Thiểu Dục Tri Túc

          Trong  lời tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng  đã tỏ ra lo lắng trước viễn ảnh một bản án chung thân và xin cho được chết tại nhà thay vì ở trong tù “ Bị cáo trình bày, ngoài vụ án này còn bị cáo buộc cố ý làm trái trong vụ án khác trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bản thân mắc nhiều bệnh. Bố bị bệnh hiểm nghèo. Có một đứa con gái phát triển không bình thường rất cần sự chăm sóc của bố mẹ. Bị cáo mong muốn làm sao chấp hành án trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình trong vòng tay người thân” ( Nguồn: Báo Thanh Niên số ra ngày 14/01/2018 ).

          Một người vừa mới đây còn là uỷ viên BCT  quyền uy ngất trời mà nay lại bị còng tay lôi ra toà với tội tham ô. Điều ấy thật là nhục nhã tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó. Nhân nào quả đó làm sao tránh khỏi ?

          Cái giá của Đinh La Thăng cũng như của tất cả kẻ nào phải  nhận lãnh kết quả mình không mong muốn đó đều là vì  đã không biết đủ. Lão Tử nói “ Không hoạ nào lớn hơn bằng không biết đủ. Không có cái hại nào  bằng muốn được. Bởi vậy, biết đủ trong cái đủ mới luôn luôn đủ” ( Hoạ mạc đại ư bất tri túc. Cữu mạc đại ư dục đắc. Cố – Tri túc chi túc, thường túc hỹ – ĐĐK chương 46 ).

          Trong đời không có tai hoạ  nào cho bằng không biết đủ thế nhưng  người ta lại không nhận ra điều ấy. Bởi đó cho nên người giàu thì lại cứ muốn giàu thêm mãi. Còn người nghèo thì sanh tâm đố kị ghét ghen đưa đến việc trộm cắp cướp giật để rồi chuốc hoạ vào thân.

          Xét trong phạm vi rộng lớn hơn cho thấy cũng  chỉ vì cái sự…không biết đủ ấy mà đã gây ra biết bao cuộc chiến tranh tương tàn giữa quốc gia này với quốc gia khác. Giữa dân tộc này với dân tộc khác.

          Bản chất của sự…không biết đủ ấy  chính là lòng tham và lòng tham ấy tất yếu đưa đến khổ đau. Tại sao ? Bởi vì lòng tham  của con người thì vô cùng “ Bể kia dễ lấp còn túi tham khó đầy” nhưng đối tượng của lòng tham thì…có cùng. Tựu chung lòng tham muốn chỉ gồm troing năm điều đó là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon mặc đẹp và ngủ nghỉ. Năm món ngũ dục ( Tài, sắc, danh, thực, thuỳ) ấy xét ra chỉ là hư ảo. Nó có đấy rồi liền  mất đấy như bóng câu qua cửa sổ.

          Mặc dầu vậy người đời vì vô minh điên đảo nên đã chấp những cái hư ảo ấy cho là thật có để rồi bám chặt vào nó. Chưa được thì cố cho bằng được. Còn như được rồi  thì lại sợ mất. Cũng bởi cho cái lẽ …được, mất  là thật thế nên người đời  phải chuốc lấy tất cả phiền não khổ đau mà không biết. Trái lại với những  con người đi trên đường đạo  thì luôn vừa ý với những gì mình đang có tức là …biết đủ.

          Trong Kinh Thuỷ Sám Phật nói “ Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng  du vi an lạc. Bất tri túc chi nhơn tuy xứ Thiên Đường diệt bất xứng ý” ( Người biết đủ dù nằm trên đất cát vẫn an lạc. Trái lại người không biết đủ dù ở trong cung trời cũng không vừa ý ).

          Cái tinh thần…biết đủ ấy chỉ có đối với những người ý thức mình  đang bước đi trên con đường giải thoát “ Đã hẳn việc giữ đạo là một nguồn lợi lớn đối với những  ai  biết lấy cái mình có là đủ. Quả vậy chúng ta đã không mang gì vào thế gian thì cũng chẳng mang gì ra  được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm giầu thì bị  sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại. Đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong” ( 1Tm 6, 6 -9 ).

          Không mang gì vào thế gian, ở đây  có ý muốn nói con người khi đầu thai trong lòng mẹ thì không có tài sản chức tước địa vị chi hết và khi chết đi cũng chẳng mang theo được gì. Mặc dầu vậy con người không phải từ hư vô để  chết rồi lại trở về với hư vô nhưng  tất cả là do nơi  cái Nghiệp của mình.

          Nghiệp được hình thành là do nơi sự lập đi lập lại có chủ ý của ý nghĩ lời nói và việc lảm. Nghiệp không phải là cố định ( định nghiệp ) nhưng có thể chuyển từ nghiệp ác sang nghiệp lành và ngược lại. Tuy nhiên phần lớn con ngjười bị hoàn cảnh lôi cuốn dẫn dắt, rất khó để mà có thể chuyển nghiệp theo cái hướng tích cực tức từ nghiệp ác sang nghiệp lành.

          Lấy ví dụ như trường hợp Đinh La Thăng. Ông ta sinh ra, lớn lên và làm việc trong một môi trường có thể nói là…vô cùng độc hại. Người ta chỉ biết tranh danh đoạt lợi, bất chấp mọi mưu mô thủ đoạn chỉ cốt để thoả cái lòng tham không đáy không biết đủ của mình.

          Nghiệp nhân nào sẽ có nghiệp quả đó và khi quả đã chín  thì như ông TBT Trọng nói: Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy ??? Đúng là củi khô, củi tươi và tươi đến mức nào rồi cũng phải cháy thôi. Thế nhưng vấn đề ở đây là cháy rồi có phải  là đã hết hay chưa ? Đinh La Thăng trong lời nói cuối cùng xin được ra khỏi nhà tù trước khi chết  để khỏi làm …con ma tù  hầu làm …ma tự do !

          Làm người không muốn lại muốn làm …ma. Thế nhưng để sống làm người, hơn nữa làm người tự do thì phải biết  thay cho sống ác  tức chỉ sống cái lòng không biết đủ của mình bằng những việc thiện để mang lại lợi ích cho người “ Đừng để điều ác thắng mình. Nhưng hãy lấy điều thiện  thắng điều ác” ( Rm 12, 21 )./.

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:

Related posts