Thứ Năm ngày 23 – nhằm ngày 29 tháng Chạp – chuyện về “nồi bánh chưng”

Đương nhiên là bà con cả nước lúc này thì đã quá quen với cả cái bánh chưng vuông lẫn đòn bánh tét dài rồi…Nghĩa là ai thích thứ nào thì dùng thứ đó, nhưng bản thân người viết vẫn thích cái bánh chưng hơn, bởi vì cái “nhân” của nó thật tuyệt : nhiều đỗ xanh và miếng thịt ba chỉ mềm như tan trong miệng…

Có câu chuyện xưa kể rằng:

Đời Hùng Vương thứ 8, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con…

Nhân dịp đầu xuân, vua họp các hoàng tử lại và bảo rằng : Hoàng tử nào tìm được thức ăn ngon lành, bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi cho…

Vậy là các hoàng tử đua nhau tìm kiếm những của ngon, vật lạ…

Người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Tiết Liêu ( còn gọi là Lang Tiêu), tính tình hiều hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng do mẹ mất sớm, không có người chỉ vẽ…nên ông thấy lúng túng…

Một hôm Tiết Liêu nằm mơ thấy có vị Thần đến bảo : “ Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người…Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình trỏn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất…Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành.”

Tiết Liêu tỉnh dậy vô cùng mừng rỡ…Ông làm theo lời Thần dạy, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín…và gọi là Bánh Chưng…Ông giã xôi làm bánh tròn để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dày…Còn lá xanh bọc ở ngoài, đặt nhân trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái – nghĩa là cả cái Đạo Trời và Đất cũng như Đạo làm cha, làm mẹ cộng với Đạo làm con…đều được gói chém trong chiếc bánh Dày và bánh Chưng…Chiếc bánh Dày – trước đây – ít có dịp thấy trong miền Nam, nhưng đến nay…thì hầu như khá nhiều hàng giò, chả đều bán kèm theo…bánh Dày…

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều dọn đủ thứ thực phẩm lên các mâm cỗ : sơn hào hải vị đều có…Hòang tử Tiết Liêu chỉ có bánh Dày và bánh Chưng…Vua Hùng Vương lấy làm lạ bèn đến hỏi…Hoàng Tử Tiết Liêu thành thật đem chuyện Thần hiện đến và bày ông làm như vậy…Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa…bèn truyền ngôi vua lại cho hoàng tử thứ 18 Tiết Liêu…

 

Từ đó, mỗi khi Tết Nguyên Đán đến…thì dân chúng làm Bánh Dày và Bánh Chưng để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất…

Đấy là sự tích…

Trong thực tế, những giây phút cùng nhau ngồi bên cạnh nồi bánh chưng giữa cái lạnh se se…để đợi chờ đón Giao Thừa…là cả một sự lâng lâng quý giá, bời vì – chính giữa bầu không khí đặc thù ấy – những câu chuyện gia đình được chia sẻ và không ít những ngộ nhận, những sai lệnh được mọi thành viên trong gia đình trao đổi, cảm thông và xí xóa…Rất tuyệt bầu khí bên nhau trong ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng…

Từ ngày người viết lên hàng “ông” và ông bà cụ thân sinh không còn nữa…thì cũng mất luôn nỗi niềm hạnh phúc của những đêm giao thừa bên nồi bánh chưng…Đơn giản vì mấy đứa cháu lý luận : Ăn uống bao nhiêu đâu mà hì hoạch…Bỏ ra dăm trăm là có ngay…Nghĩa là có bánh và bánh gói đẹp để đặt trên bàn thờ, nhưng mất là mất những khoảnh khắc ấm êm ngồi bên bếp lửa…

Nhiều khi một mình trong Nhà Hưu những buổi chiều cuối năm đất trời xám xịt – đặc biệt là với cái tiết trời nhiều thay đổi của năm nay – người viết nhìn thấy cái phong cách trịnh trọng của ông cụ ngày xưa khi vuốt lá dong, đong bát nếp, nhúm nắm đỗ, đặt miếng ba chỉ mềm ngọt vào giữa …rồi bặm môi bặm miệng để vén các góc lá, cột lạt và sắp xếp vào nồi chưng : tất cả như một nghi thức…

Ai đấy có mấy câu thơ dễ thương :

            Bên ngoài xanh lá dong xanh,

            Bên trong nếp – đỗ – mỡ – hành – hạt tiêu…

            Gói NGHĨA TÌNH – gói YÊU THƯƠNG,

            Dẻo thơm từ thủa Lang Liêu tới giờ…

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts