Tính Chất Giải Thoát Của Kinh Mân Côi

        Công nghiệp do Kinh Mân Côi đem lại cho Giáo Hội thật là lớn lao, không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng cũng có một thực tế khác đó là kinh này đang đi đến chỗ lụi tàn. Sự lụi tàn của Kinh Mân Côi là điều không sao tránh khỏi mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là thay vì kiên trì trong thực hành thì lại quay sang …suy niệm.

          Chúng ta biết Đức Mẹ truyền trao Kinh Mân Côi cho Thánh Đa Minh vào thế kỷ XII với mục đích  để  chống lại các lạc giáo Carthage và Albigence đang hoành hành tại miền nam Nước Pháp và có nguy cơ lan tràn trong khắp Giáo Hội.

          Ý nghĩa của việc truyền trao  ấy chính là Đức Mẹ đã trao cho một phương pháp cầu nguyện tối hảo cùng với lời khuyên nhủ hãy siêng năng thực hành để được cứu thoát.

          Toàn bộ Kinh Mân Côi chứa đựng Lời Chúa. Thực hành Kinh Mân Côi  chính là sống Lời Chúa. Giữa việc sống Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa có sự khác biệt triệt để thế này. Một đàng là …sống, một đàng là …suy về sự sống. Có thể ví việc sống và suy về sự sống giống như ăn cơm với suy nghĩ về việc ăn cơm. Có ăn mới …no chứ cứ …suy về ăn mà không ăn thì không thể no.!!!

          Trong tất cả những lần hiện ra Đức Mẹ đều khuyên con cái hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi chứ có bao giờ nói phải…suy phải nghĩ gì đâu ? Thử hỏi Thánh Nữ Bernadette ( Lộ Đức ), các em nhỏ Phatima cho đến các Thánh Alphongso Liguori, Thánh Pio Năm Dấu v.v…những con người  hết sức mộ mến việc lần chuỗi có ai trong số họ đã làm cái việc gọi là…suy ấy bao giờ ?

          Mặc dầu vậy Kinh Mân Côi vẫn bị phê phán cách nặng nề bởi người ta cho rằng việc tụng đọc kinh này chỉ có ở ngoài môi miệng và như vậy thật đáng Chúa quở trách “ Dân này nó chỉ tôn thờ Ta ngoài môi miệng. Còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm. Chúng tôn thờ Ta luống công” ( Mt 15, 8 -9 ).

          Tại sao  cầu nguyện nếu chỉ ở ngoài môi miệng thì …xa cách Chúa ? Đó là vì việc cầu nguyện ấy  thực chất chỉ là hướng ngoại tìm cầu. Tìm cầu một Đấng Thiên Chúa ở bên ngoài mình đó chỉ là vô ích, hoàn toàn vô ích.

          Theo đức cố hồng y FX Nguyễn Văn Thuận thì Giáo Hội đang lâm cơn khủng hoảng trầm trọng mà nguyên nhân của nó chính là vì đã…hạ giá việc cầu nguyện. Hạ giá không có nghĩa là không còn cầu nguyện nhưng là đã biến cầu nguyện thành một thứ suy niệm thần học. Người ta giải nghĩa về Thiên Chúa thế này thế khác chứ không còn …nói với Chúa không cầu nguyện với Ngài như với Người Cha thân yêu của mình.

          Nhìn nhận Thiên Chúa như một Người Cha và quả thật Ngài đúng là như vậy “ Vì anh  em chẳng nhận lãnh tâm linh của danh phận tôi mọi để lại sợ hãi bèn là đã nhận lãnh tâm linh của danh phận con cái và nhân đó chúng ta kêu: Aba, Cha. Chính Thánh Linh cùng  tâm linh chúng ta đồng chứng rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa” ( Rm 8, 15 -16 )

          Thiên Chúa là Cha, điều ấy tưởng như không còn gì để nói ! Chẳng phải tín hữu chúng ta hàng ngày vẫn đọc Kinh Lạy Cha đó ư ? Tuy nhiên Đấng Cha đó có phải là Đấng ngự ở trên trời như trong lời kinh diễn tả hay không ?

          Thật sự  thì không. Tại sao ? Bởi lẽ nếu Đấng Cha là Đấng…ngự tít  ở trên trời cao có nghĩa ở trong một không gian vật lý nào đó thì  đấng  ấy nào có chi  lien hệ đến con người đồng thời đòi hỏi chúng ta cần hết lòng hết ý chí để yêu thương Ngài ?

           Chúa Giê Su  cũng có nhiều lần nói đến Đấng Cha…ở trên trời. Thế nhưng cần  nên hiểu đó chỉ là một thứ….tùy thuyết dùng để giáo hóa cho những căn cơ thích hợp. Đang khi đó Thiên Chúa Đấng là Cha ấy chỉ có thể là Đấng Vô Sở Bất Tại cũng chính là Bản Tâm Thanh Tịnh Bình Đẳng Vô Phân Biệt vốn hằng sẵn đủ ở nơi mỗi người “ Nhưng Ta nói cùng các ngươi. Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác lẫn  người thiện. Mưa cho kẻ công chính cũng như kẻ bất chính” ( Mt 5,44 -45 ).

          Đấng Cha  cần được nhìn nhận như là  Bản Tâm Thanh Tịnh Bình Đẳng Vô Phân Biệt vốn sẵn có ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng kẻ phàm không giảm. Thế nhưng con  người đã phạm phải một sai lầm rất ư  nghiêm trọng đó là đã biến cái Tâm Thanh Tịnh,  Bình Đẳng vốn có của mình thành ra cái Tâm ô nhiễm, bất bình đẳng.

          Với cái Tâm ô nhiễm, bất bình đẳng ấy con người luôn thấy người khác …sai còn mình thì khi nào cũng…đúng. Chỉ cần có ý niệm này tồn tại thì trong đời thường con người không thể nào có được cái tình thương yêu nhau chân thật được. Còn trong đời tâm linh thì chẳng bao giờ có thể  Làm Hòa được với Thiên Chúa  Đấng ở nơi mình.

          Sống đời sống tôn giáo là sống cuộc giải hòa thường trực với Thiên Chúa và với tha nhân “ Mọi sự đều ra từ ĐCT. Ngài đã nhờ Đức Ki Tô mà khiến  chúng ta …hòa lại với Ngài và giao cho chúng tôi chức dịch giải hòa” ( 2C 5, 18 ).

          Nói đến “Hòa” tức có nghĩa  đã có lúc bất hòa. Vậy cái lúc….bất hòa ấy là khi nào ? Đó là khi nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa cứ cố tình …ăn trái cấm là trái phân biệt thiện ác “ ĐCT phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn  hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” (St 2, 16 -17 ).

          Nguyên tổ đã không vâng lời Thiên Chúa cứ… ăn trái cấm để rồi cả hai đã bị đuổi ra khỏi Địa Đàng, lê thân vào chốn gian trần khổ ải. Đàn ông phải đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi bụng mới có cái để ăn còn đàn bà thì phải lệ thuộc đàn ông, mang nặng đẻ  đau  muôn phần  khổ cực.

          Chúng ta chỉ có thể…hiểu được câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng theo nghĩa biểu tượng.  Vườn Địa Đàng ám chỉ cho Bản Tâm Thanh Tịnh, Bình   Đẳng  Vô Phân Biệt. Trái Cấm là Tâm Phân Biệt. Khi Tâm Phân Biệt khởi  thì Tâm Vô Phân Biệt liền mất. Tâm Vô Phân Biệt mất có nghĩa đã tự mình  làm  mất đi Cõi Địa  Đàng.

          Nguyên tổ vì không vâng lời Thiên Chúa,  nghe theo cám dỗ của rắn Sa Tan cố tình…ăn trái cấm thế nên đã bị đuổi khỏi Địa Đàng và sẽ không bao giờ có  ngày trở lại nếu không có Đấng Cứu Thế  xuất sinh ra đời thông qua cuộc giao tranh giữa Người Nữ Maria và Sa Tan “ Ta sẽ làm cho mày cùng  Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Cuộc giao tranh giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan đã mở màn với  Lời Xin Vâng ( Fiat ) trong Ngày Truyền Tin “ Này tôi là tôi tá ĐCT, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38 ). Đức  Maria Xin Vâng  có nghĩa là vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa và sự Xin Vâng ấy cần được tiếp tục trong suốt cuộc hành trình  trở về …làm hòa với  Thiên Chúa của mỗi người.

          Tội Nguyên Tổ khiến con người phải sống trong tình trạng bất hòa với Thiên Chúa và như thế đồng  một trật cũng làm nô lệ cho Sa Tan, bị sự sai khiến trói buộc của nó. Đức Ki Tô đến với thế gian có mục đích để giải thoát chúng  ta ra khỏi vòng nô lệ của quỷ dữ Sa Tan bằng cách chỉ cho  biết Sự Thật “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Sự thật Đức Ki Tô muốn chỉ cho biết đó là mỗi người được sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Thế nhưng sự thật ấy con người không thể nhận biết lý do là vì đã mang nơi mình hai thứ chấp. Một là chấp cho xác thân này là mình gọi là chấp ngã. Hai là chấp cho tâm tưởng nghĩ suy  phân biệt này là mình gọi là chấp pháp.

          Con người không một ai lại không mang hai thứ chấp ấy ở nơi mình với đầy  đủ thất tình lục dục và vì thế mà đã phải sống lăn lóc trong khổ đau bất tận. Tôn giáo thiết yếu phải là con đường thoát khổ và sự thoát khổ ấy quyết định không ngoài sự từ bỏ tức là phá chấp.

          Đạo lý Đức Ki Tô dạy ta sự từ bỏ “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ). Từ bỏ ở đây có nghĩa là phá bỏ đi hai cái chấp ngã và chấp pháp. Sự phá chấp ấy có thể thực hiện qua con  đường yêu thương kẻ thù nghịch “ Các ngươi đã nghe phán rằng: Hãy yêu thương kẻ  thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu thương kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời” ( Mt 5, 43 -45 ).

          Thực hiện sự từ bỏ bằng cách yêu thương kẻ thù nghich, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ  mình là điều rất khó chẳng mấy ai làm được. Tuy nhiên có một đường lối từ bỏ khác có thể nói là không khó ai cũng có thể  nhưng lại đem đến kết quả  hết sức lớn lao đó là thực hành Kinh Mân Côi như một pháp tu giải thoát.

          Tín hữu chúng ta xưa nay  vẫn chuộng việc đọc kinh lần hạt chung với  nhau nơi nhà thờ hay trong gia đình. Việc ấy quả đã mang lại ơn ích không nhỏ. Tuy nhiên việc đọc kinh ấy có thể bị phê phán là máy móc…vô hồn là nhiều lời vô ích đáng Chúa quở trách “ Khi các ngươi cầu nguyện  đừng lặp đi lặp lại  vô ích như dân ngoại. Vì họ tưởng rằng cứ nói nhiều thì được dủ nghe” ( Mt 6, 7 ).

          Phần khác việc đọc kinh lần hạt theo như…thói quen như thế thực sự vẫn chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của Đức Mẹ trong mệnh lệnh Phatima: Việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi cần phải gắn liền  với cải thiện đời sống. Để có thể cải thiện đời sống thì không thể chỉ có đi lễ nhà thờ, đọc kinh chung như một tập quán mà cần phải TU nghĩa là sửa đổi con người mình ngày càng đến chỗ hoàn thiện “ Vậy thì các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi là  Đấng Trọn Lành” ( Mt 5, 48 ).

          Để  có thể nên trọn lành thì nhất định cần phải TU. Nếu người đời chỉ thấy lỗi người thì người TU lại thấy lỗi mình. Có thấy lỗi mình thì mới chịu sửa, chịu tu. Thấy lỗi mình ở đây chính là nhận biết vọng tưởng phân biệt. Việc nhận biết vọng tưởng là cái cốt tủy của việc tu tập. Không nhận biết vọng tưởng mà TU đó là…tu mù !

          Nhận biết vọng tưởng đòi hỏi cần phải có công phu miên mật. Thiền tong biết vọng là nhờ vào  Tham Công Án ( Kung An ) có mục đích để thu hút vọng tưởng thành một khối nghi rồi cơ duyên đến phá vỡ khối nghi đó liền  Ngộ. Tịnh Độ Tông biết vọng nhờ câu Niệm Phật A Di Đà. Thiền Minh Sát đơn giản chỉ có hai chữ Phồng À, Sộp À  v.v…

          Thực hành Kinh Mân Côi như một  Pháp Tu  cũng là để nhận biết vọng tưởng. Sở dĩ Kinh này có thể cho chúng ta biết vọng đó là nhờ ở cấu trúc đặc biệt của nó. Ai cũng biết chuỗi Mân Côi gồm có 150 hạt chia ra làm ba mùa Vui, Thương, Mừng. Mỗi mùa có năm thứ, mỗi thứ có mười hạt ( Kinh Kính Mừng ).

          Phương pháp thực hành Kinh Mân Côi hệ tại ở việc đếm số. Cứ lần hết mười hạt thì  đọc Kinh Sáng Danh. Việc kết thúc mười Kinh Kính Mừng này không thể thiếu cũng như không thể thừa. Nếu thiếu hoặc thừa là tại chia lòng chia trí. Sự chia lòng chia trí ấy chính là do vọng tưởng. Tâm đang ở trong chánh niệm ( Lời Chúa ) lại phân tâm biến thành vọng tưởng.

          Việc đọc kinh lần hạt cùng với cộng đoàn như đã nói không phải không có ơn ích. Thế nhưng nếu chỉ như vậy thì không thể nhận biết vọng tưởng bởi đó mà cần phải TU.

          Tu tập bằng Kinh Mân Côi là việc chỉ mang tính cá nhân và để có thể theo đuổi công việc này cho đến trọn đời thì cần có quyết tâm, coi đây là việc lớn sinh tử cần  thực hiện ngay trong kiếp sống này hầu được giải thoát. Chính vì tính chất trọng đại của việc giải thoát như thế mà người tu có được sự kiên trì không thối chuyển “ Ai bền  đỗ  đến cùng sẽ được Cứu Độ” ( Mt 10, 22 ).

          Trở ngại lớn nhất cho những ai quyết tâm thực hành Kinh Mân Côi  đó  là sự chia trí ( vọng tưởng ). Thế nhưng nên biết trong việc thực hành không nhất quyết  phải dứt vọng mà chỉ cần…biết vọng. Việc biết vọng và không theo vọng ( Buông Xả ) cần  diễn ra trong suốt thời Tu  ( Bất úy tham sân khởi. Duy khủng tự giác trì ).

 Người Tu chỉ cần không theo vọng là đủ, không sợ vọng khởi mà chỉ e biết chậm. Không theo vọng có nghĩa là không  để mình bị  thế gian lôi cuốn. Không theo sự lôi cuốn của thế gian thì liền đó được giải thoát. Sự giải thoát chắc chắn sẽ đến trong giờ sau hết cho những ai  thành tâm với việc thực hành Kinh Mân Côi bởi  như lời Đức Mẹ đã hứa: Trung thành lần hạt Mân Côi là dấu chỉ chắc chắn cho phần rỗi linh hồn”./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts