Hôm nay, Mồng Hai Tết Quý Tỵ, chúng ta họp nhau đây để ca tụng Chúa là Chúa mùa xuân và để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta tỏ lòng hiếu thảo đối với công đức sinh thành của các ngài.
Đạo Hiếu, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam. Nó được thể hiện rõ nét trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Những ngày vui tươi đầu xuân là thời điểm thuận tiện để con cháu bầy tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đối với các đấng bậc đã có công sinh thành dưỡng dục mình cả về thể xác lẫn tâm linh.
Người Kitô hữu chúng ta ý thức được đạo Hiếu mang một chiều kích sâu xa hơn trong mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa con người với nhau. Do đó, khi chúng ta sống trọn vẹn chữ Hiếu cũng đồng thời chúng ta đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng trong tinh thần yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.
I. ĐẠO HIẾU TRONG DÂN GIAN
Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ Hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ thời xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu :
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu
Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.
Vậy Đạo Hiếu là gì ? Phân tích từ chữ Hán chúng ta thấy chữ “Hiếu” là chữ viết tắt của chữ “Lão” ở trên (lược bớt phần dưới) và chữ “Tử” ở dưới. “Hiếu” tức là mối quan hệ cha trên, con dưới; suy rộng ra là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
“Hiếu” là thiên kinh địa nghĩa, là gốc của mọi đức tính. Ca dao tục ngữ đã nói nhiều, ngay trong bài học vỡ lòng, trong “Luân lý giáo khoa thư” các em đã hiểu :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho trọn chữ Hiếu mới là đạo con.
Thế đó, thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành.
Các cụ ngày xưa cho là HIẾU đứng đầu trăm nết :
“Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết,
Thời suy ra trăm nết đều nên”.
Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị nhiều người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, tr 326).
Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt nam, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo hội Việt nam đã dành ngày mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu đối với cha mẹ, Giáo hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha trên trời, Đấng sáng tạo và làm chủ tể mọi loài.
Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là một tình yêu rất tự nhiên và cao quí. Trong các tình yêu, có lẽ chỉ có tình cha, tình mẹ là bền bỉ, là kiên vững nhất. Tình cha mẹ dành cho con cái mãi mãi như sông ngòi biển khơi. Nhưng :
Biển Đông còn lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
Cha mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời mình, chỉ mong cho con cái thành người. Niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của cha mẹ là nhìn thấy sự thành công của con cái. Cho dù có phải vì con mà vất vả lao đao, cha mẹ vẫn không sờn lòng. Cho dù có vì con cái mà cha mẹ phải hao gầy, cha mẹ vẫn vui khi nhìn thấy con cái lớn khôn mỗi ngày. Chính nhờ ơn cha nghĩa mẹ cao dầy như thế, thì người con khi đã lớn khôn, thành tài, cần phải dặn lòng :
Trải bao gian khổ không sờn,
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền
II. ĐẠO HIẾU THEO THÁNH KINH VÀ GIÁO HỘI
1. Đạo hiếu theo Thánh Kinh
Đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại Bản Thập Giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó cho thấy việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi Kitô hữu.
Đạo hiếu đối với ông bà cha mẹ được khởi đi từ việc thấu hiểu và đáp trả xứng hợp công ơn của các ngài là những cánh tay nối dài của Thiên Chúa ở dưới thế, đã hy sinh, nâng đỡ ta trên đường trọn lành : “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con” (Hc 7,27-28).
Biểu lộ của lòng hiếu thảo qua sự chú tâm lắng nghe lời chỉ bảo của cha mẹ trong sự tuân phục, khiêm kính : “Hỡi con, hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ… Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22) và “Con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách (Cn 13,1).
Tân ước đề cao đạo hiếu qua mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài đã chu toàn bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt ba mươi năm sống cùng Thánh Gia (Lc 2,51-52). Trong thời gian thi hành sứ vụ, lòng hiếu thảo được Ngài đề cập như một trong những chuẩn mực nền tảng của luật Thiên Chúa : “Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử”.
Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô khuyên bảo :”Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).
Thư gửi cho Timôthêô cũng xác quyết bổn phận sống đạo hiếu là đòi buộc của đức tin : “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5,8).
2. Đạo Hiếu theo giáo huấn của Giáo hội
Công đồng Vatican II dạy :”Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV só 48).
Giáo lý Hội thánh Công giáp nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta : “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).
III. ĐẠO HIẾU VỚI NGƯỜI KITÔ HỮU
Qua tinh thần hiếu thảo mà con cái phải có đối với cha mẹ theo tình cảm tự nhiên, chúng ta còn có luật Chúa đòi buộc con cái phải thảo kính cha mẹ, đồng thời với những lời giáo huấn của Giáo hội, hôm nay, Mồng Hai Tết Quý Tỵ, chúng ta hãy củng cố và đổi mới lòng hiếu thảo của chúng ta đối với ông bà cha mẹ. Chữ Hiếu được thể hiện qua những món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ được nồng ấp vào đó cả một tình con hiếu thảo .
Đây cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ bên gia đình. Ai cũng mong đón nhận những giờ phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà.
Thế nhưng, chữ hiếu không thể dừng lại nơi những ngày Tết mới bộc lộ ra mà còn phải dàn trải trong suốt tháng năm sống bên cha mẹ. Hãy sống sao cho tròn chữ hiếu. Nếu những ai có cha mẹ còn trẻ hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta có một thành trì vững chắc để tựa nương. Nếu những ai cha mẹ đã già nua thì đừng xem thường và coi họ như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời khiêm tốn, lịch sự, đừng cáu gắt với tuổi già. Hãy ôn tồn với các ngài vì chính họ đã từng kiên nhẫn với tuổi thơ chúng ta. Chính các ngài đã chẳng quản mưa nắng, thức khuya dậy sớm vì tuổi thơ chúng ta. Xin đừng ai phụ nghĩa mẹ cha. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì :
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
Truyện : Quà tặng của cha
Có một chằng trai sắp thi tốt nghiệp đại học. Trước đó anh đã nói với cha về ước nguyện có chiếc xe thể thao xinh đẹp và mong rằng nó sẽ là quà tặng của cha nhân ngày tốt nghệp.
Người cha nghe xong im lặng, không có ý kiến gì.
Sau ngày chàng trai tốt nghiệp, người cha đã gọi anh vào phòng, nói rằng ông rất yêu thương và hãnh diện có được đứa con như anh. Sau đó ông trao cho anh một hộp quà được gói cẩn thận. Ngạc nhiên, chàng trai mở hộp quà và nhìn thấy đó là một quyển sách thể loại “rèn nhân cách” được đóng gáy và bọc bìa da rất đẹp. Chàng trai nhíu mày, “với tất cả tài sản mà cha mình đã có… và món quà tặng cho con tốt nghiệp đại học chỉ là một quyển sách tầm thường này hay sao?”.
Chán nản và buồn phiền với ý nghĩ đó, chàng trai không nói lời nào với cha mình, rời khỏi phòng, để lại quyển sách trên bàn. Sau đó anh bỏ nhà ra đi…
Trong một thời gian dài, chàng trai không liên hệ với cha mình. Cho đến một ngày anh nhận được tin cha mình đã qua đời và để lại toàn bộ tài sản cho anh ta.
Khi anh về đến căn nhà cũ xưa, sự buồn phiền và hối hận tràn ngập trong lòng chàng trai khi anh nhớ đến sự cư xử lạnh nhạt mà anh đã có với cha trước đây. Anh tìm đọc những giấy tờ quan trọng của cha mình và nhìn thấy cuốn sách “rèn nhân cách” vẫn còn nguyên vẹn trên bàn như ngày anh từ bỏ nó. Chàng trai mở cuốn sách ra, lật từng trang và thấy một bao thư được ép chặt trong đó. Anh đã nhẹ nhàng mở bao thư ra, và bỗng dưng nước mắt anh tuôn trào khi nhận ra đó chính là một chìa khóa xe hơi và tờ hóa đơn của chính chiếc xe mà anh ta yêu thích ngày trước. Tờ hóa đơn ghi đúng ngày anh ta tốt nghiệp với dòng chữ đã thanh toán đầy đủ…
Trong cuộc sống của chúng ta không ai mà không mắc những sai lầm. Có những sai lầm thì sau đó được sửa chữa và trở nên bình thường. Nhưng có những sai lầm sau khi khắc phục rồi nó vẫn còn để lại “một vết sẹo” mà khó có thể phai mờ được.
Có thể nói, “vết sẹo” mà chúng ta đã gây ra đối với đấng sinh thành là đáng trách nhất. Vết sẹo đó sẽ mãi mãi ở bên chúng ta khiến chúng ta luôn bị nhức nhối lương tâm mỗi khi nhớ đến nó. Như trong câu chuyện trên, chàng trai sau khi thức tỉnh đã vô cùng ân hận, nhưng người cha đã không còn nữa để anh ta làm một cái gì đó, dù chỉ là một lời xin lỗi…
Qua những ý tưởng trình bầy trên đây chúng ta thấy, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc phúc.
Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta : cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống nơi Thiên Chúa. Do đó trong ngày đầu năm kính nhớ ông bà tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như Ngài phán qua miệng tiên tri Isaia : “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang ? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi ! Này, Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49,15-16a).
Sau cùng, chúng ta đã được nghe Lời Chúa trong ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng cảm tạ tri ân Ngài.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm