THIỀN  TRƯỜNG  SINH  HỌC  NHÂN  ĐIỆN  VÀ  NGƯỜI  CÔNG  GIÁO

          Trong thời gian gần đây  nổi lên sự kiện khiến nhiều người Công Giáo không khỏi hoang mang lo lắng  đó là Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc: “ Đến hôm nay thì không ai chối cãi được tình trạng căng thẳng đáng lo ngại giữa Nhà Chúa Cha  Bảo Lộc và giáo quyền Đà Lạt khi con số các clip: “ Tiếng Nói Sự Thật được coi như  Cơ Quan Truyền Thông  chính thức của Nhà Chúa Cha đã lên tới 191 và  Nhà Chúa Cha  đã được chính thức mở cửa tại tiểu bang Virginia Hoa Kỳ với 04 linh mục, nhiều nữ tu và con số thành viên ngày càng gia tăng  gồm nhiều giáo dân  Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới” ( Nguồn Conggiao. Info – Jorathe Nắng Tím – Căng thẳng giữa giáo quyền Đà lạt và Nhà Chúa Cha  Bảo Lộc ).

          Để có thể đánh giá cho đúng về…sự kiện Bảo Lộc, chúng ta cần nhìn nó trong bối cảnh cuộc khủng khoảng toàn diện của Giáo Hội hiện nay và có như thế  mới hiểu được tại sao  nhóm này lại có  thể hấp dẫn được cả những Linh Mục, Nữ Tu  và không ít  giáo dân có đời sống cầu nguyện  tốt lành tham gia ?

          Trước hết cần nhìn nhận  cuộc khủng hoảng hiện nay là…có thật và đây phải chăng  chỉ là …cái hồi kết cuộc  của một diễn biến  không thể không xảy đến cho Giáo Hội Công Giáo  ?

          Nhìn nhận cơn khủng hoảng là điều cần thiết  bởi nếu không, chúng ta kể cả hàng giáo sĩ lẫn giáo dân  vẫn cứ còn…an tâm hay nói cho đúng là..ù lỳ  trong nếp sống cũ  mà không thấy đó chỉ là một thứ sống đạo hình thức chẳng giúp ích gì cho việc thực hiện tâm linh !!!

          Nhìn nhận cơn khủng hoảng  không phải… để bi quan nhưng là để thoát ra khỏi những trói buộc của nó về tư tưởng. Thế nhưng muốn thoát khỏi bất cứ  khủng hoảng  nào dù là chính trị, kinh tế hay tôn giáo thì cần biết tới cái nguyên nhân gây ra cho nó.

          Như  vừa  nói, cuộc khủng hoảng hiện nay  chỉ là…hồi kết của một  diễn biến không thể  không  xảy đến  do  đã phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô  và  thay vào đó là quan niệm  thần học về Thiên Chúa gọi là Đấng  Tạo Hóa. Cũng chính vì đã phủ nhận mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha thế nên Giáo Hội từ bấy lâu nay  xét trên phương diện thần học  đã tự làm mất đi  Con Đường Về chỉ có thể đạt được  qua việc tìm kiếm  Thiên Chúa,  Đấng  Hằng Sống: “ Đức Giehova đã sai các tôi tớ Ngài là các tiên tri đến cùng các ngươi, dậy sớm mà sai đến, nhưng  các ngươi không chịu nghe, không để tai  mà nghe các đấng ấy  nói rằng: Mỗi người trong các ngươi  hãy từ bỏ đường dữ mình mà trở lại. Hãy từ bỏ điều ác của việc làm mình  và ở trong ĐẤT mà Đức Giehova đã ban cho  các ngươi và tổ phụ các ngươi từ ngàn xưa cho đến đời đời” ( Gr 25, 4 -6 ).

          “ ĐẤT” ở đây không phải là… đất Canaan tại miền Trung Đông ngày nay  nhưng đó  chính là Bản Tâm  mỗi người. Trở về với Bản Tâm, đây mới  thật  là Con Đường Về của Đạo Chúa. Đức Ki Tô được sai đến thế gian với sứ mạng  khai mở Con đường Về ấy  bằng cách rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Chúa  nói với dân thành Carphanaum khi người ta muốn giữ Ngài ở lại: “ Ta còn cần rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác nữa  vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43 ).

          Chúa rao giảng Tin Mừng  có nghĩa  Ngài loan báo một cái Tin mà nếu ai nghe được thì sẽ phát khởi  lòng Mừng Vui lớn lao: Nước Chúa đã hiện hữu ở nơi mình từ thuở đời đời mà vì mê muội nên không biết, nay chỉ cần có lòng tin và hết lòng sám hối, ăn năn chừa cải tội  thì ắt sẽ gặp ( Mc 1, 15 ).

          Bởi Nước Chúa  là Thực Tại mầu nhiệm  vốn hiện hữu ở nơi mình  thế nên toàn bộ việc  Sống Đạo chỉ  hệ tại  ở việc …trở về. Trở về với Bản Tâm, Nhà Phật gọi đó là Giác Ngộ  tức nhận biết và sống với Tánh Biết ở nơi chính mình.  Đức Phật Thích Ca  cũng gọi là Giác Giả nghĩa là người  nhận biết và sống với Tánh Biết, chỉ đơn giản vậy thôi.

          Nếu không chấp nê vào ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể nói về Chúa Giê Su như thế khi  khẳng định về sự kiến tánh của Ngài: “ Khi nghe Chúa  nói: Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Ví bằng các ngươi  đã biết Ta  thì cũng đã biết Cha ta. Từ nay  các ngươi  biết Ngài, cũng đã thấy Ngài….

          …Philip nói rằng: Thưa Chúa xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi. Chúa Giê Su phán: Philip ơi ! Ta đã ở cùng các ngươi lâu dường này  mà ngươi há chưa biết Ta sao ? Ai  thấy Ta tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi. Ngươi há không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao ?…

          …Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự Ta nói đâu bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài. Hãy tin  Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta. Bằng chẳng vậy thì hãy nhân những việc ấy ( Các phép lạ ) mà tin Ta.         Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Ai tin Ta cũng sẽ làm được những việc Ta làm, lại làm việc lớn hơn nữa vì Ta về cùng Cha” ( Ga 14, 6 -12 ).

          Chúa nói: Ai tin Ta cũng sẽ làm được những việc Ta làm và còn  hơn thế nữa bởi vì Ta về cùng Cha. Ngài về cùng Cha để ban Thánh Linh  xuống và khi ấy nhờ ơn Thánh Linh soi dẫn chúng ta cũng có thể làm được những việc  Chúa làm  nghĩa là  nhận biết Cha Đấng vốn hằng hữu ở nơi mình.

          Con đường trở về với Đấng Cha ấy  cũng chính là con đường Kiến Tánh  của Thiền Tông. “ Kiến” ở đây  không phải là cái thấy của con mắt xác thịt  nhưng là của Tâm một khi đã vượt thoát được  mọi thứ chấp trước về ngôn ngữ  văn tự tức  những quan niệm, lập trường triết học này nọ. Bởi đó tổ Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ    thiền tông Trung Hoa  nói: “ Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến Tánh thành Phật”

          Thiền Tông chủ trương bất lập văn tự  không có nghĩa là hoàn toàn phế bỏ kinh điển, lời dạy của Phật  nhưng  coi văn tự chỉ là giáo tích  chứ chưa phải là giáo thể cũng như dấu chân voi chẳng phải  con voi.

 Chấp ( kẹt ) vào văn tự là cái bệnh của học giả xưa nay để rồi không  có cách chi bước vào Thực Tại. Bởi đó Đức Ki Tô nói: “ Ấy là thần khí làm cho sống chứ xác thịt  chẳng ích chi” ( Ga 6, 63 ). Chỉ thần khí mới làm cho sống  có nghĩa để gặp gỡ, kết hợp với Thực Tại thì duy chỉ có thể bằng cái Tâm tức Thiền Định mà thôi.

Tùy theo mục đích  mà có nhiều lối Thiền khác nhau. Có thứ  ngoại đạo thiền, có thứ …tà thiền. Thiền của Tiểu Thừa của Tịnh Độ của Đại Thừa và ngay trong Đại Thừa Thiền cũng chia ra nhiều tông phái khác nhau  như Thiền Lâm Tế, Thiền phái Trúc Lâm, Đa Lưu Chi v.v…Mục đích khác nhau thì phương pháp hành trì cũng khác nhau.

Mục đích  của  Thiền Tông là để kiến tánh thành Phật. Tuy nhiên thứ Thiền này chỉ để dành riêng cho những người có căn cơ thượng thừa và nhất thiết cần có tôn sư hướng dẫn nếu không  rất dễ sa đà vào ngoại đạo.

Vào  thời mạt  pháp  cách nay cả ngàn  năm thì duy chỉ có pháp môn Tịnh Độ  với phương pháp gọi là Trì Danh  Niệm Phật là thích hợp nhất cho đủ mọi căn cơ. Kinh Đại Tập nói: “ Thời mạt pháp, ức ức người tu hành, khó có người được giải thoát, chỉ nương nơi Pháp Môn Niệm Phật  mà được thoát khỏi luân hồi” ( HT Thích Trí Tịnh – Thiền – Tịnh Quyết Nghi ).

Niệm có nghĩa là Nhớ trong chánh niệm ( Sa Ti ). Nhớ cái gì sẽ có cái đó. Đây là nguyên lý tối thượng của Duy Thức Học. Nhớ đến thế gian thì có thế gian và sẽ bị thế gian trói buộc trong vòng ưu bi  khổ não. Trái lại Nhớ Phật  ắt sẽ được về Cõi Phật, sống an vui đời đời bên Phật.

Chân lý  muôn đời vốn dĩ là một. Áp dụng nguyên lý Duy Thức về việc Nhớ này cho Đạo Chúa cũng chẳng có chi khác biệt. Lời Chúa nói: “  Hãy nhớ đến Ta thì Ta cũng nhớ đến các ngươi” ( Ml 3, 7 ). Trong đời sống thường nhật cũng như tâm linh, cái sự Nhớ – Quên là vô cùng quan hệ. Ta có nhớ đến những việc lành người làm cho mình thì mình mới có thể làm việc lành cho người. Trái lại sở dĩ ta  làm ác cho người bởi vì ta  đã…quên  những việc  lành  người làm cho mình. Ta có  nhớ công ơn của Chúa đã hiến thân chịu chết cho mình thì mình mới có thể hy sinh và hết lòng phụng sự Chúa v.v…

Nhận ra như thế  để cho ta hiểu Thiền không là gì khác mà đó chính là luôn sống trong chánh niệm, tỉnh giác. Đi thì biết  mình đang đi, đứng thì biết  mình đang đứng….Ngồi, nằm, nói năng, đọc kinh, lần hạt v.v…tất cả đều như thế. Tóm lại  việc hành trì của Thiền Tông cốt yếu là làm sao để  biết được vọng khởi. Người đời vì u mê nên suốt đời sống trong vọng mà không biết.

Có…biết vọng khởi mới có thể…buông được vọng.  Để buông được vọng, nhà thiền đề ra các Công Án ( Kung An ) chẳng hạn “ Tiếng vỗ của một bàn tay” Hoặc “ Phật là cái que cứt khô” v.v…Công Án không có  ý nghĩa gì cả nhưng chính vì nó không có ý nghĩa  nên  mới thu hút  được vọng tâm cho đến một lúc nào đó cái khối nghi tình  bùng vỡ  và chỉ khi ấy mới đạt  được tình trạng Vô Tâm hầu khởi đầu bước đường Tu, kiến tánh thành Phật.

Con đường Kiến Tánh khởi Tu thành Phật tuy vậy rất khó khăn và  tuyệt nhiên không thích hợp  và nguy hiểm  cho đức tin của  người Công Giáo  nơi  Đức Ki Tô  bởi vì Ngài là con đường duy nhất đến với Chúa Cha: “ Ta là đường là  sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Hiện nay có một số linh mục, tu sĩ và cả nữ tu đến thọ giáo, tu tập tại Thiền Viện Trúc Lâm  Yên Tữ tại Đà Lạt của H T Thích Thanh Từ  và kết quả đạt được của những vị ấy  cho thấy nó có mang lại gì cho đức tin Công Giáo không  hay ngược lại ?

Có nữ tu tên là T.S  đã nói lên trải nghiệm sau một thời gian Tu tại Thiền Viện đó như sau: “ Dù đã trải qua không  dưới 05 năm học và  thực hành cầu nguyện mà cho đến lúc này tôi vẫn không thể tập trung, khiến mọi ý tưởng  cứ như nối đuôi nhau…đi ra, đi rước ( ? ). Một cuộc rượt bắt căng thẳng suốt buổi tập thiền đầu tiên ấy. Trong những  buổi tập tiếp theo, thân xác tôi tôi đau mỏi do ngồi lâu ( tám giờ một ngày)….khiến tôi không thể chú tâm  vào  việc thở như được hướng dẫn…Tôi ( bèn thử )…chuyển sự tập trung vào  cảm giác của cơ thể, để ý xem đau nhức thế nào và những phản ứng của cơ thể ra sao và rồi ý thức bật lên  trong tôi về sự sống hiện tại với câu niệm lập đi lập lại: “Thiên Chúa là sự sống”. Cùng lúc,  những tiếng động chung quanh không còn cản trở tôi cầu nguyện  mỗi khi tâm hồn tôi chìm vào từng tiếng chim hót xa xa, từng tiếng côn trùng vang lên trong đêm tối. Ý thức và lắng nghe như thế, tôi chiêm ngưỡng  Sự Sống Huyền Diệu đang diễn ra quanh tôi….

Với chị nữ tu T.S thì cầu nguyện là để …lắng nghe tiếng chim hót xa xa, tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Đó thực sự không có quan hệ gì đến  cầu nguyện,  chỉ là vọng khởi  mà không biết đó thôi !!!

Trái với nữ tu T. S, Thiền của nam tu sĩ tên T. K  thì cầu nguyện bằng Thiền là để cho tâm trí…trống rỗng: “ Sau khi từ Trúc Lâm trở về, tôi tiếp tục Thiền hơn một năm  với cố gắng  để cho tâm trí trống rỗng và tôi cảm thấy mình lớn lên một cách rõ ràng. Khi theo dõi các ý tưởng  do chúng  nổi lên mà không buông theo chúng nhưng chỉ làm như người canh cửa nhà chúng ra vào một cách khách quan, lạnh lẽo ( ? ) thôi  thì sự chú ý của tôi  sẽ từ dòng chảy đó mà chuyển sang sự trống rỗng của tâm trí tôi và thế là sự an tĩnh xuất hiện” ( nguồn: dongten.net 01/4/2011 – Lm Giu Se Hoàng Sĩ Quý S. J – Yoga, Thiền trên thế giới và với Ki Tô giáo hôm nay ).

 Sử dụng Thiền cho việc cầu nguyện là điều rất nên,  nhất là trong cơn khủng hoảng  hiện nay. Thế nhưng có ơn ích gì không khi các tu sĩ ấy phải lặn lội tới Trúc Lâm Thiền Viện  để rồi  sau nhiều năm  thực hành cầu nguyện  mà người này vẫn hoàn toàn sống trong vọng tưởng mà không biết. Còn  người  kia thì cầu nguyện với Thiền lại thấy mình…lớn lên từng ngày.

Cầu nguyện lại tưởng mình…lớn lên thì đâu có phải tinh thần  Bỏ Mình mà Đức Ki Tô truyền dạy: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

“ Bỏ Mình” dĩ nhiên không phải là…bỏ đi cái xác thân  nhưng thực chất là bỏ đi những vọng tưởng chấp trước  cho nó là mình. Tuy nhiên để có thể buông bỏ vọng tưởng là điều rất khó vì chưng con người từ nguyên thủy đã chấp lấy nó…làm mình. Chính vì lý do đó để có thể  buông được vọng thì cần có phương pháp và như đã biết Thiền Tông buông bỏ vọng là nhờ vào Công Án. Còn phía Công Giáo, Đức Mẹ khuyên phải siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi nhờ vào cấu trúc đặc biệt của kinh nguyện này gồm 03 Mùa Vui, Thương, Mừng. Mỗi  Mùa có 05 Thứ. Mỗi Thứ có 10 hạt. Mỗi khi lần chuỗi thì bắt buộc phải Nhớ Mùa, nhớ  Thứ, nhớ mình đang lần ở Hạt thứ mấy. Cứ Nhớ  thế khiến cho Tâm mình như  bị cột chặt vào  Tràng Chuỗi  khiến  vọng tưởng khởi lên là biết  liền và biết rồi thì buông bỏ đi  nhờ vào sự tiếp tục hành trì.

Siêng năng  lần Chuỗi Mân Côi  đó là phương thế  vừa đơn giản, ai ai cũng có thể  lại vừa hết sức công hiệu để nhận biết vọng và trừ vọng. Tuy nhiên lần chuỗi Mân Côi đó  chỉ là một trong những phương thế để Bỏ Mình. Ngoài ra  còn có các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể  đem lại cho Ta Sự Sống Đời Đời: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, ai tin Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh hằng sống. Tổ phụ các ngươi ăn manna trong đồng vắng  rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh  ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống  thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 47 -51 ).

Tin và đón nhận Mình, Máu Chúa đó là phương thế vừa dễ  lại vừa đem lại vô cùng ơn ích là sự sống đời đời. Thế nhưng nhân loại ngày nay đức tin vào Bí Tích Cực Thánh này hầu như không còn và vì đức tin không còn, thế nên người ta kể cả hàng ngũ các linh mục, tu sĩ đã rời bỏ Đức Giê Su Ki Tô  hòng  chạy theo các thứ ngoại đạo  trong đó có Thiền Trường Sinh Học ( Nhân Điện ) với mục đích để chữa bệnh và trừ quỷ.

Dẫu vậy, trừ quỷ chẳng biết có được không hay là… rước quỷ vào. Cha Juan Jose Gallego, một nhà trừ quỷ nổi tiếng  thuộc TGP Barcelona (  Tây Ban Nha ) đưa ra lời cảnh báo: “ Phong trào  New Age ( Thời đại Mới ) giống như một thứ huyệt điểm ( Reiki ) của phái Nhân Điện dùng bàn tay đặt vào những Luân Xa trên cơ thể con người để chữa bệnh và một vài phương phap Yoga có thể là cánh cửa cho ma quỷ đi vào” ( Nguồn GX  Tân Việt trích trong Tin Công Giáo Thế Giới – Tội gì ma qủy  thích  nhất ?: Thiền, Nhân Điện, Yoga là cửa ngõ cho ma quỷ ).

Tội  ma quỷ thích nhất đó là Tội Kiêu Ngạo. Nhóm Trừ Quỷ  Bảo Lộc  tự cho mình là …đạo đức, thánh thiện vì đã ăn chay, kiêng thịt, lần rất nhiều Chuỗi MC, chuỗi LTX  lúc nửa đêm và cho mình cái quyền không vâng phục  đấng bản quyền. Tất cả những điều ấy chẳng phải  kiêu ngạo  sao ? Một khi đã sống với lòng kiêu ngạo như thế  thì  làm sao  có được  lòng cậy trông nơi Chúa,  Đấng Giàu Lòng Xót Thương ? “ Ta muốn sự thương xót  chứ không muốn sinh tế. Vì Ta đến  không phải để kêu gọi  người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts