Đức tin là…cái hồn của tôn giáo hay nói cách khác chính đức tin làm nên tôn giáo. Nếu tôn giáo mà không có đức tin thì nó cũng chẳng khác gì các tổ chức xã hội khác. Chính bởi đức tin quan trọng như thế nên đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI nói: Việc Chúa đã làm hay có thể làm, ta nên để ngỏ. Nhưng tôi tin rằng: Giáo hội Công Giáo có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chuyển động lịch sử. Điều này đã được thực nghiệm kiểm chứng. Nếu như đức tin của giáo hội sụp đổ, giáo hội chấp nhận phá sản và tuyên bố chúng tôi đã lầm thì hẳn sẽ xảy ra một gãy đổ trong toàn bộ lịch sử và nhân loại mà hậu quả sẽ không tài nào lường trước được” ( Nguồn: Simonhoa “ Thiên Chúa và Trần Thế – Joseph Ratzinger Benedicto XVI ).
Chắc hẳn giáo hội sẽ không thể sụp đổ bởi Đức Ki Tô đã hứa: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng: Ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ). Chúa nói: Cửa Hỏa Ngục chẳng thể thắng chứ không hứa giáo hội sẽ không mất đức tin và khi đức tin không còn thì đó là dấu chứng của Ngày Chúa Quang Lâm: “ Vậy Thiên Chúa há chẳng minh xét cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài dẫu Ngài đã nín nhịn với họ khá lâu rồi ư ? Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ kíp minh xét cho họ. Dẫu vậy, khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 7 -8 ).
Tuyển dân tức những người được chọn trong thời cuối của Ơn Cứu Độ. Thiên Chúa sẽ minh xét cho những con người này bởi vì họ đã đêm ngày cầu nguyện với Ngài. Bao lâu còn cầu nguyện là còn có đức tin. Nhưng Chúa Giê Su tự hỏi trong ngày Ngài đến có còn được mấy ai cầu nguyện trong đức tin hay không ?
Đức tin và cầu nguyện song hành với nhau bởi vì trong cầu nguyện luôn hàm chứa hai yếu tố, một là Cầu và hai là Nguyện. Cầu là cầu xin những ơn này, ơn khác cho mình hay gia đình mình. Còn Nguyện là nguyện được về sống đời đời bên Chúa. Chỉ có Cầu mà không Nguyện như vậy không thể đẹp lòng Chúa. Tại sao ? Bởi vì Chúa Giê Su sinh ra trong khó nghèo, chết trong khổ nhục là để cứu vớt chúng ta hầu được về sống bên Ngài. Đang khi đó người có đạo lại chỉ xin ơn này ơn kia hầu mong sống sung sướng ở cái đời tạm này ! Đó chẳng phải là đã phụ công ơn Cứu Chuộc của Chúa hay sao ?
Nguyên nhân sâu xa khiến người ta chỉ cầu mà không nguyện đó là vì đã không có lòng tin vào Đấng Cứu Độ mình. Tin Đấng Cứu Độ đó là điều vô cùng cần thiết: “ Nếu người nào khát hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy trong lòng người ấy” ( Ga 7, 37 -38 ).
Khát ở đây là khát khao sự sống đời đời. Con người ta chỉ thực sự khát khao sự sống ấy khi không còn đặt hy vọng nào ở đời sống giả trá thế gian hay nói đúng hơn là đã thức tỉnh giống như trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: “ Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng: Biết bao người làm thuê cho cha ta còn có bánh ăn dư dật mà ta đây lại phải chết đói” ( Lc 15, 16 -17 ).
Chỉ những kẻ khổ và muốn thoát khổ thì mới có được lòng tin chân thật vào Đấng Giải Thoát: “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Chỉ khi nào người ta ở trong cảnh giam hãm tù đầy mới mong được cứu thoát và thoát ở đây là thoát khỏi sự trói buộc của tội do Sa Tan nắm giữ. Một trong những nguyên nhân nói chung, người ta không còn tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa và Đức Giê Su Ki Tô nói riêng là do ảnh hưởng của não trạng Duy Lý chỉ muốn hiểu rồi mới tin.
Chính do não trạng Duy Lý ấy thế nên trong thời triết học Kinh Viện ( Scholastique ) St Anselme de Cantobery ( 1033 – 1109 ) đã đưa ra nguyên tắc thời danh:“ Credo ut intelligam” ( Tôi tin để cho được am hiểu ). Theo tinh thần của nguyên tắc này có nghĩa: Đối với tín lý của Ky Tô giáo thì trước hết phải tin đã rồi mới suy nghĩ và tranh luận sau. Trong “ Cur Deus homo” ngài viết: Những người vô tín thì tìm tòi để am hiểu vì họ không tin còn chúng ta ( Những tín hữu Ki Tô giáo ) thì tìm tòi để am hiểu vì chúng ta đã tin. Họ và ta, cả hai bên đều cùng tìm kiếm một điều nhưng vì không tin thành ra họ không đạt được mục tiêu là am hiểu được tín lý. Vậy phải nói rằng ai không tin thì sẽ không bao giờ am hiểu” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP Q.2 ).
Tin để am hiểu và sự am hiểu ở đây tức là tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Điều ấy là tất nhiên, thế nhưng đức tin ấy chưa đủ mà cần phải được chứng minh bằng một thứ gọi là “ Hữu Thể Luận” thế này: Có một Hữu Thể là nguyên nhân cho mọi hiện hữu mà không có bất cứ cái gì khác làm nguyên nhân cho nó và chính vì vậy Hữu Thể ấy phải có tính cách hoàn hảo, vô hạn hơn tất cả mọi sự khác nghĩa là Hữu Thể ấy phải thực sự thực tại, thực sự quyền năng và thực sự tốt lành” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP đã dẫn ).
Tin Thiên Chúa …thực hữu là đúng nhưng thực hữu thế nào và ở đâu đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Chính…cái khác này mà đã khiến cho St Anselme nói riêng và toàn bộ nền thần học Duy Lý nói chung phải điêu đứng khiến cho đức tin Ky Tô giáo bị sụp đổ: “ Chứng lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa là một trong những mối bận tâm có lẽ là bận tâm nhất đời của St Anselme. Tư tưởng ấy hầu như ám ảnh ông ngày đêm làm ông mất ăn mất ngủ. Nó còn dằn vặt ông trong cả những giờ phút tế tự uy nghi nhất. Karl Jaspers có ghi nhận rằng đó là một tư tưởng có tầm quan trọng trong chính tiểu sử của ông do chính lời ông tự thuật như sau: Vì tôi thường hăng say hướng tư tưởng tôi về vấn đề đó đôi khi hình như tôi đã lãnh hội được điều tôi đang tìm kiếm nhưng đôi khi lại thấy vấn đề hoàn toàn vượt ra ngoài sức nhìn của trí khôn nên sau cùng hoàn toàn thất vọng, tôi đã phải tránh xa vấn đề…( L.T. Nghiêm LSTHTP – Q2 )
Lý do khiến St Anselme hoàn toàn thất vọng là điều dễ hiểu là vì cái gọi là “ Chứng Lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa” ấy thuần túy chỉ là một ý niệm về Thiên Chúa chứ không phải Thực Tại…Ngài Là. Thần học trong bấy lâu nay chỉ cố tìm cách chứng minh cho một thứ Thiên Chúa ý niệm và điều này không thể không đưa đến thất bại tức rơi vào chỗ bế tắc không lối thoát: “ Trong cơn khủng hoảng hiện nay có một thực tế đó là con người vẫn có nhu cầu tôn giáo dưới đủ mọi loại hình thức nhưng lại không tin Thiên Chúa hiện hữu. người ta muốn có một thứ hình thức tôn giáo nào đó huyền bí hay gì gì đó nhưng lại không chấp nhận một Thiên Chúa có thể nói với tôi, biết tôi và đã dạy tôi một số điều cũng như đòi hỏi tôi, uốn sửa con người tôi. Nghĩa là người ta muốn giữ cảm thức tôn giáo nhưng lại không muốn đặt mình vào một Thượng Đế nào đó. Xem thế ngày nay chúng ta đang gặp khủng hoảng về Thiên Chúa chứ không phải khủng hoảng về tôn giáo bởi vì tôn giáo vẫn còn đang mọc lên như nấm” ( Đức Benedicto XVI – Thiên Chúa và Trần Thế ).
Làm sao Thiên Chúa có thể…biết tôi, nói với tôi nếu đó chỉ là một thứ Thiên Chúa của ý niệm thần học ? Ý niệm ấy dù là của Hữu Thể Học ( Ontologie ) hay của quan niệm Thiên Chúa Nhập Thể làm người thì cũng chẳng có liên hệ chi tới đời sống thường nhật tức…biết tôi và nói với tôi v.v…!!!.
Thiên Chúa của ý niệm không thể có quan hệ gì tới đời sống con người, duy chỉ có Đấng Cha do Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những kẻ nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Biết Cha ở đây không phải là cái biết của lý trí phân biệt nhưng là của Tình Yêu vô phân biệt. Cính cái biết của Tình Yêu này mà Thiên Chúa có thể…biết tôi và nói với tôi chứ chẳng có Đấng nào khác !
Tin vào mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha đây phải là niềm tin cốt yếu của mọi Ki Tô Hữu bởi vì chính niềm tin ấy mới khiến cho ta nhận ra phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi mình. Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã tác tạo con người là Hình Ảnh là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ) Thế nhưng chỉ vì vô minh tức Tội Nguyên Tổ che lấp nên chúng ta không nhận ra phẩm giá cực cao quý ấy.
Giờ đây Đức Ki Tô đã đến để mạc khải về chân lý ấy với điều kiện là hết lòng tin vào Ngài: “ Ai tin Ta chẳng phải tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy Ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không vâng giữ thì Ta chẳng xét đoán kẻ đó vì Ta đến chẳng phải để xét đoán thế gian nhưng để cứu rỗi thế gian. Ai chối bỏ Ta, không nhận lãnh lời Ta thì đã có kẻ xét đoán rồi. Lời Ta đã nói chính lời đó sẽ xét đoán người nơi ngày sau rốt. Bởi Ta chẳng nói tự mình bèn là Cha sai Ta đã truyền lịnh cho Ta phải nói điều chi và giảng điều chi ?” ( Ga 12, 44 -49 ).
Tại sao Chúa nói: Ai tin Ta chẳng phải tin Ta mà là tin Đấng đã sai Ta ? Bởi vì Chúa Giê Su là Đấng Thiên Sai, Ngài ở trong Cha và Cha…ở trong Ngài. Chân lý này chỉ có thể hiểu một khi Đấng Cha đó chính là Giác Tánh ở nơi Chúa Giê Su đồng thời cũng ở nơi mỗi người không khác một chút mảy may nào.
Do bởi lẽ đó Chúa nói: Ai tin Ta thì không ở trong tối tăm có nghĩa không còn bị trói buộc trong tội và tội đó chính là Tội Nguyên Tổ vì đã cố tình ăn trái cấm:“ Vì bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người đều đã trở nên tội nhân thế nào thì bởi sự vâng phục của một người mà mọi người đều sẽ trở nên công chính thể ấy” ( Rm 5, 19 ).
Chúng ta chỉ có thể hiểu bản chất của Tội Nguyên Tổ là do sự phân biệt thiện ác và tội phân biệt ấy cố nhiên chỉ có thể diễn ra ở trong tâm mỗi người. Căn nguyên của tội là Tâm Phân Biệt. Có nhận ra như thế mới hiểu được lời Chúa: Ta không xét đoán nhưng là lời Ta sẽ đoán xét các ngươi. Những lời truyền dạy của Chúa tất cả cũng không ngoài luật yêu thương: “ Điều răn của Ta đây này: Các ngươi hãy yêu thương nhau cũng như Ta đã yêu thương các ngươi. Chẳng ai có sự yêu thương lớn hơn là vì bạn hữu mà thí bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta đã truyền dạy thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa. Vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi mọi điều Ta đã nghe biết ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 12 -15 ).
Thực thi giới răn Yêu Thương như Chúa yêu là điều không hề dễ chút nào. Tuy nhiên chúng ta vẫn cố gắng thực hành bởi vì có lòng tin nơi Chúa là Đấng từ Cha có nghĩa từ nơi Giác Tánh mà đến. mặt khác Chúa nói nếu các ngươi làm theo những điều Ta truyền dạy thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Sở dĩ Chúa nói như thế là vì Ngài biết mỗi người chúng ta cũng là Con Cha tức đồng một Giác Tánh như Ngài.
Hết thảy chúng ta đồng một Giác Tánh như Chúa nhưng chỉ vì khởi tâm động niệm phân biệt thế nên đã không nhận biết đó thôi. Giờ đây một khi đã nhận ra mạc khải về Đấng Cha như thế thì việc sống đạo của mọi Ki Tô Hữu là phải làm sao dứt bỏ Tâm Phân Biệt hầu trở về với Đấng Cha ở nơi mình.
Việc dứt trừ Tâm phân biệt ấy dĩ nhiên chỉ ở trong tâm tưởng và để có thể thực hành điều ấy thì ngoài lòng tin. Chúng ta cần có lòng yêu thương Đấng đã giải thoát mình: “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha Ta, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại, Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21 ).
Chúa sẽ…tỏ mình tức mạc khải cho những ai có lòng yêu thương và tuân giữ các giới răn. Như vậy để được Chúa tỏ mình, hoàn toàn không phải do lý trí nhưng là lòng yêu thương. Sử dụng lý trí thì không cách chi để nhận biết Thiên Chúa, duy chỉ bằng Tình Yêu vô phân biệt và Tình Yêu vô phân biệt này ngoài việc yêu thương kẻ thù nghịch, bố thí, nhưng nhất là cầu nguyện với Đấng Cha: “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín, đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).
Nơi…ẩn mật ấy chỉ có thể là ở nơi Tâm, vì vậy việc cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất là phải xoay cái Tâm vào bên trong mà cầu. Thế nhưng để cầu nguyện và cầu nguyện trong kiên trì là điều rất khó do bởi thiếu vắng lòng tin. Lòng tin chưa đủ thì không ai có thể kiên trì trong việc cầu nguyện. Mặt khác cũng không kém phần quan trọng đó là phải biết đến giá trị việc cầu nguyện.
Đức Mẹ và các Thánh luôn khuyên nhủ phải siêng năng lần chuỗi Mân Côi nhưng ngày nay nhất là trong giới trí thức kẻ cả hàng ngũ các Linh Mục cũng chẳng mấy ai thực hành. Lý do như đã nói đó là do ảnh hưởng bởi não trạng Duy Lý. Đối với Duy Lý thì việc luôn miệng xưng tụng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” là điều khó có thể chấp nhận ?
Kinh nguyện này chính là một phương pháp vừa dễ lại vừa bảo đảm nhất cho việc chuyển hóa tâm thức, từ mê sang tỉnh, từ phàm sang Thánh chỉ với điều kiện là lòng kiên trì. Một khi Đức Mẹ và các Thánh đã hết lời khuyên nhủ như thế thì hãy cứ vâng mà thực hành đi rồi đức tin sẽ đến chẳng chóng thì chầy.
Lòng tin và thực hành cần đi đôi với nhau. Thánh Giacobe nói: “ Đức tin không có việc làm thì tự nó sẽ chết” ( Gc 2, 17 ). Cần làm mọi việc trong đức tin, đó mới thực là đức tin sống động. Dĩ nhiên người ta không cần hiểu rồi mới tin. Thế nhưng nếu hiểu được giá trị của những việc làm ấy thì đức tin càng thêm bền chắc. Hiểu rồi mới tin phải chăng đó cũng là điều bình thường nhưng cứ tin đi rồi sẽ hiểu đó thật là điều có phúc. Chúa Ki Tô Phục Sinh nói với tông đồ Thomas: “Vì ngươi thấy Ta nên mới tin. Phúc cho kẻ không thấy mà tin” ( Ga 20, 29 )./.
Phùng Văn Hóa