THỰC HÀNH TÂM LINH NHƯ MỘT KHOA HỌC

Nhớ cái gì sẽ có cái đó, điều vô cùng giản dị này lại chứa đựng một chân lý vĩ đại: “ Vạn pháp duy tâm tạo”. Tất cả đều do Tâm tạo và tạo đây cũng chính là “nhớ”. Nhớ, tiếng Hán Việt gọi là NIỆM ( ) gồm bởi hai chữ KIM ( ) và TÂM ( ) Tâm trong thời hiện tại gọi là chánh niệm, trái lại là thất niệm. Phàm phu luôn sống với tâm thất niệm “Vì vậy nhìn mà không thấy, vểnh tai mà không nghe, ăn mà không biết mùi vị”(Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị – Đại Học, chương 7). Sở dĩ nhìn không thấy, vểnh tai không nghe, ăn không biết mùi vị là vì khi ấy đã không có chánh niệm. Có chánh niệm là NGỘ, còn không có chánh niệm là MÊ. Lần kia lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo chất vấn Đức Phật:

– Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, tuy vậy phương pháp của Đạo Phật thế nào, các ngài làm gì mỗi ngày?

– Chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ….

– Phương pháp đó nào có gì đặc biệt đâu? Ai lại không đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ?

 – Đặc biệt lắm chứ thưa ngài. Khi chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ thì chúng tôi… biết là chúng tôi đi đứng nằm ngồi tắm giặt ăn ngủ. Còn khi những người khác đi đứng nằm ngồi v.v….thì họ không ý thức được là họ đang đi đứng nằm ngồi (Thiền sư Nhất Hạnh -Nẻo Vào Thiền Học).

Làm cái gì mà biết là mình đang làm cái đó là NGỘ, trái lại là MÊ. Cái ”sự biết”ở đây cũng tức là NHỚ. Đang đi (đi bộ, đi xe gắn máy….) nhưng tâm trí lại cứ lan man nhớ nghĩ hết chuyện nọ việc kia, chẳng để tâm vào việc đi như vậy là mê. Đang ngồi trong nhà thờ, miệng đọc kinh rang rang nhưng tâm trí lại cứ nhớ đến nào vợ nào chồng, nào con, chợ búa v.v….đó cũng là mê.

 Hiểu như vậy thì người đời chẳng ai lại không sống trong mê, mà sống trong mê là người chết về phần tâm linh. Nhà văn Albert Camus trong cuốn L’ Etranger nói ”Họ sống mà như đã chết rồi (Vivre comme un mort). Có nhìn nhận như thế mới ”Ngộ”được lời Đức Kitô khi Ngài nói với kẻ muốn xin theo làm môn đệ” Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn ngươi thì hãy theo Ta, rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc 9- 60). Đức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời tức là Ngài đã chỉ ra cho chúng ta một con đường sống đích thực:  Hãy trở về với Bản Tâm, đó cũng là Nước Trời ở trong ngươi, là Sự Sống đời đời của ngươi. Quên mất bản tâm là mê. Nhớ được bản tâm là ngộ. Cuộc sống của con người, khổ đau hay hạnh phúc cũng chỉ bao gồm trong hai chữ mê và ngộ mà thôi. Con người sống trong mê chẳng nhớ gì đến Thiên Chúa Đấng vẫn hằng hữu ở nơi mình (Deus abconsditus).

 Không nhớ Chúa thì không thể làm bất cứ điều gì thực sự là lành. Không làm điều lành mà làm điều ác tất nhiên phải khổ. Một khi đã hiểu như vậy thì tất cả mọi việc sống đạo như là đọc kinh, tham dự Thánh lễ, làm việc tông đồ bác ái v.v…tất cả đều phải NHỚ đến Đấng Chúa ở nơi mình. Không nhớ mà làm là làm trong mê, hay nói cách khác đó là vì ”cái tôi”mà làm. Vì ”cái tôi”thì ngày càng dấn sâu vào mê lầm. Đức Kitô xuống thế mục đích để khai mở tâm linh bằng cách kêu gọi những ai muốn tìm con đường sống đích thực cho mình thì phải theo Ngài ”Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Vì chưng được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì? ( Mt 16, 24- 26).

 Chúa nói ”vì cớ Ta” tức là vì lý tưởng xuất thế của Ngài mà bỏ ”cái tôi” đi thì mới tìm lại được cái mạng sống đích thực (chân mạng) của mình.Thế nhưng làm sao mà có thể làm mọi việc “vì cớ Ta” nếu chẳng ở trong Giáo Hội tức Thân Mầu Nhiệm (Nhiệm Thể) của Ngài. Ở trong Giáo Hội, yêu mến, toàn tâm toàn ý phụng sự Giáo Hội, đó là con đường chắc chắn để nên Thánh, tức gặp được Đấng Cha ở nơi mình. Thánh Cypriano (210 – 258) đã nói một câu chí lý ”Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha”(Habere non protest Deum Patrem qui Ecclesiam non habet Matrem).

Chỉ những ai ”có” Giáo hội, tức ở trong Giáo hội thì mới có thể nhận biết Thiên Chúa Đấng là CHA. Vấn đề đặt ra ở đây là người ta thực sự ”có”Giáo hội hay không? Tình trạng sa sút, thậm chí mất hẳn đức tin như ngày nay đang thấy chứng tỏ người ta không hề ”có”Giáo hội làm Mẹ. Không cần gì phải lấy khoa học để minh chứng cho đức tin, làm như thế tức  không còn tin vào sự dẫn dắt của Đức Kitô Vị Thầy Chí Thánh.

Mặc dầu đức tin quả thật không cần gì đến khoa học dù là vật lý cổ điển hay hiện đại, thế nhưng nói như thế không có nghĩa tôn giáo nói chung và đức tin nói riêng là một thứ gì đó….phản khoa học. Chẳng phải vậy, tôn giáo có khoa học của nó và đây chính là tâm linh học với hai đặc tính: phổ quát và tất yếu.  Phổ quát bởi vì nó không phân biệt truyền thống tâm linh nào hoặc thời nào, ở đâu. Còn tất yếu vì hễ cứ nắm được cái ”Lý”của nó và đem ra thực hành ”Sự”thì đều sẽ đạt được kết quả y như vậy. Mặt khác Lý và Sự cần phải viên dung, bồi bổ cho nhau ”Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì sẽ tăng trưởng vô minh mờ ám. Người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ thì mới có thể làm cội gốc cho việc tu hành (Kinh Niết Bàn).

Nắm được cội gốc của việc tu hành (Sống đạo) như vậy là có phương pháp khoa học và để có thể áp dụng khoa học này vào đời sống thì phải dựa trên ba trụ cột căn bản Giới, Định và Huệ cũng gọi là Tam vô lậu học.

1/- GIỚI

“Giới”nói cho dễ hiểu thì đó là cái giới hạn mà con người cần tuân thủ cho một mục đích nào đó. Đối với xã hội thì mục đích an ninh trật tự là quan trọng hàng đầu. Chính bởi vậy mà thế giới có Hiến chương LHQ, các quốc gia có Hiến pháp, các công ty xí nghiệp, cơ quan trường học, chợ búa…. có nội quy. Có định nghĩa cho rằng con người là con vật xã hội, nếu không có những giới hạn thì nó không thể tồn tại và phát triển. Hơn thế nữa, con người ngoài tính chất xã hội nó còn mang chiều kích tâm linh và chính trong chiều kích ấy mà tôn giáo không thể không có mặt.  Như vậy tuy chỉ là một thực thể nhưng con người lại mang tính chất lưỡng thê. Một đàng phải bám chặt lấy mặt đất để sống, mặt khác lại phải vượt lên khỏi mặt đất để hướng về một mục tiêu nào đó chưa thể xác định và cũng chính bởi chưa xác định thế nên ”Giới” là một việc không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh. Chúng ta biết đạo Khổng có Tam cương ngũ thường, đạo Phật có ngũ giới cho người tu tại gia, có Sadi giới người tu xuất gia, có Bồ Tát giới cho người tu hạnh Bồ Tát. Đạo Chúa có mười điều răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh nhưng gồm tóm lại chỉ còn có hai đó là mến Chúa yêu người ”Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều ấy” (Mt, 34- 40).

Mến Chúa và yêu người dường như là hai giới răn khác nhau nhưng thực ra vẫn chỉ là một ”Ai nói rằng mình mến Chúa mà lại không yêu người thì đó là kẻ nói dối”( 1Ga 4, 20). Lý do mến Chúa thì phải yêu người bởi vì mến Chúa là mến Chúa ở nơi người, còn yêu người là yêu người ở nơi Chúa. Giới răn mến Chúa yêu người tuy hai mà một, tuy một mà hai, con người bởi còn sống trong vô minh điên đảo thế nên mới thấy Chúa và người là hai thực thể khác biệt. Sứ mệnh của tôn giáo thông qua ”Giới” tức các điều răn là để khiến cho con người ngày càng gần gũi với Chúa đến nỗi có thể thấy Chúa là người, thấy người là Chúa. Còn như nếu ngược lại thì kể như không phải đạo ”Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo” (Đạo không xa cái bản tính của người nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người thì không phải là đạo.) Trung Dung, chương 17.

Theo đạo là để gần Chúa, thấy Chúa nhưng ta chỉ có thể thấy Chúa (Kiến Tánh) nếu bỏ được ”Cái tôi”đi. Bao lâu còn ôm giữ ”cái tôi” thì không bao giờ có thể gần Chúa, thấy Chúa, chính bởi vậy nên Đức Kitô nói kẻ nào muốn theo Ngài thì phải ”bỏ mình”(Lc 9, 23)

Theo Chúa thì phải bỏ mình bởi lý do là vì Nước Trời mà Ngài rao giảng là Nước Trời mầu nhiệm mang tính xuất thế ”Không ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau lại có thể xứng với Nước Trời”(Lc 9, 62). Một khi đã tra tay cầm cày tức  đã có quyết tâm ”bỏ mình”và sự bỏ mình ấy chỉ có thể thực hiện thông qua con đường giới luật. Với giới răn yêu thương thì phải yêu thương cả kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình (Mt 5, 43 – 45). Khi bố thí thì phải đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm (Mt 6, 3- 4.) Khi ăn chay thì phải xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt chứ đừng như bọn giả hình…(Mt 6, 16- 18). Khi cầu nguyện thì phải vào phòng kín đóng cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật …sẽ báo đáp cho ngươi”(Mt 6, 6 – 7.)

Cách thi hành giới cấm chân thành, đẹp lòng Thiên Chúa nhất chính là ở sự bỏ mình tức bỏ ý riêng đi. Thánh Alphongso de Liguori nói ”Tất cả sự lành Thánh tóm lại là kính mến Chúa và cả sự kính mến Chúa tóm lại là vâng theo Thánh ý Ngài”. Bỏ ý riêng khi nào thì Ý Chúa thể hiện khi ấy và sự bình an đích thực là điều chúng ta có thể cảm nghiệm ngay trong cuộc sống náo động này, ở đây, lúc này.

2/- ĐỊNH

Tuân giữ giới răn cần phải biết được mục đích của nó, nếu không tất không thể không trở thành vụ luật cố chấp. Người Pharisieu có lần trách cứ Chúa Giêsu ”Coi kìa môn đệ của Thầy làm điều không được phép làm trong ngày Sabat” (Mt 12, 22). Chỉ vì đói bụng bứt vài bông lúa mì để ăn mà cũng bị coi là phạm luật. Người Do Thái thời đó rất coi trọng luật giữ ngày Sabat, ngay cả đến việc nấu ăn quét nhà cũng chẳng được phép. Họ chi li giữ luật và cho đó là một công việc đạo đức đáng tự hào. Chúa Giêsu đã nhiều lần lên tiếng quở trách thái độ gỉa dối đó “Khốn thay cho các ngươi kẻ văn sĩ và người Pharisieu giả hình kia. Vì các ngươi rửa sạch bề ngoài chén đĩa song bề trong thì đầy rẫy sự bức bách luông tuồng. Ớ những người Pharisieu mù loà kia, trước hết hãy rửa sạch bề trong thì bề ngoài cũng sạch” (Mt 23, 25-26).

Giữ giới thì phải từ ở bên trong tức là từ ở nơi tư tưởng, đó mới thực là giữ giới. Ngày Sabat đúng là ngày nghỉ ngơi nhưng ý nghĩa của nó là để đạt tới sự nghỉ ngơi tâm hồn chứ không phải thể xác. Hồn có nghỉ thì xác mới nghỉ. Ngược lại xác nghỉ mà hồn không yên không nghỉ thì cũng chẳng ăn thua gì. Đang lo nợ lo nần tới tấp thì dù có ở lầu cao gác tía, chăn ấm nệm êm thì cũng chẳng làm sao mà ngủ thẳng giấc cho được.Hiểu như vậy thì tất cả vấn đề giữ giới, sống đạo mục đích là để lo sao cho tâm hồn được nghỉ ngơi thanh tịnh ”Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi Sabat cho Dân ĐCT. Bởi chưng ai vào sự nghỉ ngơi của Ngài thì nghỉ công việc mình. Cũng như ĐCT đã nghỉ công việc của Ngài vậy (Dt 4, 9- 10).

Sự nghỉ ngơi Sabat ám chỉ cho Tâm Vô Phân Biệt. Tâm phân biệt là tâm bất định, tâm vô phân biệt là tâm Định. Tâm định này trong các truyền thống đạo học, tâm linh đều có nói đến. Đức Khổng Tử nói ”Thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bá vật sanh yên” (Trời chẳng nói mà Đạo Trời vẫn lưu hành, làm cho bốn mùa vận chuyển, vạn vật sinh sôi.( Luận ngữ- chương 17.)

Trời không làm mà làm tức là làm trong tính chất vô phân biệt ”Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính” (Mt 5, 45). Tâm không khởi phân biệt là Tâm thường hằng. Với Tâm thường hằng này mà làm thì tất cả đều hanh thông không có chi ngăn ngại. Trái lại với tâm phân biệt mà làm thì càng làm càng hỏng, bởi vậy đức Lão Tử nói ”Tri thường bất minh, bất tri thường vọng tắc hung (Biết thường gọi là mệnh. Không biết đạo thường mà làm(vô vi, vô ngã) ắt sẽ không khỏi không lâm vào hung bạo – ( ĐĐK chương 16). Thường (hằng) tức là Sự Nghỉ Ngơi Sabat là lặng yên là Định. Con người bởi vô minh nên cứ đinh ninh phải hành động, phải suy nghĩ lao lung quay quắt kiếm tìm căn nguyên vũ trụ, con người bởi đâu sinh ra, sống trên đời này để làm gì, chết rồi đi đâu…mà không biết rằng chân lý đã sẵn đủ ngay ở nơi mình, chỉ cốt sao dừng cái tâm vọng tưởng (bất định)cho tâm được thinh lặng (Định).

Về sự thinh lặng này, thiển nghĩ có lẽ không ai có đủ thẩm quyền cho bằng mẹ Teresa Calcuta giải Nobel Hoà Bình, một con người đã hiến dâng trọn cả cuộc đời cho những kẻ nghèo khó khốn cùng ”Chúng ta không thể tìm thấy Chúa trong ồn ào và lo lắng. Thiên nhiên như hoa lá cỏ cây đều lớn lên trong tĩnh lặng. Sao trăng và mặt trời cùng di chuyển trong tĩnh lặng. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta nói (suy tư) mà là những gì Chúa nói với chúng ta. Những gì Ngài bảo người khác thông qua chúng ta. Trong yên lặng, Ngài lắng nghe chúng ta. Trong yên lặng Ngài cất tiếng nói với tâm hồn chúng ta. Trong yên lặng chúng ta được ban đặc ân lắng nghe tiếng nói của Ngài” Mẹ Teresa Trên cả Tình Yêu (No greater Love).

 Chỉ trong yên lặng chúng ta mới có thể ”nghe”được tiếng Chúa. Điều ấy chứng tỏ rõ ràng rằng Ngài ở trong, là chính Tâm ta. Thiên Chúa quả thật ở trong, thế nhưng tại sao ta lại không nhận biết không nghe được Ngài? Lý do thật vô cùng giản dị  bởi vì Thiên Chúa là Đấng vô phân biệt, ấy vậy ta lại cứ làm sự phân biệt thì sao có thể gặp được Ngài? Chúa dạy giới luật thương yêu không phân biệt người thân thích kẻ nghịch thù, nếu chúng ta cố gắng thực hiện đúng như vậy thì ắt không thể không gặp được Ngài bởi lẽ ”Thiên Chúa là Tình Yêu”( Ga 4, 18 ). Cũng  chính là bản thể ta.

3/ HUỆ

Huệ hay Tuệ chính là trực giác trí tuệ mà bất kỳ ai ai cũng có. Tuy rằng có nhưng vấn đề ở chỗ là có nhận biết và sống với nó hay không. Sống thì được hạnh phúc và hạnh phúc đời đời. Ngược lại thì chết và chết đời đời. Trực giác trí tuệ này đã được biết đến trong các truyền thống khác nhau. Đạo Phật gọi đó là Phật Tánh, đạo Khổng là Thiên lý chí thiện, đạo Chúa là Đấng Cha nhân lành chẳng hề chút chi phân biệt kẻ lành người ác (Mt 5, 45). Nếu có thể gạt đi được sự giới hạn của ngôn từ ắt ta sẽ không khó để mà nhận ra được sự tương đồng cả về lý thuyết lẫn thực hành giữa các tôn giáo. Chủ yếu của sự tương đồng này chính là ở chỗ cần phải xoay ngược cái Tâm trở ngược vào bên trong để nhận ra cái vốn dĩ sẵn có ở nơi người. Phật đạo chủ trương khai thị ngộ nhập. Khổng đạo nói” Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ”(cái đạo học vấn không có điều chi khác, chỉ có tìm cái tâm đã sổ ra mà thôi. ( Mạnh Tử, chương Cáo tử thượng). Còn Đức Kitô dạy: Hãy trở về với Tâm vô phân biệt bằng cách yêu thương kẻ thù nghịch cùng cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình (Mt 5, 43.)

Để có thể thương yêu kẻ thù, hoặc những kẻ nghèo hèn, cô đơn bị ruồng bỏ v.v…thì phải có trực giác trí tuệ tức tâm vô phân biệt. Nói cách khác tình thương yêu ấy cùng với trực giác trí tuệ là một không khác. Tất cả những cái gọi là tình thương mến thương của người đời bởi thiếu vắng trí tuệ thế nên đó chỉ là bản năng dục vọng, thậm chí ngay cả tình mẫu tử thiêng liêng cũng vậy. Người mẹ chỉ yêu thương con mình khi nó còn trong trứng nước bé bỏng, nhưng tình thương ấy sẽ phai nhạt dần hoặc mất hẳn khi nó đã lớn khôn hoặc tạo lập gia đình riêng. Một người chồng chỉ yêu thương vợ mình khi bà ấy thoả mãn được những nhu cầu của mình, còn nếu như ngược lại có thể thương lại biến thành thù.

Tình thương yêu của thế gian như thế không hơn không kém chỉ là sự chiếm hữu và điều ấy khiến cho cả chủ thể lẫn đối tượng đều bị trói buộc trong hệ luỵ khổ đau. Đạo Chúa truyền dạy giới răn yêu thương chính là đem đến cho con người một lý tưởng hết sức cao vời ”các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành”(Mt 5, 48.) Hiểu như thế thì theo Chúa tức là thực hiện cho mình sự trọn lành. Chúng ta vẫn nói người đi tu là kẻ dâng mình cho Chúa mà dâng mình cho Chúa mục đích là để thoát ra khỏi mọi thứ buộc ràng của tình thương yêu thế gian ”Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hoặc con gái hơn Ta không đáng cho Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì chẳng đáng cho Ta. Ai tìm mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được” (Mt 10, 37-39 ).

Tìm lại mất, mất lại được. Cái lẽ được mất, mất được này không riêng chỉ có trong Đạo Chúa nhưng là một chân lý vĩnh hằng. Hễ cứ còn vì ”Cái Tôi”mà làm sẽ mất. Ngược lại bỏ “Cái Tôi”đi vì người mà làm sẽ được. Mẹ Teresa Calcuta lại một lần nữa cho chúng ta thấy sự hiển hiện của Tình yêu vị tha vô vị lợi ”Tôi luôn quan tâm sâu sắc đến sự tĩnh lặng của trái tim mình để trong sự yên lặng ấy tôi nghe được lời an ủi của Chúa và từ sự viên mãn của trái tim, tôi an ủi Chúa Giêsu trong hình hài đau khổ của những người nghèo”(Mẹ Teresa – Sđd).

 Phùng Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts