Vào một buổi chiều dịu nắng, tôi dạo quanh khu phố nhỏ gần nhà để nhìn xem sinh hoạt cuộc sống. Tôi để tâm quan sát những người qua lại nơi phố xá. Kìa, có bao nhiêu người là có bấy nhiêu các khuôn mặt khác nhau. Khách bộ hành vội vã theo nhau, kẻ qua người lại, hình như ai ai cũng có điều phải lo và việc phải làm. Có những khuôn mặt rạng rỡ yêu đời, có những khuôn mặt đăm chiêu lo lắng và có vẻ mặt bình thản an vui tự tại. Tôi dừng xem và chú ý đến những thái độ cử xử giữa người với người. Thái độ có muôn mầu muôn sắc.
Ngắm nhìn vẻ mặt từng người,
Nhẹ nhàng tươi tắn, vui cười hân hoan.
Buổi chiều vất vả lo toan,
Sáng ra thức dậy, vẻ ngoan mặt hiền.
Bực mình mặt đỏ như điên,
Âu sầu lạnh tái, buồn phiền khó coi.
Mỉm cười vui vẻ gương soi,
Dữ dằn nhăn nhó, cọt còi khó ưa.
Trầm ngâm sâu kín chẳng vừa,
Huênh hoang khoác lác, nói bừa khó tin.
Hiền từ thanh thản dễ nhìn,
Vui cười nhã nhặn, thật tình mến thương.
Sinh ra ở đời, trời ban cho mỗi người có một khuôn mặt khác nhau. Khuôn mặt và vẻ mặt có những điều dị biệt. Người ta quan sát vẻ mặt trên khuôn mặt để biết thái độ. Nói rằng ‘trông mặt mà bắt hình dong’ là thế. Trong phim ảnh nghệ thuật, các nhà đạo diễn phải chọn lựa các khuôn mặt cho đúng với các vai trò trong phim. Có những khuôn mặt khoan dung, độ lượng và chân thành. Có những khuôn mặt gian ác, phản bội và lừa đảo. Các diễn viên càng nhập vai, càng thành công, dù vai lành hay vai ác, vai tốt hay vai xấu.
Cha ông thường nói; ‘Cha mẹ sinh con, trời sinh tính’. Đúng vậy, tính tình mỗi người mỗi khác. Có những bản tính bẩm sinh khó đổi. Nhưng trong cuộc sống xã hội, nhân cách con người có thể được huấn luyện để đổi thay. Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến cách hành xử của con người. Tục ngữ ca dao nói: ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ và ‘ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’. Con vật được sinh ra và lớn lên theo cách tự nhiên, con chó sinh ra con chó và con mèo sinh ra con mèo. Con người thì khác, phát triển thay đổi qua từng giai đoạn để trở thành người và thành nhân. Khi mới sinh, chúng ta gọi là trẻ sơ sinh, rồi đến trẻ em, lớn hơn một chút là thiếu nhi, rồi trở thành thanh thiếu niên và trưởng thành người lớn. Con người cần phải học để nên người và làm người.
Con người có tính xã hội. Xã hội tạo khuôn cho con người. Thế giới văn minh kỹ thuật ngày nay đã đưa con người đến gần nhau hơn. Sự giao tế của con người được đánh giá qua sự biểu hiện thái độ và cách cư xử. Phải hết sức tế nhị trong giao tế nhân sự, ‘Đáo giang tùy khúc, đáo gia tùy tục’. Mỗi khi có những cuộc đại hội gặp gỡ, người ta quan sát rất kỹ khuôn mặt và thái độ của các nhân vật thuộc các phái đoàn ngoại giao. Cử chỉ và thái độ góp phần tích cực hoặc tiêu cực khi giải quyết vấn đề. Tuy rằng, sự biểu tỏ thái độ không luôn là chân thành, vì đôi khi các nhân vật phải đeo mặt nạ hoặc đóng kịch để ‘gió chiều nào, che chiếu ấy’.
Thái độ rất quan trọng trong cách đối nhân xử thế. Càng sống, chúng ta càng nhận ra ý nghĩa đích thực của thái độ. Nó quan trọng hơn tiền bạc, bằng cấp, khả năng, sự thành công hay thất bại. Chúng ta có thể biểu hiện thái độ về những điều người khác đối xử, phát biểu và hành động. Chúng ta tự chọn lựa thái độ sống mỗi giây phút trong đời. Người đời đánh giá chúng ta qua thái độ trong khi giao tiếp. Biết rằng chúng ta không thể thay đổi qúa khứ. Chúng ta cũng không thể thay đổi hành động của người khác. Chúng ta có thể thay đổi thái độ của mình.
Thái độ là cách thế hành xử thể hiện đối với người khác hoặc nơi chỗ cảnh vật. Thái độ một phần cũng tùy thuộc vào quan niệm, ý thức hệ và niềm tin, tạo cho mỗi người một bản sắc riêng biệt. Thái độ là một việc nhỏ nhưng làm nên sự khác biệt lớn. Chúng ta có thể phân chia thái độ ra ba thành phần: Nhận thức, tình cảm và hành vi. Cũng có thể nhìn thái độ của chúng ta ở khía cạnh khác như lạc quan, bi quan và trung lập. Thái độ nào cũng cần có sự trau dồi, tu luyện và tập tành. Mẫu gương: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện lần đầu trước công chúng, với thái độ đơn sơ khiêm hạ, ngài đã chiếm được cảm tình của hầu hết mọi người.
Trong đời sống thường nhật, chính chúng ta rất dễ quên khuôn mặt và thái độ xử thế của mình. Khi nhìn mặt mình trong gương, chúng ta mỉm cười và cảm thấy dễ yêu, dễ mến. Xa rời tấm gương, chúng ta sẽ mau quên khuôn mặt của mình. Sau đây, chúng ta có thể liệt kê một số những thái độ được biểu tỏ qua khuôn mặt trong cách hành xử, sẽ giúp chúng ta học hỏi và ứng xử tốt hơn mỗi ngày:
Tích cực: Có những thái độ lạc quan, vui vẻ, qủa quyết, chân thành, dịu dàng, xác tín, khoan dung, khiêm nhu, hợp tác, quan tâm, lịch sự, thận trọng, tử tế, tôn trọng, kiên trì, thông cảm, thành thật, linh hoạt, tin tưởng, cố gắng, đáng tin, cẩn thận, chăm chỉ, cởi mở, hài lòng, bình tĩnh và thân thiện.
Tiêu cực: Thái độ bi quan, giận dữ, ghen tuông, phản kháng, nghi ngờ, oán giận, phiền não, ghen tị, hạ cấp, chế nhạo, thù nghịch, hống hách, cố chấp, chua cay, lo lắng, ra oai, cửa quyền, khinh thường, xấc sược, hỗn láo, chua chát, nhăn nhó, khó chịu, ngoan cố, ương ngạnh, khả nghi…
Trung lập: Thái độ tự mãn, thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, hờ hững, trung hòa, bằng lòng, bất cần…Thường người ta không để tâm nhiều về các sự kiện xảy ra chung quanh. Người có thái độ này không chú ý nhiều tới các vấn đề xã hội và con người. Họ cũng không cảm thấy cần phải đổi thay thái độ sống.
Chúng ta biết sự cách biệt rất tế nhị về thái độ nơi mỗi người. Chúng ta có thể luyện tập và thay đổi thái độ tùy theo hoàn cảnh đối diện. Thái độ được biểu hiện trên khuôn mặt, qua lời nói, giọng nói, cảm xúc và cử chỉ hành động. Sự tu thân tích đức như hạt giống tốt được gieo vào thân tâm. Gieo mầm giống tốt, chúng ta hy vọng gặt hái những hoa qủa lành thánh. Gieo hạt giống xấu như cỏ lùng, hạt sẽ lớn mạnh phát triển tự nhiên sinh ra hoa trái còi cọt đắng chát.
Ai trong chúng ta cũng ưa thích những người có thái độ lạc quan vui vẻ và khiêm nhu chân thành. Sự thành công ở đời tùy thuộc phần lớn vào thái độ xử thế hành đạo của chúng ta. Xin ơn trên phù trợ để chúng ta tiếp tục sống tích cực và lạc quan hơn mỗi ngày.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York