SUY  NIỆM  SỰ  CHẾT

          Tham sống sợ chết đó là bản năng sinh tồn của muôn loài và cũng chính vì có cái bản năng ấy  mà muôn loài mới có thể tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ kia. Tuy nhiên trước cái gọi là bản năng ấy về đại thể, triết học có hai quan điểm trái chiều. Với đức Khổng Tử thì sống, chết là quy luật của trời đất: “ Cho nên mệnh là cái bắt đầu của tính, tử là cái cuối cùng của sinh. Có cái bắt đầu thì ắt là có cái cuối cùng vậy” ( Cố mệnh giả tính chi thỉ giã, tử giả sinh chi chung giã, hữu thỉ tắc tất hữu chung hỹ. T.T. Kim Nho Giáo Q. Thượng ).

          Trái lại với triết gia Hiện Sinh vô thần  Jean Paul Sartre, vì cho con người chỉ là một thứ dự phóng vô ích thế nên  chết là cái phi lý cùng cực, nó là sự chấm dứt  cuộc tại thế của mỗi người, chết là hết sống, chỉ vậy thôi !

          Với hai thái độ tuy tương phản nhưng lại gặp nhau  ở chỗ  không đặt ra vấn nạn gì về cái chết. Đức Khổng nói: “ Chưa biết việc sống, biết thế nào việc chết” ( An chi tử, vị chi sinh – Luận Ngữ ) như có ý nói rằng: Hãy cứ lo việc…sống đi đã còn việc chết thì cứ…để đó ?.

          Tuy nhiên cũng vì không…lo việc chết thế nên Nho Giáo  rút cục đã  đi vào con đường huấn hỗ từ chương chỉ lo đến việc thi cử đỗ đạt hoặc ra làm quan phục vụ chế độ phong kiến tập quyền. Còn với triết học Phương Tây  kể cả thần học đã đẩy xã hội  cũng như Giáo Hội đến  chỗ ngày càng mất đi phương hướng sống.

          Tại sao không Suy Niệm Sự Chết  lại khiến làm mất đi phương hướng sống ?  Đó là vì  sống và chết  có vẻ như là hai mặt đối lập nhưng thật sự thì không phải vậy. Sống và chết  xét như là hai giai đoạn  của  cùng một tiến trình, không  thể tách rời. Có sống thì  có chết và phải có chết thì mới…có sống.

          Chân lý là vậy nhưng người đời vì ngu mê  nên ai cũng chỉ muốn sống mà không muốn chết. Không muốn chết nhưng rồi cũng cứ phải chết  dù cho có là hoàng đế quyền uy ngất trời như Tần Thủy Hoàng với bao công sức cũng như thủ đoạn tàn độc hòng tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử nhưng rồi cũng phải tức tưởi chết ở cái tuổi 49, chưa được xếp vào hàng…thọ !

          Con người ta bất cứ ai ai rồi cũng phải chết nhưng nếu có những cái chết trong lo sợ hãi hùng  thì cũng có những cái chết được đón đợi trong bình an, hoan lạc. Nguyên nhân khiến đưa đến những cái chết trong lo âu, sợ hãi đó là vì đã không biết lo chuẩn bị cái chết của chính mình.

          Vì không lo chuẩn bị thế nên ngay cả những người tự nhận mình …có đạo  nhưng lại chẳng hề…sống cái đạo của mình bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa. Luật Hội Thánh dạy phải tuân giữ Ngày Chúa Nhật nhưng trong ngày đó lại bỏ đi du lịch, du hý đâu đó và dù bỏ  Lễ Chúa Nhật nhưng cũng chẳng xưng thú tội lỗi gì cả. Luật dạy một năm ít là một lần phải Xưng Tội, Rước Lễ trong Mùa Phục Sinh nhưng cũng  chẳng thực hiện v.v…

          Đối với những con người đó thì đạo nghĩa chẳng có gì đáng quan tâm hoặc giả như họ có tự nhủ với mình rằng thôi đến khi …về già thậm chí đến khi liệt giường liệt chiếu có muốn lo thì cũng chẳng muộn màng gì. Thế nhưng  giờ chết đến nào có ai biết đâu: “ Vậy nên  các ngươi hãy sẵn sàng  vì Con  Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Mt 24, 44 ).

          Không chuẩn bị cho cái chết của chính mình đó  là điều đáng phải lo sợ hơn hết bởi vì “ Cây nghiêng chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy” làm sao tránh khỏi ? Phải chuẩn bị cái chết của chính mình  đó là mối lo thiết thân của người có đạo bằng cách là hãy luôn nhớ đến Chúa trong mọi nơi mọi thời. Ta có nhớ đến Chúa thì Chúa mới…nhớ đến ta. Đây chính là nguyên lý Cảm Ứng Đạo Giao” bất khả tư nghì của tâm linh tôn giáo.

          Chính  bởi tính chất Cảm Ứng Đạo Giao đó mà mọi  ý nghĩ cũng như việc làm đều được quyết định ở nơi Tâm trong cả khi sống cũng như lúc chết. Sống mà không nghĩ rằng rồi đây chắc chắn  rằng  mình sẽ phải chết để rồi cứ mải miết lo toan cho đời sống tạm bợ này thì đó là điều hết sức ngu xuẩn.  Chúa Giê Su đưa ra dụ ngôn về người giàu kia, trù tính xây dựng kho lẫm để chứa cho thật nhiều thóc lúa hòng vui hưởng tuổi già nhưng không ngờ cái chết lại ập đến ngay trong đêm đó: “ Song Thiên Chúa phán cùng người ấy rằng: Hỡi kẻ ngu dại kia. Ngay đêm nay, linh hồn ngươi bị đòi lại thì những của cải ngươi đã dự bị sẽ thuộc về ai ?Kẻ nào dồn chứa của cải cho mình mà không giàu có nơi Thiên Chúa thì cũng như vậy” ( Lc 12, 16 -21 ).

          Những kẻ chỉ biết dồn chứa của cải đời này  mà không giàu có nơi Thiên Chúa đều là ngu dại. Của cải ở đây không chỉ là tài sản, tiền bạc, ruộng vườn, nhà cửa v.v… nhưng còn bao gồm cả những kiến thức sách vở….khoa học, triết học, thiên văn v.v…Tất cả nhưng kiến thức  đủ loại ấy  sẽ trở nên hoàn toàn vô ích  khi phải đối mặt với cái chết. Tại sao ? Bởi vì một  khi bước qua  ngưỡng cửa của tử thần thì  sinh linh ấy chỉ sống bằng tâm thức  chứ  không bằng giác quan. Đang khi đó tâm thức  đâu cần  chi  đến  của cải, bạc tiền, quyền thế, danh vọng gì nữa ?

          Nếu chỉ dồn chứa của cải ở đời này mà không…giàu có nơi Thiên Chúa đó là ngu dại. Vậy bằng cách nào  người có đạo có thể …làm giàu nơi Thiên Chúa ? Xin thưa, chỉ cần chúng ta tuân giữ các Giới Răn của Ngài với tất cả lòng yêu mến: “ Nếu ai yêu thương Ta  thì giữ đạo Ta. Cha Ta sẽ thương yêu người . Chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người. Còn ai chẳng thương yêu Ta  thì chẳng giữ đạo Ta. Đạo các ngươi nghe đó chẳng phải của Ta bèn là của Cha  Đấng đã sai Ta” ( Ga 14, 23 -24 ).

          Bởi Thiên Chúa là Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ) thế nên để …đến được với Ngài thì không thể có con đường nào khác ngoài Tình Yêu. Ấy thế nhưng Thiên Chúa lại là Đấng chẳng ai từng thấy biết bao giờ ( Ga 1, 18 ) vậy làm sao  chúng ta có thể yêu mến Ngài ? Điều con người cho là bất khả nhưng với Thiên Chúa lại là có thể và điều…có thể đó chính là việc tuân giữ các Giới Răn.

          Đạo Công Giáo có Mười Điều Răn ĐCT và sáu Luật Điều Hội Thánh. Để chuẩn bị cho cái chết của chính mình, người có đạo chúng ta chỉ cần tuân giữ các Giới  Răn là đủ. Điều này xem ra có vẻ không quá khó khăn, tuy nhiên trong  thời  Giáo Hội đang bước vào Con Đường Tục Hóa như hiện nay đang thấy  thì đó là điều dường như…vô nghĩa ???

          Tục hóa hay còn gọi là Giải Thiêng ( Desacralisation ) mà đã Giải Thiêng  thì làm gì còn có Thiên Đàng, Hỏa Ngục, thưởng phạt gì nữa  ? Một khi đã không còn tin có  Thiên Đàng, Hỏa Ngục, thưởng phạt đời đời thì người ta đâu còn…sợ tội. Bởi không sợ tội thế nên người ta có thể thường xuyên bỏ lễ Ngày Chúa Nhật mà chẳng có áy náy lương tâm gì hết !!!

          Hiện nay có rất nhiều trương hợp phạm tội công khai nhưng cũng chẳng cho đó là tội chẳng hạn tại Mỹ như Joe Biden, như John Kerry, hồng y MC Carrick quyết liệt ủng hộ phá thai mà có cho đó là…tội đâu ? Còn tại Việt  Nam có linh mục bị vạ tuyệt thông, không thấy lỗi mình mà còn ra mặt đả phá giáo quyền địa phương  đồng thời  lại  có vài ba ông  linh mục còn lên tiếng  bênh vực ???

          Tất cả những con người  tội lỗi  đó chẳng phải là đã  xúc phạm đến Tình Thương Yêu vô bờ của Đấng Cứ Độ hay sao ? Quả thật Chúa  đến để  cứu kẻ tội lỗi: “ Vì Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13 ) thế nhưng những kẻ tội lỗi ấy cần có lòng ăn năn chừa cải tội mình, nếu không làm sao Chúa có thể cứu được ?

          Lý do Chúa nói Ngài đến không để kêu gọi người công chính  bởi chưng người  gọi là công chính ấy …tưởng rằng với tài năng, đức độ của mình , họ chẳng cần chi đến Ơn Cứu Độ. Trái lại người tội lỗi  vì biết thân phận  không thể tự cứu mà chỉ biết cậy trông vào lượng nhân từ vô lượng vô biên của Chúa  giống như kẻ trộm lành trên đồi Calve: “ Lạy Chúa khi nào Ngài về nước của Ngài, xin nhớ đến tôi cùng” ( Lc 23, 43 ).

          Cậy vào lòng xót thương của Chúa. Điều ấy không có nghĩa  chúng ta cứ mặc tình sống buông thả trong tội. Trái lại chính vì lòng xót thương vô bờ ấy  mà trong việc chuẩn bị cái chết, chúng ta không lo âu, sợ hãi  vì những thiếu sót lỗi lầm không cố ý của mình. Có thể nói  sự vững lòng cậy trông ấy chính là…cái phao cứu sinh trong giờ lâm tử: “ Hỡi các con yêu dấu, cha viết những lời này, xin các con đừng phạm tội. Song nếu các con có trót phạm thì hãy nhớ rằng: Chúng ta có Chúa  Giê Su Ki Tô  là Đấng Bầu Chữa ở nơi Chúa Cha” ( 1Ga, 2, 19 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts