SỰ SỐNG LẠI CỦA THÂN XÁC THEO KINH THÁNH VÀ GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.”, Hội Thánh Công Giáo đã định tín và Kinh Tin Kính kết thúc với lời tuyên xưng như thế qua bao đời nay.

Hội Thánh, với tư cách là “Thân Mình Mầu Nhiệm” của Chúa Kitô, vẫn hằng yêu thương và ân cần quan tâm đến nỗi lo âu của những chi thể của mình về số phận đời đời của họ, như Thánh Tông Đồ Phaolô đã viết trong thư gủi tín hữu Thessalônica:

Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Chúa Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Chúa Giêsu” (1 Thessalônica 4: 13–14).

Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cách sống lại về mặt thể xác. Tất cả những ai tin vào Ngài đều sẽ được sống lại trong một sự sống có thân xác được đổi mới, như thân xác sống lại của Chúa Kitô:

Các môn đệ khác nói với Tôma: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Chúa Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! ” (Gioan 20: 25-27).

 Và “Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! ” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? ” Nói xong, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Ngài hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? ” Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Luca 24: 36-43).

 

Thánh Phaolô đã viết: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4, 16). Nơi con người phục sinh có một sự “đổi mới”, “biến đổi” chứ không phải “thối rữa”, “chết đi”, “hư hoại” tất cả, không còn gì của con người trước kia. Sự “biến đổi” vẫn bảo toàn tính nối dài của những gì là cũ trong thực tại mới, từ đó, thánh Phaolô đã liệt kê những đặc điểm mang tính “tiền định cho sự sống” của thân xác của con người, được ví như “hạt lúa mì”: “Gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng” (1Cr 15, 42-44), vì Thiên Chúa tạo ra con người là để con người được sống, được chia sẻ đời sống hạnh phúc tuyệt vời với Thiên Chúa trong tình yêu thân thiết.

 

Thánh Phaolô cũng nói:  “…Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Philípphê 3, 21), và “Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.” (1 Cr 15, 49).

 

Như thế, chúng ta hiểu ra điều Chúa Giêsu đã tuyên bố sau phục sinh “Chính Ta đây” (Lc 24, 39), – vẫn là Ta đây – cho nên, Đức Hồng Y George. Ratzinger, trong Tài liệu uỷ ban thần học quốc tế, số 5.4 có nói: “có một sự liên tục thật sự giữa con người đã sống trên trần gian và con người phục sinh. Nếu như không có sự liên tục của một yếu tố mang tính con người, thì con người đã sống trên trần gian và con người sống lại sẽ không cùng một “cái tôi” đơn thuần.” 

 

Tuy nhiên, Ngài lưu ý “trong số những kẻ còn tin có một cuộc sống sau cái chết, nhiều người tưởng tượng đó là một cuộc sống mới trên trần gian theo kiểu luân hồi, như vậy, cuộc sống trần thế không còn là duy nhất nữa.”

 

Ngài quả quyết: “Thật bất xứng với Thiên Chúa nếu như Ngài cứu độ chỉ nửa con người.”

 

Sách Giáo Lý Công Giáo xác quyết: “mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án” (số 998) và “mọi người sẽ sống lại vào ngày sau hết, ngày tận thế, ngày hồng phúc – ngày Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta ngự đến. Ngày kẻ chết sống lại chính là ngày Chúa Kitô quang lâm” (GLCG 1001).

Và họ sẽ sống đời đời trong thế giới mai sau. Cũng như một ngày nào đó chúng ta sẽ được sống lại, thì thế giới này một ngày nào đó cũng sẽ được phục hồi.

Về phần vũ trụ, Mặc Khải xác nhận nhân loại và thế giới vật chất có chung một vận mệnh: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài… hy vọng có ngày mình cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, … Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,19-23)” (GLCG số1046).

Thiên Chúa đã tiền định vũ trụ hữu hình cũng phải biến đổi “để cho thế giới khôi phục lại tình trạng ban đầu, không gây bất kỳ trở ngại nào để phục vụ người công chính”, và vũ trụ này cùng được vinh quang với họ trong Chúa Giêsu Phục Sinh (Thánh Irênê, chống lạc giáo 5,32,1)” (GLCG số1047).

Mọi tạo vật sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự hư nát và sẽ được hưởng “sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rôma 8:21 ). Mọi thứ sẽ được tôn vinh, ngay cả bản tính tự nhiên. Đối với người Kitô hữu, đây là lời Kinh thánh dạy về tình trạng vĩnh cửu của chúng ta: điều mà chúng ta gọi là “thiên đàng”, là sự sống trong thế giới hoàn hảo như Thiên Chúa đã thiết kế nó cho con người. Ban đầu, Thiên Chúa đặt Ađam vào vườn địa đàng, nhưng Ađam đã sa ngã và tất cả đều sa ngã theo ông. Tuy nhiên, con người, đàn ông và đàn bà, đều sống có một thân xác, và họ sẽ được sống trong một thân xác được tôn vinh, trong một thế giới được tôn vinh, và Thiên Chúa sẽ ở cùng họ:

Ngài sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Ngài, còn chính Ngài sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21: 3-4)

 

Sách Giáo Lý Công Giáo số 364 (1004) viết:

 “Thân xác cũng được dự phần vào phẩm giá của con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”: nó là thân xác con người chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động. Và chính con người toàn diện được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Chúa Kitô (1Cr 6,19-20; 15, 44 – 45). Tuy gồm xác và hồn, nhưng là một thực thể duy nhất, con người, nhờ có thể xác, qui tụ nơi mình những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Nơi con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng và có thể tự do dâng lời ca tụng Đấng Tạo Hóa. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và phải được sống lại ngày sau hết (GS 14,1)”.

Nhờ đã chết và phục sinh, Chúa Giêsu Kitô đã “mở” cửa Thiên Đàng cho chúng ta. Các thánh được hưởng trọn vẹn hoa quả ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngài cho những ai đã tin vào Ngài và trung thành với thánh ý Ngài được cùng hưởng vinh quang với Ngài. Thiên Đàng là cộng đồng vĩnh phúc gồm tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Chúa Kitô” (GLCG số 1026).

 

Sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô mang rất nhiều ý nghĩa tuyệt vời.

Ý nghĩa đầu tiên trong số những ý nghĩa này là: sự phục sinh biện minh cho con người, cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu. Thật vậy, một số người nghĩ rằng nếu Chúa Giêsu chết trên thập tự giá, thì đó chỉ có thể là vì Ngài đáng bị như vậy, bởi vì Ngài bị kết tội bởi tòa án La Mã. Và bản thân Cựu ước cho rằng “kẻ đã bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa” (Đệ Nhị Luật 21: 23). Nhưng thật ra Ngài không chết như một người bị chính tội lỗi của mình kết án. Ngài mang tội lỗi của người khác, và sự hy sinh này làm đẹp lòng Thiên Chúa đến nỗi Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ cõi chết. Vì vậy, sự phục sinh của Chúa Giêsu là một hình thức tuyên xưng công bình. Đó là bằng chứng cao nhất cho thấy Thiên Chúa Cha đã ưng thuận, khi Chúa Giêsu hấp hối, Ngài nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Gioan 19: 30).

 “Cái chết được biến đổi nhờ Chúa Kitô. Dù là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chịu chết vì mang thân phận con người. Đứng trước cái chết, tuy sợ hãi (Mc 14,33-34; Dt 5,7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Chúa Giêsu đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành: “…cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”(Rm 5,19-21)” (GLCG số1009).

Sự sống lại cũng thể hiện mối quan tâm của Tin Mừng đối với con người sống trong một thân xác. Thật vậy, một số người nghĩ rằng rồi ra tất cả chúng ta sẽ là những linh hồn phi vật chất, không còn bất kỳ liên kết nào với một cơ thể vật chất. Nhưng sự sống lại của thân xác là một chân lý cơ bản của Kitô giáo: trong trời mới và đất mới, trong ngôi nhà của công lý, điểm đến cuối cùng của chúng ta, chúng ta sẽ không chỉ là một vật thể trên trời, bởi vì khi đó con người chúng ta cũng sẽ mang tính hiện sinh của công trình sáng tạo hữu hình, nơi mà “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (Stk 1: 31). Gióp nói: “sau khi thức dậy, tôi sẽ đứng gần Ngài, và trong xương thịt tôi, tôi sẽ trông xem Ngài” (Gióp 19, 23-27). Sẽ có trời mới và đất mới, và chúng ta sẽ có thân thể phục sinh tương tự như thân thể của Chúa Kitô. Đây là trọng tâm của cuộc tranh luận lớn trong thư thứ 1 Côrintô chương 15. Thánh Phaolô tuyên bố rằng Chúa Kitô đã trở lại từ cõi chết trong một cơ thể phục sinh. Điều này nghe thật lạ lùng và khó tin, đó là một thân xác có thể chạm vào, có thể nắm lấy, một thân xác có thể nói chuyện, có thể nhìn thấy và thậm chí có thể ăn thức ăn trần gian!

 “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Ngài đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Ngài hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Côrintô 15: 3-8).

“Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Chúa Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Chúa Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Chúa Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Ngài đã cho Chúa Kitô trỗi dậy, trong khi thực sự Ngài đã không cho Chúa Kitô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Chúa Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Chúa Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Chúa Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Chúa Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Chúa Kitô, rồi khi Chúa Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Ngài” (1 Côrintô 15: 12-23).

Công đồng Toledo (năm 675) đã khẳng định: “Dựa theo mẫu gương của Chúa, chúng ta tin rằng sẽ có sự sống lại xác thể của những kẻ đã chết. Theo niềm tin, chúng ta sẽ sống lại không phải trong một thân xác siêu khí hay khác biệt như nhiều người quả quyết, nhưng là ngay trong thân xác chúng ta đang sống, đã tồn tại và đã hoạt động” (DS 540).

 

Công đồng Latran (năm1215) cũng đã tuyên bố: “Mọi người sẽ sống lại trong chính thân xác mà chúng ta đang có trong hiện tại” (DS 801).

 Đó là lý do tại sao khi chúng ta đạt đến trạng thái cuối cùng này, trải qua sự phục sinh vào ngày cuối cùng, chúng ta sẽ có thân xác phục sinh tương tự như thân xác của Chúa Giêsu phục sinh. Đây là những gì chúng ta được Thiên Chúa dự định cho. Do đó, sự phục sinh của Chúa Giêsu là hoa quả đầu mùa của điều thường được gọi là sự phục sinh sau này của thân xác. Tất cả con người sẽ được phục sinh, cho dù là để sống đời đời hay bị kết án trầm luân, vì con người tự bản chất cũng có một bản tính mang tính thể lý:

Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần. Trình thuật Thánh Kinh diễn tả thực tại đó với một ngôn ngữ biểu tượng khi khẳng định rằng “Thiên Chúa lấy đất sét nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”(St 2,7). Con người toàn diện được dựng nên do ý muốn của Thiên Chúa” (GLCG số 362).

 Và sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng hàm ý có một cuộc sống và một sự hiện hữu bên trên cuộc sống này. Chúng ta không nên tin rằng Kitô giáo chỉ giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống của chúng ta trên trái đất này. Đúng hơn, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là bên trên cuộc đời này. Khi chúng ta già đi, khi tóc rụng dần, khi bệnh viêm khớp bắt đầu xuất hiện, hoặc khi chúng ta chìm vào chứng mất trí nhớ, thì ý tưởng về một cuộc sống phục sinh trở nên rất đáng mơ ước, vì hy vọng của chúng ta không phải là chỉ sống đến tám mươi, chín mươi hoặc thậm chí “bách niên giao lão”. Hy vọng cuối cùng của chúng ta là có được thân xác giống như của Chúa Kitô Phục Sinh. Và thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh là hoa trái đầu mùa; thân xác phục sinh của chúng ta đã được Chúa Kitô Phục Sinh bảo đảm, và chúng ta tiến bước theo Ngài, để cùng Ngài bước vào cuộc sống mới: một cuộc sống trong thân xác phục sinh thực sự, trong trời mới và đất mới, trong ngôi nhà công chính. Đây là lý do tại sao thư thứ 1 Thessalônica chương 4, nói nhiều về sự phục sinh, kết thúc như thế này:

Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trungNhư thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau.” (1 Thessalônica 4: 16-18).

Lạy Chúa là Thiên Chúa chiến thắng sự chết, xin hãy liên tục nhắc nhở chúng con rằng cái chết không phải là kết thúc của chúng con. Xin cho chúng con sau khi thông hiệp với cái chết của Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Tẩy, cứu chúng con khỏi sự chết mà chúng con phải nhận, thì xin cũng ban cho chúng con sự sống mới trong Thánh Thần, được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Mình Máu Thánh Chúa, luôn được cử hành theo Lời Chúa truyền dạy trong Hội Thánh của Chúa. Xin cho chúng con biết năng đến với Bí tích Hòa Giải để luôn dọn mình sẵn sàng sạch mọi tội lỗi, và vác thập giá mỗi ngày, cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô, đón chờ Chúa ngự đến trong Vinh Quang Phục Sinh. Xin Sự Phục Sinh của Chúa Kitô hoạt động trong con để con loan truyền sự sống mới đó cho những người khác, hầu giúp nhau thoát khỏi sự dữ, là thứ “văn minh sự chết” luôn có trong chúng con và trong mọi khía cạnh khác nhau của đời sống phàm nhân. Chúng con hy vọng vào niềm vui một ngày nào đó được Chúa Giêsu Kitô ngự đến, biến đổi thân xác hay hư nát của chúng con bằng sự sống đời đời của Ngài, bởi vì sức mạnh của Thiên Chúa sẽ được thực hiện cách trọn vẹn nơi những hèn yếu của chúng con, hầu chúng con được mặc lấy thân xác phục sinh của mình và hiển trị trong trời mới đất mới. Amen.

 Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts