Tại sao Nước Trời thiếu hấp dẫn?

        Trên đây là tiêu đề  người ta đặt cho bài giảng của đức cha Phê Rô Nguyễn văn Khảm trong một Thánh Lễ dành cho các giáo lý viên. Đức cha nói đại ý: “ Lời giảng đầu tiên của Chúa Giê Su là Nước Trời gần đến rồi. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Bài giảng quan trọng nhất của Chúa là bài giảng chúng ta vẫn quen gọi là bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc Thật, Nước Trời  cứ được lặp lại nhiều lần. Nếu trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giê Su là về Nước Trời thì anh em linh mục và cả tôi nữa có khi lại phải hỏi nhau thế này: Vậy thì trong lời rao giảng của linh mục cho giáo dân có khi nào chúng ta nói đến Nước Trời hay không ? Hay là dạy dỗ nhiều điều lắm nhưng mà Nước Trời thì lại không loan báo ? Và tất cả các bạn giáo lý viên ngồi đây cũng cần phải tự đặt cho mình câu hỏi thế thì mình dạy cho thiếu nhi có mấy khi nói về Nước Trời  không hay là  cứ chỉ lo cho đủ mọi thứ chuyện khác ?

          Theo đức cha thì những câu hỏi này lớn lắm và ngài cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng của thần học cần trao đổi. Tuy nhiên muốn trình bày cho thấu đáo thì không thể giới hạn trong phạm vi một bài giảng lễ như thế này được. Dẫu vậy chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi vừa có tính căn cơ lại vừa đụng chạm đến cuộc sống thiết thân của mỗi người đó là câu hỏi: Vậy thì bản thân mỗi người chúng ta có quan tâm đến Nước Trời hay không ?

          Quả như đức cha nói, việc các linh mục không mấy khi rao giảng về Nước  Trời  là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên vấn đề còn  nghiêm trọng hơn nhiều nếu chúng ta biết rằng không chỉ riêng các linh mục Việt Nam trong thời này mới không rao giảng Nước Trời mà  ngay trong cả Giáo Hội hoàn vũ cũng vậy.

          Nước Trời  trong bấy lâu nay đã không được rao giảng theo như lệnh truyền của Đức Ki Tô Phục Sinh “ Các con hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).

          Tin Mừng cần rao giảng theo lệnh truyền ở đây là Tin Mừng về Nước Trời nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

          Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là Tin Mừng về Nước Trời và các Tông Đồ cũng vậy “ Phao Lô vào nhà hội giảng dạy cách dạn dĩ luôn trong ba tháng, biện luận và khuyên dỗ những điều về Nước ĐCT” ( Cv 19, 8 ).

          Tại sao Đức Ki Tô cũng như các Tông Đồ thì rao giảng Tin Mừng Nước  Trời còn các linh mục những môn đệ của Chúa lại không ?  Dây là vấn đề hết sức lớn lao và chúng ta chỉ có thể giải quyết một khi tìm ra được cái nguyên nhân sâu xa của nó.

          Phải nói thật rằng Giáo Hội từ gần hai chục thế kỷ nay vẫn rao giảng Tin Mừng nhưng đó không phải là Tin Mừng về Nước Trời mầu nhiệm nội tại của Đức Ki Tô và cũng chính vì không rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô thế nên Giáo Hội mới lâm hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác.

          Có thể nói tất cả các  Công Đồng ngoại trừ CĐ Vatican II được triệu tập là để chống lại các bè rối lạc giáo. CĐ Vatican II không như các Công Đống khác ở chỗ thay vì chống lạc giáo thì lại muôn hòa giải đại kết. Thế nhưng cũng vì chủ trương ấy mà đã đưa đến cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu  đó là sự tục hóa tôn giáo.

          Tục hóa hay còn gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ) tức không nhìn nhận tính chất siêu nhiên mà chỉ còn có cõi đời này  và thân xác này là thật. Truy nguyên gốc rễ của Tục Hóa  chúng ta thấy nó bắt nguồn từ quan niệm Đấng Thần Linh Tạo Hóa.

 Một khi đã chấp nhận quan niệm Tạo Hóa  thì vai trò trung gian của Đức Ki Tô  đương nhiên trở thành vô nghĩa. Đang khi đó chúng ta cần phải tuyên nhận Chúa Giê Su là Đấng Trung Gian duy nhất “ Vì chỉ có một ĐCT và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa ĐCT và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người” ( 1Tm 2, 5 ).

Chúa Giê Su là Đấng Trung Gian điều ấy có nghĩa Ngài là Đấng mạc khải về Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ) Thiên Chúa chỉ có thể nhận biết nhờ vào Đấng Trung Gian là Chúa Giê Su. Trái lại khi khẳng định  Thien Chúa là Đấng  Tạo Hóa thì người ta đã ngang nhiên phủ nhận  vai trò trung gian  ấy  để rồi rơi vào các cơn khủng hoảng triền miên trong Giáo Hội.

Xét về căn nguyên  các cơn khủng hoảng chúng ta thấy nó đều xuất phát từ nơi quan niệm Đấng Tạo Hóa của Philon thành Alexangdria ( Phỏng năm 20 TCN ) hay còn  gọi là Philon le Juif  ( Do Thái ). Chủ ý của Philon là muốn thực hiện một tổng hợp giữa …lý thuyết của Moise với triết học Hy Lạp cổ đại “ Với  ý định tổng hợp ấy Philon nhắm  dung hòa mạc khải với lý trí. Kinh Thánh với Platon. Có thể nói vấn đề vĩ đại nhất trong  Kinh Viện Học Trung Cổ tức vấn đề dung hòa tín ngưỡng và lý trí chính là vấn đề thừa hưởng được từ tinh thần của Philon. Do đó triết sử gia H.A Wolfson mới nói rằng tất cả triết lý Trung Cổ đều mang  bản chất Philon” ( L.T. Nghiêm – Lịch Sử Triết Học Tây Phương – Quyển 2 ).

Triết Hy Lạp cổ đại đặc biệt là với Platon, Aristote chủ trương một Đấng Tạo Hóa siêu việt được mệnh danh là  Logos  ( Ngôi Lời ). Chính Ngôi Lời này là một thứ trung gian nhờ đó Thiên Chúa hoạt động trên vũ trụ ( vật chất ) và cũng nhờ đó vũ trụ mới vươn lên tới Thiên Chúa….

Quan niệm Logos trong triết Hy Lạp rất phức tạp và còn nhiều tranh cãi  nhưng tựu chung khi áp dụng vào Kinh Thánh thì đã đưa đến việc hoàn toàn phủ nhận Đức Ki Tô  Trung Gian cho một Đấng Thiên Chúa nội tại hiểu như Đấng Cha  mỗi người.

Vì đã phủ nhận  Chúa Giê Su Đấng Trung Gian như thế nên đã đưa đến hậu quả không thể tránh đó là đồng thời phủ nhận việc rao giảng Tin Mừng của Ngài. Đang khi đó  Chúa Giê Su đã khẳng định sứ mạng Cứu Độ của Ngài là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp. Muốn giữ Ngài ở lại không cho Ngài  đi khỏi họ. Ngài nói cùng họ rằng: Ta  cũng cần rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

Sứ mạng của Chúa xuống thế là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và rồi Ngài  đã trao lại sứ mạng ấy cho các môn đệ tức  các linh mục  thì  giờ đây lẽ ra  các ngài cũng phải rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô chứ sao lại không ?

Tin Mừng của Đức Ki Tô như đã biết là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại và cũng chính là vì Nước Trời đó mà Ngài mới truyền dạy chúng ta phải hết lòng tìm kiếm “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài” ( Mt 6, 33 ).

Nước Trời cần hết lòng tìm mới gặp. Tuy nhiên  sự tìm kiếm ấy không phải là tìm một cái chi đó ở bên ngoài  nhưng là  trở về với Thực Tại sẵn có ngay ở nơi mình. Thực Tại sẵn có ấy chính là Nhà Cha trong dụ ngôn “ Người Con Hoang Đàng”  mà Chúa Giê Su đã dẫn chứng  cho việc trở về. Người con chỉ thực tâm muốn quay trở về khi y ta gặp phải cảnh khổ, muốn xin cám của heo ăn mà người ta cũng không cho ( Lc 15, 17 -18 ). Con người cũng vậy  chỉ khi nào chúng ta nhận biết cuộc đời này là khổ đau thân xác này là vô thường, tạm bợ sống nay chết mai  thì mới  biết đường tìm kiếm con đường để trở về.

Trở lại bài giảng của đức cha Phê Rô, ngài  nêu câu hỏi  mỗi người chúng ta có thực sự  quan tâm đến Nước Trời hay không ? Câu trả lời dường như là không lý do là vì Nước Trời …thiếu sự hấp dẫn.  Con người chỉ thực sự quan tâm  đến những gì  có  ảnh hưởng đến đời sống của họ. Người giàu thì lo tranh danh đoạt lợi.  Người nghèo thì lo cơm áo gạo tiền, nợ nần đủ thứ v.v.. Vả lại làm sao  Nước Trời có thể …hấp dẫn  một khi ngay cả những người có trách nhiệm hướng dẫn đời sống tâm linh cũng chẳng  nói chi đến việc tìm kiếm Nước Trời ?

Cứ lo đủ mọi thứ việc còn việc đáng phải lo nhất là việc rỗi linh hồn thì lại chẳng lo. Chúa nói: Chỉ có một việc cần mà thôi đó là việc rỗi linh hồn: “ Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? “ ( Mt 16, 26 ).

Lời của Chúa là sự thật là lời hằng sống. Vậy tại sao ta lại không tin ? Đối với những người không tin thì không nói làm gì. Ngược lại nếu  tin thì tại sao  chúng ta lại không hết sức quan tâm đến việc rỗi linh hồn mình ? Một khi đã quan tâm  điều gì thì người ta luôn suy nghĩ về điều ấy.

“Xưa  có một người nữ đã quen sống buông thả trong tội. Một ngày kia chân phúc Avila đến gặp và khuyên bảo bà ấy rằng: Hỡi bà, hãy suy gẫm hai tiếng này: Đời Đời và Kiếp Kiếp ! Hạnh phúc đời này chẳng có bền lâu đâu, chết thì hết cả. Khi chết thì chỉ còn là một khốn nạn đời đời hay là hạnh phúc tràn đầy mà thôi. Bà hãy suy nghĩ kỹ đi. Người nữ ấy nghe  mấy lời đó cứ suy đi nghĩ lại và đã quyết tâm trở về đường ngay nẻo chính và không dám theo đường cũ nữa” ( Thánh An Phong – Việc Rỗi Linh Hồn”.

Người nữ ấy trước kia đã sống cuộc sống tội lỗi về sau đã nghe lời Thánh Avila  …suy đi ngẫm lại về sự sống đời đời mà đã quay trở về Đạo Thánh. “ Suy đi nghĩ lại” chính là hành vi nhớ nghĩ của Tâm và hành vi này mang tính quyết định cho toàn bộ cuộc sống con người. Cứ nhớ nghĩ cái gì thì sẽ có cái đó. Nhớ nghĩ điều ác sẽ làm điều ác. Nhớ nghĩ điều thiện lành sẽ làm điều  thiện lành.

Nhớ nghĩ điều thiện lành sẽ làm được điều thiện lành và điều thiện lành tối thượng chính là biết vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Đức Ki Tô nói “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng Chúa, Chúa  mà được vào Nước Trời đâu nhưng chỉ những kẻ làm theo Thánh Ý Cha Ta ở trên trời mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng Lạy Chúa, Lạy Chúa chúng tôi há chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà  trừ quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ?Khi ấy Ta sẽ công bố với họ rằng Ta chẳng hề biết các ngươi. Hãy lìa khỏi Ta  hỡi những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 23 ).

Nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ….đối với thế gian là những việc cả thể nhưng với Chúa đó lại là việc ác. Tại sao vậy ?  Đó là vì họ chỉ làm theo ý riêng chứ không làm theo Ý Chúa. Phải làm theo Ý Chúa mới có công phúc, trái lại thì không.

Chúa nói” Trong ngày đó” tức Ngày Phán Xét Chúa sẽ phán xử công tội của mỗi người. Những ai biết vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa sẽ được vào hưởng phần phúc đời đời. Sự vâng theo Thánh Ý tuy khó mà dễ. Nó khó bởi vì còn giữ lấy “ Cái Tôi” còn dễ là vì biết bỏ đi “ Cái Tôi”. Chính vì việc bỏ đi “ Cái Tôi” là biết vâng theo Thánh Ý vì vậy Chúa nói “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Hễ ai chẳng nên như con trẻ thì chẳng được vào Nước Trời đâu” ( Lc 18, 17 ).

“ Nên như con trẻ” đó là một quá trình thực hiện  để bỏ đi “ Cái Tôi” ích kỷ bẩn chật. Bỏ được một phần  thì cái thiện hảo hiển lộ được một phần. Bỏ được hết thì cái thiện hảo hiển lộ được toàn phần “ Cứ phá bỏ được những dục vọng bên ngoài thì sẽ thấy cái thiện căn bản của lòng mình được no đầy” ( Dĩ khử phù ngoại dụ chi tư nhi  sinh kỳ bản nhiên chi thiện  – Trung Dung – Chương một )./.

 

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts