Thánh Martin sinh tại Savaria, địa phận Pannonia thuộc Hung Gia Lợi ngày nay vào năm 316 hoặc 336, qua đời ngày 8 tháng Mười Một 397 với tuổi thọ khoảng 60 đến 81. Khi còn là một sỹ quan trẻ, vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá, ngài thấy một người ăn xin đang co ro, rét run bên đường. Chạnh lòng thương, ngài đã xuống ngựa, dùng gươm cắt đôi chiếc áo choàng của mình chia cho người này một nửa. Đêm đó trong giấc ngủ, ngài mơ thấy Chúa Giêsu hiện ra cùng với các thiên thần khoác trên mình nửa chiếc áo mà ngài đã tặng cho người ăn xin. Hiểu được ý nghĩa của giấc mơ, ngài đã tìm về với đức tin Công Giáo, và sau đó đã đi tu rồi trở thành Giám Mục thành Tours.
Giấc mơ của Thánh Martin thành Tours đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, họ mong một lần trong đời được gặp Chúa Giêsu, ít ra là trong giấc mơ. Nhiều người đã hành hương Đất Thánh, Rôma, Fatima, Lộ Đức, Medjugorje, La Vang, Núi Cúi, Măng Đen, Trà Kiệu… với hy vọng gặp được Ngài. Nhưng họ lại không quan tâm đến tấm lòng bác ái và hành động mà Thánh Martin đã thực hiện để dẫn đến giấc mơ đêm hôm đó. Họ cũng quên lời Chúa Giêsu đã nói trong bản án ngày chung thẩm, khi phán với những người lành: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mátthêu 25:35-36). Còn kẻ dữ thì ngược lại: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom.” (42-43) Điều này làm tôi nhớ lại lời một vị linh mục đã nói trong một bài giảng, đại khái: “Trong cuộc hành hương Đất Thánh vừa qua, tôi để ý thấy nhiều người đã phớt lờ và còn tỏ vẻ khinh bỉ những người ăn xin bên đường, nhưng khi một linh mục như tôi vừa mở lời thì có những người nhét vào tay tôi hàng trăm đô la…” Và câu ngài kết luận: “Chúa xin thì không cho, nhưng cha xin thì lại cho!”
Có nhiều điều mà Giáo Hội khuyên chúng ta làm trong Mùa Chay, nhưng điểm chính là quay về với Chúa bằng việc cầu nguyện, thống hối ăn năn qua những hành động cụ thể là thực hành đức bác ái. Lần về thăm quê hương vừa qua, một hình ảnh đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và cũng là hình ảnh nhắc nhở tôi về con người, lẽ sống, và thực hành đức tin; đặc biệt, trong Mùa Chay. Đó là hình ảnh một người đã phải bò và trườn mình đi bằng hai tay và hai đầu gối để bán vé số trên vỉa hè.
Khoảng trưa hôm đó, chúng tôi ghé thăm phần tro cốt ông ngoại đặt tại nhà an nghỉ của giáo xứ Tân Hương, Saigon. Trong khi đang đứng ngoài cổng nhà thờ trò chuyện với vài người trong gia đình từ trong xứ ra đón, bỗng tôi nhìn qua bên kia đường và thấy một cảnh tượng mà tôi chưa từng thấy. Tôi thấy một ai đó đang bò, trườn người trên vỉa hè giữa nhiều người qua lai. Tôi không dám tin vào mắt mình, và không dám nghĩ rằng đó là một con người như tôi, như trăm ngàn người khác. Tôi hỏi một trong anh em họ hàng ra đón chúng tôi:
-Ai vậy? Sao lại phải bò và trườn người trên đường vậy?
-Đó là người bán vé số đó thưa anh?
Thật ra, những người bán vé số tôi đã gặp nhiều, phần đông là còn đi lại được, đôi khi cũng có người khiếm thị chậm rãi bước đi với chiếc gậy của mình. Nhưng nhìn một người cụt hai chân và phải dùng hai tay bò đi, trườn người trên vỉa hè đường phố thì đây là lần đầu tôi mới gặp. Quá xúc động, tôi định băng qua đường để gặp người này, nhưng lại sợ dòng xe qua lại. Tuy nhiên, đối với anh có lẽ vì quen với lối sống thường ngày, nên anh cứ thế mà lê hai đầu gối từ từ băng qua đường. Một chút suy nghĩ vụt hiện lên trong đầu, tôi thấy mình “hèn” và “chết nhát” quá khi không dám qua đường mà phải để cho người đó làm chuyện này với những phần thân thể bị thiếu hụt. Để tỏ lòng mến anh, thông cảm với anh tôi đã xin bắt tay anh, một đôi bàn tay chai lỳ, đen đủi, và bụi bặm vì phải dùng để bò, và kéo lê tấm thân tàn tật trên đường. Thật lòng, tôi muốn hôn lên đôi tay ấy, đôi tay đã mở mắt tôi nhìn vào mình, nhìn vào cuộc đời với những hồng ân vô biên mà Thiên Chúa đã ban cho tôi. Tôi không mua một tờ vé số nào, nhưng đã tặng anh một món quà…
Đêm hôm đó, tôi không mơ thấy Chúa Giêsu cầm trong tay số tiền mà tôi đã tặng anh bán vé số như Thánh Martin đã thấy Chúa khoác trên mình nửa cái áo choàng mà thánh thân đã tặng cho người ăn xin ven đường. Nhưng tôi vẫn giữ mãi hình ảnh người bán vé số và coi đây là hình ảnh rất thực của Chúa Giêsu mà tôi đã gặp được trên hè phố hôm đó. Tôi coi đây như món quà tinh thần Chúa ban cho tôi để tôi suy nghĩ về ý nghĩa và đời sống của mình; đặc biệt, trong những ngày còn lại của Mùa Chay thánh.
Thường xuyên chúng ta hay nghĩ về Mùa Chay như một thời gian dành cho những cá nhân nói lên sự cố gắng của mình, một cách kín đáo, chỉ có Chúa biết. Ngài bảo chúng ta rằng, không nên để những người khác thấy mình đang ăn chay, hoặc khiến người khác trầm trồ, khen ngợi: “Xé lòng, đừng xé áo” (Joel 2:13). Mặt khác như những vết tro được xức lên trên trán trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, hoặc thánh giá chúng ta đeo trên người, mà người khác nhìn vào sẽ bảo chúng ta là những người đạo hạnh. Xã hội của nền văn hóa sự chết hiện nay, người ta thường coi trọng hình thức, và hay hùa theo những thói đời để định giá hành động bác ái, tâm linh của nhau. Vì thế Ngài cũng bảo chúng ta: “Không ai thắp đèn lại đặt dưới gầm giường” (Luca 8:16).
Mùa Chay, một thời điểm 40 ngày chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh, việc cầu nguyện, sám hối và chay tịnh là cần thiết, những thực tế hơn vẫn là hành động đức ái. Lạy Chúa xin cho con biết nhìn thấy Chúa qua những anh chị em mà hàng ngày con vẫn thường gặp gỡ, để con cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và yêu mến. Vì:
– Biết mấy lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày đã gặp Ngài nhưng chẳng biết Ngài.
Ấy những lúc mắt ta không trông không thấy được Ngài:Trong những kẻ nghèo đói.
– Có những phút thảnh thơi rong chơi ta đã gặp Ngài trên vỉa hè nhưng chẳng biết Ngài.
Ấy những lúc chúng ta vô tâm không để ý Ngài:Người ăn xin hèn yếu.
– Có những buổi sát vai nhanh chân ta bước bên Ngài trên đường về nhưng chẳng biết Ngài.
Ấy những lúc chúng ta vô tâm không để ý Ngài:Người lao công cùng đi
– Có những buổi nắng phai rong chơi ta đã gặp Ngài khắp phố phường nhưng chẳng biết Ngài.
Ấy những lúc chúng ta vô tâm không để ý Ngài:Người phu xe gầy vai.
(Trên Đường Emmau. Lm. Thành Tâm)
Mùa Chay 2025
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt