

          Bởi có lòng tin như thế nên chúng ta không còn bám luyến vào đời sống  này coi đó như là một cái gì thực hữu: “Vì chúng ta chẳng đem gì vào thế gian cũng chẳng thể  đem gì ra được. Nhưng có ăn, có mặc thì hãy lấy làm đủ”(1Tm 6, 7 -8 ).

          Thái độ tri túc …biết đủ ấy chẳng những là quan niệm sáng suốt của những con người cầu đạo. Nhưng đây cũng là lời truyền dạy của Đức Ki Tô: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Còn mọi điều khác sẽ  được thêm cho các ngươi. Vậy chớ có lo chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 33 -34 ).

          Chúa nói đừng có lo chi cho ngày mai bởi vì ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó. Vả lại bản chất của cõi thế này là vô thường, khổ não dù có lo cho nó cách nào thì cũng  chỉ vô ích thôi. Điều cấp thiết là phải lo tìm kiếm Nước Trời  bởi vì đời sống này là đời giả tạm chóng qua chỉ  Nước Trời  mới  là chốn vĩnh cửu thiên thu./.

Phùng  Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts