TÍNH CHẤT “KHAM NHẪN” TRONG ĐẠO CHÚA

          Lời Chúa là lời hằng sống, chúng ta vẫn tin như  vậy. Thế nhưng quả thật  có những lời chẳng những khó hiểu mà người đời cũng  không sao chấp nhận: “ Các ngươi đã nghe phán: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song Ta nói cùng các ngươi: Đừng chống cự kẻ ác, trái lại  hễ ai vả má hữu ngươi hãy đưa má kia cho họ luôn. Hoặc ai muốn kiện ngươi để lấy áo trong, hãy để cho họ lấy luôn áo ngoài nữa. Hay là hễ ai muốn bắt ngươi đi một dặm hãy đi hai với họ. Ai xin ngươi hãy cho. Ai muốn mượn ngươi thì đừng làm ngơ” ( Mt 5, 38 -42 ).

          Làm sao người đời có thể chấp nhận lời dạy của Chúa, bởi như thế có khác nào chối bỏ khả năng tự vệ của con người trước những cái ác ? Con người cũng như muôn loài đều mang nơi mình bản năng sinh tồn và như thế việc chống lại những kẻ muốn xâm hại đến sinh mạng, tài sản của mình luôn là điều chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên Lời Chúa vẫn là sự thật và chúng ta chỉ có thể hiểu được huấn lệnh trên đây khi liên hệ với tính chất “ Kham Nhẫn” trong Đạo Chúa.

          Kham nhẫn đồng nghĩa với nhẫn nhục nhưng có khác ở chỗ  ngoài việc chịu đựng những điều bất như ý trong mọi hoàn cảnh, người môn đệ Chúa còn phải ban rải tình thương đến với những kẻ làm ác cho mình. Đối với  thế gian, để đi đến thành công trong mưu đồ địa vị, chức quyền  người ta cũng có thể nhẫn nhục, chịu đựng. Tục ngữ có câu: Có ăn được ba đấu tương chua, dấm đặc mới làm được  tể tướng…

          Lại có câu chuyện được người đời xưng tụng…anh hùng đó là việc Khánh Kỵ tha chết cho  Yêu Ly. Trong một chiến dịch xuất quân phục hận, Khi ngồi cùng chiến thuyền với Khánh Kỵ, nhân lúc ông  này không để ý, Yêu Ly đã quay giáo đâm  lòi ruột chủ tướng. Nhưng Khánh Kỵ là người có sức khỏe phi thường đã nắm lấy đai lưng Yêu Ly và dìm xuống nước ba lần cho chết  nhưng rồi lại lôi lên và khi các bộ tướng muốn giết thì can ngăn và nói: Chớ nên trong một ngày mà để chết hai dũng sĩ  của thiên hạ. Có ý ám chỉ cả ông ấy và kẻ muốn ám hại  đều là những bậc anh hùng cái thế…( Xem Nguyễn Duy Cần – Cái  Dũng Của Thánh Nhân ).

          Việc Khánh Kỵ  ba lần dìm Yêu Ly xuống nước muốn giết cho hả cơn tức giận nhưng lại lôi lên và còn can ngăn các bộ tướng tha cho, đó thật là hành vi của kẻ anh hùng. Thế nhưng hành vi ấy không gọi được là…kham nhẫn bởi vì đó chỉ là cái nhất thời do xung động của “ Cái Tôi”. Trái lại với tổ phụ Apraham  khi sát tế đứa con thừa tự là Isaac  vì tin vào lời hứa của Thiên Chúa.

          Đức tin cần được thử thách bằng sự nhẫn nại đó mới là đức tin tinh tuyền. Apraham có hai lần bị thử thách. Lần trước khi đã trăm tuổi và bà vợ cũng đã  gần chín mươi mà vẫn không có con nối dòng. Khi ấy Thiên Chúa Gia vê nhắc lại lời hứa ông sẽ là tổ phụ của một dân lớn  vậy  mà ông vẫn tin !

          Thế rồi, sau khi Isaac sinh ra, Đức Chúa lại bắt ông phải đem đứa con mới lên năm tuổi, ông rất đỗi yêu thương ấy đem đi sát tế nhưng ông vẫn vâng lời không chần chờ  vì tin rằng Thiên Chúa sẽ trả lại những gì Người  đã hứa ( St 22, 1 -18 ).

          Chỉ vì tin vào lời hứa của Thiên Chúa, Apraham đã sát tế đứa con thừa tự Điều ấy đối với thế gian là một tội ác kinh tởm. Thế nhưng chính điều ấy cho thấy tính chất siêu việt của đức tin tôn giáo trên mọi thứ luân lý thế tục.

          Đức tin cần  thử thách và sự thử thách ấy  được vượt qua trong  nhẫn nại: “ Phúc  thay người biết kiên trì chịu đựng  cơn thử thách  vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài. Thế nhưng khi bị cám dỗ, đừng ai nói tôi bị Thiên Chúa cám dỗ vì Thiên Chúa  không thể bị cám dỗ bởi điều xấu vì chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng mình lôi cuốn câu nhử. Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi đã lớn lên thì sản sinh sự chết” ( Gc 1, 12 -15 ).

          Con người luôn bị cám dỗ trong việc chống lại kẻ ác vì cho đó là điều chính đáng và cần thiết. Thế nhưng tại sao Đức Ki Tô chẳng những  nói đừng chống cự kẻ ác mà dường như còn có phần …tiếp tay cho nó ? Chúng ta chỉ có thể hiểu lời dạy này khi liên hệ với đạo lý…Bỏ Mình: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bao lâu còn chống lại kẻ ác là còn thấy có “Ta” ( Ngã Chấp) Hay nói cách khác hễ còn thấy…có Ta có tài sản, gia đình, con  cái là của Ta ( Ngã Sở )  thì còn chống lại kẻ nào muốn xâm hại tới nó. Cái việc Chúa dạy “ Hễ ai vả má hữu, hãy đưa luôn má kia, đó không phải là thái độ  của kẻ hèn nhát nhưng nó chứng tỏ tấm lòng yêu thương, tha thứ của người Con Chúa: “ Ta nói cùng các ngươi, hãy yêu thương kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ  các ngươi” ( Mt 5, 44 ).

          Đạo lý “ Bỏ Mình” của Đức Ki Tô, thế gian không thể lãnh hội và vì thế không cách chi có thể nhẫn nhịn trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Tại sao ? Bởi vì trong chữ “Nhẫn” luôn đi đôi với chữ Nhục gọi là Nhẫn Nhục. Người nghèo nếu không chịu được cảnh bần hàn, thiếu thốn bởi cho đó là…nhục mà sanh tâm trộm cắp, cướp giật, bị người bắt trói ở tù thì điều đó chẳng phải còn nhục nhã bội phần hay sao ?

          Người ta nói: “ Một sự nhịn chín sự lành” là rất đúng và cái ….sự nhịn đó còn  diễn ra cả  trong chốn tu hành  đem lại nhiều  ơn ích lớn lao. Thánh Teresa Hài Đồng Giê Su là tấm gương lớn của thời hiện đại: “ Một hôm chẳng biết chị nào đem để cái bình  đằng sau cửa sổ. Mẹ nhà tập ngờ là con để vương đấy mà vỡ đã mắng con rày đi phải biết làm cho ý tứ hơn, chẳng ngăn nắp gì hết ! Rồi mẹ khó chịu, con chẳng thưa lại lời nào, một cúi xuống hôn đất và hứa về sau  sẽ giữ ngăn nắp hơn” ( Một Tâm Hồn ).

          Cái cử chỉ…hôn đất  tỏ ý nhận lỗi dù rằng đó chẳng phải là lỗi của mình đối với thế gian có vẻ nhu nhược nhưng thật ra đó chính là thực thi đạo lý  Bỏ Mình  cũng gọi là Bất Tùy Phân Biệt của  Thiền Tông. Tổ Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Chỗ ông một niệm không thể dừng là Cây Vô Minh”

          Cứ theo thường tình, thánh Teresa có thể phân bua với mẹ Nhà Tập rằng con không làm điều ấy  nhưng như thế để làm gì ? Nó có khiến cho Tâm của vị thánh trẻ ấy được bình an hay ngược lại ?

          Tâm Bình An là cốt tủy của Đạo Thiền. Lần kia Thần Quang đến cầu đạo với tổ Bồ Đề Đạt Ma: Xin thầy an tâm cho con ! Tổ đáp: Ngươi hãy đem Tâm ra đây ta an cho !

          Thần Quang thưa: Bạch thầy con tìm Tâm không thấy ! Tổ trả lời: Đó ! Ta đã an tâm cho con rồi ! Qua những lời đối đáp giữa hai thầy trò cho thấy cái nét kỳ đặc của Thiền. Tại sao trò nói: Tìm Tâm không thấy mà thầy lại nói: Ta đã an tâm cho con rồi ? Bởi  sở dĩ tìm Tâm không thấy là vì Tâm vốn dĩ Vô Phân Biệt thì làm sao  thấy ? Nhận ra Tâm Vô Phân Biệt tất sẽ có bình an.

          Lại một lần kia, sau khi Huệ Năng,( về sau là tổ thứ sáu Thiền Tông ) được ngũ tổ Hoàng Nhẫn trao y bát đi về phương nam, Huệ Minh chạy đuổi theo muốn dành lại chiếc y nhưng khi giơ tay muốn lấy nhưng không được bèn khẩn khoản nói: “ Mong cư sĩ vì tôi nói pháp. Huệ Năng bảo: “ Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản Lai Diện Mục của thượng tọa Minh ?”

          Huệ Minh liền đại ngộ, sụp lạy nhận Huệ Năng làm thầy. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác đó là cái Tâm của nguyên tổ khi còn ở  nơi Vườn Địa Đàng. Trái lại khi ăn trái cấm không được phân biệt thiện ác thì tức thời đã bị đuổi ra: “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết  thiện, biết ác thì chớ hề ăn đến bởi một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Tại sao phân biệt thiện ác lại đưa đến cái chết về phần tâm linh như thế ?  Đó là vì chính cái sự phân biệt ấy mà đã hình thành nên một “ Cái Ta” ( Ngã Chấp ) vị kỷ, cố chấp là đầu mối của muôn giống tội.!!!

          Việc Đức Ki Tô truyền dạy: “ Đừng chống lại kẻ ác” có nghĩa đừng có phân biệt người thiện kẻ ác bởi như thế sẽ  làm mất  đi Tính Bình Đẳng vốn có  bởi chưng  mình đã được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ).

          Chẳng những môn đệ Chúa không chống cự kẻ ác lại còn phải  yêu thương, cầu nguyện cho họ, có như thế mới xứng đáng là đạo của Tình Yêu: “ Vì có ai nói rằng tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối. Vì kẻ nào chẳng thương yêu anh em mình là người đã thấy thì thể nào yêu mến Thiên Chúa là Đấng mình chẳng từng thấy được ư ? ( 1Ga 4, 20 ).

          Mặc dầu yêu thương, cầu nguyện cho kẻ thù nghịch là việc rất khó  nhưng nếu không như thế thì làm sao có thể nghe được lời an ủi của Đấng Giàu Lòng Thương Xót trong ngày phán xét:“ Bấy giờ Vua sẽ phán với những kẻ bên hữu rằng: Hỡi các ngươi là kẻ được chúc phúc của Cha Ta, hãy đến hưởng nước đã sắm sẵn cho các ngươi từ buổi sáng thế” ( Mt 25, 34 )./.

Phùng  Văn Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts