Tội lỗi con người và Lòng Chúa Xót Thương

          Trong thư Mùa Chay của đức cha Giu Se chánh giáo phận Xuân Lộc gửi các Linh Mục và Tu Sĩ có nêu trường hợp  của Jean Vanier, người sáng lập nổi tiếng của Cộng Đoàn Arche qua đời ngày 07/5/2019. Cuộc điều tra nội bộ của Cộng Đoàn Arche  kết thúc vào tháng 02/2020 kết luận là ông đã lạm dụng tình dục 06 phụ nữ. Ông Jean Vanier quốc tịch Canada nhưng sinh ra ở Geneve ( Thụy Sĩ ) con của trung tướng  George Vanier, ông là đại úy quân đội và khi xuất ngũ đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ người khuyết tật  và thành lập chi nhánh trên 37 quốc gia, đem lại bao hy vọng và niềm an vui cho người khuyết tật, những người thường mang nhiều mặc cảm trong xã hội…

          …Ông Jean Vanier cũng từng đi diễn thuyết nhiều nơi và đã viết trên 30 cuốn sách nổi tiếng được nhiều người ngưỡng mộ, vậy mà ông đã ngã quỵ. Giáo sư Stanley Hauerwas, một thần học gia nổi tiếng là bạn thân của ông Jean Vanier đã phát biểu và ngài cảm thấy vỡ mộng và con tim nát tan khi nghe tin này.

          Việc Cộng Đoàn Arche điều tra nội bộ sau khi  Jean Vanier, người sáng lập  qua đời để rồi đi đến kết luận ông ta đã lạm dụng tình dục 06 phụ nữ. Điều  đó  theo tôi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến uy tín cũng như danh tiếng của tổ chức đó. Tại sao ? Bởi vì xét ra Jean Vanier thuần túy cũng chỉ  là một nhà hoạt động xã hội và vì thế thiết nghĩ  chẳng có chi đến nỗi phải…cảm thấy vỡ mộng và con tim nát tan !!!.

          Thật sự mà nói, dùng chữ “ Ngã Quỵ” trong trường hợp này là không  thỏa đáng. Lý do bởi vì cái hành vi gọi là…ngã quỵ ấy chỉ có thể  dùng cho một người nào đó trong tình trạng tuyệt vọng vì tội lỗi mình, không thể gượng  để mà đứng  dậy.

          Một nhà hoạt động xã hội như Jean Vanier thì không thể nói ông ta …ngã quỵ khi có hành vi lạm dụng tình dục. Nhưng với một Linh Mục hiểu như là người lãnh  đạo tâm linh  mà phạm tội ấy  đến nỗi  tự sát thì đây mới  đúng  là…ngã quỵ thật sự.

          Chúng ta biết, có quá nhiều trường hợp giáo sĩ phạm tội ấu dâm hoặc lạm dụng tình dục để rồi  bị tố cáo và  vì sợ hãi  nên đã có những  người  đã phải tự tử. Ở đây xin nêu lên hai trường hợp cụ thể mới  xảy ra tại Pháp:

 

           Ngày 22 tháng 10, đức giám mục Jacques Blaquart tuyên bố trong một cuộc họp báo: “ Đây là một giai đoạn thử thách đau khổ và bi thảm. Ngài nêu ra các bối cảnh đã làm cho Linh Mục Pierre Yve Fumery 38 tuổi thuộc giáo phận của mình  tự tử hai ngày trước đó. Vì có các hành vi  không thích đáng với trẻ vị thành niên 13, 14 tuổi và có giáo dân cảnh báo, một gần gũi cơ thể và hành vi không thích ứng với một cô gái trẻ mà Linh Mục ôm trong tay và nhiều lần  đưa lên xe…

          …Cũng một việc tương tự, ngày 18/9, đức giám mục Dominique Lebrun giáo phận Rouen loan báo cho báo chí Linh Mục Jean Baptiste Sebe 38 tuổi cũng tự tử. Linh Mục Sebe bị một phụ nữ tố cáo có hành vi sỗ sàng và tấn công con gái đã trưởng thành của bà” ( Nguồn GP Long Xuyên – 13/3/2020 – Thời Sự GH Toàn Cầu: Tự Tử của các LM: Một hành vi mang tính biểu tượng nặng nề ).

          Linh Mục tự tử. Đó là vấn đề gây nhức nhối cho toàn thể Giáo Hội, bởi vì nó  đụng chạm đến  đời sống đức tin của Dân Chúa. Linh Mục vốn dĩ là một con người  được kính trọng, yêu mến  gọi là…cha mà lại tự tử thì giáo dân còn biết cậy dựa vào đâu để sống  đức tin của mình ?

          Mặt khác, cuộc khủng hoảng do nạn ấu dâm, lạm dụng tình dục  do  hàng giáo sĩ gây ra đã đưa đến những hệ lụy  khủng khiếp đó là…tạo ra những cái gọi là Công Đồng Đức và Úc 2020 để xét lại vấn đề Luật Độc Thân Linh Mục hoặc phong chức  cho những người đã  kết hôn v.v….

          Tình dục là một thứ bản năng  của con người và nó chỉ bị kết thành tội khi có luật. Luật Hôn Nhân quy định  sự kết hợp một vợ một chồng thì ngoại tình là…tội. Luật Độc Thân  có mục đích giúp cho Linh Mục có  được đời sống thanh khiết  để toàn tâm phục vụ Nước Trời. Vi phạm luật ấy là…tội.

          Nhận ra như thế để cho thấy  con người  chỉ bị quy kết tội  một khi đã có luật. Về điều này Thánh Phao Lô cũng nói không khác: “ Vậy thì chúng ta phải nói làm sao ? Luật pháp nó là tội ư ?  Đời nào có vậy ! Nhưng nếu không bởi luật pháp  thì tôi chẳng biết tội là gì ?  Vì nếu luật pháp không nói: Ngươi chớ tham dục  thì tôi không biết sự tham dục là gì ? Song tội lỗi đã nhân dịp bởi giới răn mà gây nên đủ thứ tham dục trong tôi. Vì không có luật pháp  thì kể như tội lỗi  đã chết rồi” ( Rm 7, 7 -8 ).

          Giới răn là những mệnh lệnh giúp cho con người  tuân thủ  để đạt được mục đích tâm linh hoàn thiện chính mình. Trái lại phá bỏ giới răn  tức là làm điều ngược lại và điều ấy từ trong tâm khảm sẽ khiến con người bị lương tâm dằn vặt cắn rứt. Bị lương tâm cắn rứt khiến tâm hồn bất an nhưng  đó lại là  báo biểu cần thiết  để  con người có thể trở lại.

          Trở lại hay còn gọi là …hồi tâm là tỉnh thức. Đó là hành vi chỉ riêng con người mới có và nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta có được sự…hồi tâm ấy chính là vì Thiên Chúa Đấng Giàu Lòng Thương Xót cũng… muốn như vậy: “ Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối cải về tai họa. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Thiên Chúa các ngươi” ( Ge 2, 12 -16 ).

          Hãy xé lòng, đừng xé áo…có nghĩa  sự trở về  đó chỉ có thể  thực hiện bằng cái Tâm hối cải. Ở đây cần phân biệt giữa hối cải và hối hận. Hối cải khác với hối hận ở chỗ. Một  đàng hối cải  là do lòng tin nơi Lòng Chúa Xót Thương đối với kẻ tội lỗi: “ Ta muốn sự thương xót chứ không muốn sinh tế. Vì Ta đến không  phải để kêu gọi kẻ công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13 ). Đàng khác, hối hận đưa đến sự tự thù ghét mình mặc dầu người ta vẫn ham thích và theo đuổi tội lỗi cho  đến khi không còn tin  vào Lòng Thương Xót Chúa để rồi  quỵ ngã  trong tuyệt vọng.

          Điều kiện hết sức cần thiết cho việc hối cải  trên con đường trở về đó là nhận biết tội. Bao lâu chưa nhận biết tội thì bấy lâu chưa thể bước đi trên con đường trở về. Đức Thánh cha Pio XII nói: “ Tội nghiêm trọng nhất của thời  đại ngày nay đó không phải là tội này, tội kia nhưng là đã đánh mất cảm thức về tội”.

          Đánh mất cảm thức về tội tức không biết tội từ trong tư tưởng mà ra. Chúa nói: “ Các ngươi đã nghe phán: Chớ phạm tội tà dâm. Song Ta nói cùng các ngươi: hễ ai nhìn ngó phụ  nữ mà động tình ham muốn thì trong lòng đã phạm tội gian dâm cùng người ấy rồi” ( Mt 5, 27 -28 ).

          Chỉ động tình ham muốn thì đã phạm tội tà dâm. Điều ấy cho thấy để lướt thắng tội thì phải  nhận biết ngay khi tư tưởng vừa phát khởi. Không nhận biết tội thì chắc chắn không thể  không phạm tội.  Tại sao ? Bởi vì hễ đã có  Nhân có Duyên thì ắt có Quả.

          Nhân ở  đây là lòng ước muốn phạm tội và ước muốn đó khi có đủ điều kiện ( Duyên ) sẽ phát ra hành động là Quả. Nhân, nếu có đủ Duyên ắt sẽ có Quả. Bởi đó để tránh khỏi Quả xấu thì phải ngăn chặn khi nó còn là… Nhân. Nhà Phật có câu “ Bồ Tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả” Nhân ( tư tưởng ) là cái vô hình rất khó nhận biết. Chính vì thế ở nơi mỗi người đã diễn ra …nghịch lý này đó là từ trong thâm tâm không ai muốn vướng tội nhưng đàng khác lại không cưỡng lại được nó: “ Vậy tôi thấy trong tôi có luật này: Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích luật  ĐCT.  Nhưng tôi thấy trong tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tôi, bắt tôi làm nô lệ cho tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi ! Tôi là người khốn nạn dường nào ? Ai có thể giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ? Cảm tạ ĐCT, nhờ Chúa Giê Su Ki Tô, Chúa chúng ta” ( Rm 7, 21 -25 ).

          Không ai có thể tự cứu mình thoát vòng nô lệ tội lỗi bởi như Thánh Phao Lô nói: “ Con người là loài  xác thịt bị bán cho tội lỗi” ( Rm 7, 14 ). Đức  Ki Tô là Đấng Cứu Chuộc, Ngài…chuộc chúng ta bằng cái chết vô cùng đau thương  để chúng  ta có thể…Nhớ lại phẩm giá Con Thiên Chúa vốn có của mình ( St 1, 26 ).

          Toàn bộ đời sống tâm linh của con người chỉ hệ tại ở hai việc Nhớ và Quên. Nhớ tức là nhớ đến Đấng Chúa vẫn hằng hữu ở nơi mình. Còn Quên là sống trong vô minh điên đảo dưới sự kiềm tỏa của Sa Tan “ Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ).

          Sự kiềm tỏa của Sa Tan rất mực tinh vi, nó khiến ta sống trong tội mà không  hề biết. Giờ đây Đức Ki Tô đến để giải thoát và  đòi buộc chúng ta cần  đặt hết lòng tin nơi Ngài: “ Ta là sự sáng  đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).

          Trong thời cuối của Ơn Cứu Độ này, nhân loại hơn bao giờ hết  hầu như  đã không còn tin vào sự dẫn  đường của Đức Ki Tô  và vì thế mà  đã lâm vào mê hồn trận của Sa Tan không còn biết đâu là…đường về. Chúa nói với chị Thánh Faustina: “ Nhân loại sẽ không thể  được bình an cho  đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác. Ôi ! Cha  đã phải đau đớn biết bao  vì sự nghi nghờ của một linh hồn. Họ tuyên nhận Cha là Đấng Thánh Thiện và Công Bằng nhưng không tin Cha  là Tình Thương và không tin vào Lòng Nhân Lành của Cha. Trái Tim Cha sung sướng với tước hiệu Thương Xót” ( NK 299 ).

          Tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa là  điều cần thiết  để được cứu thoát trong thời gian thử thách cam go này nhưng có thể bằng cách nào ? Một lần nữa Chúa nhắc chị Thánh Faustina và cũng là cho mỗi người  chúng ta cùng  lời hứa: “ Con hãy đọc không ngừng chuỗi kinh mà Cha đã dạy cho con. Bất cứ ai đọc Chuỗi Kinh này sẽ nhận được Lòng Thương Xót bao la trong giờ lâm tử. Các  Linh Mục hãy giới thiệu Chuỗi Kinh ấy cho các tội nhân như niềm trông cậy sau cùng  cho Ơn Cứu Rỗi. Một tội nhân  đã chai  đá cứng lòng đến mấy nhưng nếu đọc Chuỗi Kinh này dù chỉ một lần duy nhất thôi cũng sẽ nhận được Ơn Thánh do lòng lân tuất vô cùng của Cha. Cha ước ao toàn thể thế giới  đều biết đến Lòng Thương Xót vô cùng của Cha. Cha khát khao ban trào tràn những ơn sủng khôn cùng cho những linh hồn tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha” ( NK 687 ).

          Chỉ đọc một lần duy nhất Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót cũng sẽ được cứu trong giờ sau hết. Lời hứa của Chúa đem lại an ủi  cho mỗi người chúng ta biết bao bởi đó là lời của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên vì lòng yêu mến Chúa và để cứu rỗi các linh hồn, tại sao chúng ta không đọc thật nhiều lần Chuỗi Kinh ấy những khi có thể ? Tin, yêu đặt hết  lòng cậy trông nơi Chúa sẽ chẳng bao giờ  thất vọng ( Rm 5, 5 ).

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts