Đề tài tĩnh tâm thứ ba trong Mùa Chay năm nay của vị giảng thuyết Phủ Giáo Hoàng Raniero Cantalamessa là: “Thờ Ngẫu Thần, phản đề của Thiên Chúa Hằng Sống”:
“ Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta có một trải nghiệm đặc biệt mà hầu như chúng ta không bao giờ lưu ý. Trong đêm, những thứ hiện hữu xung quanh chúng ta là cách chúng ta để chúng lại vào đêm hôm trước: Giường, cửa sổ, căn phòng. Có lẽ mặt trời đã chiếu sáng bên ngoài nhưng chúng ta không thấy nó vì mắt chúng ta đang nhắm và màn cửa kéo lại. Chỉ khi chúng ta thức giấc, mọi thứ mới bắt đầu hoặc trở lại hiện diện đối với tôi bởi vì tôi nhận thức được chúng. Tôi mới nhận ra chúng. Trước đó dường như những thứ này không hiện hữu…
…Cũng một điều trên đúng với Thiên Chúa. Người luôn ở đó: Thánh Phao Lô nói: Trong người chúng ta sống và di chuyển và có hữu thể của mình” ( Cv 17, 28 ). Nhưng nói chung, điều này xảy ra như trong giấc ngủ của chúng ta. Chúng ta không nhận thức được nó. Ngoài ra còn có sự thức tỉnh của tinh thần, một ý thức đột ngột bừng tỉnh. Đây là lý do tại sao Kinh Thánh khuyên chúng ta thường xuyên thức tỉnh khỏi giấc ngủ của mình “ Tỉnh giấc đi. Hỡi người còn đang ngủ. Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào. Đức Ki Tô chiếu sáng ngươi” ( Eph 5, 14 ). “ Đã đến lúc anh em phải thức dậy” ( Rm 13, 11 ). ( Nguồn Vietcatholic News – 29/3/2019 – Vũ Văn An – Bài giảng thứ ba Mùa Chay 2019 của cha Ramiero Cantalamessa ).
Qua ví dụ mở đầu bài thuyết giảng, vị giảng thuyết cho thấy đời sống con người chỉ là giấc mộng bao lâu chưa có sự tỉnh thức. Mặt khác sự tỉnh thức ấy chỉ có thể đến khi nhận ra mạc khải của Đức Ki Tô “ Tỉnh giấc đi. Hỡi người còn đang mê ngủ. Từ chốn tử vong hãy trỗi dậy đi nào ! Đức Ki Tô sẽ chiếu sáng ngươi” ( Eph 5, 14 ).
Cuộc đời là một giấc mộng tuy dài ngắn khác nhau hoặc có thể là mộng lành hoặc …mộng dữ nhưng tất cả chỉ là ảo mộng ! Suy tư về cái lẽ…mộng, thực này có câu chuyện mang tính minh triết đặc dị rất ư nổi tiếng là Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu ( Nam Hoa Kinh – Thiên Tề Vật Luận ).
Từ câu chuyện “Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu” sẽ còn là đề tài muôn thuở của triết học và nó chỉ có thể giải quyết rốt ráo qua con đường thực hiện tâm linh tôn giáo. Đạo Phật chủ trương Giác Ngộ có nghĩa để nhận biết và sống với Phật Tánh ở nơi mỗi người. Còn Đạo Chúa là trở về sống với Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã tác tạo nên mình ( St 1, 26 ).
Tuy Danh có khác nhưng thực chất thì không khác, vẫn là việc trở về hầu nhận biết Chân Tâm, Bản Tính mình. Để có thể thực hiện việc trở về ấy, Dân Chúa trong thời Cựu Ước phải Vượt Qua cuộc hành trình dài lâu suốt bốn mươi năm trong sa mạc để trở về nơi Đất Hứa Canaan. Còn trong thời Tân Ước, để hoàn tất cuộc Vượt Qua ấy thì cần phải bỏ mình theo Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Trong bất cứ cuộc hành trình nào bao giờ cũng bao hàm trong đó sự trở về. Đi càng xa bao nhiêu thì ước vọng trở về càng lớn bấy nhiêu “ Thệ viết viễn. Viễn viết phản” ( Lão Tử – ĐĐK chương 25 ).
Dân Chúa vào thuở ấy đã trải qua cơn đại hạn chưa từng có “ Xứ Canaan bị đói kém dữ dội. Không còn đồng cỏ chi hết cho súc vật ăn” ( St 47, 4 ). Mặc dầu bị cơn đói kém hoành hành nhưng Dân Chúa vẫn e ngại khi rời bỏ quê hương mồ mả ông cha để đi đến nơi xứ sở xa lạ đến nỗi Giehova Thiên Chúa đã phải đưa ra lời trấn an: “ Hãy xuống Edipto, đừng sợ chi vì tại đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn. Chính Ta sẽ xuống đến đó với ngươi và chính Ta cũng sẽ dẫn ngươi trở về chẳng sai” ( St 46, 3 ).
Mặc dù chỉ là dân ngụ cư nhưng đúng như lời hứa, dân Do Thái nhờ trí thông minh và khả năng buôn bán đã trở thành một…nước lớn ngay trong lòng đất nước Ai Cập. Thế nhưng dẫu sao đi nữa họ vẫn chỉ là một thứ công dân…hạng hai và bị bọn vua quan Ai Cập sách nhiễu, ức hiếp đủ điều khi có dịp.
Dân Do Thái sinh cơ lập nghiệp trên đất Ai Cập trải qua hơn bốn trăm năm nhưng thời điểm đã chín mùi cho cuộc trở về. Thiên Chúa sửa soạn cho cuộc trở về tức cuộc Vượt Qua vĩ đại ấy bằng cách kêu gọi Mai Sen và trao cho ông sứ mạng dẫn dắt Dân Người:
“ Đức Giehova phán rằng: Ta đã thấy rõ ràng sự cực khổ của Dân Ta tại xứ Edipto và có nghe thấy tiếng kêu rêu vì cớ người đốc công của nó. Ta ngự xuống đặng cứu dân này khỏi tay người Edipto. Dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật tức là nơi dân Canaan , dân Hê vit, dân Giebusit ở. Này tiếng kêu rêu của dân Itsraen đã thấu đến Ta và Ta đã thấy dân Edipto hà hiếp chúng nó thể nào. Vậy bây giờ, hãy lại đây đặng Ta sai ngươi đến Pharaon để dắt Dân Ta là dân Itsraen ra khỏi xứ Edipto” ( Xac 3, 7 -10 ).
Nghe đến việc phải đến gặp Pharaon, Mai Sen sợ hãi và có ý muốn từ chối sứ mạng ấy nhưng Đức Giehova một lần nữa đưa ra lời hứa: “ Vậy nên ngươi hãy nói với dân Itsraen rằng: Ta là Đức Giehova sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Edipto đã gán cho cùng giải thoát khỏi vòng tôi mọi. Ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng sự đoán phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm Dân Ta và Ta sẽ làm ĐCT của các ngươi” ( Xac 6, 6 -7 ).
Để giải thoát dân Itsraen ra khỏi đất nô lệ Ai Cập, Giehova đã không ngần ngại dùng đến mười tai vạ lớn lao giáng xuống Pharaon và toàn thể dân Ai Cập. Dẫu vậy đến khi lên đường ra đi thì dân Itsraen gặp khó khăn lại trở nên thối chí ngã lòng buông lời oán trách Mai Sen: “ Cả hội chúng kêu nài Mai Sen và Aron tại nơi đồng vắng rằng: Ôi ! thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đức Giehova tại xứ Edipto khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh chán hê. Vì hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng này đặng làm cho cả đoàn dân đông đảo này đều bị chết đói” ( Xac 16, 2 -3 ).
Trước những lời oán trách của dân, Mai Sen đã kêu xin và Giehova đã nhận lời. Khi dân đói thì Ngài ban Manna, khi khát thì làm cho đá phun ra nước. Khi bị rắn độc cắn thì cho làm cây cột đồng nhìn lên sẽ được chữa khỏi. Đi trong ban ngày thì có cột mây còn ban đêm thì có cột lửa dẫn đường….
Tất cả những phép lạ Chúa làm ấy đều rất ư cần thiết cho sự ra đi của Dân Chúa khi còn ở trong sa mạc. Tuy vậy những điều ấy dường như chưa đủ trong cuộc hành trình giải thoát. Điều mà dân chúng cần đó phải là cái gì cụ thể có hình có tướng để họ có thể bám víu, nương tựa, và đây chính là…ngẫu tượng đủ loại.
Mai Sen đi lên núi Si Nai nhận lãnh Mười Điều Răn theo lệnh Chúa truyền của Chúa nhưng dân chúng thấy ông đi lâu quá không về nên đã đến gặp Aron đòi đúc một con bò vàng: “ Hãy làm các thần để đi trước chúng tôi. Vì về phần Mai Sen này là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Edipto, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi. Aron đáp rằng: Hãy lột những vòng vàng đeo nơi tai vợ, con trai, con gái các ngươi rồi đem lại cho ta. Hết thảy đều lột vòng vàng nơi tai mình mà đem lại cho Aron, người nhận lấy và đúc thành một con bò vàng. Dân chúng nói rằng: Hỡi Itsraen này là thần của các ngươi đã đem ngươi ra khỏi đất Edipto. Aron thấy vậy bèn lập một bàn thờ trước mặt tượng bò đúc, đoạn người la lên rằng: Sáng mai sẽ có lễ tôn kính Đức Giehova. Sáng mai dân chúng bèn thức dậy sớm, dâng các của lễ thiêu và lễ thù ân. Ngồi mà ăn uống, đoạn đứng dậy nhảy múa vui chơi” ( Xac 32, 1 -6 ).
Trong khi Mai Sen tạm vắng mặt ít lâu thì dân chúng đã quay sang thờ lạy bò vàng và coi đó là vị …thần dẫn đường cho mình. Điều này chứng tỏ đi trên con đường giải thoát thật khó khăn biết mấy. Đang khi đó dân Do Thái đã được Giehova Thiên Chúa tuyển chọn và thực hiện vô số phép lạ mà họ vẫn chưa khởi phát được lòng tin: Không phụng thờ Thiên Chúa Đấng Chân Thật Hằng Sống để quay sang các thần tượng giả dối khác. Đây chính là sự phản bội đã được báo trước của dân Do Thái ngay cả khi họ đã vào sinh sống tại đất Canaan, nơi họ đã lầm tưởng là Đất Hứa. “ Đức Giehova phán cùng Mai Sen rằng: Kìa, ngươi sẽ an giấc với các tổ phụ ngươi. Dân sự này sẽ dấy lên và thông dâm cùng các thần khác trong xứ mà họ sẽ vào, rời bỏ Ta và phản bội Giao Ước Ta đã lập cùng họ. Trong ngày ấy cơn thịnh nộ Ta sẽ phừng lên trên họ, Ta sẽ bỏ họ, giấu mặt Ta đi khiến cho họ bị tiêu nuốt. Nhiều tai vạ và buồn thảm sẽ xông hãm họ. Trong ngày đó họ sẽ nói rằng: Há có phải vì ĐCT không ngự giữa chúng tôi nên những tai vạ này xông hãm chúng tôi chăng ? Còn Ta trong ngày đó sẽ giấu mặt Ta đi vì cớ các tội ác của dân đã làm, trở mặt theo các thần khác” ( Đnl 31, 16 -18 ).
“ Xứ mà họ sẽ vào” sau khi đã trải qua hơn bốn mươi năm trong sa mạc, đó chính là miền Canaan. Thế nhưng đây hoàn toàn không phải là Đất mà Thiên Chúa đã Hứa ban cho các tổ phụ theo như Giao Ước đã được ký kết. Tại sao nói Canaan không phải Đất Hứa ? Bởi vì miền đất ấy từ lâu đời vốn là nơi sinh sống của các dân Canaan, Hê Tit, Amorit, Phê nesit, Hê vit, Giê busit v.v…Lại nữa để có thể vào được đất ấy dân Do Thái đã gây ra vô số cuộc chiến lớn nhỏ với dân bản địa và rồi khi đã tổ chức được thành quốc gia có vua chúa cai trị thì lại bị các cường quốc lân bang xâm chiếm và bắt đi đầy trong cả thế kỷ….
Canaan không phải là Đất Hứa theo như Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với các tổ phụ. Đất Hứa ấy chỉ được thiết lập trong Giao Ước mới qua Đấng Trung Gian là Đức Giê Su Ki Tô. Nếu tiên tri Mai Sen là người dẫn đường cho Dân Chúa trong Giao Ước Cũ ( Cựu Ước ) thì Đức Ki Tô sẽ là Đấng Dẫn Đường trong Giao Ước Mới ( Tân Ước ): “ Thế thì hỡi anh em Thánh là kẻ dự phần ơn trên trời kêu gọi. Hãy nghĩ đến Chúa Giê Su là sứ giả và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mà chúng ta thừa nhận. Ngài trung tín với Đấng đã lập mình cũng như Mai Sen trung tín trong cả nhà ĐCT vậy. Vì Ngài đã được kể là Đấng Vinh Hiển hơn Mai Sen khác nào kẻ dựng nên nhà được tôn trọng hơn cái nhà. Vì nhà nào cũng phải có người dựng nên mà Đấng dựng nên muôn vật ấy là ĐCT. Vả Mai Sen thật đã trung tín trong cả nhà ĐCT như một tôi tớ để làm chứng về những điều sẽ nói đến về sau. Nhưng Đức Ki Tô thì trung tín như Con Quản Trị nhà ĐCT mà chúng ta là nhà của Ngài, miễn là chúng ta giữ lòng dạn dĩ và sự khoe khoang về hy vọng của chúng ta cho vững bền đến cùng” ( Dt 3, 1 -6 ).
Trong việc dẫn đường Dân Chúa trên bước đường Giải Thoát cho thấy có sự khác biệt lớn lao giữa tiên tri Mai Sen và Đức Giê Su Ki Tô. Một đàng Mai Sen sợ hãi khi phải gặp Pharaon và muốn từ chối sứ mạng. Một đàng Đức Ki Tô thì sẵn sàng thí mạng sống mình vì đoàn chiên ( Ga 10, 14 ). Một đàng Mai Sen chưa có sự nhận biết Thiên Chúa đúng như Ngài Là. Còn Đức Ki Tô thì biết rất rõ “ Ta là người chăn tốt. Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 15 ).
Đức Ki Tô nói Ngài…biết Cha và cái biết ấy không phải bằng tri thức nhưng bằng Tình Yêu. Biết bằng Tình Yêu là cái biết mang tính nội tại: “ Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Chính là với Cái Biết mang tính nội tại ấy mà con đường Giải Thoát của Đức Ki Tô tất yếu phải là Con Đường Trở Về với Thiên Chúa Tình Yêu cũng là Bản Thể mỗi người.
Thiên Chúa Tình Yêu không những chỉ là Bản Thể của con người nhưng là hết thảy muôn loài muôn vật. Nói cách khác, không có gì được sinh ra ( Tạo Vật ) mà không bởi Thiên Chúa cũng gọi là Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên nếu hiểu Đấng Tạo Hóa theo nghĩa triết học Aristote như là Đệ Nhất Nguyên Nhân hay Đệ Nhất Động Cơ thì thật sự…Đấng ấy chẳng có chút chi liên hệ với con người.
Cũng bởi quan niệm Đấng Tạo Hóa theo nghĩa triết học như thế mà Voltaire ( 1694 – 1778 ) đã mỉa mai …sửa lại câu Kinh Thánh: Con người được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ) bằng câu: Thiên Chúa là hình ảnh của con người, do con người tạo ra !!!.
Không còn lòng tin nơi sự hiện hữu của Thiên Chúa Đấng là Tình Yêu thế nên con người đã tạo cho mình đủ thứ Ngẫu Tượng để thay thế. Lý do khiến đưa đến việc thay thế Thiên Chúa bằng Ngẫu Tượng bởi vì con người trong bất cứ thời nào, xã hội nào cũng không thể thiếu cho mình một cái chi đó hữu hình, hữu tướng để mà nương tựa, bám víu. “ Cái chi đó” có thể là tiền bạc, công danh, địa vị, sắc đẹp, quyền lực hoặc cũng có thể là những cái xác ướp đặt trong lăng để người ta đến đó làm lễ, dâng hương, vái lạy tưởng nhớ, đại loại như là sống mãi trong lòng quần chúng nhân dân ?
Bao lâu còn nương tựa, bám víu vào …ngẫu tượng như thế thì còn mãi xa lìa Thiên Chúa Đấng vô hình vô tướng “ Không ai có thể làm tôi hai chủ. Vì sẽ ghét kẻ này mà yêu kẻ kia. Hoặc trọng kẻ này mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn Ma Môn tiền của được” ( Mt 6, 24 ).
Ma Môn đây chính là đủ thứ ngẫu tượng, chúng không xuất phát từ Thiên Chúa nhưng do ma quỷ tạo nên để mê hoặc khiến cho con người một khi bám víu, tựa nương vào nó như một thứ cứu cánh thì sẽ phải lìa xa Thiên Chúa đời đời.
Đức Ki Tô mạc khải cho chúng ta về Đấng Cha là Thiên Chúa Tình Yêu và đòi buộc con người phải xoay cái Tâm trở vào bên trong để mà thờ lạy. Chúa nói với người đàn bà ngoại giáo xứ Samari: “ Này bà kia ơi ! Hãy tin Ta, giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Giê rusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết. Còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến mà nay đã đến rồi. Khi kẻ thờ lạy chân thật, hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn tìm kiếm người như vậy để thờ lạy Ngài. ĐCT là thần tánh nên ai thờ lạy Ngài, cần phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy” ( Ga 4, 21 -24 ).
Thờ phượng cách chân thật không phải trên núi nọ, đền kia bởi vì Thiên Chúa không ngự ở bất cứ nơi nào khác ngoài ra là chính tâm hồn mình. Thiên Chúa chỉ có thể hiện hữu…ở trong Tâm, đó là điều Thánh Augustino đã nhiều lần khẳng định: “ Thiên Chúa hằng hữu trong thẳm cung tâm hồn tôi” ( Deus intimior meo ). Một khi Thiên Chúa hiện hữu trong chốn thẳm cung linh hồn thì để yêu mến Ngài chúng ta không còn cách nào khác đó là phải hết lòng thực thi các giới răn của Ngài: “ Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21 )./.
Phùng Văn Hóa