THIÊN ĐÀNG LÀ GÌ?

Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất”. Thế thì, Thiên đàng chỉ định cả cõi trời sáng tạo và nơi ở của Thiên Chúa. Các học giả thậm chí còn tranh luận liệu từ thiên đàng bắt nguồn từ chữ ham có nguồn gốc tiếng Do Thái, có nghĩa là “che phủ” (như trong trường hợp cõi trời trên bầu trời) hay từ himin, có nghĩa là “nhà” (nơi ở của Chúa). Dù bằng cách nào, Kinh Thánh hỗ trợ cả hai ý nghĩa.

Tuy nhiên, chúng ta tập trung vào thiên đàng là nơi ở của Thiên Chúa. Trong đức tin, mỗi người chúng ta hướng đến sự kết hợp tối hậu với Thiên Chúa trên thiên đàng. Chúa Giêsu trong bài giảng Tám Mối Phúc đã khuyên những người theo Ngài, “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:12). Trong Bữa Tiệc Ly, đêm trước cái chết của chính Ngài, Chúa chúng ta đã an ủi các tông đồ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14:1-2). Bằng cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của mình, Chúa Kitô đã chuộc tội và mở cổng thiên đàng cho chúng ta. Vì vậy, thánh Phaolô đã viết: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cr 5: 1).  

Thật thú vị, Sách Khải Huyền cung cấp một mô tả vật lý về thiên đàng: “Tường xây bằng ngọc thạch, thành thì bằng vàng y, giống như thủy tinh trong sáng. Nền móng tường thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý. Nền móng thứ nhất bằng ngọc thạch, nền móng thứ hai bằng lam ngọc, nền móng thứ ba bằng lục ngọc, nền móng thứ tư bằng bích ngọc, nền móng thứ năm bằng mã não, nền móng thứ sáu bằng xích não, nền móng thứ bảy bằng kim châu, nền móng thứ tám bằng lục châu, nền móng thứ chín bằng hoàng ngọc, nền móng thứ mười bằng kim lục, nền móng thứ mười một bằng huỳnh ngọc, nền móng thứ mười hai bằng tử ngọc. Mười hai cửa là mười hai khối ngọc trai; mỗi cửa là một khối ngọc duy nhất. Quảng trường của thành bằng vàng y như thủy tinh trong suốt” (Kh 21: 21). Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý rằng hình ảnh như vậy truyền tải vẻ đẹp không thể diễn tả, không thể hiểu được của thiên đàng hơn là nhằm mục đích mô tả theo nghĩa đen.

Vượt ra ngoài “nơi ở” của thiên đàng, Sách Thánh cũng nhấn mạnh thiên đàng là trạng thái hiện hữu của linh hồn – hạnh phúc trọn vẹn trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với tất cả các thánh và các thiên thần. Thiên đàng được xác định là “thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời” (Hípri 12:22). Chất lượng cuộc sống trên thiên đàng được mô tả là “sự sống đời đời” (Mt 19:16), “niềm vui của Chúa” (Mt 25:21), “phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban” (Gc 1:12), “triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (I Pr 5:4) và “gia nghiệp vinh quang phong phú” (Ep 1:18). Đây là một cộng đoàn may mắn gồm những người đã trung thành phục vụ Chúa trong cuộc đời này và giờ đây đã được kết hợp hoàn hảo vào Thân thể Mầu nhiệm của Ngài, tiếp tục thực hiện ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, ngay cả những lời mô tả này cũng không thể diễn tả đầy đủ ân phúc của thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (I Cr 2:9). Chẳng có gì ngạc nhiên khi Thánh Phaolô đã nói: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Chúa Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1:23).

Trên thiên đàng, người ta tận hưởng thị kiến tuyệt vời, nhìn thấy Thiên Chúa “mặt đối mặt”. Một lần nữa, Thánh Phaolô đã viết: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (I Côrintô 13:12). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XII (1336) định nghĩa trong Tông thư Benedictus Deus, “Linh hồn của tất cả các thánh… và các tín hữu khác đã chết sau khi lãnh nhận phép thánh tẩy của Chúa Kitô (với điều kiện là họ không cần phải thanh luyện sau khi chết… hoặc khi họ đã được thanh luyện sau khi chết…) ngay trước khi họ lấy lại thể xác và trước cuộc phán xét chung… đã, đang và sẽ ở trên thiên đàng, trong Nước trời và chốn hạnh phúc tột cùng trên trời với Chúa Kitô, được tham gia cùng với các thiên thần thánh thiện. Kể từ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, những linh hồn này đã nhìn thấy và thực sự nhìn thấy bản chất thánh thiêng bằng một thị kiến ​​trực quan, và thậm chí mặt đối mặt, mà không có sự trung gian của bất cứ thụ tạo nào.”

Thánh Ambrôsiô (mất năm 397) đã diễn đạt thị kiến ​​diễm phúc bằng ngôn ngữ ít phức tạp hơn: “Vinh quang và hạnh phúc của anh chị em sẽ lớn lao biết bao, được phép nhìn thấy Thiên Chúa, được vinh dự chia sẻ niềm vui cứu rỗi và ánh sáng vĩnh cửu với Chúa Kitô, Chúa của anh chị em, và với Thiên Chúa,… để tận hưởng niềm vui bất tử trong Nước trời với những người công chính và bạn bè của Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, sự vui hưởng thị kiến phúc thật không hề hàm ý đó là một sự hiện hữu thiếu năng động. Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã phát biểu: “…Chính mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đưa ra câu trả lời cho việc tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta và ý nghĩa của Thiên đàng. Thiên đàng không phải là nơi chỉ có sự lặp đi lặp lại những tiếng hát Halleluia hay tiếng hạc cầm đơn điệu. Thiên đàng là nơi mà chúng ta tìm thấy đầy đủ tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta vui hưởng trên trái đất này. Thiên đàng là nơi mà chúng ta tìm thấy trong sự phong phú của nó, những thứ làm thỏa mãn cơn khát của những trái tim, thỏa mãn cơn đói của những tâm trí đang chết đói và trao ban sự nghỉ ngơi cho tình yêu tự hiến. Thiên đàng là sự hiệp thông với Sự sống hoàn hảo, Sự thật hoàn hảo và Tình yêu hoàn hảo.” Về bản chất, linh hồn trên thiên đàng vẫn chu toàn ý muốn của Thiên Chúa và sống với Thiên Chúa trong sự kết hợp yêu thương, theo nghĩa đầy đủ nhất của thuật ngữ này.

Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo đã tóm tắt cuộc thảo luận này rất hay: “Thiên Đàng” là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và các thánh. Thiên Đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực hóa các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc. Cuộc sống hoàn hảo này với Chúa Ba Ngôi Chí Thánh – việc hiệp thông sự sống và tình yêu này với Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần và tất cả những người được chúc phúc – được gọi là “thiên đàng.” Thiên đàng là cứu cánh tối hậu và là sự thỏa mãn những khao khát sâu xa nhất của con người, là trạng thái hạnh phúc tối cao, vĩnh viễn” (số 1024).

Với ơn Chúa, chúng ta phải không ngừng cố gắng hoán cải đời sống và lớn lên trong sự thánh thiện, để một ngày nào đó chúng ta cũng có thể được vào nghỉ ngơi trong thiên đàng của Chúa.

 

Phêrô Phạn Văn Trung chuyển ngữ

(https:catholicstraightanswers.com).

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts