Sau Công Đồng Vatican II quan niệm về Giáo Hội đã có sự thay đổi lớn. Thay vì là hình tam giác đều với chop đỉnh là đức giáo hoàng, cạnh hai bên là hàng giáo sĩ còn cạnh đáy là tầng lớp giáo dân thì nay đã thể hiện như một vòng tròn mà trung tâm điểm là đức giáo hoàng còn bao quanh là toàn thể hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân.
Thay đổi về nhận thức tất yếu đưa đến những biến chuyển. Tuy nhiên những biến chuyển ấy có thực sự tốt hay không lại tùy theo quan điểm của mỗi người. Đối với những người lạc quan thì việc đề cao vai trò của người giáo dân khiến Giáo Hội ngày càng gắn bó với đời sống xã hội với các tôn giáo hơn không còn đối nghịch như trước đây….Trái lại với những người bi quan thì cho rằng Giáo Hội ngày nay đã đánh mất căn tính Công Giáo của mình và vì thế công cuộc truyền giáo hầu như …bất lực.
Dù đánh giá thế nào thì vai trò của giáo dân trong Giáo Hội cũng phải được nhìn nhận và sự nhìn nhận ấy chính là trao cho họ nghĩa vụ làm Tông Đồ như lời đức Thánh cha Pio XI nói về Công Giáo Tiến Hành “ Giáo dân có bổn phận và quyền làm Tông Đồ do chính việc kết hiệp với Chúa Ki Tô là đầu. Họ được Chúa chỉ định làm việc Tông Đồ. Vì Phép Rửa Tội tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Ki Tô. Phép Thêm Sức làm cho họ thêm mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được Thánh hiến vào chức vụ Tư Tế, Vương Giả và Dân Tộc Thánh ( 1Pr 2, 4 ) hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật linh thiêng và làm chứng cho Chúa Ki Tô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Đàng khác Đức Ái như là linh hồn của tất cả mọi công việc Tông Đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể” ( TB chương 10 Sl 119 ).
Có thể nói việc nhìn nhận và trao cho giáo dân bổn phận và quyền làm Tông Đồ là một chuyển biến hết sức tích cực. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là về phía giáo dân họ có tiếp nhận bổn phận và quyền làm Tông Đồ đó hay không và tiếp nhận như thế nào ?
Thực tế cho thấy giáo dân hiện nay đã được tham dự vào đời sống hơn xưa rất nhiều cả trong phụng vụ cũng như sinh hoạt các giới các đoàn thể. Thế nhưng tính chất của sự tham dự ấy ra sao ? Đó có phải là hoạt động Tông Đồ hay không ?
Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều đã được tháp nhập vào Thân Mầu Nhiệm để trở nên các chi thể của Chúa. Là chi thể thì phải gắn liền với thân thì mới có thể thông phần nhựa sống của cây. Trái lại sẽ bị khô héo rồi chết “ Ta là cây nho các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6 ).
Qua ví dụ Chúa cho mình là thân cây nho còn chúng ta là cành là nhánh cho thấy đó đích thị là hình ảnh của Hội Thánh Chúa Ki Tô. Điều này cho thấy chỉ trong Hội Thánh Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền mới có thể sản sinh ra những con người Tông Đồ.
Sao có thể nói thế ? Bởi vì Đức Ki Tô chỉ thiết lập có một Giáo Hội và trao trọn quyền bính cho vị thủ lãnh của Giáo Hội ấy “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phê Rô. Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở”( Mt 16, 18 -19 ).
Mặt khác để có thể hiểu lý do tại sao ngoài Giáo Hội Công Giáo không thể có việc Tông Đồ chúng ta cần định nghĩa thế nào là việc Tông Đồ ? Tông Đồ là những người tin theo Chúa và được sai đi để làm việc Chúa. Chỉ tin theo Chúa mà không làm việc của Chúa thì không phải là Tông Đồ. Làm việc trên danh nghĩa Tông Đồ mà không tin theo Chúa cũng không phải Tông Đồ.
Có thể nói làm việc Tông Đồ chỉ là hệ quả của việc tin theo Chúa. Tuy nhiên có một vấn đề cần đặt ra đó là tin theo Chúa là …tin vào điều gì ? Câu trả lời chỉ có thể là tin vào con đường dẫn đến Đấng Cha của Đức Ki Tô như lời Ngài nói “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Đấng Cha mà Đức Ki Tô có ý muốn dẫn chúng ta đến đó là một Thực Tại vượt trên mọi giới hạn của ngôn ngữ khái niệm. Thực Tại ấy có khi Đức Ki Tô gọi là Nước Trời. Hiểu như thế thì việc Tông Đồ chẳng phải việc chi khác mà là rao giảng Tin Mừng Nước Trời “ Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).
Tin ở đây là tin vào lời rao giảng của các Tông Đồ mà nội dung của lời rao giảng ấy là hãy tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ). Tin vào sự hiện hữu của Nước Trời nội tại là việc khó trên mọi sự khó, người đời không thể chấp nhận và vì không chấp nhận thế nên người Tông Đồ của Chúa sẽ bị ruồng bắt giết hại “ Này ! Thầy sai các con đi khác nào như chiên vào giữa bầy sói. Đừng đem theo túi tiền, bị, giầy dép và đừng chào hỏi ai dọc đường” ( Lc 10, 3 -4 ).
Một mặt việc Tông Đồ là việc hết sức hiểm nguy mặt khác Chúa lại bảo đừng dự bị tiền bạc, giày dép….và cũng không chào hỏi chuyện trò với ai dọc đường. Điều ấy nói lên sự gì nếu không phải là tính chất khẩn trương và lòng cậy trông cần có của việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời ?
Legio Mariae ra đời vào đầu thế kỷ 20 năm 1921. Đây là thời điểm mà đức tin Công Giáo đã bị đe dọa nghiêm trọng. Học thuyết duy vật vô thần của Các Mác phối hợp với chế độ CS Liên Xô hòng nhất quyết tiêu diệt Đạo Công Giáo.
Ngay từ khi ngỏ ý thiết lập Giáo Hội Đức Ki Tô đã có lời trấn an “ Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” Thế nhưng điều ấy không tránh cho Giáo Hội khỏi phải chiến đấu. Trái lại thực tế cho thấy Giáo Hội của Chúa ở nơi trần gian đã phải lâm hết trận chiến này đến trận chiến khác không ngừng nghỉ một ngày. TRải qua tất cả các cuộc chiến ấy đã cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của Đức Maria bởi vì Ngài là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan. Giehova ĐCT phán với con rắn “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Ngươi Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Dòng dõi Người Nữ ở đây chẳng phải ai khác mà đó chính là hội viên Legio Mariae trong trận chiến cuối cùng với với Sa Tan kẻ thù hung hiểm của Giáo Hội. Chiến đấu trong mặt trận đức tin đó là bổn phận và nghĩa vụ của người Tông Đồ.
Trong trận chiến ấy hội viên Legio chỉ có thể thành công khi biết kết hợp chặt chẽ với Đức Mẹ “ Legio nhắm đưa Đức Maria đến với thế giới làm diệu kế để chinh phục nhân loại cho Chúa Giê Su. Người Legio không có Đức Maria trong tâm hồn mình sẽ không thể dự phần vào công cuộc trên. Họ ly khai với Legio. Họ là người lính bị tước khí giới, vòng xích đã đứt như cánh tay bị tê liệt. Tuy vẫn còn dính vào thân nhưng vô dụng” ( TB chương 6 Sl 32 ).
Hoạt động Legio chỉ có ý nghĩa thực sự là việc Tông Đồ khi biết kết hợp mật thiết với Đức Maria bởi vì Ngài đã được Đức Ki Tô phó chúc cho Thánh Gioan “ Chúa Giê Su thấy mẹ Ngài và môn đồ mà Ngài thương yêu đứng bên cạnh thì nói cùng mẹ rằng “ Này bà, kia là con bà” ( Ga 19, 26 )./.
Phùng Văn Hóa