Theo Chúa và việc từ bỏ

          Mục  đích  Chúa Giê Su đến thế gian là để rao giảng Tin Mừng Nước Trời: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm, theo kịp muốn giữ Ngài lại không cho đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói cùng họ rằng: Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Chúa Giê Su được Cha sai đến để rao giảng Tin Mừng và dĩ nhiên Ngài mong muốn cho có thật nhiều người cộng tác trong sứ mạng ấy. Thế nhưng có người muốn theo lại bị từ chối. Còn kẻ khác Chúa muốn kêu gọi thì lại tỏ ra lưỡng lự: “ Đang khi đi đường có kẻ thưa với Ngài rằng: Không cứ Ngài đi đâu tôi sẽ theo đó. Chúa Giê Su đáp: Con cáo có hang, chim trời có tổ. Song Con Người không có chỗ gối đầu. Ngài lại phán cùng kẻ khác rằng: Hãy theo Ta. Kẻ ấy nói: Thưa Chúa, xin cho tôi về chôn cất cha tôi trước đã. Nhưng Ngài phán: Hãy để  kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn ngươi hãy theo Ta đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Kẻ khác lại nói: Thưa Chúa, tôi sẽ theo Chúa. Song  xin cho tôi về từ giã người nhà trước đã nhưng Chúa phán: Không ai đã tra tay cầm cày còn ngó lại đằng sau mà lại xứng đáng với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 57 -62 ).

          Chúa từ chối và nói: Con Người không có chỗ gối đầu để có ý cho biết việc theo Chúa không phải là để tìm kiếm danh lợi, địa vị chi hết. Còn với những kẻ cũng muốn theo nhưng còn lưỡng lự thì Chúa nói hễ đã theo thì không được ngoái lại đàng sau…

          Tại sao  đã theo Chúa thì không được ngoái lại đằng sau ? Bởi vì con đường Chúa là đường giải thoát siêu xuất thế gian: “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng các ngươi không thuộc về  thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 -19 ).

          Đã đi theo Chúa thì không được…ngoái lại đàng sau có nghĩa phải dứt bỏ đi những tình cảm quyến luyến thế tục ngay cả với mẹ cha, con cái: “ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hoặc con gái hơn Ta cũng không đáng cho Ta” ( Mt 10, 37 ).

          Chúa không nói không được yêu mến mẹ cha, con cái. Nhưng là không được yêu mến cha mẹ, con cái… hơn Ngài. Lý do bởi vì nếu tình yêu dành cho cha mẹ, con cái hơn Chúa thì không thể dấn bước đến cùng trên con đường giải thoát. Giữa tình quyến luyến thế tục và  việc theo Chúa, con người chỉ có thể chọn một: “ Như vậy, hễ ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Mọi sự mình có ấy có thể là tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, địa vị, chức tước…và cũng có thể là những tình cảm gắn bó với quê hương xứ sở v.v…Suy cho thấu thì  Đạo Chúa khởi từ tổ phụ Apraham cho  đến thời Đấng Cứu Độ Giê Su, trước sau đều chủ trương sự từ bỏ:

          “ Đức Chúa Giê hova phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến Xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ  làm cho ngươi nên một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi” ( St 12, 1 -2 ).

          Chỉ vì tin vào  lời hứa của Đức Chúa Giê hova mà tổ phụ Apraham đã từ bỏ quê hương, bản quán, cha mẹ, anh em để ra đi đến XỨ sẽ được…chỉ cho “ Bởi đức tin Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. người ra đi mà không biết mình đi đâu ?” ( Dt 11, 8 ).

          Từ bỏ chỉ vì tin vào một lời hứa và trong bất cứ sự từ bỏ nào Thiên Chúa cũng đòi hỏi cần phải có sự dứt khoát. Có dứt khoát  mới  thực sự chứng tỏ cho lòng khát khao chân lý. “ Từ đó  Ê lia đi gặp Ê lise con trai của Sa Phát đương cày ruộng có mười hai đôi bò trước mặt mình. Chính người cầm đôi bò thứ mười hai. Ê Lia  đi ngang qua người, ném áo choàng mình trên người. Ê lise bèn bỏ bò mình, chạy theo Ê Lia mà nói rằng: Xin cho phép tôi về hôn cha và mẹ tôi đã đoạn tôi sẽ theo ông. Ê Lia đáp: hãy đi và trở lại, vì ta có làm gì cho ngươi đâu. Ê Lise bèn lìa khỏi Ê Lia trở về, bắt một đôi bò giết đi và lấy cày làm củi mà nấu thịt nó  cho các tôi tớ mình ăn. Đoạn người đứng dậy, đi theo Ê Lia và hầu việc người” ( 1V 19, 19 -21 ).

          Cái hình ảnh …bỏ bò đương cày chạy theo Ê Lia xin phép về hôn từ biệt cha mẹ rồi giết cặp bò, lấy cày chẻ ra làm củi nấu thịt bò đãi các tôi tớ đã nói lên tính dứt khoát của những con người một khi đã nhận ra con đường chân lý phải theo. Chân lý ấy mặc dù từ lâu đã tiềm ẩn nhưng cần phải đợi cho đến khi có đủ…cơ duyên mới có thể mau mắn đáp ứng.

          Đối với trường hợp của các Tông Đồ tiên khởi là một dẫn chứng. Đang là những con người thuyền chài, ăn sóng nói gió… nhưng khi được Chúa kêu gọi thì họ lập tức đi theo: “ Sau khi Chúa Giê Su làm phép lạ  cho cá đầy hai khoang thuyền thì Si Mon Phê rô thấy vậy bèn xấp mình xuống dưới chân Chúa mà nói:“ Chúa ơi, xin Ngài lìa khỏi tôi vì tôi là kẻ tội lỗi. Vì người và hết thảy những kẻ ở với người đều sững sờ về mẻ cá họ vừa đánh được. Giacobe và Gioan hai con  ông Xê bê đê  là đồng bạn với Si Mon cũng vậy. Chúa Giê Su bèn phán cùng Si Mon: Đừng sợ, từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới người. Họ đem thuyền vào bờ rồi bỏ hết thảy mà theo Ngài” ( Lc 5, 8 – 11 ).

          Theo Chúa là một ơn gọi và ơn gọi ấy dành cho mọi thành phần bất kể quá khứ của họ: “ Chúa Giê Su từ đó đi qua thấy một người tên là Mattheu  ngồi tại sở thâu thuế thì bảo người rằng: Hãy theo Ta, người đứng dậy mà theo Ngài” ( Mt 9, 9 ).

          Trong ơn gọi này, Chúa chọn gọi ai Ngài muốn. đồng thời cũng biết trước sự đóng góp của người đó trong công cuộc Cứu Độ. Sau khi Sau Lơ tức Phao Lô bị ngã ngựa, mù mắt trong biến cố Đa Mát được dẫn vào thành. Đến nhà Anania  một Ki Tô Hữu. Ông này ngần ngại không muốn  gặp Sau lơ vì nghĩ rằng người này  đã nhiều phen bách hại đạo. Nhưng Chúa truyền phải  đến và nói rõ lý do: “ Hãy đi vì người ấy sẽ là khí cụ mạnh mẽ mà Ta đã lựa chọn để  đem Danh Ta ra trước mặt dân ngoại, các vua chúa và con cái nhà Itsraen. Ta cũng sẽ tỏ cho người ấy biết cần phải chịu bao nhiêu nỗi khổ vì Danh Ta” ( Cv 9, 15 -16 ).

          Chúa chọn gọi nhưng cũng báo trước về những khổ đau sẽ phải gánh chịu khi  bước đi theo Ngài. Khi hai anh em Giaco bê và Gioan đến gặp Chúa, xin Ngài cho một người ngồi bên tả một người ngồi bên hữu trong Nước Chúa thì Ngài hỏi: Các ngươi có thể uống được chén Ta uống và chịu được phép rửa Ta chịu chăng” ( Mt 10, 35 -38 ).

          Chén và phép rửa đây chính là cái chết kinh hoàng của Chúa Giê Su trên thập giá. Từ bỏ mọi sự theo Chúa để rồi  lãnh lấy kết quả là thập giá khổ  đau. Vậy đâu là giá trị và ý nghĩa việc theo Chúa ?

          Thắc mắc này là chính đáng và Thánh Phê Rô cũng đã có lần nêu lên: “ Bấy giờ Phê Rô thưa với Ngài rằng: Này, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng tôi sẽ được chi ? Chúa đáp: Quả thực Ta nói cùng các ngươi, đến kỳ Phục Hưng là khi Con Người ngự trên ngai vinh hiển Ngài thì các ngươi là những kẻ đã theo ta cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi mà xét đoán mười hai chi phái Itsraen. Hễ ai vì Danh Ta mà bỏ nhà cửa, anh em, cha mẹ, con cái, đất ruộng thì sẽ lãnh được trăm lần hơn và thừa thụ Sự Sống Đời Đời” ( Mt 19, 27 -29 ).

          Người đời vì mê muội cho tất cả những thứ ở cõi trần này là thật có nên bám chấp để rồi chuốc lấy khổ đau, phiền não cho mình và cho người. Khổ mà không biết mình khổ thì sẽ không bao giờ…thoát khổ.

          Chúa truyền dạy con đường từ bỏ chính là để con người có thể tạo lấy cho mình niềm an vui bất tận trên Nước Trời Hằng sống. Bỏ đi thì lại được, đây là một thứ nghịch lý trong Đạo Chúa. Tổ phụ Apraham vâng lệnh Thiên Chúa, sát tế con mình là Isaac để rồi đã nhận được lời hứa trở thành tổ của dân tộc lớn là Dân Riêng Thiên Chúa ( St 22, 15 -18 ).

          Đã gọi là nghịch lý thì rất khó để tin và càng khó hơn nữa khi đi vào thực hành. Cái khó đây  chính là việc từ bỏ ấy diễn ra ở nơi Tâm. Nếu việc từ bỏ chỉ có phần hình thức bên ngoài thì đó chưa phải là từ bỏ. Một người có thể bán hết nhà cửa, ruộng vườn, từ giã  cha mẹ, bạn bè để theo Chúa. Nhưng trong tâm vẫn  chứa  đầy tham lam, tiếc nuối này nọ thì đâu có chi là …từ bỏ.

          Như vậy, từ bỏ không phải chỉ là cái hành vi bên ngoài mà cần diễn ra ở nơi Tâm  tức là trong tư tưởng. Nhận ra như vậy để cho thấy việc từ bỏ phải là một quá trình dài lâu trong suốt cả cuộc đời và hết sức khó khăn. Cũng là theo Chúa đấy nhưng các Tông Đồ vẫn còn nhiều phen vấp phạm chẳng hạn hai anh em Giacobe và Gioan khi xin với Chúa cho ngồi bên tả, bên hữu…thì đã có tinh thần từ bỏ gì đâu  v.v…

          Mặc dầu vậy, trừ ra Giu Đa kẻ phản bội, tất cả các Tông đồ đều theo Chúa đến cùng và lãnh triều thiên tử đạo. Theo Chúa để từ bỏ. Ngược lại có từ bỏ thì mới có thể theo Chúa. Tuy nhiên để có thể vững bước trên con đường theo Chúa, nhất thiết chúng ta cần có lòng tin nơi Đấng Cứu độ Giê Su bởi vì Ngài là con đường duy nhất dẫn đến đấng Cha: “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Đức Ki Tô nhận mình là con đường về với Cha và Đấng Cha ấy chỉ có thể là Đấng Thiên Chúa nội tại ( Deus Abconditus ). Mặt khác cũng chỉ với Đấng Cha …nội tại ấy mới cần có sự từ bỏ. Tại sao ? Bởi vì nếu Thiên Chúa là Đấng nội tại  như thế  thì tất nhiên chúng ta phải xoay ngược cái Tâm trở vào bên trong thì mới gặp được Ngài.

          Muốn…gặp  với Đấng…ở trong ta thì cần xoay cái Tâm trở vào bên trong. Đang khi đó Tâm con người là cái Tâm vọng động, không ngừng hướng ra bên ngoài nơi thế giới hiện tượng để phân biệt tìm cầu. Chấp…đây là thiện kia là ác. Đây là phải, kia là trái. Đây là tốt kia là xấu v.v…khiến cho Tâm luôn ở trong trạng thái bất an, điên đảo…

          Thiên Chúa là Đấng …nội tại và Ngài luôn mời gọi con người quay trở về với Ngài hầu sống với Sự Sống Đời Đời bất diệt: “ Đức Giehova đã sai các đầy tớ Ngài là các tiên tri đến cùng các ngươi, dậy sớm mà sai đến. Nhưng các ngươi lại không nghe. Không để tai mà nghe các đấng ấy nói rằng: Mỗi người trong các ngươi hãy từ bỏ đường dữ mình mà trở lại. Hãy bỏ  điều  ác của việc làm mình và ở trong Đất mà Đức Giehova đã ban cho các ngươi và tổ  phụ các ngươi từ xưa cho đến đời đời” ( Gr 25, 4 -6 ).

          Hãy bỏ điều ác việc mình làm và ở trong Đất đã hứa cho tổ phụ. Điều ác  đó chính là khi Tâm cứ hướng ra bên ngoài để cầu tìm mà quên đi Đấng vốn đã sẵn đủ ở nơi mình. Còn Đất đã hứa ấy chính là Nước Trời mầu nhiệm mà Đức ki Tô rao giảng. Để được …ở trong Đất Hứa Nước Trời ấy thì cần có sự từ bỏ tức bỏ cái tâm hướng ngoại tìm cầu ấy đi.

          Việc từ bỏ cái Tâm hướng ngoại để trở về ấy cũng chính là  từ bỏ ý riêng mình hầu thực thi Thánh ý Chúa. Ngay đến Chúa Giê Su cũng thực hiện việc thi hành Thánh Ý đó “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

          Vâng theo Thánh Ý Cha đó là việc tuy khó mà dễ, dễ mà khó. Khó là vì chưa bỏ  được mình ( ngã chấp ). Còn dễ là nhờ có phương pháp và kiên trì theo đuổi phương pháp ấy cho đến cùng. Kinh Mân Côi với cấu trúc đặc biệt của nó được Đức Mẹ truyền dạy và đây chính là phương pháp cầu nguyện vô cùng hữu hiệu để giúp ta từ bỏ ý riêng mình. Tính chất công hiệu của  kinh nguyện này giúp  ta từ bỏ ý riêng thì cũng giống như sợi giây …nảy mực của người thợ mộc. Cứ căn cứ vào giây …nảy mực ấy sẽ thẳng, ngoài ra là không thẳng. Thực hành Kinh Mân Côi cũng vậy, cứ bám chặt vào từng lời kinh sẽ giữ được chánh niệm, ngoài ra là tạp niệm, là ý riêng. Kinh là Lời Chúa “ Lời Chúa là lời sống động, sắc bén hơn gươm hai lưỡi. Có sức xuyên thấu, biện biệt  tư tưởng của lòng người” ( Dt 4, 12 ). Bởi vì Lời Chúa sắc như gươm thế nên có thể biện biệt được tư tưởng. Hễ tư tưởng ( chia lòng chia trí ) khởi lên liền biết và lập tức quay về với  chánh niệm tức đang tụng Mùa nào, thứ nào, hạt nào…

          Giữ lấy chánh niệm đó chính là sống đời từ bỏ và hễ ai kiên trì trong việc từ bỏ ấy sẽ có vinh dự lớn lao được làm anh em cùng một Mẹ với Chúa Giê Su: “ Mẹ và anh em Ta tức là những kẻ nghe Đạo Chúa  đây và làm theo” ( Lc 8, 21 ).

Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts