Thấy Chúa Trong Gian Khổ

Người ta nói: “Đời là bể khổ”. Chúa Giêsu nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Tiếng Việt rất độc đáo với mẫu tự kép KH được phát âm là “khờ”. Phàm cái gì KHÓ thì đều KHỔ, mà KHỔ thì người ta hóa KHỜ. Khi khó khăn, người ta có thể tự vấn: “Tại sao vậy Chúa?”. Cuộc sống đầy những bước thăng trầm, Việt ngữ gọi là “lên voi xuống chó”, Anh ngữ gọi là “ups and downs”. Thay vì chất vấn Chúa thì bạn hãy tìm kiếm Chúa ngay trong những lúc thử thách của cuộc sống. Hãy noi gương Thánh Gióp!

Khi khờ khạo vì khổ, chắc hẳn các Kitô hữu chẳng còn cách nào hơn là cầu nguyện: “Abba, lạy Cha, con cảm tạ Cha về những nỗi gian truân và thử thách mà Cha muốn con trải nghiệm trong cuộc sống, con cảm tạ Cha đã và đang ban cho con sức mạnh để con có thể chịu đựng, đó là những cơ hội để con phát triển và trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh. Xin giúp con luôn biết tín thác vào Ngài khi con gặp những nỗi gian nan thử thách. Con cầu xin Cha nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của con. Amen”.

Thiên Chúa trên cả tuyệt vời: “Những gì không thể được đối với loài người thì đều có thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 18:27). Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài không tạo đau khổ cho ai. Cha mẹ còn biết đứa con nào yếu hay mạnh, nhanh hay chậm, Thiên Chúa còn hơn như vậy: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).

Đức tin và đức khiêm nhường rất quan trọng: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con” (Cn 3:5). Có những điều xem chừng nghịch lý, không thuận ý mình, nhưng tất cả đều không ngoài Ý Chúa nhiệm mầu: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8:28).

Không ai muốn đau khổ, chẳng ai ưa gian nan, ngu gì khoái vất vả, thế nhưng cái gì cũng có giá trị nhất định của nó. Người Việt cũng nói: “Thuốc đắng đã tật”. Thánh Phaolô xác định: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).

Cuộc chiến nào cũng gian khổ, nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc phàm nhân đơn thương độc mã: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:26-27).

Thiên Chúa không nói trực tiếp, tưởng chừng Ngài làm ngơ, Ngài cũng không can thiệp để phàm nhân thấy nhãn tiền, nhưng Ngài luôn theo dõi và ở sát ngay bên: “Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả” (Tv 33:13-15). Thật vậy, Ngài vẫn ra tay tế độ: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33:18-19).

Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6:6).

Lạy Thiên Chúa, xin xót thương kiếp phàm nhân khốn khổ của con, xin Thánh Linh soi sáng cho con nhận biết Chúa Ba Ngôi hiện diện ngay trong nỗi cơ cực của đời con.

Lạy Đức Maria, Đức Thánh Giuse và chư thánh, xin nguyện giúp cầu thay và đồng hành với con trong mọi bước đường lữ hành trần gian này.

Lạy các Tổng lãnh Thiên thần và chư vị thiên thần, xin bảo vệ và nâng đỡ con luôn, đặc biệt là trong những lúc cuộc sống của con gặp nỗi gian nan nhất. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment