Triết học có ba nan đề mà cho đến nay vẫn không thể giải quyết. 1/- Con người bởi đâu sinh ra ? ( Nhân sinh hà tại ). 2/- Sống trên đời để làm gì ? ( Tại thế hà như ? ). 3/- Chết rồi đi đâu ? ( Hậu thế như hà ).
Ba câu hỏi này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu biết sinh bởi đâu sẽ biết chết về đâu và khi biết chết về đâu thì sẽ biết con người ta sống trên đời để làm gì…
Triết học đặt vấn đề nhưng không thể giải quyết. Điều ấy khiến triết học ngày càng lâm phải bế tắc và sự bế tắc ấy là tất nhiên không sao tránh khỏi. Lý do đơn giản là vì bản chất của triết học là lý giải, phân tích. Đang khi đó vấn đề sống và chết thuộc lãnh vực siêu hình, chỉ có thể giải quyết bằng con đường thực hành tôn giáo tức gạt bỏ đi cho hết mọi thứ lý luận suy tư.” Văn tự làm cho chết. Chỉ thần khí mới làm cho sống” ( 2C, 3, 6 ).
Tôn giáo có mặt là để giải quyết vấn đề sinh và tử và vấn đề ấy Đạo Công Giáo tóm gọn trong bốn đề mục gọi là Tứ Chung ( Novissimis ): Chết. Phán Xét. Thiên Đàng. Hỏa Ngục.
Đức tin của người Công Giáo là sau khi chết, con người sẽ phải đến trước Tòa Phán Xét Chúa. Những ai làm lành sẽ được lên Thiên Đàng còn kẻ dữ sẽ phải xuống Hỏa Ngục. Chính do nơi đức tin ấy mà người có đạo chúng ta trải qua bao thế hệ đã biết làm lành lánh dữ, chẳng hề thắc mắc đắn đo…
Ấy vậy, đức tin tưởng chừng đơn thành ấy hiện nay đã bị …đả phá một cách quyết liệt:“ Án phạt đời đời chưa bao giờ là một tín điều được nồng nhiệt phổ biến. Nhưng trái lại ngày nay đó là tín lý dường như đang bị đả phá mạnh nhất vào lúc này. Những nhà trí thức nổi danh như Stephen Greenblatt lắc đầu nhếch mép trước giáo huấn này. Các nhà thần học lập dị nặn óc nghĩ ra những lập luận chống lại tín điều ấy. Trong khi đó các nhà lãnh đạo Giáo Hội khi được hỏi về điều này thường trả lời với sự mơ hồ và bối rối. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Vinson Cickyham trên tờ Newyork Times gần đây chuyển hướng sang vặn hỏi người Công Giáo: Những tín hữu hiện tại nào là những người không muốn phá bỏ rào cản tàn bạo, cũ kỹ này ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương ? Loại thần nào lại vẽ ra một ranh giới cứng rắn như vậy giữa bạn bè và kẻ thù của ông ta và giữ trong lòng mình một mối hận thù vĩnh cửu như thế ? Chắc chắn sự từ bỏ khái niệm về Hỏa Ngục, ngay cả ý tưởng quên đi khái niệm ấy cũng mang đến một chút nhẹ nhõm” ( Nguồn Vietcatholic News – 14/3/2019 – Dan Hitchens – Hỏa Ngục là tín điều bị công kích nhất ngày nay. Nhưng cẩn thận nhé: Hỏa Ngục thật sự tồn tại đấy. ).
Cứ theo lý luận này thì con người không thể đến với đức tin nơi một Thiên Chúa yêu thương nếu Hỏa Ngục… tồn tại. Nói cách khác một Thiên Chúa yêu thương không bao giờ có thể cho phép Hỏa Ngục hiện hữu.
Lập luận không chấp nhận sự tồn tại của Hỏa Ngục đời đời khi viện cớ vào đức tin nơi một Thiên Chúa yêu thương như thế xem ra có vẻ…đúng đấy. Thế nhưng chối bỏ sự tồn tại của Hỏa Ngục lại hoàn toàn trái với điều mà Chúa Giê Su đã nhiều lần khẳng định: “ Nếu tay hay chân làm cớ cho ngươi vấp phạm. Hãy chặt và liệng bỏ nó đi vì thà cụt tay cụt chân mà vào được sự sống ( Thiên Đàng ) còn hơn là đủ cả tay chân mà bị quăng vào lửa đời đời ( Hỏa Ngục ). Nếu mắt gây cho ngươi vấp phạm thì hãy móc nó mà quăng đi bởi thà còn một mắt mà vào sự sống còn hơn là còn hai mắt mà bị ném vào Hỏa Ngục.” ( Mt 18, 8 -9 ).
Chúa Giê Su khi khẳng định mạnh mẽ sự tồn tại của Hỏa Ngục, chắc chắn Ngài không hề có ý để…hù dọa người đời nhưng đây là sự thật không thể chối bỏ. Tại sao ? Bởi nếu Hỏa Ngục không tồn tại thì Thiên Đàng cũng không tồn tại và như thế cũng chẳng làm gì có sự thưởng phạt đời đời. Do đó, tôn giáo và việc thực hành tôn giáo trở nên vô nghĩa.
Hỏa Ngục thực sự tồn tại. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là sự tồn tại ấy có thể ở đâu ? Chắc chắn không thể nói nó ở trong một không gian vật lý nào đó. Nên nhớ chính cái lòng tin đơn sơ của tín hữu trước đây vào một thứ Hỏa Ngục hay Thiên Đàng tồn tại trong không gian vật lý mà nó đã bị đánh đổ một cách dễ dàng.
Nói đến Hỏa Ngục hay Địa Ngục người ta liền hình dung ngay ra một nơi dùng để giam nhốt tội nhân. Đối với thế giới hữu hình thì …ngục dĩ nhiên phải có nơi có chốn. Nhưng Hỏa Ngục hoặc Thiên Đàng thì không như thế bởi vì nó thuộc lãnh vực siêu hình, giác quan không thể nhận biết.
Giác quan không thể nhận biết Hỏa Ngục nhưng không thể nói nó không tồn tại. Có thể ví điều này như trong một giấc mộng. chúng ta thấy mình cũng đi lại, nói năng, lái xe,….cùng với những tình cảm vui, buồn, thương nhớ, giận hờn, ghen tương…. y như là thật. Vậy thử hỏi, cái gì đi lại, nói năng cùng với những tình cảm vui, buồn, giận ghét …ấy ? Đó có phải là thân xác hay không ? Hoàn toàn không phải, bởi vì cái thân xác ấy đang nằm bất động mê mệt trên giường, có đi lại, nói năng gì được đâu ?
Với một giấc mộng cho thấy luôn có hai phần. Một là thân xác tức phần vật chất. Hai là cảnh giới tức phần tinh thần. Sau khi thức giấc, chúng ta biết đó chỉ là giấc mộng và hầu như chẳng nhớ, chẳng nắm bắt được những gì vừa diễn ra nào là những hành vi, những tình cảm vui, buồn, giận, thương ….đó. Mặc dầu không nắm bắt được nhưng chúng ta không thể nói những gì vừa diễn ra trong giấc mộng ấy là không có thật.
Trong vấn đề đau khổ cũng vậy. Đau thuộc về thể xác còn khổ thuộc về tinh thần. Có những khi đau đớn về thể xác nhưng tinh thần thì không khổ. Các Thánh Tông Đồ trong khi thân xác bị đánh đập, giam cầm nhưng các ngài lại vui: “ Vậy các Tông Đồ ra khỏi nhà công hội đều lấy làm mừng vui vì mình được kể là xứng đáng vì Danh Chúa Giê Su” ( Cv 5, 41 ).
Lại nữa chúng ta có thể nhận biết cái đau của thân xác rõ ràng về mức độ cũng như chỗ bị đau. Đang khi đó cái nỗi khổ hay hạnh phúc về tinh thần thì hầu như không thể xác định. Mặc dầu vậy, chính cái nỗi khổ về tinh thần ấy mới khiến chúng ta…thật sự là khổ. Cái nỗi đau đớn về thể xác thuộc hữu hình có thể nhận biết và chữa trị. Nhưng chính cái nỗi khổ về tinh thần là cái vô hình nhưng đây mới thực là nỗi khổ khôn nguôi của con người.
Trên đây chúng ta mới bàn về cái khổ khi con người còn mang thân xác. Nhưng khi chết đi không còn thân xác nữa thì sao ? Hẳn nhiên cái đau của thân xác không còn vì thân xác có còn đâu nữa mà…đau ? Tuy nhiên chết có phải là hết không ? Những người tin vào thuyết Duy Vật Vô Thần thì nói chết là hết. Thế nhưng họ chỉ nói…ngoài miệng thế thôi còn trong lòng thì lại mù quáng tin càn tin xiên, mê tín dị đoan không ai bằng ! Trong di chúc ông Hồ nói, tôi đi để gặp ông K. Mác, ông Lenin. Không biết ông Hồ gặp hai ông ấy ở đâu ? Nhân nào thì quả ấy. Chẳng phải họ sẽ gặp nhau ở cái chỗ đã dành sẵn cho họ hay sao ?
Nếu chết không phải là hết thì tất nhiên cũng phải tồn tại một cái chi đó mà Công Giáo chúng ta cho là linh hồn còn Phật giáo gọi là thần thức. Dù mang tên gọi nào nhưng nó vẫn tồn tại có thể trên Thiên Đàng hay Hỏa Ngục tùy theo cái nghiệp đã tạo khi còn sống trên cõi dương gian này.
Chính cái ác nghiệp sẽ đẩy người ta xuống Hỏa Ngục chứ chẳng có đấng nào lại đi làm cái việc ấy. Người Công Giáo bình dân hay nói: Chúa phạt, nhưng đây là một sai lầm rất đáng tiếc bởi vì nó khiến cho đức tin nơi một Thiên Chúa Tình Yêu trở nên không thể chấp nhận.
Thiên Chúa không hề đày đọa một ai trong Hỏa Ngục hoặc đưa ai lên Thiên Đàng. Sự thưởng phạt ấy cần nên hiểu đó chính là luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Tạo nhân nào sẽ gặt quả đó không hề sai chạy một hào ly. Ngục thất ở chốn dương gian này là nơi giam nhốt phạm nhân. Thời gian ngắn hay dài tùy theo cái tội mà người đó đã phạm. Thế nhưng cả cái ngục thất cũng như tội nhân đều sẽ có ngày tiêu diệt. Trái lại Hỏa Ngục thì tồn tại đời đời.
Lại nữa, có tội thì bị phạt tù. Tuy nhiên ở cõi đời này nếu có nhiều tiền hay thế lực người ta có thể thuê luật sư chạy cho giảm án hay tha bổng. Trái lại trong cõi tâm linh thì không như vậy, hễ tạo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy. Tạo nhân lành sẽ gặt quả lành. Tạo nhân ác sẽ gặt quả ác và cái quả ác khủng khiếp nhất đó là phải lìa xa Thiên Chúa trong Hỏa Ngục muôn kiếp.
Tại sao xa lìa Thiên Chúa lại là nỗi khổ đau khủng khiếp nhất ? Bởi vì Thiên Chúa là nguồn cội của Tình Yêu. Hơn nữa Ngài chính là Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ). Nói Thiên Chúa là Tình Yêu có nghĩa Ngài là Bản Thể của muôn loài vạn vật chúng sinh. Hết thảy đều được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) và vì thế mỗi người trong chúng ta không ai từ trong sâu thẳm cõi lòng lại không ước vọng trở về với Ngài.
Tôn giáo dù với nhiều hình thức khác nhau nhưng nó chỉ mang nơi mình một sứ mạng là làm cho con người được trở về …làm hòa với Thiên Chúa Đấng là Cha ở nơi mình “ Mọi sự đều ra từ ĐCT, Ngài đã nhờ Đức Giê Su Ki Tô mà khiến chúng ta …hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi phận sự giải hòa” ( 2C 5, 8 ).
Để chúng ta có thể …làm hòa được với Thiên Chúa. Đức Giê Su đã phải hy sinh gánh chịu một cái chết vô cùng đớn đau khổ nhục. Với cái chết ấy Ngài không đòi hỏi chúng ta điều chi khác ngoài ra là lòng tin, yêu và vâng giữ lời Ngài: “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha Ta, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21 ).
Ai yêu mến Chúa thì vâng giữ các giới răn của Ngài và giới răn của Chúa tóm gọn trong hai điều đó là Mến Chúa và Yêu Người ( Mt 22, 34 -40 ). Nói là…hai nhưng thật ra chỉ là một: Mến Chúa là Mến Chúa ở nơi người còn Yêu Người là Yêu Người ở nơi Chúa. Vốn dĩ là…một nhưng người ta lại phân biệt thành …hai thế nên chẳng thể Mến Chúa cũng như Yêu Người cho chân thật được.
Hết lòng thực thi giới răn Mến Chúa, Yêu Người tức đã tạo cho mình một cái nhân xứng đáng để vào hân thưởng Nước Trời. Ngược lại, khinh chê không thực hành giới răn ấy đó là đã tự tạo cho mình một cái quả cực khốn trong Hỏa Ngục.
Về tính chất…cực khốn trong Hỏa Ngục, không ai có thể hình dung ra được, may chăng chúng ta chỉ có thể phần nào nhận thức qua thị kiến của các Thánh: “Hôm nay tôi được một thiên thần dẫn xuống các hang hốc trong Hỏa Ngục. Đó là nơi cực hình ghê rợn, rộng toang hoác và rùng rợn biết bao. Tôi đã thấy các thứ khổ hình. Khổ hình thứ nhất tạo nên Hỏa Ngục chính là việc mất mát Thiên Chúa. Khổ hình thứ hai là lương tâm cắn rứt triền miên. Khổ hình thứ ba là thảm cảnh ấy không bao giờ thay đổi. Khổ hình thứ bốn là lửa nung xuyên thấu nhưng không hủy diệt được linh hồn. Đây là một cực hình kinh khủng, một thứ lửa hoàn toàn thiêng liêng do cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa đốt lên. Khổ hình thứ năm là cảnh tăm tối triền mien và mùi hôi thối ngột ngạt hãi hung và mặc dù giữa tối tăm nhưng ma quỷ và các kẻ dữ lại nhìn thấy nhau và mọi thứ độc dữ của kẻ khác cũng như của chính mình. Khổ hình thứ sáu là cứ phải ở chung với Sa Tan. Khổ hình thứ bảy là nỗi tuyệt vọng cùng cực, căm hận Thiên Chúa, những lời tà độc, nguyền rủa và lộng ngôn v.v…( Cuộc đời Thánh Nữ Faustina Kowaska – Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa ).
Qua các hình khổ mà Thánh Faustina thị kiến cho thấy tất cả vẫn xuất phát từ nơi các quan năng như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt chỉ nhìn thấy ma quỷ và các kẻ dữ. Tai chỉ nghe những lời nguyền rủa, than khóc, lộng ngôn. Mũi chỉ ngửi mùi hôi thối nồng nặc….Thân thể bị nung nấu bởi lửa không hề tắt. Ý luôn trong tình trạng tuyệt vọng, cắn rứt triền miên…
Trong các nỗi thống khổ cùng cực của Hỏa Ngục, chúng ta thấy chúng có một mối nhân quả báo ứng sâu xa. Nếu mắt chỉ hướng ra ngoại vật để phân biệt Ta – Người, yêu ghét thì khi bị đày trong Hỏa Ngục tất…nhìn thấy ma quỷ và các kẻ dữ….Nếu tai chỉ thích nghe những lời tâng bốc nịnh nọt…thì khi ở trong Hỏa Ngục tất phải nghe những lời nguyền rủa, lộng ngôn, than khóc…Nếu mũi chỉ thích và tìm kiếm những mùi vị thơm ngon béo bổ …tất khi ở trong Hỏa Ngục sẽ phải ngửi những mùi vị thối tha ghê tởm. Nếu ý cứ theo ý riêng mà không tìm Ý Chúa thì khi ở trong Hỏa Ngục tất phải tuyệt vọng vì không bao giờ tìm gặp được Chúa.
Có một nghịch lý đó là khi sống trong thân xác, càng tìm cách thỏa mãn giác quan bao nhiêu thì càng bị khốn khổ bị giày xéo bởi chính những giác quan ấy như vậy trong Hỏa Ngục. Duy chỉ có điều khác: Ở trong thân xác thì giác quan hưởng thụ trong chốc lát, còn trong Hỏa Ngục thì phải khốn nạn đời đời.
Để có thể sống và tồn tại, con người nhất thiết cần đáp ứng những nhu cầu của thân xác cũng như tinh thần như ăn uống, phương tiện nhà của, đi lại, giải trí v.v… Thế nhưng trong các xã hội được gọi là văn minh tiến bộ ngày nay, vì lòng tham, mê muội người ta đã biến những nhu cầu ấy thành ra như một thứ cứu cánh cần thỏa mãn bằng mọi giá. Ăn thì phải tìm kiếm của ngon vật lạ, hải sản cao cấp thậm chí ăn cả óc khỉ khi nó còn đang sống ! Còn uống thì thì rượu nọ rượu kia ngâm rắn hổ mang, bào thai những loài hổ, báo .v.v…Nhà ở thì phải villa, nhà lầu, cây cảnh, hồ bơi này nọ…Xe cộ thì phải siêu xe mới có đẳng cấp….
Một khi đã biến những nhu cầu, phương tiện thành ra một thứ cứu cánh như thế, người ta đã hoàn toàn đánh mất ý thức về tội và vì thế chẳng biết mình sống ở đời để làm gì ? Chết rồi đi đâu ? Trong tình trạng thê thảm của con người thời đại ngày nay, chúng ta không thể không nhận ra cái vai trò hết sức độc địa của Sa Tan và bè lũ. Chúng đang đánh phá Giáo Hội Công Giáo bằng nhiều cách kể cả việc cùng nhau hiệp lực với các phương tiện truyền thông thóa mạ hàng ngũ giáo sĩ đến nỗi vu vạ cáo gian và cầm tù đức hồng y George Pell tại Úc….
Sự đánh phá ấy đặc biệt nhắm vào tín điều về Hỏa Ngục. Nó bảo rằng: Hãy vứt bỏ cái khái niệm Hỏa Ngục đi….cứ sống cho thoải mái chẳng có chi phải sợ !!!. Thế nhưng cũng như con rắn xưa nơi Vườn Địa Đàng cám dỗ ông bà nguyên tổ cách quỷ quyệt rằng “ Hai người cứ ăn đi chẳng chết chóc gì đâu ?”( St 3, 4 ).
Tính chất quỷ quyệt của Sa Tan ở chỗ làm cho nguyên tổ cũng như con người tưởng rằng nó nói về cái chết xác thân. Nhưng thực sự đó là cái chết tâm linh và chính cái chết tâm linh ấy sẽ dẫn con người xuống Hỏa Ngục chứ chẳng phải điều chi khác./.
Phùng Văn Hóa