Tổ Phụ Apraham và Đạo Công Giáo

          Trên thế giới hiện có ba tôn giáo lớn cùng  tự nhận mình khởi nguồn từ tổ phụ  Apraham đó là Do Thái giáo, Hồi giáo và Công giáo. Dẫu vậy về sự…khởi nguồn ấy lại cho thấy có sự khác biệt lớn lao của mỗi tôn giáo.

          Với Do Thái giáo, Apraham chỉ là tổ phụ theo nghĩa huyết thống. Còn Hồi giáo, tổ phụ họ là Ich Ma Ên đứa con ngoại hôn của Apraham với Aga người hầu thiếp Ai Cập. Riêng với Đạo Công giáo thì Apraham là tổ phụ của đức tin.

          Với sự khác biệt như thế, tất nhiên không thể không đưa đến  sự khác biệt về bản chất của các tôn giáo vẫn được gọi chung là …độc thần ấy. Giữa Do Thái giáo và Công giáo tưởng  như rất gần gũi bởi lẽ Đạo Công giáo từ trước đến nay vẫn sử dụng Kinh Thánh Do Thái như một y cứ không thể tách rời. Tuy nhiên xét về bản chất họ lại hoàn toàn phủ nhận đức tin Công Giáo, vì vậy không thể có bất cứ một điểm chung nào.

          Còn với Hồi giáo, cần khẳng định tổ phụ  họ không phải  Apraham mà là Ich Ma Ên. Sở dĩ nói thế bởi  sau khi người hầu Aga bị bà chánh thất Sara đuổi đi thì Apraham đã được Đức Chúa Giêhova an ủi: “ Ngươi chớ buồn bực vì con trai và con đòi ngươi ( Aga ). Sara nói thế nào hãy nghe theo người. Vì do nơi Isaac sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi. Ta cũng sẽ làm cho đứa trai của con đòi ngươi trở nên một dân vì nó cũng do nơi ngươi mà ra” ( St 21, 11 -13 ).

          Ich Ma Ên, đứa con của nàng hầu Aga, đó mới chính là tổ phụ của người Hồi giáo và Kinh Thánh cũng đã tiên báo về sự đối nghịch giữa Hồi giáo với Do Thái giáo cũng như Công giáo sau này: “ Đức Chúa phán với người thiếp Aga: Này ngươi đang có thai, sẽ sanh một con trai đặt tên là Ich Ma Ên vì Đức Gie hova có nghe sự sầu khổ ngươi. Đứa trẻ đó sẽ như một con bò rừng. Tay nó sẽ địch cùng mọi người và tay mọi người địch lại nó Nó sẽ ở về phía đông đối mặt  cùng hết thảy anh em mình” ( St 16, 11 -12 ).

          Kẻ kế nghiệp tổ phụ Apraham chỉ có thể là Isaac, con trai của bà chánh thất Sa Ra. Thế nhưng có điều hết sức quan trọng không thể không biết đến đó là để có được kẻ kế nghiệp ấy thì  không thể  chỉ căn cứ  ở  nơi huyết thống nhưng cần qua sự  thử thách của đức tin:

          Đức Chúa Giehova phán với Apraham: “ Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu là Isaac và đi đến xứ Moria nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên hòn núi kia mà Ta sẽ chỉ cho” ( St 22, 1 -2 ).

          Apraham vì vâng lệnh mà sát tế ngay cả đứa con yêu dấu đã được  chính Thiên Chúa hứa cho kế nghiệp. Việc giết con ruột  mình chỉ vì tin vào một lời hứa.Đó là điều chẳng những thế gian không cách chi hiểu  mà ngay đến cả trong tôn giáo cũng khó thể chấp nhận. Ấy vậy mà tổ phụ Apraham đã vượt qua  để rồi nhận được lời hứa:

          “ Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi tức con ruột ngươi thì Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng: Sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát biển và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời Ta nên các dân thế gian đều sẽ  nhờ dòng dõi ngươi mà được phước” ( St 22, 16 -18 ).

          Vì không…tiếc đứa con thừa tự yêu dấu mà tổ phụ Apraham đã nhận được lời hứa cho làm tổ phụ của một dân đông đúc như sao trời, cát biển.Thế nhưng để lời hứa ấy được thành tựu thì Dân Chúa cần thực hiện Cuộc Vượt Qua từ đất nô lệ Ai Cập để trở về nơi  Đất Hứa Canaan.

          Cuộc Vượt Qua ấy vô cùng gian nan vì phải trải qua bốn mươi năm  ròng rã trong sa mạc cùng với biết bao cuộc chiến  chống đủ  loại quân thù cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên  và của bản thân. Trong Cuộc Vượt Qua  gian khó ấy, rất nhiều lần Dân Chúa đã nổi loạn, than trách chống lại anh em nhà Mai Sen: “ Ôi ! Thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Đức Giê hova tại xứ Edipto  khi còn ngồi kề bên nồi thịt và ăn bánh chán chê. Vì hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng này đặng làm cho cả đoàn dân này đều bị chết đói” ( Xac 16, 2 -3 ).

          Đức Chúa đã làm biết bao phép lạ lớn lao mới có thể đưa Dân Người thoát ách nô lệ Ai Cập. Ấy vậy mà giờ đây  mỗi khi gặp khó khăn trở ngại lại muốn thối lui chỉ vì  cái nỗi…thèm thịt, thèm bánh ấy. Trong Cuộc Vượt Qua, thử thách  là điều  cần thiết không thể thiếu:

          “ Hãy nhớ trọn con đường  nơi đồng vắng mà Giê hova ĐCT ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm này để hạ ngươi xuống và thử thách ngươi đặng biết điều gì có ở trong lòng ngươi hoặc ngươi  có  gìn giữ những điều răn của Ngài hay chăng ? Vậy Ngài có hạ ngươi xuống làm cho ngươi bị đói. Đoạn cho ăn manna mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết để khiến ngươi biết rằng  loài người sống không phải  nhờ bánh mà thôi nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giehova mà ra. Trong bốn mươi năm này, áo xống ngươi không hư mòn, chân ngươi chẳng phù lên. Vậy khá nhận biết trong lòng rằng Giehova ĐCT ngươi sửa phạt ngươi như một người cha sửa phạt con mình vậy” ( Đnl 8, 2 -5 ).

          Tất cả những trở ngại, thử thách của Cuộc Vượt Qua cũng không ngoài mục đích để Dân Chúa biết rằng đó là điều thực sự cần thiết. Nếu vượt qua thì  vào được nơi Đất Hứa, còn ngược lại thì không:

          “ Đức Giehova phán cùng Mai Sen: Kìa ngươi sẽ an giấc với các tổ phụ ngươi. Dân sự này sẽ dấy lên cùng thông dâm cùng các thần khác trong  xứ  mà họ sẽ vào. Bỏ Ta và phản bội Giao Ước Ta đã lập cùng họ. Trong ngày ấy, cơn thạnh nộ Ta sẽ phừng lên cùng họ. Ta sẽ bỏ họ, giấu mặt Ta đi khiến cho họ bị tiêu nuốt. Nhiều sự tai vạ và buồn thảm sẽ xông hãm họ. Trong ngày đó, họ sẽ nói rằng: Há có phải vì Đức Chúa Trời không ngự giữa tôi nên những tai vạ này xông hãm vào tôi chăng ? Còn Ta trong ngày đó sẽ giấu mặt Ta đi vì cớ các tội ác của dân này đã làm, trở mặt theo các thần khác” ( Đnl 31, 16 -18 ).

          Sau khi trải qua suốt bốn mươi năm trường trong sa mạc, dân Itsraen đã vào được  Canaan, miền đất mà họ vẫn đinh ninh là Đất Hứa. Nhưng rồi cũng chính ở nơi đây họ đã phản bội Đức Chúa để quay sang thờ lạy các thần tượng giả dối  và tưởng chừng Đức Chúa đã giấu mặt, mặc  họ  đối diện với tai vạ đang chực chờ.

          Dẫu vậy họ vẫn không ngừng nuôi hy vọng: “ Hãy nghĩ đến tổ phụ ngươi là Apraham cùng Sa Ra là người đã sanh sản các ngươi. Ta gọi Apraham khi người chỉ có một mình. Ta đã ban phước cho người nên nhiều. Vì Đức Giê hova đã yên ủi Sion. Ngài đã yên ủi mọi nơi đổ nát của nó. Ngài đã khiến đồng vắng nên như Vườn E Đen. Nơi sa mạc nên như Vườn Đức Giê hova, giữa vườn ấy sẽ có sự vui vẻ, mừng rỡ, tạ ơn và tiếng hát ca” ( Is 51, 2 -3 ).

          Đức Chúa kêu gọi Apraham : “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng  bà con ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho” ( St 12, 1 ). Đức Chúa không nói Ta sẽ dẫn ngươi nhưng nói hãy đi đến XỨ  sẽ…chỉ cho. XỨ sẽ được…  “ Chỉ Cho” ấy hoàn toàn không phải là đất Canaan trong cõi thế gian  nhưng  đây chính là Nước Trời mầu nhiệm.

          Tổ phụ Apraham nhất mực tin vào sự “ Chỉ Cho” và người đã ra đi “ Bởi đức tin, Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu. Bởi đức tin người kiều ngụ trong xứ đã hứa ( Canaan ) như trong xứ lạ, ở trong trại với Isaac và Gia Cop là kẻ đồng thừa thọ cùng một lời hứa với mình. Vì người trông đợi một thành có nền tảng mà Đấng Kiến Trúc và tạo lập thành là ĐCT. Bởi đức tin Sa Ra dẫu quá tuổi còn nhận được năng lực để thọ thai vì bà coi Đấng đã hứa đó là thành tín” ( Dt 11, 8 -11 ).

          Thành hầu đến mà tổ phụ Apraham trông đợi hẳn nhiên  chỉ có thể là Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà Đức Ki Tô rao giảng trong thời Tân Ước: “ Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi”  Lc 17, 20 -21 ).

          “ Nước Trời ở trong”. Đó là Thực Tại vượt ngoài suy tưởng, lý luận của con người và để gia nhập vào….nước ấy thì duy chỉ có đức tin thôi. Bởi duy chỉ đức tin mới có thể…gặp gỡ được với Nước Trời mầu nhiệm, thế nên Giao Ước Cũ ( Cựu Ước ) đã trở nên vô hiệu. Chúa phán:  “ Kìa ngày đến Ta sẽ cùng nhà Itsraen và nhà Gia Cop thiết lập một Giao Ước Mới. Không phải theo như Giao Ước mà Ta đã lập với tổ phụ họ, trong ngày Ta cầm tay dắt họ ra khỏi xứ Ai Cập. Vì họ không cứ giữ Giao Ước Ta nên Ta không kể đến họ, ấy là lời Chúa phán…

          …Chúa lại phán: Này là Giao Ước Ta sẽ lập với nhà  Itsraen. Sau những ngày đó Ta sẽ để luật pháp Ta trong tâm trí họ. Ghi tạc nó vào lòng, Ta sẽ làm ĐCT của họ, họ sẽ làm Dân Ta” ( Dt 8, 8 -10 ).

          “ Sau những ngày đó” tức sau khi từ đất Ai Cập trở về Canaan, Dân Itsraen đã dấy lên phản nghịch cùng Đức Chúa, quay sang thờ lạy các thần tượng và vì thế Giao Ước Cũ kể như không còn giá trị. Lý do khiến Giao Ước Cũ không còn giá trị bởi nó đã không được thực thi.

          Giao Ước chính là sự thỏa thuận đã được ký kết giữa bên chủ động là Thiên Chúa còn bên kia là con người thông qua các tổ phụ: “ Ngày nay Ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết. Sự phước lành và chúc dữ. Vậy hãy chọn sự sống hầu cho  ngươi và dòng dõi ngươi được sống. yêu mến Giê hova ĐCT ngươi. Vâng theo tiếng phán Người và trìu mến Người. Vì Người là sự sống ngươi và làm cho ngươi được sống lâu, đặng ngươi được ở trên ĐẤT mà Giê hova đã thề ban  cho các tổ phụ ngươi là Apraham, Isaac và Gia Cop” ( Đnl 30, 19 -20 ).

          Giao ước được đề ra đó là: Yêu Mến  Thiên Chúa, vâng nghe các giới răn của Người thì được sống. Trái lại  phải chết. Chúng ta chỉ có thể nhận ra  chân lý Nhân Quả này một khi Đấng Chúa ấy là Đấng …nội tại nơi mỗi người. Chính bởi Thiên Chúa là Đấng …nội tại như thế, chúng ta mới phải hết lòng yêu mến và trở về với Ngươi.

          Thế nhưng làm sao chúng ta có thể trở về với Thiên Chúa Hằng Hữu…trong ta nếu không có Đức Ki Tô dẫn đường chỉ lối ? “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Cần có Đức Ki Tô dẫn đường, chúng ta mới có thể trở về với Cha và công việc…trở về ấy cũng chính là  sứ mạng đã được trao cho Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền do Đức Ki Tô thiết lập : “ Mọi sự đều ra từ ĐCT. Người đã nhờ Đức Ki Tô mà khiến chúng ta hòa lại với Người và giao cho chúng tôi phận sự giải hòa” ( 2C 5, 18 ).

          Làm hòa với Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình. Đây chính là cuộc hành trình tâm linh của Dân Chúa, trải dài suốt từ sự ra đi của tổ phụ Apraham cho tới tận ngày nay. Mai Sen, người lãnh đạo dân Itsraen thực hiện Cuộc Vượt Qua từ đất Ai Cập trở về Canaan và người  đã an giấc cùng với các tổ phụ trước khi vào được đất hứa Canan. Còn Đức Ki Tô qua cái chết hiến thân, Ngài đã về với Chúa Cha: “ Ta từ Cha mà  đến thế gian lại lìa thế gian mà về cùng Cha” ( Ga 16, 28 ).

          Để thực hiện công cuộc Cứu Độ, Đức Ki Tô đã ví mình như hạt lúa miến “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Nếu hạt lúa mì chẳng rơi xuống đất mà chết đi thì cứ chỉ một mình. Nhưng nếu nó chết đi thì kết quả nhiều” ( Ga 12, 24 ).

          Cái chết của Đức Giê Su Ki Tô chỉ  có thể đem lại kết quả nơi Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền do Ngài thiết lập mà thôi. Tại sao ? Bởi vì  chỉ trong  Giáo Hội ấy mới có các Bí Tích nhất là hai bí tích  quan trọng đó là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải. Bí tích được định nghĩa đó là  những dấu chỉ bề ngoài đem lại các ơn ích bề trong và ơn ích ấy có mục đích để cho ta có thể …làm hòa với Chúa ở trong ta.

          Có thể nói Bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm trung tâm của Hội Thánh Công Giáo. Nói cách khác, chính do nơi Bí Tích Tình  Yêu ấy mà Giáo Hội tồn tại. Ngược lại nếu  giả như Bí Tích ấy không còn được tin, yêu, phụng thờ hoặc biến dạng cách nào đó thì Giáo Hội tất sẽ bị tiêu vong  để báo biểu cho Ngày Tận Cùng sắp đến: “ Dẫu vậy khi Con Người đến há tìm được đức tin trên đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ).

          Một trong những báo biểu  rõ ràng nhất về Ngày Tận Cùng  sắp đến đó là khủng hoảng chức linh mục và khủng hoảng ấy  tất yếu sẽ  đưa đến hủy hoại Bí Tích  Thánh Thể: “ Một phong trào  phụ nữ Công Giáo Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng 5. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh Lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối để buộc Giáo Hội phải phong chức linh mục cho phụ nữ” ( Nguồn Vietcatholic. News – 22/5/2019 ).

          Yêu sách của đám phụ nữ này buộc Giáo Hội phải phong chức linh mục cho phụ nữ và không chịu vào nhà thờ trong suốt thời gian biểu tình ấy. Như vậy thử hỏi trong tất cả những thời gian trước đây họ…vào nhà thờ để  chi, có ơn ích gì không ?

          Bí Tích Thánh Thể có mục đích để cho ta có thể làm hòa  với Thiên Chúa và việc làm hòa ấy  sẽ khiến cho ta có được Sự Sống Đời Đời “ Như  Cha hằng sống đã sai Ta và Ta sống bởi  Cha thì cũng thế. Kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là bánh  từ trời xuống chẳng phải như thứ tổ phụ đã ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).

          Biểu tình buộc Giáo Hội phong chức linh mục cho phụ nữ và không chịu…vào nhà thờ. Hành vi ấy chỉ có thể là sự liều mình dưới bàn tay dẫn dắt của kẻ thù  Sa Tan. Giáo Hội hiện trong cơn khủng hoảng đặc biệt là chức linh mục. Vậy hẳn nhiên phải có nguyên nhân và nguyên nhân ấy  chính là đã bỏ qua vai trò vô cùng quan hệ của Người Nữ Maria đã được tiên báo từ thuở Sáng Thế: “ Đức Chúa phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng  Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày. Còn mày thì rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).

          Nếu dân Itsraen trong Cuộc Vượt Qua đã phải chiến đấu cam go với quân thù với  thiên nhiên khắc nghiệt thế nào mới vào được đất hứa Canaan thì ngày nay trong thời Tân Ước cũng vậy, chúng ta cũng phải chiến đấu hết mình với ba thù, thế gian, xác thịt, ma quỷ như vậy.

          Tuy nhiên trong cuộc chiến một mất một còn với Sa Tan, đứa lừa dối cả và thiên hạ này ( Kh 12, 9 ). Nếu chúng ta không  thực lòng cậy dựa vào Đức Mẹ thì  chỉ có thể chuốc lấy thất bại. Ngược lại, có Mẹ trong đời thì kết quả lại… hiển nhiên. Trong tiệc cưới Ca Na. Đức Mẹ nói với những người giúp việc:” Hễ Thầy bảo gì thì hãy làm theo” ( Ga 2, 5 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts