TIN  MỪNG  VỀ  ĐỨC  KI TÔ  HAY…CỦA  ĐỨC KI TÔ ?

          Để giải quyết bất cứ cơn khủng hoảng nào dù là kinh tế, chính trị hay tôn giáo thì nhất định cần phải biết cái nguyên nhân gây ra cho nó. Không biết  đến nguyên nhân mà muốn giải quyết khủng hoảng đó là điều không tưởng.

          Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công giáo đã diễn ra trong suốt dòng lịch sử 2000 năm  và nay vẫn còn tiếp diễn mà nguyên nhân gây ra cho nó  chính là vì đã phủ nhận Tin Mừng của đưc Ki Tô để thay vào đó là Tin Mừng…về Đức Ki Tô.

          Thần học hiện nay phân biệt có 02 thứ Tin Mừng. Một là của Đức Ki Tô, hai là của cac Tông Đồ: “ 1/- Tin mừng của  Đức Giê Su Ki Tô tức là Tin  Mừng do chính Ngài rao giảng ( x Mc 1, 15. Lc 4, 18 ). 2/- Tin mừng về Đức Giê Su Ki Tô nghĩa là lời rao giảng của các Tông Đồ  về Đức Ki Tô và Ơn Cứu Độ do người mang đến ( Đức  Giê Su Ki Tô là đối tượng  của lời các Tông Đồ rao giảng” ( KT Tân Ước – Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ – Dẫn Nhập  vào các sách Tin mừng Nhất Lãm ).

          Thần học nói có 02 thứ Tin Mừng nhưng theo Thánh Phao Lô  thì  duy chỉ có một  Tin Mừng thôi đó là Tin mừng về  Nước Trời của Đức Ki Tô: “ Tôi lấy làm lạ cho anh em, sao  lại lìa  khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Đức Ki Tô mà theo Tin Mừng khac. Chẳng có Tin Mừng nào khác đâu, chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn sửa đổi Tin mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi  hoặc thiên sứ trên trời giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi  đã rao giảng  thì người ấy đáng bị nguyền rủa. Tôi đã nói trước rồi và nay lại nói nữa. nếu ai giảng cho anh em một Tin mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã nhận lãnh thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -9 ).

          Như vậy đã rõ, các Tông đồ không hề rao giảng một thứ Tin Mừng nào khác ngoài Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nươc Trời đúng như Sách Công Vụ Tông Đồ đã chép: “ Phao Lô vào nhà hội, giảng dạy cách dạn dĩ luôn trong 03 tháng, biện luận và khuyên  dỗ những điều về Nước Thiên Chúa” ( Cv 19, 8 ).

          Nguyên do nào  khiến thần học đã rao giảng một thứ Tin Mừng…khác để đến nỗi bị…nguyền rủa như thế ? Đó  chính là  do nơi  chủ trương gọi là Quy Ki Tô ( Christocentrisme ) mà ra: “ Trên hết là vị trí trung tâm của Đức Ki Tô trong Ki Tô Giáo. Tất cả đều quy về Người. Những lời nói và việc làm của Người bày tỏ khuôn mặt của chính Thiên Chúa ở một mức độ siêu việt chưa từng thấy” ( Dẫn vào Tân Ước  trang 17 ).

          Đức Ki Tô có vị trí trung tâm bởi đó chính là Đấng Tạo Hóa gọi là  Ngôi Lời: “ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.

          Chúa Giê Su được cho là Ngôi Lời. Đây chỉ là  một khái niệm của Heraclite, một triết gia cổ thời Hy Lạp gọi là Logos. Chúa Giê Su nếu là …Logos thì đâu có liên quan gì đến Đức Ki Tô là Đấng  được các Tông Đồ giảng dạy và tuyên xưng ? “ Khi tới nơi rồi, người ( Phao Lô ) nhờ ân sủng  mà giúp đỡ nhiều cho kẻ đã tin, và  người hết sức  thuyết phục người Do Thái cách công nhiên, lấy Kinh Thánh chỉ tỏ Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô” ( Cv 18, 27 -28 ).

          Ngày nay chúng ta vẫn kêu cầu Danh Thánh Giê Su Ki Tô nhưng nên nhớ Giê Su là tên riêng còn Ki Tô  để chỉ cho Đấng được xức dầu. Bởi người Do Thái không tin  Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô  nên các Tông Đồ mới dùng Kinh Thánh để thuyết phục  cho họ tin. Quả thật Kinh Thánh kể cả Cựu lẫn Tân Ước  không bao giờ  nói Ngài là  Đấng Thiên Chúa  Tạo Hóa  mà chỉ tiên báo về sự xuất hiện của một Đấng Ki Tô: “ Này, đầy tớ Ta đây là kẻ Ta nâng đỡ là kẻ Ta đã chọn lựa là kẻ mà linh hồn Ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt thần Ta trên người.  Người sẽ tỏ sự công bình  cho các dân ngoại. Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. Người sẽ  chẳng bẻ cây gậy đã giập và chẳng dụi tim đèn còn hơi sáng. Người sẽ lấy lẽ thật  mà tỏ ra sự công bình” ( Is 42, 1 -3 ).

          Về phần Chúa Giê Su, Ngài luôn nhận mình đến thế gian là để vâng phục Thánh Ý Chúa Cha: “ Vì Ta từ trời xuống  chẳng phải  để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

          Chúa Giê Su xuống thế  để làm theo Thánh Ý Cha và Thánh Ý đó  chính là rao giảng Tin Mừng Nươc Thiên Chúa: “ Vừa rạng ngày, Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng theo kịp, muốn giữ Ngài lại, không muốn Ngài rời khỏi họ. Nhưng Ngài nói: Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt  tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Chúa Giê Su khẳng định rõ ràng sứ mạng được sai đến của Ngài là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Thế nhưng thần học lại đã phủ nhận sứ mạng ấy  chỉ vì đã cho Ngài là Đấng  Tạo Hóa ( Logos ). Với một đấng gọi là Tạo Hóa thì làm gì còn có sứ mạng nào để được…sai đi ?

          Mặt khác sở dĩ thần học chối bỏ sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô là vì  đã thay thế nội dung Nước Trời mà Ngài rao giảng  bằng cái gọi là … Kerigma: “ Khuôn  mẫu ấy được  thể hóa trong điều mà Hội Thánh tiên khởi gọi là Lời Rao Giảng, tiếng Hy Lạp của nguyên văn gọi là Kè rigma tức là lời tuyên bố rồi chỉ chính điều được tuyên bố hay loan tin ra. Những phát ngôn nhân tiên khởi của Ki Tô Giáo gọi mình là “Người Loan Tin”, người rao giảng mang theo một mệnh là  phải rao truyền, tuyên bố cho thiên hạ. Lời rao truyền ấy, ta có thể nói  là có tính chất  là có tính cách một tin “ Nóng Hổi” làm chấn động  lên và  thực sự khi các vị ấy nghĩ đến nội dung hơn là hình thể thì các ngài gọi đó là Tin Mừng hay Tin Lành. Tóm lại Kerigma  là Lời Rao Giảng cho những người  chưa hề biết Ky Tô Giáo” ( Lời Tựa bản dịch KT của  Nguyễn Thế Thuấn – Tân Ước là Tin Mừng Về Chúa Ki Tô ).

          Qua trích đoạn hết sức…rối rắm khó hiểu này  chỉ có mục đích để nói rằng Đức Ki Tô cũng chính là…Tin Mừng là “ Cái Tin Nóng Hổi” dành cho những người chưa hề biết đến Ki Tô giáo ???

          Bởi đã phủ nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời  của Đức Ki Tô như thế  nên thần học không sao hiểu được đạo lý Bỏ Mình của Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ). Làm sao Bỏ được Mình  tức bỏ “ Cái Tôi” đi nếu không có lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ) ?

          Để có được lòng tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô  là điều rất khó bởi chưng Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng là một Thực Tại  nội tại  hằng hữu ở nơi mỗi người” Không phải bởi tay con người làm ra nghĩa là không thuộc  cõi thọ tạo này” ( Dt  9, 11 ).

          Nước Trời không thuộc cõi thọ tạo nhưng mầu nhiệm thay lại hiện hữu ngay nơi mỗi tâm hồn  chỉ cần quay về là…gặp. Chính bởi Nước Trời là …nước nội tại như thế nên Đức Ki Tô  mới truyền dạy: “ Luật pháp và tiên tri đến Jean Bap. Là hết. Rồi từ đó Tin Mừng của Nước Thiên Chúa được rao giảng ra. Ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói phải…nỗ lực mà vào thì nỗ lực ấy chỉ có thể là công việc của từng mỗi cá nhân, sao có thể khác được ? Thế nhưng đối với thần học thì họ lại không chấp nhận điều đó khi dịch Triều Đại Thiên Chúa thay cho Nước Thiên Chúa cùng với chú thích ( b ): “ Có người dịch ở trong các ông nhưng dịch như thế  có thể  làm người ta  hiểu lầm rằng Triều Đại  Thiên Chúa chỉ là một việc nội tâm và riêng tư. Đối với Đức Giê Su, Triều Đại Thiên Chúa  dành cho toàn thể Dân Chúa và đã là một thực tại đang hoạt động để cứu độ loài người, các ông có thể đạt đến được” ( Bản dịch Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ trang 342 ).

          Giữa Nước Thiên Chúa  mà Đức Ki Tô rao giảng và Triều Đại Thiên Chúa của thần học  có một sự khác biệt sâu xa thế này. Một đàng đó là Thực Tại mầu nhiệm nội tại mà  mỗi người cần phải hết lòng tin cùng với việc ăn năn, sám hối tội lỗi mình mới có thể…vào. Một đàng cái gọi là Triều Đại Thiên Chúa  chỉ là một thứ khái niệm…rỗng chẳng ai cần  chi đến nó !!!

          Cũng chính là với cái khái niệm Triều Đại TC ấy mà thần học mới thay thế Ngày Tận Thế bằng  một chủ trương gọi là Cánh Chung ( Escathologie ) thế này: “ Ngày Của Chúa hoàn toàn siêu việt, trí loài người mà biết được, nghĩ ra được thì Ngày Của Chúa không phải là Ngày Của Chúa mà chỉ là  một nhân tố trần gian. Muốn lĩnh hội Ngày Của Chua thì phải lĩnh hội như  một hy vọng lớn lao siêu việt  nhưng không phải là ảo mộng. Thiên Chúa đã can thiệp trong quá khứ  và bảo đảm vị lai  bằng sự trung tín của Người. Các kỳ công của TC ví được như những  dòng nhựa đang cuồn cuộn  tiến lên ngọn cây  để sinh hoa kết quả lúc đến mùa. Bởi đó mà vị lai được tả bằng những  nét lấy từ  những việc TC can thiệp  trong quá khứ: Sẽ có xuất hành mới. Môi Sê mới. Ngày của Chúa chấm dứt quá trình  của các can thiệp kia nhưng không phải như mút cùng của con đàng mà là như lúc khánh thành ngôi nhà. Cái dàn dựng lên để xây cât sẽ bị dỡ đi vì không cần nữa nhưng ngôi nhà mới bắt đầu được ở. Kế đồ của ý định TC  được liễu thành: Ngày Của Chúa tức là Cánh Chung” ( Bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn: Dẫn Vào Tân Ước ).

          Ở đây Ngày Cánh Chung hoàn toàn khác với Ngày Tận Thế  đã được ghi chép trong các Sách Tin Mừng và cả Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. Thay vì Ngày Tận Thế là ngày  Chúa đến để phán xét  kẻ lành lẫn kẻ dữ  thì Cánh Chung lại được coi như  là niềm hy vọng ví như những  dòng nhựa đang cuồn cuộn tiến lên ngọn cây để sinh hoa kết quả lúc…đến mùa ???

          Ngày  Tận Thế  vẫn được hiểu như là ngày  hủy diệt: “ Vì dân  này sẽ dấy nghịch cùng dân kia. Nước này đánh nước khác. Nhiều nơi sẽ có đói kém và động đất. Song mọi sự ấy mới chỉ là khởi đầu của cơn quặn thắt” ( Mt 24, 7 -8 ).

          Lý do khiến thần học thay Ngày Tận Thế  mà Đức Ki Tô đã tiên báo bằng  cái gọi là Cánh Chung bởi vì  người ta đã chấp chặt vào quan niệm Đấng Tạo Hóa: “ Thiên Chúa độc nhất hằng có  đã muốn dựng nên vạn vật và đầy lòng thương mến. Người đã muốn thông ban  sự sống của chính mình người. Sự sống mà mạc khải cùng tận đã hé mở cho ta thấy bên trong mình  Người nơi mầu nhiệm  Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần” ( Lm Nguyễn Thế Thuấn đã dẫn ).

          Với  quan niệm Đấng Tạo Hóa  thì không thể có…Tận Thế bởi như vậy là…vô lý. Một khi Tạo Hóa đã…dựng nên trái đất và con người thì hà cớ gì lại  hủy diệt nó đi ? Tuy nhiên đó chỉ là cái hiểu hoàn toàn sai lạc của thần học  về Tạo Dựng vì hễ có sống thì phải có chết, có sinh thì phải có diệt. Sự sinh diệt ấy là theo nguyên lý bất di bất dịch gọi là Thành, Thịnh, Suy, Hủy. nguyên lý này áp dụng cho muôn vật kể cả trong tôn giáo, bởi đó cho nên  Đạo Phật  mới có thời mạt pháp còn Đạo Chúa có Ngày Tận Thế.

          Về Ngày Tận Thế không một ai biết trước  được nhưng cứ thấy những  hiện tượng xảy đến thì biết Ngày ấy đã gần như đang ở ngưỡng cửa.” bấy giờ người ta  sẽ nộp các ngươi  vào sự hoạn nạn  và giết đi. Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì Danh Ta. Khi ấy nhiều kẻ  sẽ vấp phạm , nộp lẫn nhau và ghen ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì cớ sự gian ác thêm nhiều  nên tình thương yêu của phần đông sẽ nguội dần. Song ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu” ( Mt 24, 9 -12 ).

          Chỉ những ai bền đỗ đến cùng mới được cứu thoát, vậy làm sao để có được sự bền đỗ ấy.? Chúa nói: “ Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến nhằm ngày nào  nhưng hãy biết điều này, nếu chủ nhà đã hay canh nào  kẻ trộm đến thì thức tỉnh không để cho kẻ trộm đào ngạch nhà mình” ( Mt 24,  42 -43 ).     Chúa nói: Hãy tỉnh thức  trong chờ đợi Ngày Chúa đến như trong dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Các cô khôn ngoan thì dự bị sẵn  dầu đèn còn các cô khờ dại thì ngủ mê  đến lúc choàng dậy thì đèn không thể thắp sáng vì không…có dầu.!

          Sự bền đỗ đẹp lòng Chúa nhất  đó là phải bền lòng cầu nguyện: “  Vậy Đức Chúa há chẳng  thân oan cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài  dẫu Ngài đã nín nhịn họ khá lâu rồi ư ? ( Lc 18, 7 ).

          Làm sao có thể bền đỗ trong cầu nguyện ? người Công Giáo chúng ta có thể siêng năng đi lễ, viếng đàng Thánh Giá, đọc kinh chung trong nhà thờ, viếng Thánh Thể v.v..nhưng về việc cầu  nguyện nói chung và bền đỗ cầu nguyện nói riêng  thì hầu như chẳng có mấy ai vì điều này rất khó.

          Để có thể bền đỗ  cầu nguyện đêm ngày  theo kinh nghiệm bản thân  thì duy chỉ có Kinh Mân Côi  là kinh nguyện được Đức Mẹ truyền dạy và Giáo Hội hết sức ca tụng khuyên nhủ.  Đức thánh cha Leo XIII nói: Kinh Mân Côi là cách sùng kính từ trời ban xuống, chẳng còn phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng” ( Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi ).

          Kinh Mân Côi sở dĩ có giá trị như thế bởi vì đó là một phương pháp và chính vì nó có phương pháp nên mới giúp chúng ta  được bền đỗ trong cầu nguyện. Không ai có thể  dự  Thánh Lễ ngày đêm nhưng với Chuỗi Mân Côi thì hoàn toàn có thể…nếu muốn…

          Chúa Giê Su  nói với  nữ tu Josepfa Menandez ( 1890 – 1923 ) “ Vấn đề quan trọng không phải là vào đạo nhưng là vào Chốn Đời Đời”. Có vào đạo đấy nhưng không vào được Nước Thiên Đàng  thì nào có ích lợi gì đâu ?

          Như những gì Chúa đã tiên báo về Ngày Tận Thế  thực đã gần như …ở ngưỡng cửa. Cứ nhìn những hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây bên ngoài  cũng như bên trong Giáo Hội sẽ thấy. Người Công Giáo đã và đang bị ghét bỏ hơn bao giờ hết. Các nhà thờ bị đập phá và đốt cháy. Còn bên trong Giáo Hội thì các phong trào ly khai, lạc giáo ngày càng nhiều. Huấn quyền của GH không được tuân giữ. Thậm chí giám mục bản quyền còn bị chính Linh Mục thuộc quyền thóa mạ, đánh đập v.v…

          Tất cả những thảm trạng ấy  có nguyên do là vì Chúa Giê Su Ki Tô đã không được kính mến, tôn thờ nơi các tâm hồn. Thế nhưng làm sao có thể có được lòng kính mến, tôn thờ  ấy  nếu không có Đức Maria Đồng Công Cứu Chuộc bởi vì Ngài chính là Người Nữ đạp giập đầu rắn Sa Tan ( St 3, 15 ).

          Sống đạo là sống cuộc tìm kiếm và cuộc tìm ấy chỉ có thể đem lại kết quả một khi đã trải qua cuộc giao tranh trường kỳ với Sa Tan, “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh  12, 9 ) bằng sự hết lòng vâng phục Thánh Ý./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts