SỨC MẠNH TÌNH YÊU

Thật không dễ để chúng ta rao giảng một Đức Ky Tô là Thiên Chúa. Và càng không dễ để chúng ta rao giảng một Đức Ky Tô là Thiên Chúa đã phục sinh.

Khi Philatô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Chúa đáp: “Quan nói đúng. Tôi là vua. Nhưng nước tôi không thuộc về thế  gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Cũng chính vì những lời này mà người Do Thái đã lên án Chúa. Họ đã lên án Chúa vì cho rằng Chúa đã nói những lời phạm thượng. Họ đã lên án Chúa vì cho rằng Ngài là một con người mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ đã lên án Chúa vì quan niệm về Thiên Chúa của họ vẫn còn là Chúa của thời Cựu Ước. Họ đã lên án Chúa vì họ nghĩ rằng Chúa của họ là một Thiên Chúa đầy uy nghi, thánh thiện, cao sang ngự mãi trên chín tầng mây.

Thật vậy, con người dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa là Thiên Chúa đầy oai hùng và quyền năng, một Thiên Chúa ngự đến giữa tiếng sấm sét rền vang như Ngài đã ngự đến trên núi Sinai khi Ngài ban cho Môsê mười giới răn của Chúa, hay một Thiên Chúa quyền năng có thể sai sứ thần giết sạch tất cả những đứa con đầu lòng của người Aicập để trừng phạt tội cứng đầu của vua Pharaon, hay một Thiên Chúa ra cánh tay oai hùng chôn vùi cả hàng vạn quân của người Aicập dưới lòng Biển Đỏ để cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ của người Aicập. Và chúng ta dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa như thế.

Nhưng thật khó cho chúng ta để chấp nhận một Thiên Chúa là một trẻ sơ sinh nằm khóc oa oa trong máng cỏ. Thật khó cho chúng ta để chấp nhận một Thiên Chúa là một con người tầm thường, nghèo hèn sống cuộc đời ẩn dật ở làng Nazareth. Càng khó cho chúng ta để chấp nhận một Thiên Chúa lại là một con người đã từng quì gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Và càng khó cho chúng ta biết bao để chấp nhận một Thiên Chúa là một con người đã từng bị người đời nguyền rủa, sỉ nhục, lên án, từng vác thập giá lên đỉnh đồi Calvê để chịu chết và chết một cách nhục hình trên thập giá như một tên tử tội. Quả thật, không dễ để chúng ta chấp nhận một Thiên Chúa như vậy.

Bỡi lẽ, có ai trong chúng ta có thể nghĩ ra rằng vinh quang đến từ thập giá không?

Có ai trong chúng ta có thể nghĩ ra rằng Thiên Chúa chỉ thống trị từ lúc bị treo lên không?

Có ai trong chúng ta có thể nghĩ ra rằng sự sống chỉ được phát sinh từ cái chết của Đức Ky Tô không ?

Chắc chắn, không ai trong chúng ta đã nghĩ ra những điều  đó, bỡi lẽ những điều đó quá nghịch lý, quá phi lý đối với lý trí của con người. Và để chấp nhận được những điều nghịch lý đó, nó đòi hỏi chúng ta một cái gì khác hơn là lý luận. Nó đòi hỏi một NIỀM TIN. Vì thế, tôi xin nói với ông bà anh chị em: Tôn giáo không là để tranh luận nhưng là để TIN và để SỐNG.

Nói đến đây tôi nhớ đến câu chuyện đã được nghe kể trong chuyến du hành sang  Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia mà chín mươi chín phần trăm dân số là Hồi Giáo. Câu chuyện nói về một nhà truyền giáo tình nguyện  sang truyền giáo ở vùng Arập. Arập cũng là một vùng đất mà Hồi giáo là quốc giáo và đa số họ là những người có tinh thần tôn giáo quá khích. Vì thế, trong những nước như vậy, Ky Tô giáo rất khó truyền bá. Nhưng vốn là một con người có bản tính hiền hòa, cởi mở và đạo đức, nên nhà truyền giáo ấy sau một thời gian đã chiếm được cảm tình rất nhiều người chung quanh mà ông đã từng có dịp gặp gỡ, trong số đó có cả vị thủ tướng của Ảrập. Một hôm, thủ tướng Arập mời vị truyền giáo ấy đến nhà dùng bữa cơm tối để có dịp hàn huyên chuyện trò. Trong buổi chuyện trò, hai người đã chia sẻ với nhau về tâm tình tôn giáo. Bấy giờ, nhà truyền giáo ấy mới thưa với vị thủ tướng rằng:

Chúng tôi tin có ba cách thức Thiên Chúa muốn mặc khải cho chúng ta về chính Ngài:   

1 Qua tự nhiên: Nhìn vũ trụ vạn vật chúng ta nhận biết có Thiên Chúa vì phải có một Đấng đã tạo thành ra nó.

 Vị thủ tướng đáp: Chúng tôi cũng tin như vậy.

2 Qua Thánh Kinh: Thiên Chúa cũng đã mặc khải cho chúng ta về chính Ngài qua Thánh Kinh, Lời của Ngài. Tất cả đều đã được mặc khải trong Thánh Kinh.

Vị thủ tướng đáp: Chúng tôi cũng có Kinh Thánh Koran

3 Qua Đức KyTô: Thiên Chúa mặc khải về chính Ngài trong Đức KyTô. Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài đã sinh ra, đã sống và đã chết cho dân Ngài.

Vị thủ tướng đáp: Chúng tôi cũng có vị tiên tri Mahomet. Ngài cũng dạy cho chúng tôi biết về Thiên Chúa. Ngài cũng đã sinh ra, đã sống và đã chết cho dân Ngài.

Bấy giờ nhà truyền giáo nói tiếp: Nhưng Đức KyTô đã chết và đã phục sinh để cứu dân Ngài khỏi chết. Chúng tôi tin điều đó và chúng tôi muốn ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đó cho tất cả mọi người trên khắp tận cùng trái đất.

Nghe đến đây vị thủ tướng mới yên lặng, trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu, rồi ngẩng mặt lên nhìn nhà truyền giáo một cách kính phục và nói:

– Vâng, vị tiên tri Mahomet của chúng tôi cũng đã sống và đã chết cho dân Ngài. Nhưng cái gì đã xảy ra sau cái chết của Ngài, chúng tôi hoàn toàn không biết.

Cũng từ đó vị thủ tướng đã có một cái nhìn cũng như một thái độ xem ra có vẻ thân thiện hơn trước nhiều đối với người Kitô giáo và đặc biệt đối với nhà truyền giáo ấy.

Kính thưa quí ông bà anh chị em, đây mới chính là sự khác biệt giữa Đức KyTô và vị tiên tri Mahomet. Đây mới chính là sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người. Và đây cũng chính là sự khác biệt giữa Thiên Chúa chúng ta và các thần minh khác. Đây mới chính là niềm hy vọng của chúng ta vì ích gì cho chúng ta nếu chúng ta tin vào một Đức KyTô đã chết mà không phục sinh.

Vâng, Đức KyTô đã đến, đã sinh ra, đã sống một kiếp sống lầm than, đã chết một cái chết nhục hình trên thập giá và đã phục sinh một cách khải hoàn để mang lại cho con người sự sống vĩnh cửu.

Đức KyTô đã đến 2000 năm rồi và chúng ta đang bước vào một thiên niên kỷ mới. Đã 2000 năm rồi, thế mà trong giáo hội vẫn còn có nhiều người vẫn còn ước mong một giáo hội oai hùng với đầy quyền bính và giàu sang, chứ không phải là giáo hội của Đức KyTô nghèo hèn, phục vụ và phục vụ cho đến chết và chết trên thập giá vì con người.

Không! Không! Chúng ta đã hiểu sai bộ mặt của Đức KyTô cũng như bộ mặt của giáo hội. Do đó, chúng ta đã đi đến chỗ chèn ép, tranh giành địa vị trong giáo hội hơn là phục vụ. Chúng ta vẫn còn sống mãi trong thời Cựu Ước. Vì thế, giáo hội vẫn chưa trưởng thành và phát triển được nhất là tại vùng đất Á Châu này.

Ước gì mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức KyTô trong mùa Phục Sinh thấm nhập và đổi mới mỗi người chúng ta, để như nhà truyền giáo kia, chúng ta sẽ dùng chính cuộc sống đạo đức chân thành của chúng ta ra đi loan báo TIN MỪNG PHỤC SINH của Đấng đã chết và sống lại vì con người chúng ta.

 Lm. Peter Lê Văn Quảng

Chia sẻ Bài này:

Related posts