“Thưa quan, Thánh Gía là giường Chúa Kitô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn được sự sống đời đời, xin quan kính lạy Thánh Gía này. Tôi thà bị chết chớ không bước qua Thánh Gía.” Đó là câu trả lời khẳng khải của linh mục Đa Minh Trạch trước lời đe dọa của quan tổng đốc tỉnh Nam Định xử ngài trước tòa: “Hãy nhìn cây Thập Gía kia! Một là bước qua, hai là chết!”
Bản án xử trảm cha Đa Minh Trạch được vua Minh Mạng châu phê ngày 18/9/1940. Truyện Các Thánh kể trong thời gian nằm tù chung cha Đa Minh đã khuyên giải thầy Tôma Toán thống hối tội lỗi do yếu đuối có lần đạp lên Thánh Gía trở về với Chúa và can đảm sẵn sàng tử vì đạo. Ngày 27/5/1900, Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 tôn phong linh mục Đa Minh Trạch, thuộc dòng Thuyết giáo Đa Minh lên bậc chân phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô thứ hai tôn phong lên bậc Hiển Thánh vào ngày 19/6/1988 cùng 116 vị tử đạo khác tại Việt Nam. Giáo hội Công Giáo Việt Nam hằng năm kính nhớ thánh Đa Minh Trạch vào ngày 18 tháng Chín.
Thánh Đa Minh Trạch là một trong số nhiều vị thánh và các vị tử đạo khác ở Việt Nam đã kiên cường chống lại lời dụ dỗ hoặc đe dọa của các vua quan triều nhà Trịnh và nhà Nguyễn: đạp hoặc bước qua Thánh Gía sẽ được tha tội. Các vị thà chấp nhận các cực hình đau đớn thể xác cho đến chết chứ không chịu phạm trọng tội xúc phạm đến Thánh Gía Chúa. Và biết đâu khi nhìn những cây thập giá nhục hình càng làm cho các vị thêm ơn sức mạnh noi gương Chúa Giêsu chịu đựng và xem đau khổ như nguồn ơn giải thoát và cứu độ cho mình.
Kể từ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người chấp nhận bản án bị tử hình như một tội phạm, chấp nhận vác cây thập giá lên đồi Canvê và chấp nhận đóng đanh thân xác mình vào cây thập giá thì cây thập giá này đã trở thành Thánh Gía. Và Thánh Gía không còn là một nhục hình. Thánh Gía không còn là một nhục hình mà trở thành một nguồn ơn giải thoát khổ đau, một nguồn ơn cứu độ tội lỗi đem đến vinh quang và phục sinh.
Chúa Giêsu dạy: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất sự sống mình vì Ta thì sẽ được sống. Nếu ai được lời lãi cả và thế gian mà mất sự sống mình thí ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?.”(Mt. 16. 24-26) Vác thập giá mình, chịu đựng những khốn khó Chúa gởi đến cho mình mỗi ngày trong đời. Những khốn khó cả về thể xác lẫn tâm hồn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Không phải chỉ vác thập giá của chính mình mà còn vác hộ thập giá của người khác qua chia sẻ những khổ đau, thiếu thốn của họ bằng những hy sinh dấn thân thực sự.
Từ bỏ chính mình theo Chúa không phải dễ. Từ bỏ “cái tôi” vị kỷ thường tự tôn, tự ái, tự đại, vốn là bản tính khó đổi của mình, không phải dễ. Con đường theo Chúa là con đường phục vụ tha nhân. Đi chung trên con đường này dễ va vấp, đụng chạm nhau. Nếu không biết dẹp bỏ những mơ tưởng mưu cầu danh lợi riêng tư sẽ không bao giờ đi trọn cuộc hành trình. Cuộc sống của mỗi Kitô hữu là một hành trình bước theo Chúa Kitô. Và hành trình theo Ngài không bao giờ êm ả như mơ tưởng mà được đặt để những gai góc cạm bẫy khốn khó. Đó là những thử thách Chúa gởi đến nhằm thanh luyện, thánh hóa người trần gian trên con đường về quê thật là Nước Tròi. Có được cái nhìn đức tin như thế, chúng ta không còn cảm thấy khó chịu đựng, không còn cảm thấy nặng nề khi vác thánh giá mỗi ngày.
Phần quý giá nhất của mỗi con người là mạng sống. Bổng dưng hy sinh mạng sống mình cho người khác hoặc cho một lý tưởng nào đó thật là muôn vàn khó khăn và là điều khó tưởng tượng. Nhưng theo Chúa là chọn lựa, là chấp nhận một sự đánh đổi. Chọn lựa một bên là những vinh hoa phú quý ngập tràn nhưng phù du tạm bợ đưa người vào chốn hư nát diệt vong đời đời mai này khi lìa cõi thế. Và một bên là chịu đựng khổ chế cùng cực để đánh đổi vinh quang và sự sống đởi đời mai này ở chốn thiên đàng khi Chúa thương gọi về.
Theo Chúa là chấp nhận một sự đánh đổi. Đánh đổi kể cả mạng sống mình. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm được điều đó. Bức thư công bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam viết: “Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là kho tàng chôn giấu trong ruộng và ngọc quý vô giá nên khi tìm được các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống mình để mua thửa ruộng và ngọc quý đó. Ngày nay, các Kitô hữu cùng được kêu gọi sống tinh thần hy sinh từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.
Chiều nay người viết có cuộc tiếp xúc ngắn với một anh phụ trách truyền thông của một hội đoàn Công Giáo. Anh tâm sự đang mắc trong người một chứng bệnh khá nghiêm trọng, muốn giao công việc cho người khác nhưng hiện tại khó tìm người thay anh. Công việc của anh đòi hỏi hy sinh và từ bỏ. Hy sinh thời gian và tâm trí. Từ bỏ an nhàn và chăm lo bản thân để dấn thân phục vụ cho Chúa, cho tha nhân. Trong bệnh hoạn anh vẫn gánh vác công việc như là gánh vác thánh giá Chúa gởi đến. Qua cuộc tiếp xúc tôi thấy anh vẫn tươi vui hớn hở khi bàn về công việc truyền thông cho hội đoàn như thể anh vẫn luôn lấy việc phục vụ làm niềm vui, làm lẽ sống trong đời mình.
Tôi an ủi anh như có lần anh khích lệ tôi: “Thôi thì làm việc cho Chúa cứ để cho Chúa lo liệu. Chúng ta cứ tín thác vào Chúa và cầu nguyện cho nhau.” Biết tín thác vào Chúa. Những lo toan vất vả hẳng ngày sẽ trở nên êm đềm dễ chịu. Thánh Gía không còn là một gánh nặng, một nhục hình mà trở thành một phương thế thánh hóa bản thân người Kitô hữu ở đời này, là con đường dẫn tới nguồn ơn cứu độ và vinh quang vĩnh cửu mai này ở đời sau.
Tháng Chín ngày 14 có lễ kính Suy Tôn Thánh Gía. Nhớ một bài viết nhan đề “Được Gọi Vào Con Đường Thánh Gía” của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần có đoạn: “Vinh dự của chúng ta là Thánh Gía Đức Kitô (1Cr 2,2). Thánh Gía là những khổ đau, những nhọc nhằn, những cô đơn, những nhục nhã, những cuộc chiến nội tâm gay go, những từ bỏ mình mỗi ngày, vác Thánh Gía mà vẫn vui, vì được hy sinh cho người khác.”
Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa