Thuyết Tương Đối và đức tin Công Giáo

          Có sự kiện đáng cho chúng ta suy gẫm: “ Trong một  diễn biến được nhiều người  đánh giá là một  hình thức  độc tài của Thuyết Tương Đối. Chủ tịch HĐ Giáo Dân  của một TGP lại quay ra chỉ trích vị hồng y của mình vì ngài quyết liệt bảo vệ Đạo Lý Công Giáo và bày tỏ  những lo ngại  về cái gọi là Tiến Trình Công Nghị đang diễn ra tại  Đức” ( Nguồn Vietcatholic News – 04/2/2020 –  Đặng  Tự Do – Đại Nghịch  Bất Đạo – Chủ tịch giáo dân chỉ trích hồng y của mình vì ngài bảo vệ đạo lý Công Giáo”.

          Giữa hội nghị lớn gồm toàn bộ giám mục của  GH Đức  cùng với hàng trăm tham dự viên  giáo dân của UBTU  Công giáo  Đức lại có một giáo dân đứng lên công khai chỉ trích   đức hồng y của gp mình chỉ vì ngài đã quyết liệt bảo vệ đạo lý Công Giáo. Có thể nói, đây là trường hợp nghiêm trọng đầu tiên  xảy ra trong GH Công Giáo và vì thế  nó được gọi là “ Đại Nghịch Bất Đạo” !!!???.

          Sự…nghịch đạo ấy  không mang tính bất thường, đơn lẻ nhưng nó bắt nguồn từ mưu mô muốn triệt hạ quyền bính  vốn có của Giáo Hội. “Điều này đã là một hình ảnh rất rõ ràng trong các cử hành phụng vụ, tất cả  các giám mục và giáo dân đều  đi rước lên bàn thờ cùng với nhau và như nhau. Qua đó người ta muốn nói  rằng  tất cả mọi người là bình  đẳng trong việc quyết định  các vấn đề của Giáo Hội. Và điều đó  thực sự không liên quan gì đến những gì Giáo Hội Công Giáo là và có nghĩa là” ( Nguồn Vietcatholic News – 04/2/2020 đã dẫn ).

          Nếu mọi giáo dân đều có quyền bình đẳng  trong việc quyết định các  vấn đề của Giáo Hội  thì chắc chắn đó không còn là Giáo Hội Công Giáo. Lý do là vì Giáo Hội chẳng những là một tổ chức  mà còn mang tính chất của  một Con Đường Thực Hiện Tâm Linh.

          Đối với bất kỳ tổ chức phần đời nào dù nhỏ bé đến  đâu cũng cần có người lãnh đạo. Không có lãnh đạo thì tổ chức ấy không cách chi để hoạt động. Phần đời đã vậy, còn phần  đạo tức Giáo Hội hiểu như một Con  Đường Tâm Linh lại càng không thể thiếu người lãnh đạo là đức giáo hoàng. Hơn nữa cần nên nhớ đức giáo hoàng chỉ là người lãnh đạo Giáo Hội hữu hình. Còn Chúa Ki Tô mới là Đấng Lãnh Đạo tối cao dù vô hình theo như lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).

          Giáo Hội không thể không có quyền bính để lãnh đạo toàn Dân Chúa  trên con đường thực hiện tâm linh do chính Đức Ki Tô trao phó: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dước đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).

          Quyền bính Chúa trao là để…đóng hay mở của Nước Trời và như vậy vai trò của Giáo Hội ở nơi trần gian này là vô cùng quan trọng. Thế nhưng thực tế ngày nay, vai trò ấy ngày càng trở nên mờ nhạt đến nỗi Giáo Hội đang có nguy cơ bị tàn phá để đi  đến chỗ…tiêu vong ?

          Tại sao Giáo Hội lại phải đối diện với một nguy cơ lớn lao như thế ? Đó là do ảnh hưởng của Thuyết Tương Đối  đã tàn phá đức tin Công Giáo cách khốc liệt đến nỗi đức giáo hoàng Benedicto khi còn làm hồng y Bộ Trưởng Bô GLĐT đã nói đó là một thứ triết học độc tài chuyên chế: “ Một  trong những mối quan tâm lớn lao nhất  của đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI  là sự lan tràn của Thuyết Tương Đối. Trong bài giảng khai mạc Mật Viện Hồng Y để bầu tân giáo hoàng vào năm 2005, ngài đã gọi  đe dọa này là Nền độc tài của chủ thuyết Tương Đối” ( Nguồn: Catechesit. Net Phaolo Phạm Xuân Khôi chuyển dịch – Thuyết Tương Đối – Vấn đề của đức tin hôm nay ).

          Sự chống phá đức tin Công Giáo là một thực tế diễn ra liên tục ngay từ khi Giáo Hội mới  được thành lập  với đủ mọi thứ lạc giáo. Tuy nhiên ảnh hưởng của sự chống phá ấy  chỉ thực sự nguy hiểm với tính chất…độc tài của Thuyết Tương  Đối đúng như lời của đức hồng y Joseph Ratzinger. Tại sao ?

          Bởi vì như tên gọi của nó, Thuyết Tương Đối  phủ nhận, không cho  cái gì là tuyệt đối kể cả Thiên Chúa và như thế cũng chẳng có cái chi là Sự Thật được mọi người cùng nhìn nhận.

          Theo quan điểm của nhà bác học thiên tài Albert Einstein (1879 – 1955), cha đẻ Thuyết Tương Đối  thì trong thế giới này hoàn toàn không có hệ quy chiếu  có nghĩa  để tồn tại thì không có bất cứ một sự vật hay sự việc nào lại không có sự liên hệ, tương tác hữu cơ với nhau. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo  thì sự liên hệ tương tác ấy chính là Lý Duyên Sinh: “ Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt” ( Thử hữu cố bỉ hữu. Thử vô cố bỉ vô. Thử sanh cố bỉ sanh. Thử diệt, cố bỉ diệt ). Cái này tất yếu phải…Duyên với cái kia để thành ra…một “ Vật” nào đó. Cái nhà là duyên sinh của gạch, cát, xi măng, gỗ, công thợ v.v….Cũng vậy, con người  sống ( hiện hữu ) được là nhờ duyên sinh tương tác của các cơ quan, tim, phổi, bao tử, lá lách, ruột già, ruột non v.v…Thiếu đi bất cứ một….duyên nào hay chúng không tương tác với nhau tất sẽ sinh bệnh, ốm đau rồi chết.

          Không những cái nhà, con người hay bất cứ “ Vật” nào khác cũng đều do Duyên Sinh  để tồn tại  mà tất cả những cái gọi là lập trường, quan điểm, lý thuyết này nọ cũng vậy cũng là do tương tác với nhau mà thành lập.

          Để có thể…quy chiếu thì cái được quy chiếu ấy phải tuyệt đối không thay đổi. Ngược lại cái được quy chiếu ấy lại cứ thay đổi lúc thế này, lúc thế khác thì  làm sao để…quy chiếu. Đang khi đó Đạo Công Giáo nói riêng và tôn giáo nói chung  lại không thể không có cho mình  đức tin có nghĩa phải quy chiếu ( hướng về ) Đấng là đối tượng  của đức tin ấy. Không có hệ quy chiếu  ấy, đức tin ắt phải đổ vỡ, không sao tránh khỏi.

          Trải qua bao đời, đức tin Công Giáo tất cả đều tóm gọn trong Kinh Tin Kính, mở đầu bằng lời tuyên xưng: Tôi tin kính ĐCT là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất…Tin sự hiện hữu của một  Đấng Thiên Chúa là Cha, quả thật là một niềm tin chính đáng ( chánh tín ). Thế nhưng nếu Thiên Chúa ấy  không phải là Đấng nội tại ở nơi mình ( Là Cha ) thì đó  thuần túy chỉ là một thứ quan niệm của thần học và như thế chẳng có liên hệ gì đến mạc khải của Đức Ki Tô: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Tất cả mọi thứ quan niệm  đều chỉ là cái biết của tri thức phân biệt. Do đó, quan niệm Đấng  Tạo Hóa đã bị chính thần học khai tử ( Theologie de la mort de Dieu ). Đối với Thiên Chúa như một quan niệm như thế  thì không thể…quy chiếu. Bởi lẽ có ai lại quy chiếu có nghĩa tin vào  một quan niệm bao giờ ?

          Nếu Thiên Chúa trong thực chất chỉ là một thứ quan niệm của thần học thì quan niệm đó vẫn còn trong vòng  đối đãi phân biệt ( Tương đối ) và đây chính là nguồn cơn tạo nên cuộc khủng hoảng  đức tin sâu sắc vì không còn có Đấng Thiên Chúa Chân Thật Hằng Hữu để cho con người quy chiếu.

          Mặc dầu vậy, Đạo Công Giáo vẫn là Đạo Đức Tin nhưng đây là tin nơi Đấng Thiên Chúa nội tại cũng là Cha của mỗi người: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhìn nhận Giê Su là Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi  lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10 ).

          “ Đạo” ở đây cần được hiểu đó là một thứ Thực tại mặc dầu siêu vượt khỏi ngôn ngữ, lý luận  không thể nói, không thể gọi tên ( Lão Tử ĐĐK chương một ) nhưng lại cần được truyền giảng. Không truyền giảng ra thì làm sao để con người biết đường  noi theo ?. Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời  chính là để cho ta có được lòng tin nơi Thực Tại ấy.

          Dù rằng “ Đạo” không thể nói, không thể gọi tên nhưng nếu ta tin sự hiện hữu của “ Đạo” ở nơi mình thì sẽ được nên công chính bởi chưng “ Đạo” ấy cũng là một, không khác với Bản Tâm Vô Phân Biệt. Tuy nhiên để có được sự công chính ấy, chúng ta nhất thiết cần cậy dựa nơi  Đức Ki Tô Đấng là đường là sự thật và là sự sống…” ( Ga 14, 6 ).

          Cậy dựa vào Đức Ki Tô có nghĩa là đặt hết niềm tin  và  cố gắng thực thi những lời dạy của Ngài: “ Ai tin Ta, chẳng phải ( chỉ là ) tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy Ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng ở trong tối tăm. Nếu ai nghe Ta mà không vâng giữ thì Ta chẳng xét đoán  kẻ đó. Vì Ta đến chẳng phải để xét đoán thế gian  nhưng là để cứu rỗi thế gian. Ai chối bỏ Ta, không nhận lãnh Lời Ta thì đã có kẻ xét đoán rồi. Lời Ta đã nói, chính Lời đó sẽ xét đoán người nơi ngày sau rốt” ( Ga 12, 44 -48 ).

          Đặt lòng tin nơi Đức Ki Tô đó là điều cần thiết nhưng nếu chỉ có lòng tin mà không chịu thực thi những lời truyền dạy của Ngài thì lòng tin ấy phỏng có ích gì ? Đức tin không có việc làm là đức tin chết ( Gc 2, 17 ). Chúng ta nghe lời này đã nhiều nhưng trong thực tế người Công Giáo  có thực sự sống Lời Chúa hay chưa ?

          Tin và thực thi những điều Chúa truyền dạy đó là điều kiện thiết yếu để vào được Nước Trời. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể tin và thực hành Lời Chúa nếu không có Giáo Hội, có Lời Chúa trong các Thánh lễ, có các Bí Tích ? Các Bí Tích là ân ban bởi trời đồng thời  đó cũng là năng quyền của  Đức Ki Tô đã trao  cho Giáo Hội qua Thánh Phê Rô. Thế nhưng điều quan trọng nên nhớ đó là để có được các Bí Tích  thì cần có  các giám mục, linh mục cùng với quyền bính  của Chúa trao cho. Bởi đó tín hữu chúng ta tin tưởng, phục tùng  giám mục, linh mục không phải vì bản thân các ngài nhưng là với chính Chúa Ki Tô.

          Trường hợp giáo dân trong một hội nghị mà lại  đứng lên công khai chỉ trích đức hồng y của giáo phận mình chỉ vì ngài quyết liệt bênh vực đạo lý Công Giáo đó là một thứ “ Đại Nghịch Bất Đạo” không thể tha thứ. Một khi đạo đã không còn ( bất đạo ) như thế thì thử hỏi Giáo Hội này sẽ đi về đâu, có còn là Hội Thánh của Chúa Ki Tô nữa không ?

          Trước tình thế nguy nan của Giáo Hội hiện nay và trong những ngày sắp đến. Chúa đòi hỏi mỗi người chúng ta cần sống đức tin trong sự nại: “ Vì ngươi đã giữ đạo của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ sắp đến  trong khắp thiên hạ để thử những người trên mặt đất. Ta đến mau chóng. Hãy giữ vững điều ngươi đã có, hầu chẳng ai có thể đoạt lấy mão miện của ngươi. Kẻ đắc thắng, Ta sẽ khiến làm rường cột trong đền thờ ĐCT Ta và ngươi không còn ra khỏi đó nữa” ( Kh 3, 10 -12 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts