“Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Ngài. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Ngài nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Ngài. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ,Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13,31-34).
Chỉ vài câu này từ Tin Mừng của Gioan cũng đã đủ để tạo nên phần mở đầu của lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu vào tối Thứ Năm Tuần Thánh. Giuđa vừa bước ra và lao vào đêm tối, đêm của sự chối bỏ, phản bội và buồn bã, và đây là thời điểm mà Chúa Giêsu chọn để nói với các môn đệ của Ngài, cũng như với mỗi người chúng ta hôm nay, bằng một trái tim rộng mở.
Ngài liên tục giải thích cho các môn đệ rằng Chúa Cha sẽ tôn vinh Ngài, rằng sự tôn vinh này cần đến việc Ngài trở về với Chúa Cha, do đó, sự ra đi của Ngài và việc Ngài rời bỏ chúng ta, như một lời cam kết về tình bạn của Ngài, một điều răn mới.
Chúa Giêsu nói: “Bây giờ Con Người đã được tôn vinh.” Khoảnh khắc “bây giờ” mà Chúa Giêsu đang nói đến này rộng hơn và có ý nghĩa hơn nhiều so với vài phút ra đi của Giuđa. “Bây giờ” là giờ của Chúa Giêsu, giờ mà Ngài thường gọi là “giờ để đi từ thế gian này đến với Cha của Ngài”, giờ đối mặt với đau khổ và cái chết và được tôn vinh bởi quyền năng của Chúa Cha. Bước ngoặt này trong số phận của Chúa Kitô là cuộc khổ nạn vinh quang, trong đó sự ra đi của Giuđa vừa báo hiệu. Bây giờ Chúa Cha sẽ được tôn vinh, vì Con của Cha sẽ nói với Cha tất cả tình yêu của Con, yêu thương loài người cho đến cùng. Giờ đây, ngay sau sự chết, Chúa Cha sẽ đón Con Ngài vào trong vinh quang của chính Chúa Cha.
Mặt trái của vinh quang này, đối với chúng ta, là Chúa Giêsu chiến thắng sẽ không còn thấy bằng ánh mắt của chúng ta. Vì vậy, cần phải tin mà không thấy, tin mà không cần phải thấy. Chúa Giêsu dịu dàng nói: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được.” Dù sao đi nữa, không phải ngay lập tức, như Chúa Giêsu giải thích với Phêrô.
Tuy nhiên, một liên kết sống động và rất hữu hình sẽ vẫn còn giữa Ngài và chúng ta: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34). Nhưng điều răn này mới như thế nào? Ngay trong sách Lêvi, Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Anh em hãy yêu người lân cận như chính mình” (Lv 19,18). Tính mới ở đây nằm ở đâu?
Trước hết, mệnh lệnh của Chúa Giêsu là mới vì nó được liên kết với giao ước mới. Trong Kinh thánh, nói tới điều răn là nói tới giao ước, nghĩa là có đi có lại giữa Thiên Chúa và dân Ngài; và cũng giống như mười điều răn của Thiên Chúa vốn dĩ là sự diễn tả của giao ước đầu tiên tại Sinai, thì điều răn mới là khía cạnh con người của giao ước mới mẻ và dứt khoát, chính là điều mà Chúa Giêsu sẽ niêm phong, chính xác, bằng cái chết và sự tôn vinh của ngài.
Nhưng mệnh lệnh của Chúa Giêsu là mới nhất là vì từ đây, mô hình tình yêu của chúng ta sẽ là tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13:34).
Và Chúa Giêsu yêu các môn đệ như thế nào? Tin Mừng Gioan trả lời cho chúng ta ba lời khẳng định:
- Chúa Giêsu yêu các môn đệ vì Chúa Cha đã ban họ cho Ngài: “Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con”; “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha”; “Chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (17,6.9.23).
- Chúa Giêsu yêu thương hết mực mỗi người trong thế gian, đến tột cùng của sự hiểu biết, từ bi, nhẫn nại, đến tột cùng của sự khiêm nhường và phục vụ, vì Ngài đã quỳ gối trước mặt họ để rửa chân cho họ, dù Ngài là Thầy và là Chúa.
- Cuối cùng, Chúa Giêsu Mục Tử đã hiến mạng sống vì đàn chiên của mình, để đàn chiên của Ngài có được sự sống dồi dào, và mỗi người chúng ta có thể tự mình xác tín điều khiến Thánh Phaolô choáng ngợp: “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Galát 2:20).
Yêu như Chúa Giêsu đã yêu:
- Đó sẽ là yêu thương anh chị em, chồng vợ hay con cái, như món quà mà Thiên Chúa đã trao ban và ban cho chúng ta mỗi ngày, như món quà mà chính Chúa Cha đã ban cho chúng ta để yêu thương.
- Đến lượt chúng ta, chúng ta sẽ yêu đến tột độ là phục vụ, tha thứ và hy vọng; không phải để thôn tính người kia vào dự án của mình, vì niềm vui riêng của chúng ta, hạnh phúc riêng của chúng ta, không phải để mang lại cho chúng ta tình yêu hoặc tình bạn mà chúng ta đã trao tặng, nhưng bằng cách gánh vác người kia ngay cả trong những đau khổ, mệt mỏi và nặng nề của nó.
- Cuối cùng, chúng ta sẽ chấp nhận bỏ mình đi trọn vẹn để cống hiến, trong sự chung thủy, trong sự cho đi cách nhưng không mà chúng ta sẽ trao ban cho người khác; đó sẽ là yêu thương bằng một tình yêu thực tế, biết rửa chân, xả thân từ ngày này qua ngày khác.
Vì Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Ngài cho loài người một cách hoàn toàn mới mẻ trong cuộc khổ nạn vinh quang của Chúa Giêsu, vì trong giao ước mới, Thiên Chúa đã bắt đầu một mối thân tình mới với loài người, cho nên những điều này sẽ bắt đầu giữa con người với nhau bằng một thái độ huynh đệ theo một kiểu hoàn toàn mới, và đó là giới răn của Chúa Giêsu.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
theo đan sĩ Jean-Christian Lévêque, OCD,
carmel.asso.fr