“Ở đâu tình yêu thương điều khiển, thì ở đó không có ham muốn quyền lực;
và ở đâu quyền lực chiếm ưu thế, thì ở đó thiếu vắng tình yêu thương.
Người này trở thành bóng tối đối với người khác.” (Carl Jung)
Kính thưa hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô,
Con viết thư gởi cho hai thánh vì cả hai vị được giáo hội mừng kính trọng thể trong cùng một ngày 29-06 hàng năm, và nhất là vì con vô cùng yêu mến và cảm phục cả hai thánh như nhau, “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”!
Hai thánh đều là tông đồ lớn của Chúa Giêsu. Một vị được Đức Giêsu đặt làm đá tảng và làm tông đồ đầu tiên của Hội Thánh. Một vị được chính Đức Giêsu sai đi làm tông đồ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho chư dân, nghĩa là cho các dân không thuộc Do Thái. Cả hai vị đã làm được việc lạ lùng giống như Đức Kitô: chữa người đau ốm bệnh tật, trừ quỷ, trừ tà, cho người chết sống lại, và cuối cùng cả hai đã chết vì trung thành với đạo Chúa Kitô.
Hôm nay con viết thư này bày tỏ lòng cảm phục, tuyên dương lòng dũng cảm và tinh thần phục vụ của hai thánh. Xin cầu bầu cho con để trong cuộc sống dâng hiến muôn vàn khó khăn này được luôn tín thác vào lòng Chúa thương xót, dấn thân loan truyền và làm chứng cho lòng thương xót đến hơi thở cuối cùng hầu được hưởng phúc như các ngài đời sau.
Nếu chỉ mừng lễ hai thánh với tấm lòng chân thành như thế thì thật phải lẽ, nhưng thật sự chưa đủ, vì còn những sự lớn lao hơn thế nữa bội phần. Chắc chắn hai thánh chẳng muốn chúng con mừng lễ với kèn trống, cờ quạt, rước sách tưng bừng, trịnh trọng nặng phần nghi lễ hình thức, rồi kết thúc bằng tiệc tùng linh đình thịnh soạn với những bó hoa đắt tiền, những món quà to đùng, những bài diễn văn sáo rỗng, những tràng pháo tay theo phong trào. Cuối cùng no say rồi đường ai nấy đi, nhà ai nấy về, hẹn sang năm… đến hẹn lại lên, mừng bổn mạng lớn hơn năm trước! Trước ngày lễ, con có dành chút lắng đọng chuẩn bị tâm hồn mình mừng lễ, hay chỉ dành thời gian lo quà cáp tiệc tùng ? Khi mừng lễ, con có học được điều gì từ cuộc sống của vị thánh bổn mạng không? Sau buổi lễ, có còn đọng lại trong con chút gì thiêng liêng không?
Con có được bổ dưỡng đời sống tâm linh chút nào không, hay chỉ có thuần bổ dưỡng thân xác như lễ hội của thế gian?
Nói ra thì tội lắm hai vị thánh kính yêu của con ơi. Lễ bổn mạng mà kẻ lo người mừng, có lạ không chứ! Người trên được biếu xén rất nhiều quà mừng “quan thầy”, nhiều đến độ không biết để đâu cho hết, không còn chỗ để treo, không biết đem đi đâu, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Kẻ dưới phải lo tìm những món quà cho có ý nghĩa, có giá trị, không ‘đụng hàng’! Dù nghèo mấy cũng phải mua quà cho cân xứng, coi cho được, chả lẽ ! Kẻ dưới cố gắng tìm cách sao cho người trên nhận ra món quà của mình. Những lẳng hoa mắc tiền to đùng ấy sau buổi lễ cũng bỏ thùng rác thôi, nếu “quy ra thóc” cũng giúp được khối gia đình nghèo có miếng cơm ăn đỡ đói. Rồi đến phần tiệc tùng, ai mời, ai không, cũng phức tạp vô cùng! Sao người trên không mừng kẻ dưới mà chỉ có kẻ dưới phải đi mừng người trên thôi? Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm đầu thì hầu thiên hạ” cơ mà! Trong những buổi lễ mừng đó thì ai hầu ai? Hai thánh có buồn khi thấy con cái mình còn nặng vòng tục lụy như vậy không ạ? Không chừng bây giờ thánh Phaolô lại phải đau lòng ứa lệ mà nói lại vì “có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 4,18-19).
Khi tự hỏi mình như thế, con xin hai thánh tông đồ khẩn cầu Thiên Chúa ban cho kẻ phàm phô tục tử như con được Thần Khí Đức Kitô Phục Sinh đổi mới cách suy nghĩ, cách nhìn, và cách thức mừng lễ sáo mòn theo kiểu thế gian từ trước đến giờ. Xin cho con mừng lễ trong sự hân hoan của Thánh Thần xuất phát tự cõi lòng vì đó là dịp để ca ngợi Đức Giêsu Kitô, Đấng đầy quyền năng và giầu lòng thương xót, đã làm những sự lạ lùng nơi hai thánh cũng như nơi những kẻ Ngài thương xót hôm nay.
Hai thánh tông đồ kính mến,
Trước khi là thánh, có phải hai vị cũng là các người tội lỗi, yếu đuối, chập choạng trên con đường đức tin như mỗi người chúng con hôm nay không?
Với thánh Phêrô, theo con mắt phàm nhân mà nhìn việc Đức Giêsu chọn ngài làm người kế vị thì người ta có thể cho là Chúa đã… chọn lầm, vì cho đến khi Chúa từ cõi chết sống lại thì cuộc đời ngài có khá nhiều lầm lỗi.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã biết Phêrô hơn chính Phêrô biết mình: “Trước khi Ta nặn ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi”. Đức Giêsu biết mọi tư tưởng hành động của Phêrô, cả việc sau này sẽ bỏ Thầy và chối Thầy khi Thầy hoạn nạn. Lối cư xử này đối với người đời thì không thể chấp nhận được, vì coi như là một phản đồ cần phải loại trừ.
Đức Giêsu đã không bỏ mà lại chọn Phêrô, để chịu đựng, uốn nắn, cứu chữa và làm cho Phêrô nên thánh. Đức Giêsu chọn Phêrô vì lòng thương xót Chúa dành cho ngài, thế thôi!
Với thánh Phaolô, trước mắt thế gian, ngài thuộc giới thượng lưu, trí thức, giỏi lề luật, sùng đạo. Phaolô còn hãnh diện vì “giữ luật đúng như một người Pharisiêu, nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh, còn sống công chính theo lề luật thì chẳng ai chê trách được” (Pl 3,5-6).
Thế nhưng, Chúa chọn Phaolô, không phải vì ngài tài đức, uyên bác, thượng lưu. Đức Giêsu đã đánh ngã những cái đó trên đường Đamas và làm cho ngài mù tối luôn. Khi được Đức Giêsu mở mắt cho thì Phaolô thấy được ánh sáng mới cao vời, sung mãn là chính lòng thương xót của Chúa tuyệt diệu quá đến nỗi ông phải kêu lên : “Cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô Chúa tôi, mọi sự khác tôi cho là phân bón cả”.
Trong xã hội Do Thái có hai giai cấp khác nhau, thánh Phaolô thuộc giai cấp trí thức, thánh Phêrô thuộc giai cấp lê dân. Cả hai ngài đều hăng say năng nổ, muốn dùng sức lực của mình và phương tiện của thế gian để bảo vệ Chúa mình tôn thờ, và tiêu diệt những kẻ không theo đạo giống mình.
Nhìn qua tiểu sử của hai vị, con thấy tuy có sự khác biệt về giai cấp, về địa vị, về trí thức, nhưng trước mặt Đức Giêsu cả hai chỉ là tạo vật u tối, tội lỗi và cần được thương xót như nhau. Đức Giêsu đã cứu cả hai. Mỗi người được cứu một cách khác nhau, nhưng cả hai vị đều được dìm mình trong đại dương lòng Chúa thương xót.
Đức Giêsu không dùng một chút vốn liếng tài ba hãnh tiến nào của Phaolô để xây dựng Hội Thánh, cũng như không thấy sự dốt nát hèn kém nào của Phêrô gây trở ngại cho việc lập Hội Thánh của Ngài.
Thiên Chúa đã tỏ hiện hết mức lòng thương xót trên hai con người tội lụy như thế để tất cả nhân loại biết rằng Thiên Chúa yêu loài người chúng ta không phải vì chúng ta tốt đẹp gì, nhưng vì chúng ta khấp khểnh tội lỗi. Ơn cứu độ, ơn nhưng không là thế.
Khi trả lời câu phỏng vấn: “Jorge Bergoglio là ai ? ” Đức Thánh Cha Phanxicô đáp : “Tôi là người tội lỗi được Chúa nhìn đến”. Và Ngài tuyên bố : “Chính tôi là người tội lỗi đây, có gì lạ đâu ! Cái lạ là ở chỗ được Chúa nhìn đến, được Chúa xót thương. Và từ đó người ta tìm xem Chúa xót thương ở chỗ nào.”
Khi được Chúa cho thấy mầu nhiệm này, cùng một lúc thấy cái thực hữu tối tăm của chính bản thân mình, thánh Phaolô thốt lên: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cr 4,7-8).
Còn Phêrô sau khi được tràn đầy Thánh Thần và cho một người què từ khi lọt lòng mẹ ở Cửa Đẹp đền thờ được đứng lên đi lại chạy nhảy như nai, thì Phêrô đã nói với đám đông hoan hô ông rằng: “Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?… Chính nhờ lòng tin vào danh Đức Giêsu; chính lòng tin Người đã ban cho anh này được khỏi hẳn như thế” (Cv 3,12-16).
Kính thưa hai vị thánh khả kính,
Theo con thấy, cái làm cho hai vị được trở thành chói sáng như hai vì sao trong vòm trời Hội Thánh, đáng được các tín hữu chiêm ngắm noi theo chính là hai vị đã biết khiêm tốn sấp mình xuống, nhận mình là hèn hạ tội lỗi rồi mở tâm hồn ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hôm nay nhìn vào hai ngài, con phải lớn tiếng ca ngợi Đức Giêsu Kitô, Đấng giầu lòng thương xót đã làm cho hai cục đất hèn mọn được trở thành hai vị thánh quyền năng, chói lòa vinh quang của Thiên Chúa. Chúa đã làm cho mỗi bước chân của hai vị đi đến đâu là một ơn lạ được ban ra. Bóng của hai vị rợp trên ai thì người ấy được chữa lành. Một bài giảng của Phêrô thì đoàn đoàn lũ lũ người quay về tin theo đạo Chúa. Mỗi chặng đường của Phêrô là biết bao giáo đoàn được thành lập (Cv 5,14; Cv 19,11). Cuối cùng máu của hai vị đã đổ ra làm bằng chứng cho mọi người biết Đức Giêsu đã xót thương, và làm cho hai vị nên giống Ngài như thế nào !
Trước khi trao quyền cai quản Hội Thánh, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Anh em bảo Thầy là ai?” Cùng lúc đó Chúa ban Thần Khí để Phêrô có thể tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-17).
Đây là một biến cố rất quan trọng, nói lên đặc tính của Hội Thánh Đức Kitô. Hội Thánh này không phải là một thứ tổ chức cơ cấu hội hè như các tổ chức trần gian mà là một cộng đoàn được điều khiển bởi một quyền năng siêu phàm ở ngoài trần gian, bởi một Đấng có quyền trên sự sống và sự chết của muôn loài.
Đức Giêsu nói: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18). Lời này không chỉ là sự vui mừng cho những kẻ tin, mà còn là án chung thẩm trên các quyền lực tối tăm đang hoành hành trong nhân loại, bằng mọi kiểu, mọi cách, dưới mọi bộ mặt, mọi lớp áo, đôi khi cả lớp áo đạo đức nữa. Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người, đã có mặt trong lịch sử loài người, sẽ đưa tất cả những ai tin Ngài vào trong Nước Thiên Chúa. Ngài xây dựng Hội Thánh trên đá tảng Phêrô, không quyền lực tối tăm nào phá được đá tảng ấy.
Ấy vậy mà sau khi Đức Giêsu lên trời được ít lâu, thì Phêrô bị bắt xiềng hai tay, cùm hai chân, nhốt vào ngục đá, trao cho toán lính cứ bốn tên một, canh giữ ngày đêm đợi sau lễ Vượt Qua sẽ đem ra xử tội.
Mới hoạt động được ít ngày, số phận của Phêrô đã bị rơi vào quyền lực trần gian. Tảng đá của Chúa tiêu tan từ đây chăng ? Kinh Thánh nói : “nhưng này thiên thần Chúa hiện đến, ánh sáng rạng ngời trong ngục thất… xiềng xích tuột khỏi tay ông… họ qua đợt canh thứ nhất, rồi đợt thứ hai, thì đến cửa sắt trổ ra phố, cửa ấy bỗng dưng mở ra cho họ, họ đi ra… tức thì thiên thần từ biệt ông đi mất.” (Cv 12,6-10).
Đây là một trong muôn vàn dấu lạ, hằng quấn quýt, gắn bó, bao phủ lấy Hội Thánh, từ ngày tiên khởi cho đến cánh chung, chứng tỏ việc điều khiển Hội Thánh là do Đấng Sống Lại chứ không phải do bàn tay con người. Kinh Thánh nói: “Sau cuộc thương khó, Ngài cho thấy mình vẫn sống” (Cv 1,3), vẫn hoạt động trong Hội Thánh: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Người ta có thể giết được giáo hoàng, giám mục, linh mục, giáo dân, nhưng không thể đập bể được tảng đá Giáo Hội. Đụng vào tảng đá này, nhiều người được hoán cải, được cứu rỗi như Phaolô; nhiều kẻ trái lại bị tan tác tiêu ma như Herode, Philatô và các Hoàng đế Roma.
Hội Thánh Chúa không cần gươm giáo, quyền lực thế gian để bảo vệ. Hội Thánh Chúa được bảo vệ bằng quyền năng siêu phàm của Chúa Thánh Thần, là nguồn thương xót ban phát ơn cứu rỗi nơi lòng mến Đức Giêsu Kitô. Những ai muốn bảo vệ Hội Thánh thì phải chạy vào ẩn núp nơi lòng thương xót của Đức Giêsu và trong lửa mến Thánh Thần.
Ngày nay nếu Chúa Giêsu hiện ra với con và hỏi cùng câu hỏi với thánh Phêrô: “Con có yêu Thầy không?” Thú thật con không biết trả lời thế nào cho ổn. Lý do là vì con đang say sưa tìm kiếm chức tước, địa vị, quyền lực. Con đang bôn ba tìm mua đất đai, xe cộ, máy móc hiện đại. Mối bận tâm của con là xây dựng những tòa nhà dinh thự cơ ngơi đồ sộ. Trái tim con chất chứa bằng ấy sự thế gian, còn chỗ nào cho Chúa? Thời giờ tâm trí con mải mê lo tìm kho tàng trần gian, còn giờ đâu chăm sóc con chiên? Đầu óc con chất đầy những con số, những địa chỉ đại gia, còn chỗ đâu mà học hỏi nghiên cứu suy tư, như thế thì lấy gì ra mà giảng dạy?
Con thấy chính ĐTC Phanxicô cũng đã xin 300 giám mục dự lễ bế mạc HĐGM Ý khóa 65, trả lời không “lèo lái” câu hỏi Chúa Kitô đã đặt ra với thánh Phêrô “Con có yêu thầy không?” Mọi chủ chăn phải tự đặt cho mình câu hỏi đó bởi vì mọi mục vụ đều xây trên nền tảng “thân mật với Chúa, sống với Chúa”
Người kế vị thánh Phêrô lớn tiếng tuyên bố: “Chúng ta không phải là thể hiện củamột cơ cấu nhưng “là dấu chỉ sự hiện diện hành động của Chúa Phục sinh”. Vì thế phải có “một sự tỉnh táo” thiêng liêng, thiếu nó thì chủ chăn, trước hết là giám mục “sẽ nguội lạnh, vô tâm, quên lãng và trở thành vô cảm, bị lôi cuốn theo viễn tượng chức quyền, tiền bạc và thỏa hiệp với tinh thần thế tục. Những cái đó làm họ trở nên lười biếng, thành một thứ công chức, một nha lại của nhà nước, chỉ biết lo cho bản thân, cho tổ chức và các cơ cấu, thay vì lo cho lợi ích đích thực của dân Chúa. Làm thế họ dễ bị rơi vào tình trạng nguy hiểm như thánh Phêrô đã chối Chúa. Mặc dầu, trên hình thức họ tự xưng và rao giảng nhân danh Thiên Chúa, nhưng họ đã làm tổn thương đến sự thánh thiện của Mẹ Giáo Hội bằng cách làm cho Giáo Hội ít sinh hoa kết trái.”
Sáng thứ năm 6-3-2014, trong buổi gặp gỡ 9 giám mục phụ tá, 1000 linh mục và phó tế phục vụ trong 330 giáo xứ thuộc giáo phận Roma, suy niệm Tin Mừng thánh Mathêu về việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy con người mệt mỏi và kiệt lực như đoàn chiên không có mục tử chăm sóc, ĐTC Phanxicô gợi lại sứ điệp về Lòng Chúa Thương Xót mà thánh nữ Faustina truyền bá: “Trong tư cách là các thừa tác viên của Giáo Hội, chúng ta có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp về lòng thương xót của Chúa được luôn sinh động, nhất là trong các bài giảng, các cử chỉ và các quyết định mục vụ… Theo hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục là người từ bi và thương xót, gần gũi dân chúng và phục vụ tất cả mọi người. Bất cứ ai bị thương tổn trong cuộc sống một cách nào đó, có thể tìm thấy nơi vị linh mục sự quan tâm và lắng nghe…Chúng ta có thể nghĩ Giáo Hội ngày nay như một bệnh viện dã chiến săn sóc những người bị thương. Và có bao nhiêu người bị thương vì những vấn đề vật chất, vì gương mù gương xấu, kể cả trong Giáo Hội, những người bị thương vì những ảo tưởng của trần thế”.
Hai Thánh kính mến,
Bản thân con thấy mình luôn bị cám dỗ về tiền bạc, danh vọng, chức tước. Con ham hố chức quyền lắm. Con khao khát có được một địa vị nào lắm. Con hãnh diện vì mình quen biết những đấng bậc tai mắt vị vọng lắm. Chính vì thế con giật mình khi ĐTC Phanxicô đã nhắc các giám mục và linh mục phải cẩn thận tránh xa cám dỗ về sự tìm kiếm tiền tài, dấn bước vào con đường tham vọng và phù vân. Những người như thế sẽ có kết cục lố lăng: ngạo mạn, thích phô trương, ham quyền lực.
ĐTC nhấn mạnh: “nếu chúng ta đi với người giàu, là chúng ta đang đi về phía hư vô. Chúng ta sẽ trở thành chó sói, chứ không phải người chăn chiên… Giám mục không phải là giám mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, linh mục không là linh mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài để bảo vệ họ khỏi chó sói.”
Con cũng hay tự xưng mình là “mục tử”, là “chủ chăn”, nhưng thực sự con hành xử như kẻ “chăn thuê”. Trong bài huấn dụ Chúa Nhật 11/05/2014 là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành cũng là ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi, ĐTC Phanxicô nói: “Ngày nay cũng như vào thời của Chúa Giêsu, có nhiều người tự đề nghị mình là chủ chăn của cuộc sống chúng ta, nhưng chỉ có Chúa Phục Sinh là Mục Tử đích thật duy nhất, là Đấng ban cho chúng ta sự sống tràn đầy…Noi gương Chúa Giêsu, mỗi chủ chăn đôi khi phải đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng, những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gũi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau.”
Đời sống của con có là gương sáng cho giáo dân không? Những lời con rao giảng có ăn khớp với cuộc sống của con không? ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh vai trò của “chứng nhân” trong tông huấn Loan Báo Tin Mừng: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy ấy là các chứng nhân”.
Bộ Giáo dục Công giáo cũng khẳng định: “Nhà giáo dục sống đời sống đức tin sống động sẽ dạy bằng chính con người mình nhiều hơn là bằng những gì mình nói.” Ca dao Việt Nam cũng nói: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.”
Trong cuộc gặp gỡ các chủng sinh và tập sinh, khi nói về tính chân thật, ĐTC Phanxicô nhìn các nhà đào tạo và nói: “Trước tiên đây là một trách nhiệm của người lớn, của các nhà đào tạo. Chính các bạn, những nhà đào tạo đang hiện diện nơi đây, phải nêu gương về sự chân thực cho người trẻ”.
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng thêm: “Ngay cả trong thời đại này, người ta thích nghe các nhân chứng: họ “khao khát sự xác thực … và đòi phải nói về một Thiên Chúa mà chính mình biết và quen thuộc với, như thể thấy Đấng vô hình”
Hai thánh thấy có lạ không? Con chiên khi có việc cần các mục tử giúp đỡ thì lúc nào cũng sợ “quấy rầy”, sợ làm phiền, sợ mất thì giờ của “các đấng”, nhưng ĐTC kêu gọi: “Tôi xin anh chị em hãy quấy rầy tất cả chúng tôi là các chủ chăn, để chúng tôi có thể cho anh chị em sữa của ơn thánh, của giáo lý và sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy”!
Con có sẵn sàng cho giáo dân đến “quấy rầy” để xin “sữa ơn thánh, giáo lý, và sự hướng dẫn” không? Hay chỉ một số giáo dân có máu mặt mới “ưu tiên” được “quấy rầy”, còn những người khác thì không! Hãy đợi đấy!
Điểm quan trọng nhất của người mục tử phải là “lòng xót thương” mà con phải đeo đuổi suốt đời. Chúa Nhật 11-5-2014, tại đền thờ thánh Phêrô, trong thánh lễ truyền chức linh mục cho 13 phó tế, trong đó có 1 thầy Việt Nam là thầy Phaolô Nguyễn Thiên Tạo thuộc giáo phận Vinh, ĐTC đã phải năn nỉ các tiến chức: “Cha muốn xin các con, vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô: đừng bao giờ mệt mỏi thương xót! Các con hãy có khả năng tha thứ như Chúa, là Đấng không đến để lên án, nhưng để tha thứ! Các con hãy thương xót thật nhiều! …Cha đau lòng lắm, khi thấy giáo dân không đến xưng tội vì họ đã từng bị quất bằng gậy, bị la mắng trong tòa giải tội. Thật là xấu. Họ đã cảm thấy cửa nhà thờ đóng sầm trước mặt họ. Cha xin các con, chớ làm như vậy! Thương xót! Thương xót! Mục Tử Nhân Lành vào qua cửa, và cửa của lòng xót thương là các vết thương của Chúa: nếu các con không bước vào chức thừa tác của các con qua các vết thương của Chúa, thì các con sẽ không phải là các mục tử tốt lành… Hãy kiên trì đọc và suy niệm Thánh Kinh, hãy dạy điều đã học trong đức tin và sống điều mình dạy dỗ người khác. Hãy luôn có trước mắt gương của vị Mục Tử Nhân Lành, tới không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và cứu vớt những gì đã hư mất”.
Kính thưa hai thánh tông đồ,
Là một tín hữu, con thường có niềm hãnh diện là đang sống trong một Hội Thánh quyền năng vững vàng như đá tảng, không một áp lực nào của hỏa ngục có thể làm lung lay nổi Hội Thánh ấy. Thế nhưng có lần nào con tự đặt câu hỏi cho mình: “Tuy là Kitô hữu, nhưng tôi đang sống theo Đức Giêsu hay là tôi đang về phe với hỏa ngục để phá hoại Hội Thánh, nghĩa là tôi đang sống trong thân nghĩa với Thiên Chúa hay đang sống theo những đam mê thế gian, đang sống trong tội?” Phạm tội tức là thù nghịch với Đức Giêsu Kitô. Một tế bào trong thân mình Đức Kitô mà hư thối, mà chứa đầy mầm mống của sự chết, tức là tội lỗi, thì càng làm đau đớn cho trái tim Chúa Giêsu hơn là những kẻ chống đối bên ngoài nhiều lần.
Ngày hôm nay vết thương của trái tim giầu lòng thương xót ấy vẫn rỉ máu. Xin hai thánh cầu bầu cho chúng con biết hồi tâm quay về với lòng thương xót của Chúa trong Hội Thánh của Người. Chúa đã nói với chị thánh Faustina: “Cha ước mong các linh mục hãy rao giảng về Lòng Thương Xót khôn lường của Cha cho các tội nhân. Đừng để họ sợ hãi không dám đến gần Cha. Những ngọn lửa thương xót đang bừng cháy trong Cha kêu gào đòi được phung phát. Cha muốn trào đổ cho các linh hồn này. Sự hoài nghi của các linh hồn đang xé nát lòng Cha. Sự hoài nghi của một linh hồn ưu tuyển còn làm Cha đau đớn hơn nữa. Mặc dù Cha dành cho họ một tình yêu vô hạn, nhưng họ vẫn không tín thác vào Cha. Thậm chí cái chết của Cha mà vẫn không đủ với họ. Khốn cho các linh hồn nào lạm dụng những ân sủng này.” (NK, 50)
Con xin được hiệp với ĐTC trong ý nguyện cầu:
“Xin cho Giáo hội trở thành một “Giáo hội cầu nguyện và sám hối”, “giải thoát khỏi sự tôn thờ ngẫu tượng” cùng với những chủ chăn “thoát vòng kìm tỏa của sự ù lì lười biếng, tinh thần nhỏ nhen đê tiện, chủ bại”, giải thoát khỏi “buồn thảm, mất kiên nhẫn, xơ cứng” nhưng “hội nhập” và tràn đầy “lòng xót thương”. Như thế “chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui của một Giáo Hội phục vụ, khiêm tốn và trong tình huynh đệ”.
Tháng Thánh Tâm 2014
Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể