Tôi sẽ không đánh đổi mối quan hệ của mình với Chúa Giêsu để lấy bất cứ thứ gì trên đời. Tại sao?
“Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Chúa Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Philíp 3, 12)
Lời chứng của Phaolô cũng giống như lời chứng của tôi trong đời. Và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ không bao giờ cởi bỏ áo giáp của mình, tôi sẽ không bao giờ gục ngã, tôi sẽ không bao giờ rút lui. Tôi quyết định thực hiện cuộc chiến này trong suốt thời gian tôi còn ở trên trần thế, cuộc chiến này chống lại tội lỗi trong xác thịt tôi. Tôi ao ước có được lời chứng giống như Phaolô vào cuối đời: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Timôthê 4, 7).
Nhưng tại sao tôi lại chắc chắn như vậy? Điều gì khiến tôi tin rằng nỗ lực của tôi là chính đáng, rằng tôi không sống dựa theo một công thức ma thuật, hay sống theo điều gì đó mà tôi đã mơ hồ nghe được từ các bậc trưởng lão trong hội đường? Điều gì khiến tôi phải từ bỏ cuộc sống và ý chí của mình mỗi ngày, chấp nhận đau khổ để xóa bỏ những khuynh hướng và ham muốn tội lỗi của chính mình? Tại sao tôi phải làm điều này? Làm thế nào để tôi biết điều đó là đáng giá?
Tiếp cận được sức mạnh thực sự là việc ngay trong tầm tay của tôi
Đó là bởi vì tôi biết Chúa có thật. Chúa Giêsu có thật. Và đó không chỉ là một giấc mơ, một sự tưởng tượng duy tâm, một khái niệm được phát minh ra cho những con người yếu đuối vốn không thể hoàn thành bất cứ điều gì mà không có một vị thần thánh cao cả hơn mà họ có thể tin tưởng.
Không, Chúa Giêsu có thật; Ngài đang sống: Ngài sống và nói chuyện với tôi mỗi ngày.
Ngài trở thành người bạn gần gũi và thân thiết nhất của tôi. Điều này có vẻ lạ lúng và khó tin, nhưng tôi không nghi ngờ gì nữa, đó là sự thật.
Chúa Giêsu sống và nói với tôi qua Chúa Thánh Thần: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Ngài làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Hípri 1: 1-2) Chính cùng một Thánh Thần ban cho sức sống mà con người, qua xác thể, đã học biết được con đường của Chúa Giêsu khi Ngài chiến thắng tội lỗi. Nhờ Chúa Thánh Thần, tôi có thể có được cùng một quyền năng, cùng một sự phân định, cùng một sức mạnh và cùng một sự khôn ngoan mà tôi cần đến để có để cùng một chiến thắng như Chúa Giêsu. Không thể tin được. Tham gia trận chiến mà không có Chúa Giêsu ở bên cạnh tôi cũng giống như đi vào trận chiến mà không có khả năng nhìn và nghe – điều đó là vô vọng và không thể.
Mối tương quan cá nhân của tôi với Chúa Giêsu
Chúa Giêsu nói trong con người nội tâm tôi, trong cõi lòng tôi. Tôi có thể nghe thấy điều đó, nó rất dễ nghe và chắc chắn; đó hoàn toàn không phải là một phần nhỏ trong trí tưởng tượng của tôi.
“Chúa Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gioan 14, 23).
Chúa Giêsu là người mà tôi ao ước ngày càng trao phó mọi lo lắng của tôi. Tôi nói chuyện với Ngài trước khi đưa ra quyết định, dù lớn hay nhỏ, ngay cả khi tôi phải nói chuyện với một người bạn hoặc suy nghĩ về tình huống này hay tình huống khác, hoặc suy nghĩ để biết tôi nên dành thời gian rảnh rỗi của mình cho những gì.
Tôi có thể hỏi Ngài những câu hỏi trực tiếp, và Ngài trả lời tôi một cách chắc chắn; Ngài mang đến cho tôi những câu trả lời giúp tôi nghỉ ngơi và bình an, những câu trả lời mà tôi đã học cách tín thác. Đó là một mối tương quan nội tâm ngày càng sâu sắc và điều đó có thể trở nên lớn lao hơn nhiều so với những gì tôi đã hiểu và trải nghiệm cho đến nay; một tình bạn sâu sắc và mạnh mẽ không thể diễn tả bằng lời.
Thường thì mối tương quan đó nhắc nhở tôi về những lĩnh vực mà tôi lẽ ra có thể làm tốt hơn, những điều tôi không nhận thức được trước đây; những điều tôi lẽ ra có thể nói khác đi, hoặc hoàn toàn không nói. Mối tương quan đó tiết lộ những động cơ tiềm ẩn tinh vi trong cõi lòng tôi, và đưa chúng ra ánh sáng: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rôma 7, 18-23) Tôi tìm kiếm danh dự từ những con người ở đây, tôi trở nên cay đắng ở đó, phản ứng của tôi dựa trên những suy nghĩ về sự phán xét ở đây. Những lời khuyên răn và trừng phạt của Ngài là ngay lập tức, và tạo ra sự hối hận đau đớn trong lòng tôi: “Này con, chớ khinh thường khi Thiên Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Ngài khiển trách. Vì Thiên Chúa khiển trách kẻ Ngài thương, như người cha xử với con yêu quý. Niềm vui của người khôn ngoan” (Châm ngôn 3, 11-12) hoặc: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Hípri 12, 11).
Ngài không chỉ sửa sai cho tôi, Ngài còn an ủi tôi. Ngài biết trạng thái tâm trí của tôi, Ngài nhìn thấy sự hối hận của tôi, sự ăn năn của tôi và những quyết tâm của tôi khi tôi gục ngã. Khi tôi cầu xin Ngài tha thứ sau khi bị sỉ nhục, tôi đã tiếp xúc với lòng trắc ẩn chân thành và sâu sắc của Ngài. Sự tốt lành mãnh liệt và vô tận của Ngài cùng với lòng thương xót êm ái và dịu dàng của Ngài có tác dụng xâm chiếm tôi từ bên trong. Đây là cảm giác của tôi, khi sự tha thứ và tình yêu vô bờ bến mà tôi nhận được từ Chúa áp đảo tôi đến nỗi nó làm tôi bùng cháy lên một niềm kính sợ thánh thiêng trong tôi. Khi tôi nhìn thấy Chúa Giêsu nhân từ và kiên nhẫn đối với tôi, một kẻ cứng đầu biết bao, điều đó tạo ra một nỗi buồn thiêng liêng và cũng mang đến một sự căm ghét thực sự đối với tội lỗi mà tôi thấy trong chính mình. Điều đó buộc tôi phải làm tốt hơn nhiều, không sa ngã lần nữa để tôi có thể sống xứng đáng với ơn gọi cao cả mà tôi đã nhận được từ Chúa Giêsu và xứng đáng với món nợ vô cùng to lớn của lòng biết ơn và tình yêu mà tôi đã nợ Ngài.
Câu trả lời duy nhất đúng
Khi tôi dành thời gian để suy ngẫm về tất cả những gì Chúa Giêsu và Chúa Cha đã hoàn thành, tình yêu thương nào đã thúc đẩy Thiên Chúa ban Con một của Ngài, và Chúa Giêsu đã phải chịu đựng khổ đau như thế nào trong những ngày còn trong xác thịt để chúng ta có cơ hội được cứu thoát, tôi cảm thấy đó là một món nợ mà tôi không thể trả được. Điều ít nhất tôi có thể làm là sống theo Lời Ngài và bước đi theo cung cách làm đẹp lòng Ngài!
“Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương,vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Gioan 4:19). Khi tôi xem xét tính cứng cỏi, vội vàng và khắc nghiệt của mình, khi tôi nghĩ về việc người khác phải chịu đựng tính cầu toàn của tôi, thích kiểm soát của tôi, tôi thấy tình yêu của chính mình hạn chế đến mức nào so với tình yêu của Chúa và là Thầy của tôi đã tuôn đổ tràn trề trên tôi, dù tôi không xứng đáng.
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương!” (Mát thêu 5, 7). Người đầy tớ vốn không thể hiện sự kiên nhẫn và lòng thương xót đối với người bạn đồng hành của mình, khi chủ của anh ta vừa mới tha cho anh ta một món nợ lớn hơn nhiều, đã nhận được những gì anh ta xứng đáng: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Hiệp lời cầu nguyện…Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mátthêu18: 21-35). Phản ứng đúng đắn duy nhất mà tôi có thể dành cho tất cả lòng thương xót mà tôi nhận được từ Chúa Giêsu là bày tỏ lòng thương xót tương tự đối với những người tôi gặp rắc rối. Vì vậy, tôi cho rằng mình không công bằng khi chỉ dựa vào những khuyết điểm nhỏ mà tôi nhìn thấy ở người khác, hoặc những gì họ đã làm: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con… Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mátthêu 6:12, 14-15)
“Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mátthêu 6:10). Tôi phải chiến đấu dũng cảm để buông bỏ bản thân và ý chí khốn khổ và ngoan cố của chính mình để có thể làm theo ý muốn của Thiên Chúa như đã được thực hiện trên trời. Để ý muốn của Thiên Chúa được hoàn thành trên đất, Ngài cần những người vâng lời Ngài. Đây là nhiệm vụ của tôi và đây là lý do tại sao tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ khi tôi gặp phải tội lỗi trong xác thịt của mình.
Lời chứng này không có nghĩa là mọi thứ đều tuyệt vời, hoàn hảo và dễ dàng. Nhưng những gì tôi có thể làm chứng là những gì tôi tin tưởng, những gì tôi đặt đức tin vào đó, là mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu. Tình yêu đáp lại của tôi dành cho Đấng mà tôi ngỏ lời cầu nguyện sẽ ngày càng lớn hơn chừng nào đôi mắt của cõi lòng tôi ngày càng sáng lên, và đây là lý do tại sao, vì tình yêu vô hạn của Ngài dành cho tôi, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc chiến này để được trình diện trước mặt Ngài một cách trong sáng và không tì vết, khi đến thời gian gặp Ngài.
“Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mátthêu 25:23).
Phêrô Phạm Văn Trung,
theo christianismeactif.fr