Tái sinh là vấn đề hết sức khó hiểu đến nỗi Nicodem, một trí thức Do Thái khi nghe Chúa Giê Su nói nếu không tái sinh bởi trời thì không ai được thấy Nước Chúa thì ông hỏi lại: “ Một người đã già làm sao có thể tái sinh ? Không lẽ người ấy lại vào bụng mẹ mà sinh ra sao ?” ( Ga 3, 1 -4 ).
Với thắc mắc như vậy chứng tỏ Nicodem chẳng hiểu chút gì về tái sinh. Nói cách khác ông ấy chỉ nhìn nhận có một…sự sinh đó là sinh về phần xác. Đang khi đó Chúa Giê Su lại nói sự sinh ra ấy là sinh về phần tâm linh.
Người ta không ai lại không được sinh ra về phần xác nơi một bà mẹ. Thế nhưng bởi vì con người là loài có linh tánh nên cần tái sinh mới có thể…thấy được Nước Chúa. Việc tái sinh ấy như Chúa nói, đó là sinh lại bởi nước ( Phép Rửa ) và Thánh Thần.
Việc tái sinh bởi …nước và Thánh Thần như thế không chỉ có một lần nhưng cần diễn ra trong suốt cuộc đời tín hữu. Thánh Phao Lô sau biến cố Damat là người đã được Ơn Tái Sinh và ngài đã hiến dâng cuộc sống mình cho Chúa Giê Su Ki Tô bị đóng đinh: “ Nhưng về phần tôi, tôi quyết hẳn chẳng khoe khoang điều gì ngoài thập giá Đức Ki Tô. Vì nhờ thập giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy. Vì chịu cắt bì hay không cắt bì đều chẳng có quan hệ gì, quan hệ là được dựng nên mới” ( Gl 6, 14 -15 ).
Theo Thánh Phao Lô thì quan hệ đó chính là được trở nên mới và việc nên mới ấy chỉ có thể diễn ra ở nơi tư tưởng. Nói đúng hơn, chính tư tưởng là cái quyết định cho việc dựng nên mới.
Người đời ai cũng thấy mình sống với thân xác nhưng thật ra mỗi người đều sống với tư tưởng của họ. Có tư tưởng đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, tắm giặt….thì mới đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, tắm giặt…Có tư tưởng muốn làm điều thiện lành mới có thể làm điều thiện lành. Không ai có tư tưởng thiện lành mà lại làm điều ác bao giờ v.v…
Mỗi người đều sống với tư tưởng và bị tư tưởng chi phối. Hay nói cách triết lý như giáo sư William James, một nhà tâm lý học lừng danh thì “ Chính cái tư tưởng là người tư tưởng”. Điều này cho thấy không phải như Pascal nói: Con người là cây sậy có tư tưởng tức coi tư tưởng là sở hữu của con người. Nếu tư tưởng là…cái sở hữu thì lẽ ra chúng ta muốn nghĩ gì thì nghĩ. Còn không muốn…nghĩ thì thôi ? Thế nhưng sự thật không phải vậy, Thánh Phao Lô nói: “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này. Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn ưa thích luật pháp của ĐCT. Nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong tôi. Ôi ! tôi là người khốn nạn biết chừng nào ? Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, nhờ Chúa Giê Su Ki Tô, Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25 ).
Sở dĩ có hai thứ luật tranh chiến với nhau trong mỗi con người đó là do ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác ( St 2, 15 ). Khi Tâm khởi phân biệt đó là theo ý riêng mình. Trái lại bỏ đi Tâm phân biệt ấy là vâng theo Ý Chúa. Để có thể biết đàng vâng theo Thánh Ý Chúa thì cần cậy nhờ nơi Đức Ki Tô bởi vì Ngài không làm điều chi khác ngoài Thánh Ý Chúa Cha: “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta, bèn làm theo ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).
Nhờ cái chết của Chúa Giê Su trên thập tự giá, chúng ta mới có thể bỏ đi ý riêng để được ơn tái sinh nghĩa là thực hiện cuộc chuyển hóa tâm linh. Có nhiều phương thế để chuyển hóa, chẳng hạn tuân thủ triệt để giới răn yêu thương, làm phúc bố thí, cầu nguyện v.v..Nhưng tất cả cần phát xuất từ nơi Tâm Vô Phân Biệt. Yêu thương thì phải yêu thương kẻ thù nghịch cùng mình. Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm trở ngược vào bên trong mà cầu v.v…
Có thể nói, sống đạo là sống cuộc chuyển hóa và cuộc chuyển hóa ấy chỉ có thể thành tựu một khi bước vào con đường từ bỏ: “ Như vậy, ai trong các ngươi nếu không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).
Chúng ta cần hiểu lời Chúa nói, từ bỏ mọi sự là như thế nào ? Dĩ nhiên mọi sự mình có ấy là gia đình, vợ con, tài sản, danh vọng, sự nghiệp v.v…Nhưng còn một thứ khó từ bỏ nhất đó là những tri thức chẳng hạn triết học, thần học mà mình đã tiếp thu, học hỏi bao năm trường chẳng lẽ cũng phải …từ bỏ hay sao ? Vâng, đúng là những thứ đó cũng cần từ bỏ. Tại sao ? Bởi vì đó là trở ngại lớn nhất trong việc sống đức tin vào bốn sự sau hết ( Tứ Chung ): Chết, Phán xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục.
Tin vào “ Bốn Sự Sau Hết” tuy có vẻ đơn sơ vì không mang…tính thần học. Nhưng thật sự đây chính là nền tảng đức tin của người Công Giáo. Ai ai rồi ra cũng chết và rồi sẽ phải đến trước Tòa Phán Xét Chúa về các việc lành dữ mình làm. Làm lành sẽ được hưởng phước trên Thiên Đàng. Còn làm dữ sẽ phải sa Hỏa Ngục đời đời.
Đức tin vào “ Bốn Sự Sau Hết” ngày nay hầu như đã không còn được đề cập tới nữa. Lý do là vì Thần Học đang bước vào con đường Tục Hóa hay còn gọi là Giải Thiêng ( desacralisation ). Một khi tôn giáo đã bị…Giải Thiêng thì đương nhiên người ta chỉ còn biết đến đời sống thế tục này và như thế chẳng làm gì có thưởng phạt, Thiên Đàng, Hỏa Ngục nữa ?
Đối với thần học Tục Hóa thì tất nhiên không sao hiểu được vấn đề sống và chết. Thật ra, sự sanh tử hay là sống, chết nằm ở trong phạm vi sanh, diệt của tư tưởng. Như thế mỗi ngày con người trải qua biết bao lần sống và chết mà không biết. Cái chết xác thân gọi là phần đoạn sanh tử. Còn sự sinh, diệt của tư tưởng gọi là biến dịch sinh tử.
Mỗi niệm khởi sanh rồi diệt, diệt rồi lại sinh cứ như thế tiếp diễn không ngừng. Như đã biết, sống đạo là sống cuộc chuyển hóa và sự chuyển hóa ấy chỉ có thể diễn ra ở nơi tư tưởng mỗi người. Lại nữa để có được sự chuyển hóa ấy thì nhất định cần phải TU và TU có nghĩa là chuyển từ tư tưởng ác ( Ac tưởng ) sang tư tưởng thiện lành ( Thiện tưởng ).
Mục đích của con đường Tu, chính là làm sao để trừ bỏ những tư tưởng xấu ác và khai sinh những tư tưởng thiện lành. Để có thể trừ bỏ đi những tư tưởng xấu, ác ( Tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, kiêu căng, nghi ngờ….) thì nhất thiết cần nhờ vào Lời Chúa: “ Vì Lời Chúa là lời hằng sống, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy, biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).
Lời Chúa chẳng qua cũng là một thứ tư tưởng nhưng đây là những tư tưởng cực sáng, cực lành đem đến sự giải thoát cho con người. Tâm được ví như thửa ruộng, gieo hạt giống gì sẽ mọc lên giống ấy. Gieo giống lúa sẽ mọc lên cây lúa. Gieo hạt cỏ lùng sẽ mọc lên cỏ lùng….
Kinh Mân Côi chứa đựng toàn là Lời Chúa. Bền bỉ thực hành Kinh này chính là gieo vào trong Tâm mình để Lời Chúa trở nên ngọn đèn sáng soi bước chân con” ( Tv 119, 105 ).
Có Lời Chúa sáng soi trong từng niệm tưởng như thế thì đâu còn e sợ lạc đường lạc lối trong cái thời đại u mê, tăm tối này ? Vả laị những ai chuyên cần thực hành Kinh Mân Côi sẽ được Đức Mẹ phù hộ, chở che bởi Ngài chính là Bà Mẹ Tâm Linh đã hạ sinh Chúa Giê Su Cứu Thế thì cũng tái sinh chúng ta trong Nước Chúa Hằng Sống: “ Giê Su Con rất dịu dàng của Mẹ không là Người Con độc nhất ( Uni Genitus ) nhưng thật là Con đầu lòng ( Primus Genitus ) vì Ngài đã thụ thai đầu hết trong dạ. Nhưng sau Ngài, đúng hơn bởi Ngài, Mẹ đã thụ thai chúng con tất cả khi nhận lấy chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con trở nên anh em Ngài đồng thời là con của Mẹ” ( M.V Bernado O.P – Mẹ Trong Đời Tôi )./.
Phùng Văn Hóa