Trên kênh truyền hình Rail Uno của Ý vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vừa rồi đức giáo hoàng Benedicto XVI đã vui lòng trả lời cho bảy câu hỏi khác nhau có liên quan đến những vấn đề mang tính tập thể cũng như cá nhân như vụ động đất sóng thần tại Nhật, xung đột giữa Hồi Giáo và Công Giáo tại Irac, tại Bờ Biển Ngà…và của một bà mẹ có đứa con trai bốn mươi tuổi đang sống trong tình trạng hôn mê đã hai năm nay v.v… Trọng tâm của những câu hỏi này có liên hệ đến một vấn đề nhức nhối khác từ lâu đã được đặt ra về mối quan hệ giữa khổ đau và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có Thiên Chúa thì không có khổ đau, ngược lại còn có khổ đau thì không thể có Thiên Chúa, lập luận này được đưa ra bởi một tam đoạn luận ( un syllogisme ) thế này “ Nếu Thiên Chúa hiện hữu thì không có sự dữ trong thế giới. Nhưng ta lại thấy có quá nhiều sự dữ, do đó mà nói Thiên Chúa không hiện hữu”. Sự dữ có thể được hiểu là những tai họa do thiên nhiên đem đến như động đất, sóng thần, bão lụt, lốc xoáy …Hoặc nhân tai do con người làm nên như chiến tranh, ô nhiễm môi trường, bất công xã hội, ma túy, cờ bạc, mãi dâm v.v…
Chúng ta nói thiên tai là những tai họa…từ trời nhưng tuyệt đối không nên hiểu có một đấng thần linh ( ông trời ) nào đó làm ra. Đó thuần túy chỉ là những biến động theo quy luật của thiên nhiên. Còn với nhân tai thì đúng là tự con người gây ra với nhau, chẳng có trời có đất nào…dính vào đây cả. Không có trời đất nào gây nên sự dữ, vậy tại sao lại gán nó liên hệ với hiện hữu Thiên Chúa ? Xin thưa cái gì cũng phải có nguyên do của nó và nguyên do ấy là bởi từ bấy lâu nay người ta vẫn cứ hiểu Thiên Chúa như là….Ông Trời và Ông Trời này cũng chính là Đấng tạo nên trời đất hữu hình và vô hình. Đồng thời còn được cho biết mục đích của việc tạo dựng ấy là để biểu lộ tình thương và thông ban vinh quang cho muôn loài. Giáo lý dạy như vậy nhưng đối với Thần học thì đây lại là vấn đề vô cùng rối rắm phức tạp. Nói Thiên Chúa tạo nên trời đất muôn vật, như vậy sẽ phải đối phó với vô số vấn nạn và vấn nạn ..hóc búa cả về hình thức cũng như mục đích của việc tạo dựng.
Có phải Thiên Chúa tạo nên Adam, Eva như là ..hai con người hoàn chỉnh ngay từ buổi đầu sáng thế để rồi đưa vào sống nơi Vườn địa đàng ? Vậy thử hỏi Vườn Địa Đàng đó ở đâu, tội nguyên tổ đó là tội gì mà khi vừa ..ăn xong lại bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi đó ? Mặt khác Chúa tạo ra Adam, Eva, vậy có tạo ra con rắn không v.v. nếu Chua vừa tạo nguyên tổ vừa tạo con rắn để nó cám dỗ khiến cả hai sa chước cám dỗ thì đúng là Ngài đã tạo ra sự dữ chứ còn gì nữa ? Để đối phó với những vấn nạn hoàn toàn không có lời giái thỏa đáng này, Thần học rút cục đã đành phải chấp nhận thuyết tiến hóa. Thuyết này ban đầu giáo hội kịch liệt phản đối, ai nghe theo nó sẽ bị vạ tuyệt thông nhưng càng về sau lại coi nó như là giải pháp khả hữu cho sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa ‘Tất cả mọi sự diễn ra đều nằm trong quy luật Thiên Chúa đã ấn định, hay nói cách khác mọi sự đều diễn ra trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Mọi sự tiến bộ trên trần gian này, dù đến từ đâu cũng xuất phát từ căn nguyên tối hậu là chính Đấng Tạo Hóa” ( Nguồn Vietcatholic – FX Trần kim Ngọc OP – 22/10/2010 ).
Trước hết, khi nói “ tiến bộ” thì phải hiểu trên phương diện nào, vật chất hay tâm linh, đồng thời nó có đem lại hạnh phúc gì cho con người hay không ? Xem ra về nhiều mặt, đúng là có tiến bộ, xưa kia ông bà cụ kị chúng ta phải đi bộ, rồi tiến dần lên là xe đạp, xe hơi và nay là phi cơ phản lực. Trước đây chữa bệnh bằng ..cạo gió, lá xông giải cảm, cắt lể..thì nay đã có giải phẫu, nội soi citi cắt lớp, chụp X Quang v.v.. Trước đây ban đêm phải thắp sáng bằng đèn dầu lạc dầu hôi khói tù mù, nay thì điện sáng choang , chỉ cần bật tach một cái là sáng hết cả một tòa nhà trăm phòng v.v…
Thế nhưng chính những cái gọi là…tiến bộ ấy mà đã gây ra không biết bao nhiêu là tai họa, máy bay trục trặc kỹ thuật hoặc bị khủng bố nổ tung chết một lúc cả hàng trăm người. Bệnh tật ngày càng nhiều càng dữ = ung thư, Sida, béo phì, tiểu đường tim mạch huyết áp, stress…chẳng thuốc nào chữa khỏi. Trước đây khi còn thắp đèn dầu không sáng lắm, hơi bị khói nhưng chẳng gây tai họa gì nhưng nay nhà máy điện nguyên tử bị nổ tung phóng xạ tràn lan khiến ai ai cũng phải khiếp đảm tránh xa…Phát minh khoa học, kỹ thuật dĩ nhiên cũng có mặt tích cực của nó nhưng nếu bảo rằng nó cũng nằm trong kế hoặch quan phòng của Thiên Chúa thì quả thật sẽ không sao trả lời được về sự liên quan của Thiên Chúa đối với sự dữ. Chẳng phải phát minh động cơ máy nổ với các sản phảm của nó như xe gắn máy, xe hơi, máy bay tàu bè…ngày càng ngốn nhiều dầu hơn đã gây ra không biết bao nhiêu là tai họa, ô nhiễm môi trường, tràn dầu ngoài khơi như đã và đang thấy đó sao ?
Tiến bộ về mặt khoa học đã vậy, còn tâm linh thì sao, con người có đạo đức Thánh thiện hơn xưa chút nào không hay hoàn toàn ngược lại ? Cứ xét ngay trong giáo hội với thành phần lãnh đạo là các giáo sĩ sẽ thấy cũng chẳng khả quan gì, nạn tai tiếng về lạm dụng tình dục, nạn ấu dâm , đồng tính, bè phái chia rẽ bất tuân phục v.v..đã là những gương mù gương xấu không gì có thể bào chữa. Đạo Công Giáo chưa bao giờ lại bị thù ghét đến thế, bị thù ghét không phải vì đã sống cuộc sống chứng nhân nhưng vì đã không còn xứng là môn đệ Chúa Kito, đó mới là điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ: Phải chăng cũng vì thế mà Âu châu hiện nay đang muốn chối bỏ căn tính Kito giáo để chạy theo một số tôn giáo khác như Phật giáo hoặc Hồi giáo ? Tuy nhiên thù ngoài không bằng giặc trong và cái thứ …giặc trong nguy hiểm bậc nhất đó chính là cái gọi là Thần học “ ở Âu châu nói chung và ở Đức nói riêng , một tân lạc giáo thuần túy Công Giáo đang trên đường hình thành với những tên tuổi quen thuộc như Wiligis, Jager OSB, Gotthold, Hasenhuut ….với cuốn sách về Phúc Âm…Thánh Toma” sặc mùi lạc giáo” ( nguồn Vietcatholic Lm nguyễn hữu Thi 2/9/2008 )
Tiến bộ nhưng thực chất lại là…lùi, tuy vậy về cái …sự lùi này không khiến chúng ta ngạc nhiên bởi vì nó nằm trong logique của việc tạo dựng, có nghĩa rằng nó đã được báo trước. Thật vậy, chẳng phải cả kinh Thánh Cựu ước ( Tiên tri Daniel ) lẫn Tân ước, Đức Kito đã chẳng nhiều lần nói về Ngày Tận Thế đó sao ?. Có tạo dựng thì cũng có tận cùng của tạo dựng, đây vừa là quy luật nhưng cũng nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng đối với Thần học theo Tiến hóa luận thì không như vậy “ Theo trình thuật Sáng Thế, sau khi đã dựng nên vũ trụ Thiên Chúa đã giao phó công trình đó cho con người cai quản. Con người được thông dự vào đặc quyền thống trị vũ trụ của Thiên Chúa là một hình thức tiến hóa. Điều này có thể lý giải rằng con người có nhiệm vụ làm cho thế giới này càng ngày càng đẹp hơn càng hoàn thiện hơn” ( Nguồn Vietcatholic FX Trần kim Ngọc 22/10/2010 ).
Cho rằng sau khi tạo dựng Thiên Chúa đã giao cho con người cai quản, có đặc quyền thống trị vũ trụ và đặc quyền này chính là một hình thức tiến hóa. ở đây ta thấy ngoài những điều vô lý bất cập, nó còn nói lên tính chất mâu thuẫn giữa tiến hóa và sự quan phòng của Thiên Chúa. Tiến hóa là một quy luật, nó có những luật tắc của nó về điều kiện về nhân quả v.v..Còn quan phòng nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa trong lãnh vực ân sủng với những mục tiêu đã được xác định. Một khi đã chấp nhận tiến hóa thì không thể có bất cứ một sự quan phòng nào, bởi tiến hóa thuộc lãnh vực vật chất còn quan phòng thuộc tâm linh. Hiểu tiến hóa theo Thần học như thế thì chẳng có chút liên quan nào đến chân lý Thánh Kinh về việc tạo dựng. Tại sao ? Bởi vì việc tạo dựng ấy không phải là việc Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới vật chất nhưng là tạo con người nên giống Hình Ảnh Ngài ( St 1, 27).
Nếu hiểu Thiên Chúa sáng tạo là tạo ra thế giới vật chất hữu hình hữu hạn này thì chẳng cần gì đến quan phòng, nhưng bởi Thiên Chúa đã tạo con người nên giống Hình Ảnh Ngài thế nên không thể không cần đến quan phòng. Tại sao ? Bởi vì con người là Hình Ảnh ấy cần phải trở về với Đấng đã tạo dựng nên mình. Nói đến trở về tức ngụ ý đã có lần ra đi và lần ra đi ấy chính là việc ông bà nguyên tổ bị đuổi khỏi Vườn địa đàng sau khi phạm tội ăn trái cấm phân biệt “ vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi đặt tại phía Đông Vườn Eden các thần Cherubim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến Cây Sự Sống” St 3, 24 ). Nơi Vườn Địa Đàng có hai thứ cây, cây sự sống và cây biết ( phân biệt) thiện ác. Thiên Chúa cấm ăn cây phân biệt, khi nào ăn vào thì ắt phải chết. Nguyên tổ không vâng lời cứ ăn thế nên đã bị đuổi và Giave Thiên Chúa lại còn cho Thiên thần cầm gươm trấn giữ. Lẽ ra việc bị đuổi ấy sẽ là vĩnh viễn nhưng trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, Ngài vẫn hứa cho trở về với điều kiện là phải trải qua một cuộc chiến cam go mà vị chủ tướng của cuộc chiến ấy chính là Đức Maria, Người Nữ đạp giập đầu rắn “ Giave Thiên Chúa phán với rắn Satan “ Ta sẽ làm cho mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ dày đạp đầu mày, còn mày thì rình cắn gót chân Người”( St 3, 15 ). Cuộc chiến này sẽ rất cam go bởi vì phải chiến đâu với một kẻ thù không những hung hiểm độc ác mà còn hết sức khôn ngoan lừa lọc là Satan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ”( Kh 12, 9) Con người sẽ không thể thắng kẻ thù ấy nếu không có sự quan phòng của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài sẽ được thực hiện bởi các giao ước. Giao ước là bản cam kết có điều kiện mà hai bên cùng có trách nhiệm tuân thủ. Như ai nấy đều biết, Kinh Thánh gồm bởi các giao ước, chính vì vậy mà có kinh Thánh Cựu Ước tức giao ước cũ. Còn kinh Thánh Tân Ước là giao ước mới. Có hai Giao Ước chủ yếu nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa đối với Dân Ngài.
I/- Giao Ước thành lập Dân Riêng.
Thiên Chúa muốn có một Dân Riêng để phụng thờ, đồng thời cũng để Ngài ban ơn giáng phúc. Người đầu tiên được Thiên Chúa ký kết chính là tổ phụ Abraham “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đến Xứ mà Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi trở nên một dân tộc lớn’ ( St 12, 1 -2 ). Dân tộc lớn ấy chính là Dân Riêng Thiên Chúa nhưng Dân Riêng này không ám chỉ Itsraen theo nghĩa hẹp tức quốc gia Do Thái, dân không đông, đất không rộng ( chưa đầy sáu triệu người) mà là cho Đạo Chúa về sau trên khắp hoàn cầu. Lý do tại sao dân số Itsrael không đông mà Thiên Chúa lại chọn làm dân riêng, hơn nữa lại là Dân Tộc lớn ? Hãy nghe Maisen nói với dân mình “ Vì các ngươi là một Dân Thánh cho Thiên Chúa ngươi. Ngài đã chọn các ngươi trong muôn dân trên mặt đất đặng làm một Dân Riêng thuộc về Ngài. Giave Thiên Chúa trìu mến và chọn các ngươi chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân tộc khác đâu. Nhưng ấy là vì Thiên Chúa thương yêu các ngươi và giữ lời thề mà lập cùng tổ phụ các ngươi”( Đnl 7, 6 -8 ).
Tiên tri Maisen nêu lý do Itsrael được chọn làm Dân Riêng là do lòng thương yêu của Thiên Chúa, điều ấy cố nhiên là đúng , nhưng ta có thể giải thích là vì căn cơ của dân tộc ấy tương hợp với việc thực hiện tâm linh tính. Nên nhớ Itsrael nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa các quốc gia văn minh hùng cường như Syria, Ai cập và Hy lạp. Đương thời tất cả các quốc gia ấy đều tràn ngập các loại tôn giáo thần linh ngẫu tượng, hoặc triết học đủ thứ, các hoàng đế thì bắt buộc con dân phải thờ lạy mình như những đấng thần minh cao cả…Trong bối cảnh như thế, quả thật Itsrael là một trường hợp có thể nói là hy hữu không chỉ cho vùng Trung đông Tiểu Á mà còn cho cả thế giới. Việc thực hiện tâm linh này đã được Thiên Chúa hứa và lập đi lập lại rất nhiều lần “ Ta sẽ lập cư ( Ở ) giữa các ngươi, tâm hồn Ta không hề chán bỏ các ngươi, làm Thiên Chúa các ngươi và các ngươi sẽ làm Dân Ta” ( Lv 26, 11 -12 ).
Thiên Chúa hứa sẽ “ Ở” cùng với dân và cái sự Ở Cùng này chúng ta thấy rõ nhất là trong cuộc hành trình đào thoát vô cùng gian nan ra khỏi đất nô lệ Ai Cập. Bị quân thù truy đuổi Thiên Chúa đã làm phép lạ làm nước Biển Đỏ rẽ ra, dân vừa đi qua an toàn thì nước ập lại giết hết quân địch cùng ngựa xe. Đi trong sa mạc, dân đói thì được ban Manna, khát thì được ban suối nước từ ghềnh đá, rắn độc cắn thì cho treo rắn đồng, kẻ nào nhìn lên sẽ được cứu, có trụ mây dẫn đường ban ngày, cột lửa ban đêm v.v…
Tất cả sự quan phòng ấy đều hướng tới mục đích sâu xa là để cho con người nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa ở nơi mình, làm vua cai trị tâm hồn mình. Thế nhưng thực tình Dân Riêng không muốn điều ấy, họ nhất định đòi phải có vua khác “ Hết thảy trưởng lão đều hiệp nhau đến tìm Samuen tại Rama và nói rằng: Kìa ông đã già yếu, các con trai ông lại chẳng noi gương ông. Bây giờ xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi y như các dân tộc khác đã có rồi. Các lời chúng nói: Hãy ban cho chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi chẳng đẹp ý Samuen. Samuen bèn cầu khẩn Đức Chúa, Ngài phán: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi. Ấy chẳng phải chúng từ chối ngươi đâu bèn là từ chối Ta đó, hầu cho Ta chẳng còn cai trị chúng nó nữa”(1Sm 8, 4 -7 ). Chúa lập giao ước và muốn cho dân trực tiếp nghe theo mệnh lệnh Ngài hầu được sống. Thế nhưng mặc cho tiên tri Samuel hết lời giải thích can ngăn, người Do Thái vẫn đòi phải có vua như các dân tộc khác. Dĩ nhiên đây là bước thoái trào nhưng thật sự thì nó vẫn không nằm ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Ki To được trông đợi và Ngài đã xuống thế làm người hầu đem lại cho Dân Riêng một sinh khí mới và một bước phát triển mới, đó là Hội Thánh Công giáo, duy nhất Thánh thiện và tông truyền.
II/- Giao Ước ban Đấng Cứu Thế.
Ngay trong cuộc hành trình ra khỏi đất nô lệ Ai cập, Giave Thiên Chúa đã hứa với tiên tri Maisen rằng sẽ ban Đấng Cứu Thế “ Ta sẽ lập lên cho chúng một Đấng Tiên Tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng. Ta sẽ lấy các Lời Ta để trong miệng Người thì Người sẽ nói mọi điều Ta phán dạy”( Đnl 18, 18 ). Đấng Tiên Tri được lập, đó chính là Chúa Giesu thành Nazareth. Tuy nhiên xét về tính chất thì hai đấng Tiên Tri ấy có sự khác biệt lớn lao. Một đàng Maisen lãnh đạo dân Do Thái thoát ra khỏi đất Ai Cập, còn Chúa Giesu là Đấng Cứu Thế cho toàn thể nhân loại thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Maisen dẫn dân mình tiến vào đất hứa Canaan, còn Đức Kito dẫn vào Nước Trời mầu nhiệm. Chúa Giesu luôn nhận mình là thiên sai, có nghĩa Ngài là sự quan phòng được ban bởi Thiên chúa Tình yêu “ Sự thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta bày tỏ trong điều này: Thiên Chúa đã sai Con Một của ngài đến thế gian hầu cho chúng ta nhờ Con mà được sống. Tình thương yêu là thế này, chẳng phải chúng ta đã thương yêu Thiên Chúa nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi’ 1Ga 4, 9 -10”)
Nhờ Con mà được sống, có nghĩa nhờ Chúa Giesu Kito mà chúng ta vãn hồi ( tìm lại được) Hình Ảnh Thiên Chúa ở nơi mình. Con người được tạo nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa nhưng do bởi ảnh hưởng của tội nguyên tổ, nên chúng ta đã hoàn toàn… quên mất Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Là con, điều ấy cũng có nghĩa chúng ta hết thảy mọi Kito hữu đều là anh chị em với Chúa Giesu, cùng được sinh ra bởi Đức Maria “ Cùng một năng lực của Đấng Chí Tôn, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Maria sinh ra Đấng Cứu Chuộc, cũng làm cho người tín hữu sinh ra trong nước tái sinh như vậy” ( Thánh Leo in Nativ – Mẹ trong đời tôi ). Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã có điều kiện tiên quyết để được ơn tái sinh. Dẫu vậy, việc tái sinh thực sự không chỉ là một nghi thức bề ngoài nhưng là một quá trình liên tục diễn ra trong tâm hồn người tín hữu. Mặt khác cần nên nhớ tái sinh hoàn toàn khác với cải thiện. Sự cải thiện đời sống đạo đức là kết quả của tự lực, nó không liên hệ đến những vấn đề căn bản của tội lỗi và sự chết. Trái lại tái sinh theo nghĩa đích thực tức là chấp nhận để cho Chúa Giesu được sống cái sống của Ngài ở nơi mình và khi ấy như lời Thánh Phaolo nói “ Tôi sống nhưng không phải tôi sống, bèn là Đức Kito sống trong tôi”( Gl 2, 20 ). Chúa sống ở nơi mình có nghĩa Ngài phải được tái sinh ở trong ta và việc tái sinh này chỉ có Đức Maria mới có thể thực hiện. Ngài là một quan phòng kỳ diệu khác mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại.
Sự quan phòng ấy không có mục đích nào khác là để cho chúng ta có thể đến được với Chúa Giesu Con Mẹ “ Qua phép lạ tại tiệc cưới Cana, Thiên Chúa bảo chúng ta cách rõ ràng, hãy chạy đến với Đức Maria . Thiên Chúa hướng chúng ta về Mẹ Maria, đến lượt Mẹ lại hướng chúng ta về Con của Mẹ. Mẹ không thể làm gì khác hơn là đưa chúng ta trực tiếp đến với Con của Mẹ và Mẹ sẽ thực hiện việc ấy nhanh hơn và an toàn hơn bất cứ con đường nào khác mà anh chị em có thể đi” ( Nguồn Giáo phận Vĩnh Long – Lm Zlatko SUDAC – Ba cột trụ của giáo hội Công Giáo ).
Sự dữ ai cũng biết ngày càng nhiều, càng dữ dội, nhưng hãy vững lòng bởi chúng ta đang sống trong thời điểm của Đức Maria./.
Phùng Văn Hóa