Thánh Nữ Faustina, Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa

        Với biểu quyết áp đảo: 21/3, Giáo hội Đức  kiên quyết  tổ chức “ Tiến Trình Công Nghị với hiệu lực ràng buộc” vào tháng mười sắp tới để…xét lại những vấn đề  cực kỳ quan trọng như: Luật Độc Thân Linh Mục, vấn đề phong chức Linh Mục cho phụ nữ, giáo lý về đạo đức tình dục,  các kết hợp  đồng tính và chủ nghĩa giáo sĩ trị.

          Về sự …xét lại ấy, đức hồng y Rainer Maria Woelki, tgm giáo phận Koln đã đưa ra lời cảnh báo: “ Những thay đổi đó chắc chắn sẽ khiến Giáo Hội Đức  tách ra khỏi  tình hiệp thông với  đức giáo hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Sau Anh giáo, thế giới chuẩn bị có “ Đức giáo”.

          Đức hồng y  giải thích thêm: “ Đức tin và tín lý của Giáo Hội không thể bị thay đổi bằng cách biểu quyết theo đa số như trong trường hợp Quốc Hội thay đổi luật pháp khi  đối diện với những  điều được cho là hiểu biết khoa học mới hơn, đặc biệt là khoa học xã hội là con người. Như quá khứ đã thường chỉ ra: Đằng sau những mỹ từ như tiến trình dân chủ hay cải cách Giáo Hội, không có gì khác ngoài ý đồ thích nghi các chân lý đức tin với suy nghĩ của thế giới đương đại. Bất cứ ai  làm một việc như vậy  đều đang đòi buộc  chính Giáo Hội trở nên bất trung với Chúa Ki Tô” ( Nguồn; Vietcatholic. News – 12/Sept/2019 – Đặng Tự Do –  Đã có Anh giáo, thế giới chuẩn bị có “ Đức giáo” – Hồng y  Rainer Maria Wolki cảnh báo ).

          Tại sao tìm cách thích nghi đức tin với thế giới lại đưa đến bất trung với Chúa Ki Tô ? Bởi vì theo nghĩa tâm linh  thì thế giới  cũng được gọi là thế gian mà thế gian thì luôn đối nghịch với  đức tin. Đang khi đó Đức Ki Tô đòi buộc những ai theo Ngài thì phải có lòng tin nơi con đường về với Chúa Cha: “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai  đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đức Ki Tô là con đường  duy nhất dẫn đến Đấng Cha và để…đi trên đường này thì nhất thiết cần phải Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì  hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Con đường Giáo hội Đức sắp sửa bước vào  đó chính là con đường thế gian và nó sẽ lôi cuốn Giáo Hội  Công giáo vào sự tiêu vong cũng là Ngày  Tận Thế. Về Ngày này Đức Ki Tô đã tiên báo và luôn nhắc nhở: “ Các ngươi hãy tỉnh thức, sẵn sàng. Vì Con Người đến trong giờ các ngươi không biết” ( Mt 24, 44 ).

          Để có thể sẵn sàng cho Ngày Chúa đến, chúng ta cần có sự chuẩn bị. Thánh Faustina  được Chúa chọn làm Tông Đồ Lòng Thương Xót chính là  dành cho mục đích ấy. Chúa Giê Su và Đức Mẹ đã nhiều lần nói với chị Thánh: “ Con sẽ chuẩn bị thế giới cho lần đến  sau cùng của Cha. Còn  Đức Mẹ thì nói: Mẹ đã ban  Đấng Cứu Độ  cho thế giới. Còn con, con phải nói cho thế giới biết về Lòng Thương Xót bao la của Người và chuẩn bị cho thế giới tiếp đón  Người đến lần thứ hai. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ  nhân lành nhưng trong tư cách Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).

          Chúa sẽ  đến lần thứ hai. Đó là điều chúng ta vẫn  tuyên xưng khi đọc Kinh Tin Kính cũng như trong các Thánh lễ. Tuy nhiên  việc tuyên xưng ấy phải chăng chỉ có ở ngoài môi miệng ? Bởi lẽ nếu thực lòng tin Chúa  sẽ đến  lần này trong tư  cách Thẩm Phán Chí Công  thì làm sao  lại không có sự chuẩn bị sẵn sàng ?

          Chuẩn bị cho Ngày Chúa đến, đó chính là tinh thần cần có của  mỗi một tín hữu chúng ta, nhưng  thực tế  lại cho thấy điều ngược lại. Người ta sống  mà như  tưởng mình sẽ  không bao giờ …chết,  bởi  đó  nên  mới bon chen, ham hố đủ thứ nào là của cải, chức tước, địa vị này khác ? Mặt khác cũng bởi  nghĩ  mình …không chết và trái đất này sẽ  tồn tại mãi thế nên  thiên hạ  mới lo lắng  cho vấn đề môi sinh, môi trường  và hô hào nhau cần…cứu lấy nó ???.

          Mục đích của đời sống tôn giáo hoàn  toàn không phải  để…lo cho môi trường  nhưng là để…lo cho phần linh hồn. Chúa nói với Matha và cũng là cho mỗi người chúng ta: “ Ớ Matha, ngươi lo lắng và bối rối về nhiều điều quá. Nhưng chỉ có một điều cần yếu mà thôi. Maria  đã  chọn phần tốt nhất là phần không ai có thể đoạt lấy của nàng được” ( Lc  10, 41 -42 ).

           Điều cần yếu phải lo đó là phần linh hồn. Thế nhưng để  có thể lo phần linh hồn  thì không thể không có sự chuẩn bị. Mỗi thời đại, tùy theo hoàn cảnh mà có những ơn gọi làm Tông Đồ khác nhau. Tuy nhiên dù  ơn gọi nào thì mục đích cũng là để lo chuẩn bị cho phần linh hồn. Thánh Bernadette  trong lần   Đức Mẹ hiện ra tại Lộ  Đức năm 1858 có ơn gọi để củng cố tín điều Đức  Mẹ Vô Nhiễm  Nguyên Tội. Ba trẻ em chăn chiên Lucia, Jasinhta, và Phan Xi Cô  có ơn gọi truyền bá ba mệnh lệnh Pha Ti Ma. Thánh  Teresa HĐ Giê Su  có ơn gọi truyền bá Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng v.v…

          Trong thời Chúa đến như đang ở trước cửa này thì Thánh Faustina có ơn gọi làm Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa. Ở đây có điểm không thể không lưu ý  đó là trong số tất cả những ơn gọi của thời cuối này  đều là những trẻ em gái, phần lớn được sinh ra trong những gia đình nghèo khó nơi miền núi xa xôi. Hẳn nhiên là Chúa phải có mục đích của Ngài ?

          Chúa chọn gọi những trẻ em  đơn sơ chất phác  như thế  là vì những  em  đó  được sinh ra trong những gia đình Công Giáo đạo hạnh. Riêng  về bản thân  đó là những con người  vừa có đức tin vững vàng vừa có một ý chí  kiên cường mạnh mẽ. Chính bởi  có đức tin và ý chí mạnh mẽ như thế thì  mới có thể đảm   đương ơn gọi  Chúa   trao phó hầu đối trị  với não trạng  Duy Lý  do Sa Tan dẫn dắt  gây thiệt hại nặng nề cho đức tin Công Giáo.

          Vào Ngày Chúa đến, đức tin hầu như đã mất: “ Dẫu vậy, khi Con Người đến, há tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ). Đức tin  không còn, đó là báo biểu cho Ngày Chúa đã gần. Nhưng đồng thời  Ngày đó  cũng là để dành ơn phúc cho những …tuyển dân: “ Vậy ĐCT há chẳng thân oan cho tuyển dân Ngài là những kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài. Dẫu Ngài đã nín nhịn họ quá lâu rồi ư ?” ( Lc 18, 7 ).

          Thánh  Faustina chính là người có ơn gọi làm Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa trong việc khẩn nguyện này. Thật vậy, ngay từ  tấm bé khi mới vừa lên năm với tên thường gọi là Helenka đã thường thức giấc vào lúc nửa đêm  để cầu nguyện. Việc cầu nguyện ấy còn kéo dài mãi cho đến khi nhắm mắt lìa đời, ngày càng đi sâu vào tâm tình muốn kết hợp với Chúa Đấng Hằng Hữu ở nơi mình.

          Cũng vì ý hướng kết hợp ấy mà  chị  đã sớm  nhận ra được ơn gọi tu dòng của mình. Có ông chú ruột  cứ  trêu đùa ý định muốn đi tu của  cháu. Nhưng  chị  nghiêm nghị nói: “ Cháu sẽ phụng sự Thiên Chúa vì đó là quyết tâm của cháu từ khi còn nhỏ và cháu sẽ làm được  điều ấy”.

          Để phụng sự Thiên Chúa, chỉ có quyết tâm thôi  chưa đủ, còn cần có Ơn Gọi và Ơn Gọi của  Helenka  là do chính Chúa Giê Su sắp đặt  để thực hiện công cuộc của Ngài. Sau khi  đã vượt qua hết trở ngại này đến trở ngại khác,  chị  đã được thâu nhận vào Dòng Đức Mẹ Nhân Lành trong thành phần trợ sĩ, chuyên lo việc nội trợ, bếp núc. Nhưng chỉ sau vỏn vẹn có ba tuần lễ  chị đã bị cám dỗ dữ dội muốn rời bỏ Dòng. Chị muốn gặp mẹ bề trên để ngỏ ý ấy nhưng không thể gặp, thế rồi chị bèn về phòng phủ phục xuống đất cầu nguyện  với Chúa  để được biết Thánh Ý Người. Bất chợt Chúa Giê Su hiện ra với Thánh Nhan hết sức sầu khổ. Chị hỏi: Lạy Chúa, ai đã làm Chúa khổ như vậy ? Ngài trả lời: Chính con đã gây ra cho Cha  nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện. Đây là nơi Cha đã gọi con chứ không phải một nơi nào khác và Cha đã dọn sẵn  nhiều  Ơn Thánh cho con ( NK 19 ).

          Ơn Thánh Chúa …dọn sẵn cho Faustina ( Sau  khi gia nhập Dòng đã đổi tên là Faustina ) đó chính là ơn …chịu đau khổ. Đối với người đời  thì đau khổ  là thứ mà họ chỉ muốn tránh cho xa, càng xa  càng tốt. Trái lại trên bước đường nên Thánh thì được thông phần  khổ đau với Chúa lại là hồng ân.

          Khổ đau  chị Thánh phải chịu bao gồm cả hai, phần hồn và phần xác. Trước khi được tuyên khấn lần hai, chị đã phải chịu một cơn thử thách nặng nề về đức tin. Một hôm trong lúc đang sấp mình trước Thánh Nhan Chúa, Faustina bỗng có một ý nghĩ  khủng khiếp là Thiên Chúa đã ruồng bỏ mình. Nỗi tuyệt vọng đầy ứ linh hồn. Chị trải qua tình trạng thống khổ của các linh hồn bị trầm luân. Cả buổi sáng hôm ấy chị cố gắng cầm cự trong tình trạng dày đặc trong linh hồn.  Đến chiều, những nỗi sợ hãi ghê rợn bao chiếm và làm cho chị hoàn toàn rã rời…

          Không còn gì đau khổ cho  người đã có quyết tâm phụng sự Thiên Chúa  mà lại nghĩ rằng mình bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Thế nhưng chính trong đêm dài tăm tối đức tin đó  mà người Tu  mới nảy sinh Lòng Tín Thác  vào Thiên Chúa Đấng là tất cả còn mình chỉ là hư vô. Lòng Tín Thác ấy đặc biệt cần thiết cho  Faustina bởi vì chị đã được Chúa trao cho một sứ mạng hứa hẹn sẽ  phải đối diện với muôn vàn khó khăn, trở ngại.

          Trong một lần thị kiến, Chúa Giê Su truyền cho chị vẽ một bức ảnh: “ Vào buổi tối lúc đang ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giê Su trong y phục màu trắng. Một tay người giơ lên trong tư thế ban phép lành. Tay kia chạm vào ngực áo. Từ phía dưới trang phục, hơi chếch về bên ngực, phát ra hai luồng sáng lớn, một màu đỏ và một màu xanh nhạt…

          …Trong thinh lặng, tôi chăm chú chiêm ngắm  Chúa, linh hồn tôi bàng hoàng trong niềm kính sợ nhưng cũng dạt dào hoan lạc. Sau một lúc, Chúa Giê Su phán bảo tôi: Hãy vẽ một bức ảnh  theo như mẫu con nhìn thấy với hàng chữ: Lạy Chúa Giê Su, con tín thác  nơi Chúa. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính, trước là trong nhà nguyện và sau đó là khắp thế giới…

          …Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho họ vinh thắng những kẻ thù ngay trên thế gian này, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ họ như vinh quang riêng của Cha.

          Sau đó Chúa còn nói tiếp: “ Hình ảnh của Cha đã có trong linh hồn con rồi. Cha ước ao có một Lễ Kính Thờ Lòng Thương Xót của Cha. Cha muốn bức ảnh này, bức ảnh được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được  làm phép trọng thể  vào Chúa Nhật  liền sau lễ Phục Sinh. Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ Kính Lòng Thương Xót của Cha” ( NK 47 -52 ).

          Sau khi  được  thị kiến, chị Faustina đã trình bày với cha giải tội và mẹ bề trên. Kết quả là các nữ tu trong dòng đã công khai coi chị như một thị nhân  điên khùng. Những lời đồn thổi mỗi ngày một nhộn nhạo hơn. Một nữ tu cảm thấy thương hại nên thành thực đến nói với chị Faustina; Này chị, tôi nghe người ta nói chị là người hoang tưởng và có nhiều thị kiến. người chị em đáng thương của tôi ơi ! Chị hãy giữ mình trong vấn đề này”.

          Không những các chị em bàn tán mà ngay cả đến mẹ bề trên cũng cho gọi chị vào phòng mắng té tát: “ Cái chị dở hơi, đồ điên khùng. Xéo khỏi cái phòng này ngay. Đừng có mà nói vớ nói vẩn, chị kia”. Faustina trở về phòng mình, tâm hồn tê dại trong đau đớn, ngã gục xuống đất vì sức nặng ấy, mình đẫm mồ hôi và nỗi sợ hãi chụp xuống. Chị kêu lên với Chúa:  Lạy Chúa Giê Su. Con không thể tiếp tục được nữa. Đột nhiên  chị nghe một tiếng nói trong linh hồn: Đừng sợ ! Cha ở cùng con và một ánh sáng soi chiếu cho tâm trí chị và chị đã hiểu rằng không nên đầu hàng  trước những phiền sầu như thế.  Được  đầy tràn sức mạnh, chị Faustina bước ra khỏi phòng với lòng can đảm mới mẻ để chịu đựng đau khổ” ( NK 129 ).

          Trước sự chống đối, thậm chí bị kết tội là…quỷ ám, chị Faustina hoảng sợ, thối lui không muốn vâng theo Thánh Ý nữa. Nhưng Chúa trấn an: Đừng sợ, Cha ở cùng con. Lời  trấn an này luôn để dành cho  các Tông Đồ của Chúa mỗi khi các vị ấy hoang mang, sợ hãi trước những gì mình chưa  thấu hiểu. Khi các Tông Đồ đang ở trên thuyền, gặp sóng to gió lớn bỗng thấy có bóng người  trên biển đang đi tới  tưởng là…ma. Nhưng Chúa nói với họ: “ Ta đây, đừng sợ. Vậy họ rước Ngài vào thuyền tức thì thuyền đến bờ là nơi định đi” ( Ga 6, 20 ).

          Đời sống được ví như…biển đời mà con người cần vượt để đến được bến bờ bình an. Người môn đệ trên bước đường theo Chúa cũng không sao tránh khỏi phong ba bão táp và để có thể vượt qua những cơn phong ba ấy thì cần đặt hết lòng cậy trông, tín thác vào Chúa.

          Chúa Giê Su truyền vẽ bức ảnh và chị Faustina biết rằng đó là Thánh Ý Chúa cần thực hiện. Thế nhưng để có thể thi hành Thánh Ý ấy, chị đã phải vượt qua biết bao ngờ vực, chống đối dữ dội của chính  bề trên và linh mục linh hướng  của mình. Những nghi ngờ, chống đối của các vị ấy là điều không sao tránh khỏi. Tại sao ? Bởi vì Thánh Ý Chúa luôn là điều rất khó để nhận biết và càng khó hơn nữa để thực thi.

          Việc thi hành Thánh Ý của Faustina, mặc dầu nhờ Ơn Chúa  đã có những bước tiến sâu xa. Nhưng Chúa lại còn đòi hỏi chị Thánh một việc  khó khăn gấp bội đó là thành lập một Hội Dòng mới. Lần này chị Thánh thật sự hoảng hốt vì cho rằng mình  bất tài vô năng làm sao có thể đảm đương việc lớn lao ấy.  Lúc đó chị lại được nghe những lời này: “ Đừng sợ, chính Cha sẽ bù đắp tất cả những gì khiếm khuyết ở nơi con” ( NK 435 ).

          Nhận ra sự bất năng, khiếm khuyết của mình. Đây chính là điều kiện tiên quyết và cần thiết  để cho Thánh Ý Chúa có thể thực hiện ở nơi mình. Lý do là vì như cha giải tội  đã giải thích: Chỉ những linh hồn hèn mọn mới là những người được Chúa kén chọn để thực hiện những chương trình của Người. Hơn nữa cha Sopocko ( cha giải tội mới ) còn tỏ cho chị Thánh biết bí nhiệm nơi linh hồn  chị. Điều mà trước đó chị chưa hề tiết lộ cho ai tức là Chúa muốn thiết lập một Hội Dòng chuyên rao giảng Lòng Thương Xót của  Chúa cho thế giới và bằng  lời cầu nguyện mà khẩn nài Lòng Thương Xót cho thế giới.

          Lý do cần thiết lập Hội Dòng  chuyên rao  giảng và bằng lời cầu nguyện mà khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa bởi vì đây là thời cuối của Ơn Cứu Độ, hầu cứu vớt tuyển dân tức những người  còn có đức tin và  trông cậy vào Lòng Chúa  Xót Thương.

          Con  người trong thời …cuối này hầu như đã không còn có đức tin mà đã không có đức tin thì làm sao có được lòng trông cậy. Mặt khác  lòng cậy trông ấy không có nghĩa là  cứ mặc tình phạm tội mà rồi Chúa vẫn xót thương ! Hoàn toàn không phải vậy.  Người có lòng cậy trông thì  càng tránh xa tội lỗi  nhưng nếu lỡ phạm thì  liền mau chóng quay về xin ơn tha thứ. Thánh Phao Lô  đã nêu gương ấy cho ta: “ Dẫu trước kia ta vốn là kẻ lộng ngôn, bắt bớ, ngạo mạn. Nhưng ta đã được  thương xót vì ta đã làm những điều đó cách ngu muội trong lúc chưa tin và ơn sủng của Chúa chúng ta đã dồi dào quá bội với đức tin cùng sự yêu thương  trong Chúa Giê Su Ki Tô. Chúa Giê Su Ki Tô đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ tội lỗi. Ấy là lời  đáng  tin, đáng nhận mọi bề, trong  số đó ta là tội khôi” ( 1Tm 1, 13 ).

          Con người không ai  lại không sinh ra trong tội: “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào thế gian. Lại bởi tội mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người” ( Rm 5, 13 ). Bởi một người mà tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian và người ấy chính là nguyên tổ Adam vì không vâng lời Thiên Chúa , cố tình…ăn Trái Cấm Phân Biệt Thiện Ác ( St 2, 16 ) để rồi đã bị đuổi khỏi Vườn Địa  Đàng tức là chết về phần tâm linh.

          Như vậy, tội ở đây chính là tội phân biệt  thiện ác và tính chất nghiêm trọng của tội  phân biệt  là vì nó đã khiến cho con người phải xa cách Thiên Chúa,  Đấng ở nơi mình. Đức Ki Tô  trong thời …cuối này đã trao cho Thánh Faustina sứ mạng rao giảng Lòng Thương Xót Chúa  chính là vì mục đích để cho con người có thể trở về.

          Nói đến…trở về thì đó chỉ có thể là…về với  Đấng Cha nội tại bằng cách  bỏ đi cái Tâm Phân Biệt thấy có Ta có Người bởi chưng đó là nguồn gốc  của mọi sự dữ. Để bỏ  đi cái Tâm Phân Biệt ấy, Chúa Giê Su đã truyền cho Thánh Faustina hai phương thế. Một là tôn kính mẫu ảnh Chúa Thương Xót với hàng chữ: Lạy Chúa Giê Su, con tín thác vào Chúa. Hai là thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót vào lúc ba giờ chiều mỗi ngày là giờ Chúa chịu khổ nạn.

          Gọi là chuỗi  kinh Lòng Thương Xót bởi vì  kinh này dựa theo chuỗi năm mươi của Kinh Mân  Côi. Thay cho Kinh Lạy Cha thì đọc: Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu. Linh Hồn và Thần Tính  của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giê Su  Chúa chúng con. Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

          Thay vì Kinh Kính Mừng thì đọc: Vì cuộc khổ nạn, đau thương của Chúa Giê Su Ki Tô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

          Kết thúc chuỗi kinh. Đọc ba lần câu: Lạy Đấng  Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu. Xin thương xót chúng con và toàn thế giới.

          Với hai phương thế: Chiêm ngắm và thực hành Chuỗi Kinh  Lòng Thương Xót, tuy hình thức khác nhau nhưng có cùng một tác dụng  đó là  in dấu ( Huân tập )  Lòng Thương Xót Chúa ở nơi Tâm.  Sự  in dấu này  là vô cùng cần thiết. Lý do là vì Tâm một thời không thể hiện  được hai Thức ( Sự nhớ biết ). Có Thức vui ( Lạc ) thì không có Thức buồn ( Khổ ).

          Lời Chúa cũng là một loại Thức nhưng đây là Thức mang đến sự giải thoát: “ Vì Lời Chúa là Lời Hằng sống. Linh  động, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi. Đâm thấu đến nỗi  chia hồn linh, khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý  định của lòng” ( Dt 4, 12 ).

          Mục đích Chúa truyền dạy chị Thánh Faustina rao giảng và cầu nguyện bằng chuỗi Kinh Lòng Thương Xót  chính là để cho Lời Ngài được hiện hữu ở nơi Tâm. Có Lời Chúa hiện hữu thì những tư tưởng tham lam, ích kỷ, u mê, sân giận…không thể tồn tại.

          Có nhận ra như thế mới thấy được lời hứa  của Chúa cho những ai chiêm ngắm bức ảnh Chúa Thương Xót: “ Cha hứa những linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không thể bị hư mất. Cha cũng hứa cho họ vinh thắng những kẻ thù ( Ác tưởng Tham Sân Si ) ngay trên thế gian này và nhất là trong giờ lâm tử”.

          Giờ lâm tử tức là những giây phút cuối cùng của cuộc đời mỗi người. Những giây phút đó hết sức quan hệ ( Cận tử nghiệp ) bởi vì nó quyết định việc tái sinh trong đời sau. Kiên trì, chuyên tâm thực hành Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót, chắc chắn sẽ nhận được lời  Chúa hứa là sẽ không bao giờ bị hư mất.

          Suy cho cùng thì ai mà chẳng phải chết nhưng chết rồi linh hồn sẽ…đi về nơi  đâu đó  mới là vấn đề. Thánh Faustina đã sống và chu toàn Ơn Gọi Tông Đồ của mình cùng với biết bao đau khổ để thực thi Thánh Ý Chúa và để trả lời cho câu hỏi của một nữ tu chăm sóc mình: “  Chị có sợ chết hay không ?” Faustina  khẳng khái đáp: “ Sao lại sợ nhỉ ? Mọi tội lỗi và mọi bất toàn của em sẽ được thiêu hủy như rơm trong ngọn lửa Lòng Thương Xót của Chúa”./.

          Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts