Gia đình có thể ví như “tế bào gốc” trong cơ thể con người và như “viên đá góc tường” để xây dựng cộng đồng, từ đó phát triển xã hội và Giáo hội. Cái gì cũng phải vun xới, bảo vệ và canh tân thì mới càng ngày càng tốt. Vì thế, tất cả mọi thành viên gia đình đều phải không ngừng nỗ lực và tích cực xây dựng tổ ấm chung.
Khi nhìn vào hình ảnh Bữa Tiệc Ly, bạn thấy gì? Có lẽ bạn sẽ nói rằng đó là quang cảnh ăn chia tay chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi Chúa Giêsu bị bắt và bị giết. Vâng, hoàn toàn đúng, không có gì sai. Đó là thời điểm Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, Bí Tích Thương Xót, và là Thánh Lễ đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.
Nói như vậy là quá “chuẩn”, đúng giáo lý, là dạng “cao cấp”. Còn riêng tôi lại thấy có điều khác, một điều rất ư bình thường. Bạn có đoán ra chưa?
Đó là một Bữa Ăn thân mật mang tính cách gia đình. Rất bình thường, phải không nào? Việt ngữ gọi là Tiệc Ly vì muốn chứng tỏ lòng tôn kính, chứ ngoại ngữ chỉ nói là Bữa Tối. Bữa ăn gia đình rất quan trọng, vì đó là lúc quây quần bên nhau chia sẻ hạnh phúc thực tế (ăn uống đồ ăn dù ngon hoặc dở) và hạnh phúc tinh thần (chia sẻ vui, buồn), nhưng có lẽ bữa tối là bữa quan trọng nhất. Ngồi cùng ăn với nhau chứng tỏ hạnh phúc của gia đình, ghét nhau không thể ngồi ăn với nhau.
Sau khi chứng tỏ tình yêu dành cho các đệ tử bằng cách rửa chân cho họ (Ga 13:1-20), Chúa Giêsu muốn trăn trối mọi điều vì Ngài biết Ngài không còn ở bên các đệ tử bao lâu nữa (Ga 13:31-38), thế nên giây phút cuối này Ngài nói nhiều hơn bao giờ hết, nhắn nhủ mọi điều, ví von đủ thứ,… Tình yêu ấy tiếp tục trào dâng trong “con người sắp chịu chết” nên lại được thể hiện qua lời cầu nguyện tha thiết mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha tại Vườn Dầu. Lời cầu nguyện này đã được Thánh sử Gioan ghi lại trong cả chương 17 (gồm 26 câu) của sách Phúc Âm thứ tư.
Nói về bữa ăn, người ta kể “Chuyện Hai Đồng Bạc” đã xảy ra thật thế này…
Luiz Inácio Lula da Silva sinh tháng 10-1945 trong một gia đình nông dân ở Brazil. Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, cậu đã phải đi bán đâu phụng ngoài đường, quần áo tả tơi và thiếu ăn. Khi học tiểu học, cậu ở thủ đô Rio de Janeiro. Sau mỗi buổi học, cậu thường hay cùng hai người bạn đồng trang lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách thì đành nhịn đói.
Năm Lula 12 tuổi, vào một buổi xế chiều, có một người khách là chủ tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố, cả ba đứa đều chạy lại mời chào. Ông chủ tiệm nhìn vào ba cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng, ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất thì tôi cho đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng”.
Thời đó, công đánh một đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là một món tiền rất lớn. Cả ba cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!”. Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ ba ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…”.
Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này thì cháu sẽ chia cho hai đứa nó, mỗi đứa 1 đồng!”.
Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và hai đứa nhỏ kia rất ngạc nhiên. Lula giải thích: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết một ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”.
Cảm động trước câu nói của Lula, ông chủ tiệm đã trả cho Lula 2 đồng sau khi đánh bóng đôi giầy. Lula giữ đúng lời hứa nên đã đưa ngay cho mỗi đứa 1 đồng.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã đến tìm Lula, nhận cậu đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta sau buổi tan học, ông còn cho Lula ăn bữa tối. Tiền lương lúc học nghề tuy thấp nhưng so với đánh giầy thì còn khá hơn rất nhiều. Lula hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.
Từ đó, khi có khả năng, Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau này, Lula nghỉ học, đi làm thợ trong một nhà máy để có cơ hội bênh vực quyền lợi cho những người thợ. Lula tham gia vào công đoàn, và năm 45 tuổi, Lula lập ra Đảng Lao Công.
Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng thống, Lula lấy khẩu hiệu: “Ba bữa ăn no cho tất cả những người trong quốc gia này”. Và Lula đã đắc cử tổng thống Brazil. Năm 2006, ông tái đắc cử nhiệm kỳ II. Trong 8 năm tại chức, ông đã thực hiện đúng lời hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Ông đã thực hành đúng tâm niệm: GIÚP ĐỜI.
Nước Brazil được ông lãnh đạo đã không còn là “con khủng long nhai cỏ” mà đã trở thành “con mãnh sư Mỹ châu”, và xây nền kinh tế Brazil đứng thứ 10 trên thế giới. Tổng thống tài năng và nhân đạo của Brazil là Luiz Inácio Lula da Silva – cậu bé đánh giày ngày xưa – đã mãn nhiệm tổng thống ngày 31-12-2010.
Đọc câu chuyện này, chúng ta thấy rằng, ngay từ nhỏ, cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương và chia sẻ với người nghèo khổ. Từ một cậu bé nghèo khổ tới một nguyên thủ quốc gia Brazil, Lula vẫn sống hướng thiện, chắc hẳn kết quả nhân đạo và nhân bản đó phải bắt đầu từ gia đình.
La Bruyère nói thật chí lý: “Ân huệ không bởi việc cho thật nhiều mà là cho đúng lúc”. Tương tự, Việt Nam cũng có chuyện “Thằng Bờm và Phú Ông”. Thằng Bờm không cần những gì sang trọng mà chỉ cần “nắm xôi”. Cuộc sống đa dạng và phức tạp, nhưng Paul Éluard phân tích: “Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, nhưng sự đam mê mới khiến người ta sống”.
Và tổng thống Lula có nhắc tới “bữa ăn”, điều đó cho thấy bữa cơm gia đình rất quan trọng vậy. Quan trọng không vì của ngon vật lạ, cao lương mỹ vị, mà quan trọng vì “bữa ăn là bữa yêu thương”. Đừng khinh suất! Đã và đang có những gia đình rạn nứt hạnh phúc, và có nguy cơ tan vỡ, là do thiếu những giây phút quây quần bên nhau, điển hình là các bữa ăn – đặc biệt là Bữa Ăn Tối. Tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Đừng chỉ lo san lấp những “hố sâu”, những “ổ voi” hoặc “ổ trâu”, mà hãy bắt đầu san lấp những “ổ gà” nho nhỏ.
Bữa ăn gia đình nhắc nhở chúng ta về điều gì?
1- NHẮC NHỞ VỀ BỮA TIỆC LY VÀ THÁNH LỄ
Trong Bữa Ăn Tối mừng Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26:26). Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:27-28).
Chúa Giêsu đã di chúc cho chúng ta Thánh Thể và Bửu Huyết của Ngài để hoàn tất lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Bổn phận của chúng ta là phải yêu mến Ngài hết linh hồn và hết trí khôn. Để chứng tỏ điều đó, chúng ta phải tham dự Thánh Lễ và tiếp nhận Thánh Thể hằng ngày. Đó là cách chúng ta làm theo lời căn dặn của Ngài: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22:19).
Thiết tưởng, mỗi người hãy cố gắng DÀNH VÀI PHÚT IM LẶNG SAU KHI RƯỚC LỄ để suy niệm, kết hiệp, tâm sự và trò chuyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, đừng bỏ Ngài cô độc, vì Ngài mới thực sự là Nguồn Sống dồi dào của mỗi chúng ta (x. Ga 10:10). Những lúc khác, bất kỳ lúc nào, hãy hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Ngài đến với chúng ta. Chắc chắn Ngài rất vui mà đến ngự vào lòng chúng ta. Cách này gọi là “rước lễ thiêng liêng”. Hình như ngay nay người ta ít quan tâm (hoặc không biết, hoặc không được dạy) việc rước lễ thiêng liêng! Cha mẹ nên lưu ý mà nhắc nhở con cái về cách tốt lành này.
Chúng ta hãy nghe Thánh Thomas Aquinas (1225–1274), Tiến sĩ Giáo hội, giải thích: “Rước lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như rước lễ thật, nhưng còn tùy chúng ta dọn mình kỹ hay không, có tha thiết ao ước ơn Chúa hay không, và có yêu mến Chúa nhiều hay không”.
Đến với Chúa Giêsu là việc cần thiết vô cùng, vì chính Ngài cũng đã ân cần nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Đừng ngại ngần hoặc mặc cảm, hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể bất cứ lúc nào, càng nhiều càng tốt – tốt cho chính chúng ta mà thôi. Vả lại, những người yêu nhau thì luôn thích nhìn thấy nhau, ở bên nhau và tâm sự với nhau mọi điều.
2- NHẮC NHỞ VỀ ĐỨC ÁI: SỰ CHIA SẺ, TÌNH YÊU THƯƠNG, LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúa Giêsu đã chia sẻ chính Mình và Máu Ngài, không còn gì hơn thế nữa. Tình yêu nào có tiết ra chất hy sinh mới là tình yêu đích thực, nếu không thì chỉ là ích kỷ. Chúa Giêsu đã chia sẻ mọi thứ, chúng ta là những người “đi theo” Ngài thì không thể không chia sẻ: Qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói, thái độ, hành động, tinh thần, vật chất,… Đúng vậy, vì Chúa Giêsu đã rất thẳng thắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi (Mt 7:21). Ngài cảnh báo chúng ta về việc “nói ít, làm nhiều”, “đừng háo danh”, “đừng coi trọng hình thức” và “đừng lẻo mép”, nhưng phải thực sự sống yêu thương, thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu không nói đùa đâu đấy!
Chúa Giêsu rất hào phóng, vì Ngài hứa chắc: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”(Mt 10:42).
Qua đó, chúng ta thấy rõ rằng Thánh Thể và Bữa Ăn Gia Đình có liên đới với nhau rất chặt chẽ. Bí tích Thánh Thể là tình yêu tột đỉnh Chúa Giêsu dành cho chúng ta, vì Ngài đã xác định với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53-56). Vừa cảnh báo vừa nhắc nhở. Và đó cũng là lời “nói nhỏ” riêng với mỗi người!
Thánh Thể là bằng chứng hùng hồn và minh nhiên về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Hãy bắt đầu từ gia đình, vì gia đình là “chiếc nôi sống động” của mọi con người: Giáo dục về nhân bản, về đạo đức, về cách xử sự, về đức tin, về cách sống đạo,… Đúng như tục ngữ Việt Nam nhắc nhở: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cái gì cũng phải học, ngay cả những việc rất nhỏ nhưng lại có thể là nền tảng của cuộc đời chúng ta.
Rất tiếc khi thấy có một số gia đình cứ mạnh ai nấy ăn, ai thích ăn lúc nào thì cứ “vác tô” ăn riêng, như vậy thì thiếu hẳn tinh thần đoàn kết, không coi trọng tình cảm gia đình. Nếu cứ “vô phép” như vậy thì còn gì là tổ ấm? Cha mẹ nào để con cái tự do vô độ như vậy là lỗi của cha mẹ đã thiếu sự quan tâm giáo dục con cái cho đúng gia phong. Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Nhờ đó mà xã hội mới khả dĩ bình an. Hãy chấn chỉnh ngay cho kịp kẻo quá muộn. Đó cũng là Phúc-Âm-hóa gia đình vậy!
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp chúng con biết luôn kết hiệp với Ngài và thể hiện lòng yêu thương như Ngài căn dặn, bắt đầu từ mái ấm gia đình. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.