THÁNH  FAUSTINA  VỚI  VIỆC  LẮNG  NGHE  CHÚA  THÁNH  THẦN

          Một trong các tiêu chí của Thượng Hội Đồng Giám mục XVI là lắng nghe Chúa Thánh Thần. Thế nhưng có sự thật này là việc lắng nghe ấy  đã không được thực hiện mà thay vào đó, người ta đã …lái sang một chiều hướng hoàn toàn khác: “ Dù hiện chỉ có khoảng 1 ( Một ) phần trăm  tín hữu Công giáo  tỏ bày ý kiến  trực tiếp chớ không hẳn qua các bản tổng hợp  giáo phận về cách giáo hội phải cùng tiến hành ra sao 03 chủ đề Hiệp Thông, Tham Dự, Sứ Mệnh nhưng Văn Phòng Thượng Hội Đồng về  tính  thượng hội đồng  đã muốn lái toàn Giáo Hội  đi theo hướng rõ ràng có tính ý thức hệ ủng hộ  việc phong chức Linh Mục cho phụ nữ và những người sinh hoạt đồng tính luyến ái…

          …Ít nhất đó cũng là nhận định của CAN khi bình luận về một biến cố thoạt nhìn vô tội  mà thực tế tỏ lộ một ý hướng tệ hại, coi thường 99 phần trăm những người còn lại của Giáo Hội, khối người tạm gọi là đa số thầm lặng nhưng chắc chắn  phải gánh những gánh thật nặng nề nếu cái xu hướng ý thức hệ kia được Giáo Hội coi là chính thức…

          …Trong bài báo “Sinod Organizers Are Making Their Crisis of Credibility Worse ( Các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng đang khiến cho khả tín tính của họ thêm tệ hại ). Jonathan Liedl nhận định rằng khi chuyển sang giai đoạn lục địa, tiến trình kéo dài nhiều năm  của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị  đối đầu với một cuộc khủng hoảng oái oăm về độ khả tín: Làm thế nào nó có thể được coi như một mô tả chính xác kinh nghiệm của người Công giáo về cách  Giáo Hội lắng nghe, khi bản thân Thượng Hội Đồng phần lớn đã không chịu lắng nghe một số lượng đáng kẻ tiếng nói của người Công giáo ?” ( Nguồn Vietcatholic News 02/10/2022 – Vũ Văn An – Văn phòng THĐ và ý thức hệ phong chức cho phụ nữ  cùng đồng tính luyến ái ).

          Quả thật cái con số 1% ấy không thể đại diện cho 99% còn lại của người Công giáo. Tuy nhiên dù cho con số ấy có lên tới 100%  đi nữa  đó cũng không phải là kết quả của việc lắng nghe Chúa Thánh Thần. Tại sao ? Bởi vì trong lãnh vực  tâm linh hoàn toàn không thể dựa trên đa số quyết định nhưng là sự soi sáng của Chúa Thánh Thần !

          Thánh Faustina Kowaska ( 1905 – 1939 ) đã được Chúa Giê Su mạc khải về Lòng Thương Xót hầu chuẩn bị thế giới cho lần đến thứ hai của Người: “ Con sẽ chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Cha” ( NK 429 ). Mạc khải của Chúa về Lòng Thương Xót, sau nhiều trở ngại và cấm đoán  đã được giáo hội chính thức nhìn nhận qua việc phong Hiển Thánh cho nữ tu Faustina  tại đền thánh Phê Rô ngày 30 tháng 4 năm 2000.

          Một khi giáo hội đã phong  Hiển Thánh  cho nữ tu Faustina như thế  thì theo lẽ tất nhiên  cũng phải nhìn nhận và thực hành Mạc Khải của Chúa Giê Su. Thế nhưng thực tế lại không như vậy, có nghĩa giáo hội cho đến nay dường như vẫn chưa có chuẩn bị gì  cho Ngày Chúa Đến ?

          Sở dĩ nói giáo hội chưa chuẩn bị gì cho Ngày Chúa Đến  là bởi với tính chất của Thượng Hội Đồng  mang tính Đồng Nghị như vừa trích dẫn , mục đích của nó  là để…lèo lái giáo hội đi theo hướng ý thức hệ ủng hộ việc phong chức Linh Mục cho phụ nữ và chúc phúc cho kết hợp đồng tính  thì điều ấy tránh  sao cho khỏi  án phạt nặng nề  trong  Ngày Chúa Đến ?.

          Đức Mẹ nói với chị Thánh Faustina: “ Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới. Còn con, con phải nói cho thế giới  biết về Lòng Thương Xót bao la của Người và chuẩn bị thế giới tiếp đón Người đến trong lần thứ hai. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).

          Lòng Thương Xót bao la của Chúa chỉ đến với những ai có sự chuẩn bị và để chuẩn bị  cho ngày trọng đại ấy thì cần phải biết lắng nghe Chúa Thánh Thần. Thánh Faustina là tấm gương rất đỗi gần gũi  nhưng cũng đầy đau khổ trong việc…lắng nghe này.

          Faustina ngay từ tấm bé mang tên Helen  đã có lòng ước ao nên Thánh và tu dòng. Khi ông chú trêu đùa và có ý cản trở thì Helen nói: “ Cháu sẽ phụng sự Thiên Chúa  vì đó là quyết tâm của cháu  từ khi còn nhỏ và cháu sẽ làm được điều ấy”.

          Ước  nguyện lớn lao như vậy nhưng để thực hiện đó  lại là việc khác. Khi bị cha mẹ phản đối cùng với những khó khăn  trở ngại khác, Helen đã muốn từ bỏ ước nguyện, nhưng Chúa Giê Su vẫn theo đuổi và trong một buổi kia khi chị ở trong một vũ trường Ngài đã hiện ra trong một thị kiến mình đầy thương tích và nói: “ Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha đến bao giờ nữa đây ? ( NK 9 ).

          Rời khỏi vũ trường, Helen nhắm thẳng hướng nhà thờ chính tòa, đến sấp mình trước Nhà Tạm van nài Thiên Chúa soi sáng cho biết việc phải làm, bỗng nghe có tiếng nói: “ Con hãy lập tức đi Warsaw ( Thủ đô Ba Lan ), con sẽ vào tu tập ở đó” ( NK 10 ).

          Dù ơn gọi ấy thật rõ ràng do chính Chúa Giê Su thúc đẩy nhưng để thực hiện  thì từng bước cần có sự cầu nguyện để xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Khi đến sân ga, Helen hoảng sợ trước sự náo nhiệt của nơi ấy và cũng vì không hề quen biết một ai  tại nơi đô hội  nên thầm thĩ cầu nguyện với Đức Mẹ” Lạy Mẹ Maria, xin dìu dắt, xin hướng dẫn con” ( NK 11 ).

          Hướng dẫn của Chúa và Đức Mẹ thật cụ thể và chi tiết thế nhưng vẫn còn có những trở ngại cần vượt qua với một cô gái nhà quê ngờ nghệch, bộ dạng nghèo khó trước mặt người đời thế nên đến gõ cửa các nhà dòng đều bị từ chối. Buồn chán và có ý thất vọng, Helen than thở với Chúa Giê Su: “ Lạy Chúa xin giúp con, đừng bỏ con một mình” và rồi cuối cùng chị đã được nhận vào tu tại Dòng Đức Mẹ Nhân Lành.

          Thế nhưng chỉ vỏn vẹn sống ở đó được ba tuần, Helen đã bị cám dỗ muốn rời bỏ Hội Dòng vì chị thấy  nơi ấy không có nhiều thời giờ cầu nguyện và làm việc hãm mình…Sống, theo đuổi ơn gọi tu trì là việc hết sức cao quý nhưng điều ấy sẽ không đẹp lòng Chúa nếu chỉ theo ý riêng mình. Có ý định rời bỏ Hội Dòng  khiến Helen lấy làm băn khoăn đau  khổ cầu nguyện xin Chúa cho biết Thánh Ý thì Chúa Giê Su hiện ra với hai hàng nước mắt tuôn rơi xuống tấm thân đầy thương tích. Helen hỏi: “ Lạy Chúa Giê Su, ai đã làm cho Chúa khổ sở dường ấy ? Chúa trả lời: Chính con gây ra cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con chứ không phải nơi nào khác và Cha đã dọn nhiều Ơn Thánh cho con” ( NK 19 ).

          Chúa dọn nhiều Ơn Thánh cho những ai được Ngài tuyển chọn và Ơn Thánh ấy chính là biết vui lòng chịu đựng  mọi khổ đau vì Chúa và phần rỗi các linh hồn. Trong khi còn ở Tập Viện, Helen đã được đổi tên thành Maria Faustina và ngay trong quãng tời gian này Chúa Giê Su đã tỏ cho biết là chị sẽ gặp phải những nỗi đau khổ khôn xiết và nỗi đau đó chính là  tình trạng tối tăm của linh hồn…

          Sự thử thách khó vượt qua nhất mà người TU gặp phải  được gọi là: “ Đêm Đức Tin” Trong cái đêm tăm tối ấy Faustina không hề cảm nghiệm được niềm vui  hoặc an ủi nào trong khi cầu nguyện. Chị  hầu như không thể  nguyện ngắm và nỗi hoang mang lo lắng  bao trùm lấy chị. Một hôm trong lúc sấp mình trước Nhan Thánh Chúa chị bỗng có một ý nghĩ khủng khiếp là Thiên Chúa đã ruồng bỏ  mình. Nỗi tuyệt vọng đầy ứ linh hồn, chị trải qua nỗi thống khổ của các linh hồn bị trầm luân.

          Đến chiều, lúc sẩm tối nỗi sợ hãi ghê rợn bao chiếm và chị  hoàn toàn rã rời nằm vật xuống sàn bất tỉnh. Có chị thấy vậy báo cho mẹ bề trên đến ra lệnh chị ngồi dậy và nói lời an ủi: “ Chị hãy vững lòng tín thác, Thiên Chúa lúc nào cũng là Hiền Phụ của chúng ta kể cả khi Người gửi thử thách đến cho chúng ta” ( NK 26 ).

          Nguyên nhân đưa đến “ Đêm Tối Đức Tin” cho người TU là bởi người đời ai cũng sống bằng giác quan kể cả trong tôn giáo. Chính vì thế, đối tượng của đức tin vẫn là đấng Thiên Chúa hoặc hữu hình hoặc chỉ là một thứ khái niệm. Nhưng  đối với người Tu  khi bị thử thách  thì cái đối tượng Thiên Chúa ấy sẽ không còn nữa  để thay thế vào đó là Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) cần hết lòng tìm mới gặp !

          Người TU cần trải qua những cơn thử thách nhưng chính là trong những cơn thử thách ấy chúng ta mới thực sự cần đến ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Không có ơn soi sáng ấy, không một ai có thể vượt qua được cơn cám dỗ của Sa Tan, đứa lừa dối cả và thiên hạ ( Kh 12, 9 ).

          Thử thách thứ hai đến với Faustina đó là khi tiếp nhận mạc khải của Chúa Giê Su muốn vẽ Bức Ảnh  Chúa Thương Xót: “ Hãy vẽ một bức ảnh theo như mẫu con đã nhìn thấy với hàng chữ:  Lạy Chúa Giê Su con tín thác nơi Chúa. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính, trước là trong nhà nguyện của các con và sau đó là trên khắp thế giới” ( NK 47 ).

          Sau khi nhận được mạc khải của Chúa Giê Su, Faustina đã trở thành đối tượng của sự nghi ngờ  và kết án của tất cả chị em trong dòng cho chị là  thị nhân điên khùng. Có lần mẹ bề trên gọi chị đến và buông lời sỉ vả và lớn tiếng đuổi chị: “ Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo ra khỏi  cái phòng này ngay đừng có mà ở đó  nói vớ nói vẩn”.

          Mạc khải của Chúa Giê Su Ki Tô luôn không dễ để  chấp nhận bởi vì nó hoàn toàn trái ngược với các quan niệm của người đời và nhất là trong hàng giáo phẩm vì  đã chứa chấp nơi mình quá nhiều thiên kiến !!! Trong trường hợp ở đây, Faustina  còn bị Sa Tan cám dỗ nặng nề  khiến chị tự hỏi: Phải chăng  đây là phần thưởng  dành cho mình  vì sự trung thành và thực tâm hay sao ? Làm sao có thể chân thành  trong khi lại bị hiểu lầm như thế ? Chị đã thở than: Lạy Chúa Giê Su, lạy Chúa Giê Su  con không thể tiếp tục được nữa, rồi chị ngã gục xuống  đất vì sức nặng  ấy, mình đẫm mồ hôi và nỗi sợ hãi  bắt đầu chụp xuống. Trong lòng chị Thánh  thấy không còn một ai  để nương tựa. Đột nhiên chị nghe được một tiếng nói trong linh hồn: “ Đừng sợ, Cha ở với con” và một ánh sáng  soi chiếu cho tâm trí chị và chị  đã hiểu rằng  không nên đầu hàng  trước những phiền sầu như thế. Được đầy tràn sức mạnh, Faustina bước ra khỏi phòng với lòng can đảm mới mẻ để chịu đựng đau khổ” ( NK 129 ).

          Sau lời an ủi của Chúa, Faustina đã lấy lại được can đảm không phải để được sống an thân nhưng là để tiếp tục chịu đựng đau khổ  bởi vì chỉ trong đau khổ, con người mới thấy được giá trị  của Tình Yêu Mến Chúa. Một ngày nọ chị cảm thấy đau khổ tột độ nên đành bỏ dở công việc và chạy vào trong nhà nguyện  để xin Chúa ban sức mạnh. Sau một lúc cầu nguyện, chị trở lại với công việc, lòng đầy sốt sắng, an vui. Một chị  nhận ra điều ấy nên nói với chị thánh: Này chị, ắt là hôm nay chị được  nhiều an ủi, trông chị thật rạng rỡ. Chắc chắn Thiên Chúa không  để chị phải chịu một đau khổ nào nhưng toàn là an ủi ? Faustina đáp lại: Chị ơi ! Chị bị lầm lắm thay bởi vì chính lúc đau khổ chất ngất  thì niềm vui của em càng mênh mang và khi đau khổ sơ sài thì niềm vui của em cũng nhỏ bé” ( NK 303 ).

          Người đời luôn tránh khổ…tìm vui  nhưng cái khổ dường như là số kiếp con người phải chịu. Lão Tử nói: “ Ta có nỗi khổ lớn là vì ta có thân. Nhược bằng không có thân thì ta đâu có khổ ? ( Ngô sở dĩ hữu đại hoạn  giả vị ngô hữu thân. Cập ngộ vô thân ngô hữu hà hoạn – ĐĐK chương 13 ).

          Con người không ai lại không có thân, không có thân làm sao mà sống ? Tuy nhiên cái khổ ở đây không phải vì có thân nhưng là do chấp lấy xác thân  là mình  và vì chấp thân nên mới nảy sinh vọng tưởng, chấp trước này nọ.  Chính cái chấp ấy  đã khiến con người phải triền miên sống trong khổ đau mà không biết !

          Chúa Giê Su mạc khải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa  chính là để  con người đặt lòng tín thác nơi Ngài  hầu dứt mọi khổ đau. Lòng tín thác vào Chúa cũng chính là  thực thi Thánh Ý  trong bất cứ hoàn cảnh nào dù gặp  muôn vàn khổ đau. Chính Chúa Giê Su cũng đã thực thi Thánh Ý Chúa Cha khi còn trên Thánh Giá. Khi chị thánh Faustina chịu một cơn đau bệnh đến nỗi xin với Chúa cất mình về thì nghe  tiếng nói:

          “ Thánh Ý Cha chưa được  thực hiện đầy đủ ở nơi con, con vẫn còn ở lại thế gian  nhưng không quá lâu đâu. Cha rất thỏa nguyện vì lòng tín thác của con  nhưng Tình Yêu của con phải nồng nàn hơn nữa. Tình Yêu tinh ròng  đem lại cho linh hồn  trong giờ hấp hối. Khi Cha hấp hối trên thập giá, Cha không nghĩ đến mình  nhưng đến các tội nhân đáng thương và Cha đã cầu nguyện  cùng Chúa Cha cho họ. Cha muốn những giây phút cuối cùng  đời con cũng hoàn toàn giống như những giây phút cuối cùng của Cha trên thập giá. Chỉ có một giá cứu chuộc duy nhất cho các linh hồn và đó là sự đau khổ được liên kết với đau khổ của Cha  trên thập giá. Tình Yêu tinh ròng hiểu được những lời này. Tình yêu nhục dục không bao giờ hiểu được” ( NK 324 ).

          Để có được Tình Yêu tinh ròng đối với Thiên Chúa  thì phải trải qua đau khổ cùng với Chúa Giê Su trên thập giá. Nói cách khác chính đau khổ như thế là  chất xúc tác khiến Tình Yêu trở nên tinh ròng  bởi vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt cả giác quan lẫn lý trí. Chúa Giê Su nói Thánh Ý Cha chưa được  trọn vẹn nơi con người Faustina bởi vì chị còn phải trải qua một nỗi đau khổ lớn lao khác  đó là phải rời bỏ Hội Dòng rất đỗi thân thương mà ở nơi đó chị đã tuyên khấn trọn đời.

          Chúa tỏ ý muốn thiết lập một hội dòng để chuyên rao giảng Lòng Thương Xót và bằng lời cầu nguyện  mà khẩn nài Lòng Thương Xót  cho thế giới. Khi đang trở về phòng  thì gặp Chúa Giê Su  đứng ở ngưỡng cửa trong tư thế hệt như trong Bức Ảnh và phán: “ Cha ước ao có một hội dòng như thế”. Chị Faustina không muốn kể ngay thị kiến này với cha linh hướng bởi còn lưỡng lự  vì cho rằng mình không có khả năng  và quá nhiều khó khăn.

          Thực lòng chị Thánh muốn khước từ  nhưng  Chúa lại hiện ra và nói: “ Con đừng sợ  gì cả. Tất cả những khó khăn  sẽ góp phần hoàn thành Thánh Ý Cha” ( NK 634 ). Hoàn thành Thánh Ý Cha  tức là hoàn thành sứ mạng  mà ngay từ ban đầu Chúa đã kêu gọi những ai Ngài tuyển  chọn. Nhưng để hoàn thành sứ mạng đó, Thánh Fausitna đã phải  trải qua biết bao đau khổ mà chẳng những chỉ khi về Thiên Đàng mà ngay khi còn sống  ở đời này chị Thánh đã biết được giá trị lớn lao của nó: “ Tôi biết nếu như tôi  đã hoàn thành tất cả  những điều Thiên Chúa  đã tiền định cho tôi trên cõi dương gian này  ắt Người  không để tôi ở lại chốn lưu đày này nữa vì Thiên Đàng mới là quê thật. Nhưng trước khi về  quê hương ấy chúng ta phải chu toàn Thánh Ý  Chúa ngay trên đời này  tức là các thử thách  và chiến đấu  phải được nên trọn  nơi chúng ta…

          …Tôi đã  quá mong ước  được chết, tôi không biết mình  sẽ còn được cảm nghiệm  một nỗi khát khao  Thiên Chúa dằn vặt  đến thế trong cuộc sống  này nữa không ? Đã  từng có những lần  tôi đã ngất đi vì Chúa. Ôi ! Chốn dương gian nay trở nên xấu xa biết bao  một khi đã biết Thiên Đàng. Tôi phải mạnh tay với bản thân để sống ! Ôi ! Thánh Ý Chúa là của ăn bổ dưỡng cho tôi  dường nào !” ( NK 897 – 99 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts