Tội nguyên tổ dưới nhãn quan duy thức

          Từ vài chục năm nay, vấn đề Tội  Nguyên Tổ đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi giữa những nhà thần học Công Giáo và  sở dĩ  như thế là vì nó có liên hệ  tới hai lãnh vực Khoa Học và Thần Học như sau:

          Hiện nay, khoa học đã có những hiểu biết vượt bực về vũ trụ, thiên văn, cổ sinh vật học, nhân chủng học v,v…và vì thế người ta không thể chấp nhận có hai con người đầu tiên được sinh ra gọi là nguyên tổ Adam, Eva và khi đã không có nguyên tổ thì cũng chẳng làm gì mà có cái gọi là Tội  Nguyên Tổ ?

          Còn nếu xét trên phương diện thần học cũng không thể chấp nhận Tội Nguyên Tổ. Lý do là vì ta có thể đặt giả thuyết nếu Adam, Eva không nghe lời cám dỗ của rắn Sa Tan thì đã không phạm tội  đến nỗi bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng  thì  cần gì Đức Ki Tô phải xuống thế làm người hầu cứu chuộc thiên hạ ? Còn như nếu nhìn nhận có Tội Nguyên Tổ thì chẵng lẽ  Đức Ki Tô chỉ đến để sửa chữa những  hư hỏng do Adam lỡ gây ra cho kế hoạch…bất toàn của Thiên Chúa hay sao ?

          Công nhận hay phủ nhận Tội  Nguyên Tổ  như vậy đều không thể  được và Tội Nguyên Tổ rút cục đã trở thành như …miếng xương gà mắc nơi cổ họng, khạc không ra mà nuốt vào cũng chẳng  được: “ Nếu thực sự có một vấn  đề trời  tru  đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa  đả động gì  thì đó phải là vấn đề Tội Nguyên Tổ ( Tội Tổ Tông Truyền ). Tin rằng Thiên Chúa đã  trực tiếp dựng nên  Adam và Eva tức khắc phải đối đầu với cả một vấn đề hết sức  rắc rối rồi.  Còn tin rằng hai ông bà Nguyên Tổ đã truyền lại cho con cháu về sau cả một  tội trạng được coi như  là câu giải đáp cho  những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa, không thể nào chịu đựng được. Hễ cứ mạo hiểm trình bày  vấn đề như thế là giáo lý viên  sẽ đau đớn nắm chắc  phần thất bại. Và không riêng gì giáo lý viên  mà cả tính cách đáng tin của Giáo Hội và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê Su cũng chuốc lấy luôn thảm bại nữa” ( Nguồn: Conggiao Info – 18/6/2015 – Tội Nguyên Tổ ).

          Tại sao chấp nhận Tội Nguyên Tổ thì niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê Su lại chuốc lấy thảm bại ?  Đó là vì nếu đã chấp nhận Tội  Nguyên Tổ  thì đương nhiên cũng phải nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa. Đang khi đó  với Đấng gọi là Tạo Hóa đó  không thể là Cha  Đức Ki Tô cũng như mạc khải của Ngài: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Một đàng chỉ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải mới…biết về Cha. Đàng khác thần học lại khẳng  định Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như vậy thì còn cần chi tới mạc khải ? Thật sự, đấng được gọi là Tạo Hóa ấy chỉ là một quan niệm của thần học và quan niệm ấy lại thoát thai từ triết học Hy Lạp, nói chính xác là của Aristote: “ Với tín hữu Ki Tô giáo, vũ trụ  và sự vận hành trong vũ trụ là do Thiên Chúa  sáng tạo từ hư vô. Trái lại với Aristote cả vũ trụ, cả vận hành của nó đều có từ đời  đời và không bị tạo dựng bởi Thiên Chúa. Với Aristote “ Thiên Chúa” chỉ  được quan niệm  như một sức mạnh kiểu Đệ Nhất Động Cơ để làm cho trời đất vận hành thế nên vị…thần Động Cơ này không biết gì  đến vũ trụ, cũng không lo lắng…Thiên Hựu ( Providence ) cho vũ trụ” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP – Q.2 ).

          Một  Đấng Tạo Hóa mà lại không quan tâm  gì đến vũ trụ thì làm sao có thể là Cha của  Đức Ki Tô ? Như vậy quan niệm Đấng  Tạo Hóa  thuần túy chỉ là sản phẩm của triết Hy Lạp, nó chẳng có quan hệ gì tới Đấng Cha của Đức Ki Tô  cũng như của  hết thảy Ki Tô Hữu chúng ta.

          Có câu hỏi không thể không đặt ra đó là tại sao quan niệm Đấng  Tạo Hóa  lại có thể thống ngự Giáo Hội suốt trong bao thế kỷ ? Nguyên nhân sâu xa là vì  thần học từ trước tới nay vẫn là Duy Lý. Triết gia Clement d, Alexangdria vào đầu thế kỷ thứ III nói: “ Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế, nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy cứ để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý” ( Giáo Phụ – Tập I, từ TK 1 đến TK 4 ).

          Ngay từ những thế kỷ đầu, đức tin đã bị triết Hy Lạp chinh phục và rồi  đến thế kỷ 13, xét trên phương diện thần học, Giáo Hội đã chính thức bước vào con đường Tục Hóa khi công nhận Aristot  cùng với Thánh Gioan Baptixita là…Tiền Hô của Đức Ki Tô: “Tiền Hô của Christ  trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên, không khác gì Jean Baptist trong những gì thuộc lãnh vực ơn sủng” (Proecursor Christi in rebus naturalibus, sicut Joannes Baptista in rebus gratituitis )

          Thần học hiện nay  gọi là Duy Lý  bởi vì  đã nhìn nhận  câu định nghĩa của Aristot như là nền tảng của triết học: “ Người là con vật biết suy lý” ( L, home est l,animal raisonnable ). Lấy Lý Trí làm nền tảng cho triết học, đây là sai lầm nghiêm trọng của triết học Tây Phương nói chung và của thần học Ki Tô giáo nói riêng. Tại sao ? Bởi vì Lý Trí luôn là Lý Trí phân biệt và nó chính là Tội  Nguyên Tổ trong câu chuyện có tính biểu tượng  của Sách Sáng Thế: “ Giehova ĐCT đem người  vào cảnh vườn Eden để trông và giữ vườn. Rồi Đức Giehova phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 15 -16 ).

          Biết ở đây có nghĩa là biết phân biệt điều thiện và điều ác. Tại sao biết phân biệt điều thiện, điều ác lại là…tội ? Bởi vì chính cái biết phân biệt ấy mà đã hình thành nên một…Cái Ta ( Ngã ) và cũng chính bởi …Cái Ta ấy đã làm cho con người xa cách  nhau  cũng như với thiên nhiên, trời đất.

          Đức Ki Tô xuất sinh nơi  đời mục đích  để cho con người được…làm hòa với  Thiên Chúa và với nhau. Nhưng  bởi u mê chấp ngã nên con người  đã không chấp nhận: “ Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng ĐCT. Đạo ấy ban đầu ở cùng ĐCT . Muôn vật bởi Ngài dựng nên, ngoài Ngài chẳng có vật gì được  dựng nên. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm  mà tối tăm chẳng tiếp nhận” ( Ga 1, 1 -5 ).

          “ Đạo” cần được hiểu như là Chân Tâm thường trú ở nơi mỗi người. Chân Tâm ấy rộng lớn như hư không, không ngằn, không mé, bao la vô cùng vô tận, không một…vật gì có thể ngoài Chân Tâm ấy mà có. Nhà Phật phát biểu  chân lý ấy thế này: “ Tam giới duy Tâm. Vạn pháp  duy Thức”.

          Tam giới tức là Dục Giới. Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Cả ba cùng trong một Chân Tâm cũng gọi là Phật Tánh vốn đã sẵn đủ ở nơi mỗi người. Còn Vạn Pháp Duy Thức có nghĩa  muôn sự muôn vật đều là Thức, do Thức biến hiện. Nói cách đơn giản và dễ hiểu thì tất cả những gì gọi tên ra được đều là Thức. Cái nhà là Thức, con vi trùng vô hình là Thức mà mặt trời to lớn kia cũng là Thức. Tóm lại đó chỉ là những cái ..tên, cái danh mà thôi.

          Đang khi Chân Tâm thì bao la vô cùng vô tận, thế mà tại sao lại phân chia manh mún  thành ra những cái Thức, cái tên như vậy ? Xin thưa  tất cả là do Thức Phân Biệt  còn gọi là Thức thứ sáu trong Duy Thức Học.

          Sở dĩ  có tên là Thức thứ sáu bởi vì nó …đứng hàng thứ sáu trong Bát Thức Tâm Vương: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Mạt na thức và Alaida thức.

          Có năm Thức trước  gọi là Tiền Ngũ Thức:

          1, Nhãn thức: Có vật trước mắt, thấy vuông, tròn, méo, lớn nhỏ v.v…

  1. Nhĩ thức: Có tiếng động, tai nghe sanh các biết, biết tiếng trầm, tiếng bổng, thanh, thô v.v…
  2. Tỷ thức:  Có những mùi đem gần mũi, biết thơm, biết thối v.v…
  3. Thiệt  thức: Có đồ ăn đem vào miệng, lưỡi nếm, sanh các biết, biết mặn, ngọt, cay, chua v.v…
  4. Thân thức: Có vật  đụng chạm đến thân  sanh các biết, biết mềm, cứng, biết nóng, lạnh v.v…

          Năm cái biết ( Thức ) này  chỉ là cảm biết chứ không phải là  Thức nếu chưa có Ý Thức xen vào. Nói cho dễ hiểu khi ta nhìn một bông hoa thì đó mới chỉ là một thứ cảm biết ( tri giác ). Chỉ khi nào thấy nó đẹp, xấu, lớn, nhỏ….thì mới được gọi là Thức.

          Trong tám thứ Thức  thì Thức thứ sáu này khôn ngoan, lanh lẹ hơn hết. Suy nghĩ làm việc phải, Thức này đứng đầu mà tính toán làm việc quấy nó cũng hơn cả ( Công vi thủ, tội vi khôi ). Lý do khiến định công, tội của Thức thứ sáu  là vì tất cả những gì mà Thức này  do phân biệt mà có ấy đều được Thức thứ bảy ( Mạt na Thức  còn gọi là Thức chấp ngã đưa vào chất chứa ở nơi Thức thứ tám Alai da ( Tạng Tâm )

          Khi nhìn bông hoa ở công viên hay nhà  người  mà khởi Tâm tham muốn hái đem về …trưng ở nhà mình thì đó là Tâm tham do ngã chấp điều khiển.Trái lại cùng nhìn bông hoa ấy mà không khởi đẹp, xấu, đó gọi là Tâm vô ngã là thấy đúng như thực tại nó là.

          Tội của Ý Thức chính là thấy có một Cái Ta và vì Cái Ta đó mà  hành động.  Ngược lại bỏ đi cái ý thức phân biệt ấy đó lại là Công. Dù là Công ( Vô Ngã ) hay Tội ( Chấp Ngã ) mà làm thì tất cả những việc làm ấy đều được đem chất chứa  lâu ngày chầy tháng  để trở thành cái Nghiệp của mỗi người.

          Có hai thứ Nghiệp, một là Nghiệp  thế gian, hai là Nghiệp xuất thế gian. Đạo Chúa là  đạo xuất thế gian: “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc sẽ yêu mến  những kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 19 ).

          Để ra khỏi thế gian  thì cần có “ Nhân” xuất thế và cái  “ Nhân” xuất thế ấy chính là biết vâng theo Thánh Ý Chúa: “ Có người thưa với Ngài rằng: Kìa có mẹ và anh  em Thầy đứng ở ngoài muốn tìm cách nói với Thầy. Chúa đáp: Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta.? Rồi Ngài giơ tay chỉ các môn đệ mà phán: Này là mẹ Ta, là anh em ta vì hễ kẻ nào làm theo Thánh Ý Cha  Ta  thì nấy là  anh em và là mẹ Ta” ( Mt 12, 47 -50 ).

          Vâng theo Thánh  Ý Chúa  đó là đã tạo cho mình một cái “ Nhân” tối thượng. Kinh Mân Côi có  sức huân tập rất lớn, bởi lẽ  để thực hành Kinh này  thì phải lập đi lập lại lời chào mừng của sứ thần Gabriel trong Ngày Truyền Tin mở đầu cho Ơn Cứu Độ.

          Thật diệu kỳ, Ơn Cứu Độ lại được mở ra  sau khi Nguyên Tổ bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng  cùng với lời trách phạt của Đức Chúa Giehova với rắn Sa Tan: “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì sẽ rình cắn gót chân  Người” ( St 3, 15 ).

          Chính Tội Nguyên Tổ lại mang Ơn Cứu Độ đến cho con người. Nhận ra  chân lý thâm sâu này, Thánh Augustin đã phải thốt lên: Ôi ! Đây thật là tội hồng phúc ( Felix Culpa )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts