Thánh Gía, con đường sự thật

Trước phản ứng bất lợi của dư luận về vụ …tặng quà “ Cây Thánh Giá Cộng Sản” của tổng thống Bolivia cho đức Phanxico. Cả chính phủ  cũng như Tòa Thánh Vatican  đã phải lên tiếng thanh minh. ‘ Báo chí thế giới lập tức  đặt ra vấn đề về ông Morales cho rằng ông đã cố gắng chính trị hóa cuộc tông du và nhắc lại những quá khứ thường xuyên chống lại Công Giáo và áp đặt chủ nghĩa xã hội của  ông từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2006. Ngay cả những lời chỉ trích nhẹ nhàng nhất thì cũng cho rằng đó là một sự…thiếu tế nhị trong ngoại giao và có thể là dị hợm…”.

Trong tư cách tổng thống của một quốc gia, khi tặng một …món quà có thể nói là hết sức độc đáo cho người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo như thế  chắc chắn nó  phải mang một ý nghĩa nào đó “ Chính phủ Bolivia khẳng định món quà không phải là một thủ đoạn chính trị nhưng là một biểu tượng mô tả “ Đức giáo hoàng là của người nghèo” là điều mà ông Morales muốn nêu cao. Đó là ý định của món quà này chứ không phải bất kỳ động cơ nào khác…Đó là một  tình cảm  trung thực và tuyệt vời là một tác phẩm được thiết kế bởi chính bàn tay của Lm Louis Espinal, theo lời ông bộ trưởng Giao Thông Marianela Paco nói  trên đài phát thanh Patria Nueva”.

Đối với người tặng quà là tổng thống Bolivia thì ý nghĩa của món quà là như vậy. Còn về phần người nhận là đức Phan Xi Cô đại diện cho cả GH Công giáo thì sao có thấy mình bị xúc phạm hay không ? “ Cha Lombardi phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết Lm Espinal là một nghệ sĩ đã sáng tác ra cây Thánh Giá đó như là một biểu tượng của sự đối thoại và cam kết tự do và tiến bộ cho Bolivia chứ không có ý định về bất kỳ ý thức hệ cụ thể nào. Cha Lombardi cũng cho biết riêng cá nhân của ngài thì không cảm thấy bị xúc phạm” ( Nguồn Vietcatholic News 13/7/2015 – Trần Mạnh Trác – Cây Thánh Giá Cộng Sản ? Bolivia và Vatican vội vàng cải chính ).

Sao có thể nói Lm Espinal  khi làm ra Cây Thánh Giá…Cộng Sản hay còn gọi là Búa Liềm ấy lại không có ý định về bất kỳ ý thức hệ cụ thể nào ? Rõ ràng là…có chứ sao lại không ?  Thử hỏi ai lại không biết Búa Liềm  của CS là biểu tượng cho hai giai cấp công nhân và nông dân. Cộng Sản dù là Liên Xô Trung Cộng hay Cu Ba, Việt Nam,  Bắc Triều Tiên , tất cả đều coi biểu tượng Búa Liềm như một lý tưởng cần phải hướng tới để dựng xây thế giới Đại Đồng Cộng  Sản. Lý tưởng ấy  một thời đã hấp dẫn biết bao con người và họ đã hy sinh cả đời  mình để sẵn sàng chết cho nó. Trong vô vàn vô số những con người bị lý tưởng CS lôi cuốn ấy chúng ta thấy có Lm Espinal và cả Evo Morales tổng thống xứ Bolivia hiện thời. Lm Espinal thì đã bị lực lượng dân quân thiên hữu của Bolivia bắn chết bằng 17 phát đạn và vứt vào hố rác ven đường. Lm Espinal đã chết cách thê thảm vì lý tưởng CS mà ông ta đã hết lòng theo đuổi và cống hiến cho đến giây phút cuối cùng của đời mình. Còn về phần Morales trước khi làm tổng thống đã là lãnh tụ nghiệp đoàn luôn coi chủ nghĩa tư bản Mỹ là kẻ thù. Việc ông ta tặng quà cho đức Phan Xi Co có chủ ý rõ ràng nói là tặng cho giáo hoàng của …người nghèo.

Tặng Thánh Giá CS cho giáo hoàng của người nghèo, ông Morales từ trong thâm tâm đã coi đức Phan Xi Co như là đồng minh của mình trong trận chiến chống nghèo đói bất công xã hội. Sự việc Morales dám coi giáo hoàng như là đồng minh chính trị của mình nhất định là phải có cái lý của nó bởi vì dưới cái nhìn của ông ta Đạo Công Giáo và Cộng Sản đều có chung một lý tưởng đó là tiến lên Thế Giới Đại Đồng !!!

Sở dĩ có quan niệm Đạo Công Giáo và Cộng Sản cùng chung một lý tưởng đó là vì người ta đã căn cứ vào Kinh Thánh ( Sách Tông Đồ Công Vụ ). “ Phàm những người tin đều ở với nhau, mọi vật đều dùng chung; bán hết tài sản gia nghiệp mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người” ( Cv 2, 44 -45). Đúng là vào thuở sơ khai Giáo Hội có việc gom tài sản để sử dụng chung. Thế nhưng đây chỉ là do lòng sốt sắng tự nguyện của các tín hữu được thúc đẩy bởi sự tin tưởng rằng Ngày Của Chúa đã đến gần, cần phải sửa soạn  chờ đón bằng sự đồng tâm cầu nguyện ‘ Hàng ngày họ nhóm trong đền thờ còn ở nhà thì bẻ bánh dùng bữa cach hớn hở thành thật” ( Cv 2, 46).

Cũng là việc gom góp tài sản để sử dụng chung. Thế nhưng công việc của các tín hữu xưa kia ấy hoàn toàn không dính dáng chi đến cái gọi là lý tưởng Đại Đồng CS. Tại sao ? Bởi vì ở đây có sự khác biệt hoàn toàn về động cơ. Một đàng các tín hữu thực hiện lời truyền dạy của Đức Ki Tô “ Các ngươi hãy tỉnh thức sẵn sàng vì Con Người đến trong giờ các ngươi không ngờ” ( Lc 12, 40 ). Một đàng Cs đưa ra chiêu bài tiến lên Thế Giới Đại Đồng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, đó chỉ là  sự lừa bịp trắng trợn và thực tế cho thấy chỉ sau chưa đầy một thế kỷ Liên Xô cái nôi của CNCS đã sụp đổ tan tành chẳng ai còn mơ hồ chi về cái gọi là Thế Giới Đại Đồng ấy nữa.

Động cơ khác thì việc làm  hẳn nhiên cũng phải khác. Tín hữu Công Giáo vì tin vào lời Đức Ki Tô về Ngày  Sau Hết nên đã  sống cuộc sống từ bỏ, coi thế gian chỉ là cõi tạm, của cải công danh sự nghiệp là những thứ phù vân  vô nghĩa. Trái lại người CS chủ trương duy vật vô thần không tin có  đời sau nên họ chỉ còn biết bám víu vào  lời hứa xây dựng Thế Giới Đại Đồng  nhưng  khi nhận ra sự lừa bịp của nó thì đã quá muộn chẳng còn đường nào để thoái lui nữa.

Mơ tưởng một Thế Giới Đại Đồng trong đó hết thảy mọi người đều là anh em, tứ hải giai huynh đệ không phải là  cái lý tưởng…độc quyền CS nhưng là chung của nhân loại  cho cả Đông lẫn Tây. Bên trời Đông người ta ước vọng về thời Nghiêu Thuấn, vua tôi thuận hòa như con một nhà. Còn bên trời Tây vào thế kỷ 19, Saint Simon ( 1760 – 1825 ) đã trình làng một thứ Ki Tô Giáo mới “ Trong Ki Tô Giáo mới,  đạo đức học phát xuất một cách đầy đủ và trực tiếp từ nguyên lý sau đây: Người người phải đối xử với nhau như anh em ruột thịt và nguyên lý này vốn là  một yếu tố của Ki Tô Giáo nguyên thủy được cải tiến theo ý nghĩa là từ nay nó phải được coi như là mục tiêu của mọi nỗ lực tôn giáo. Nói theo lối mới nguyên lý đó  khẳng định rằng  tôn giáo có nhiệm vụ là hướng dẫn xã hội tiến tới mục đích trọng đại là cải thiện một cách càng nhanh càng tốt số phận của giai cấp nghèo khổ nhất” ( Karl Heinz Wegner S.J Phê Bình Tôn Giáo Qua Các tác Giả ).

Theo ý của Saint Simon  thì mục đích trọng đại của Ki Tô Giáo là phải cải thiện cách càng nhanh càng tốt số phận của giai cấp nghèo khổ. Nếu theo cách này thì thiết nghĩ chỉ có CS mới làm được và quả thật họ đã làm một cách quyết liệt bằng việc lấy công nông làm nòng cốt để diệt trừ  cho bằng hết giai cấp Tư Bản bóc lột. Lấy hận thù làm phương tiện đấu tranh hòng dựng xây Thế Giới Đại Đồng, Cộng Sản chẳng những đã không triệt  tiêu được giai cấp mà còn khiến cho việc đấu tranh ngày càng khốc liệt hơn giữa những kẻ cai trị và bị trị.

Với chủ trương tạo lập một thứ Ki Tô Giáo mới, Saint Simon  đã cho thấy đó chỉ là một thứ ảo tưởng mang màu sắc xã hội chủ nghĩa không tưởng. Mặc dầu vậy cái ảo tưởng Ki Tô Giáo mới ấy ngày nay lại được người ta…hâm nóng  lại bằng cái gọi là Thần Học Giải Phóng. Ai cũng biết Thần Học Giải Phóng  được khai sinh tại Mỹ châu La Tinh, một lục địa có số dân Công Giáo đông nhất thế giới nhưng lại nghèo đói và tràn ngập bất công xã hội. Với một bối cảnh như vậy thử hỏi làm sao có thể thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng Sản khi ấy ( 1960 – 1970 ) chẳng những chưa sụp đổ, trái lại  còn đầy sức sống ? Mặt khác  nguyên nhân phát sinh  Thần Học Giải Phóng cũng là do người ta  giải nghĩa Kinh Thánh theo nhãn quan chính trị. Chúa Giê Su trở về quê hương Nazareth và người ta trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra gặp đoạn chép rằng = Thần khí Chúa ngự trên tôi. Vì Ngài đã xức dầu cho tôi để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ nô lệ được giải phóng. Kẻ mù được sáng kẻ bị áp bức được tự do” ( Lc 4, 18 ).

Lời tiên tri rõ ràng ám chỉ cho sự xuất hiện của Đức Ki Tô hầu cứu chuộc Dân Người. Tuy nhiên sau khi nghe Chúa xác nhận Ngài chính là Đấng  được xức dầu ấy thì người Do Thái tỏ ra hoài nghi và sau đó họ đã toan tính giết Ngài “ Ai nấy trong nhà hội nghe những điều đó thì tức giận cành hông đứng dậy đuổi Ngài ra khỏi thành, kéo Ngài đến chỗ hẻm trên núi mà họ đã xây thành để quăng xuống. Song Ngài qua khỏi  giữa họ rồi đi” ( Lc 4, 28 -30).

Người Do Thái tức giận và muốn giết Chúa bởi vì Ngài đã tuyên bố những điều trái với niềm tin về Đấng  Cứu Độ. Từ bấy lâu nay họ vẫn nhất mực tin tưởng sẽ có ngày Đấng Messia xuất hiện để giải cứu dân tộc mình thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc La Mã. Đang khi đó tính chất cứu độ của Đức Ki Tô lại không phải như vậy. Đối tượng mà Đấng Ki Tô được sai đến để rao giảng Tin Mừng không phải là những kẻ nghèo khó về phương diện vật chất xác thân nhưng là những kẻ tội lỗi “ Ta muốn sự thương xót chớ không  muốn sinh tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13).

Chúa không kêu gọi kẻ công chính bởi vì họ thiếu niềm tin. Nói cach khác họ tự mãn về công đức của mình. Ngược lại kẻ tội lỗi vì  biết mình không xứng đáng nên mới xin được thứ tha và vì thế lòng tin của họ ngày càng kiên vững. Cùng trong tính chất cứu độ ấy, ngôn sứ Isaia nói đến kẻ nô lệ được giải phóng kẻ mù được sáng, kẻ bị áp bức được tự do tất cả cần phải được hiểu theo nghĩa tâm linh. Đồng thời cũng chỉ trong nghĩa tâm linh ấy ta mới có thể nhận ra công cuộc giải thoát của Đức Ki Tô chính là con đường tìm kiếm Sự Thật “ Nếu các  ngươi cứ ở trong  đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32).

Chúa là Đấng Cứu Độ, điều ấy quả không sai, thế nhưng để được cứu  thì điều kiện của Chúa đưa ra là phải ở trong đạo tức phải đi theo Ngài hầu nhận biết Sự Thật và chỉ khi nào nhận ra Sự Thật ấy  con người mới được giải thoát. Theo Chúa là để nhận biết Sự Thật  nhưng để có được sự nhận biết ấy thì nhất thiết cần phải bỏ được mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì lại được. Vì được lời lãi cả và thế gian nhưng mất linh hồn thì nào được ích gì ? “ ( Lc 9, 23 -25).

Con người không ai lại không quý trọng mạng sống mình và làm hết cách để hòng kéo dài mạng sống ấy. Vậy tại sao Chúa lại nói ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất ? Nguyên do là vì dưới cái nhìn của Chúa  cho thấy có hai thứ mạng sống, một giả và một thật. Mạng giả ở đây ám chỉ cho xác thân con người đó chỉ là hợp thể  gồm bởi bốn yếu tố gọi là Tứ Đại ( Đất Nước Gió Lửa ). Bao lâu Tứ Đại còn khăng khít hòa hợp lại với nhau thì còn có cái gọi là sống, trái lại gọi là chết. Cái chi có hợp thì ắt có tan đây là quy luật dành cho tất cả mọi lãnh vực từ vô cơ đến hữu cơ trong đó tất nhiên có cả con người. Nhận biết quy luật ấy  thì không có khổ ngược lại thì khổ sẽ còn  đeo đuổi mãi không thôi.

Đức Ki Tô xuống thế không có mục đích nào khác là để  con người thoát khỏi mọi nỗi khổ ách bằng cách chỉ ra rằng ngoài cái mạng sống giả tạm này còn có một mạng sống chân thật khác. Mạng sống chân thật ấy chính là nhận biết  Cha cũng là Sự Sống Đời Đời “ Sự sống đời đời là nhận biết Cha tức Chân Thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3).

Biết Cha có nghĩa nhận biết mình là Con Thiên Chúa và đây cũng chính là Sự Thật mà Đức Ki Tô  muốn mạc khải cho chúng ta. Nhận biết mình là Con Thiên Chúa đó là điều hết sức khó khăn ngay cả với Chúa Giê Su,  người đã làm bao phép lạ = Chữa cho kẻ què đi được kẻ mù được sáng kẻ câm nói được kẻ chết sống lại v.v…Thế nhưng người Do Thái khi nghe Ngài nhận mình là Con Thiên Chúa mà cũng bị họ ném đá và muốn giết  bỏ “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su phán rằng = Ta do Cha mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp = Ấy chẳng phải vì việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33).

Nếu Chúa Giê Su chỉ làm những việc lành việc thiện như chữa trị bệnh tật cho kẻ đói ăn kẻ chết sống lại  v.v..thì chắc chắn người Do Thái  chẳng những không căm ghét  mà còn tôn vinh Ngài làm vua của họ. Chúa Giê Su vào thành Giê ru salem  với sự đón tiếp nồng nhiệt “ Hô Sa Na chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến là vua của dân Itsraen” ( Ga 12, 13). Thế nhưng cũng những con người ấy chỉ sau mấy ngày họ đã đòi giết Ngài cho bằng được “ Philato nói cùng người Do Thái rằng = kìa vua của các ngươi kia. Chúng bèn kêu ầm ĩ lên rằng = Hãy khử hắn đi, khử hắn đi, đóng đinh hắn trên cây thập giá” ( Ga 19, 14 -15).

Lý do khiến người Do Thái quyết lòng giết Chúa là vì Ngài đã không nói điều mà họ bấy lâu tin tưởng về Đấng Messia. Chúa Giê Su không phải là Messia theo quan niệm của người Do Thái nhưng quả thật là Đấng Ki Tô bởi vì Ngài rao giảng Sự Thật. Người Do Thái không tin Chúa  bởi vì họ không  từ Thiên Chúa mà ra “ Trong các ngươi ai có thể chỉ chứng Ta có tội ư ? Nếu Ta nói Sự Thật thì sao các ngươi lại không tin Ta ? Ai do ĐCT mà ra thì nghe lời ĐCT. Các ngươi sở dĩ chẳng nghe là tại vì các ngươi không do ĐCT mà ra” ( Ga 8, 46 -47).

Chỉ vì nói lên Sự Thật mà Chúa Giê Su đã bị giết chết nhưng cũng chính vì Sự Thật ấy mà Chúa mới xuống thế làm người  để chịu chết cho phần rỗi nhân thế. Chẳng những người Do Thái không tin mạc khải của  Đức Ki Tô mà ngay cả đến Phê Rô người đã mạnh dạn tuyên xưng Đấng Cứu Độ  cũng có lần vấp phạm. Sau khi nghe Chúa nói Ngài sẽ bị giết hại bởi các trưởng lão. Phê Rô bèn đem Ngài ra mà trách rằng = Chúa ơi ! ĐCT nào có nỡ vậy. Sự đó hẳn chẳng xảy đến cho Chúa đâu. Nhưng Ngài quay lại phán cùng Phê Rô = Ớ Sa Tan hãy lui ra đằng sau Ta. Ngươi làm cớ vấp phạm cho Ta. Vì tâm ý ngươi chẳng chăm về việc ĐCT song chăm về việc loài người” ( Mt 16, 21 -23).

Cũng vì lòng yêu mến, Phê Rô mới can ngăn Chúa Giê Su không nên lên Giê Ru Salem  để phải chịu chết. Tuy nhiên với việc can ngăn ấy chứng tỏ Phê Rô vẫn chưa thể nhận ra sứ mạng của Đức Ki Tô khi đến với cõi thế này. Nguyên nhân khiến Phê Rô  đưa ra lời  can ngăn để rồi bị quở trách ấy là vì ông  không…chăm  việc Thiên Chúa mà chăm việc loài người.  Việc Thiên Chúa là siêu xuất thế gian như Đức Ki Tô đã nói “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6,33).

Người đời vì không chăm việc Thiên Chúa mà chỉ chăm việc thế gian nên họ đã tự chuốc vào mình trăm vạn mối lo. Có những thứ lo có tính cá nhân như lo cơm áo gạo tiền, lo ốm đau bệnh tật, lo nợ nần lo thất nghiệp lo mưa nắng lũ lụt lo tai nạn giao thông v.v…Lại có những nỗi lo …tập thể  như lo nạn nhân mãn lo ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên từng ngày  lo chứng tỏ có trí thông minh ngoài trái đất, lo thiên thạch v.v. và v.v…Tất cả những nỗi lo ấy hoàn toàn không có thực chất  mà nguyên nhân phát sinh của  chúng đều là do ở nơi tính chấp  có một “ Cái Tôi” ở nơi con người. Chấp có “ TÔI” tức cho mình là cái xác thân ô trọc nặng vài chục kí lô này. Chấp có “ TÔI” còn là chấp cho tâm trí là mình. Vì chấp mình là xác thân  nên mới lo đủ thứ = lo đói khát lo bệnh tật và nhất là lo…chết mất xác.  Còn vì chấp tâm trí là mình  nên mới tỏ ra là mình hơn người kiêu căng  ngạo mạn phách lối đủ điều…

Còn có chấp là còn gây tội mà còn gây tội thì không có cách chi hết khổ. Đức Ki Tô xuống thế truyền dạy cho con người  con đường thoát khổ bằng cách  bỏ “Mình” đi. Có bỏ được “ Mình” thì mới hết khổ, thế nhưng chúng ta chỉ có thể  bỏ được “ Mình”  qua con đường  thập giá, chẳng còn  con đường  nào khác “ Vì hễ ai thuộc về Chúa Giê Su Ki Tô thì đã đóng đinh xác thịt với tà tình tư dục của nó trên thập tự giá rồi” ( Gal 5, 24)./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment