Tội Nguyên Tổ, Sao Lại Là … Tội?

          Từ vài thập niên  nay, vấn đề Tội Nguyên Tổ lại được các nhà thần học đưa ra…mổ sẻ, tranh luận  sôi nổi để rồi cuối cùng  người ta đành …lắc đầu chịu thua. Chẳng ai còn muốn  nhắc nhở gì đến nữa:

          “ Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai  dám đề cập tới. Không ai  ưa đả động gì  thì đó chính là vấn đề Nguyên Tội ( Tội Nguyên Tổ/ Tội Tổ Tông Truyền ). Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên A Đam  và E Và là tức khắc phải đối đầu  với cả một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Còn tin rằng hai ông bà Nguyên Tổ đã truyền lại cho con cháu về sau cả một tội trạng được coi như là câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa: Không thể nào chịu  nổi được ! Hễ cứ mạo hiểm trình bày vấn đề như thế là giáo lý viên sẽ  đau đớn nắm chắc phần thất bại và không riêng gì  cá nhân GLV mà cả tính cách đáng tin của Giáo Hội  và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê Su Ki Tô cũng chuốc lấy luôn thảm bại nữa…

          …Do đó cần phải tìm cho ra cách thức để thấy rõ hay ít ra là để mở  một lối đi khả dĩ giúp nhận ra được phương hướng trong một vấn đề hiện đang  gặp phải rất nhiều nghi vấn do  người thời nay đặt ra” ( Nguồn Công giáo Info – Philippe Bacq – Tội Nguyên Tổ – Lm Nguyễn Thế Minh  chuyển ngữ ).

          Tội Nguyên Tổ giờ đây đã trở thành vấn đề…hóc búa đối với thần học “ Nuốt không trôi mà …nhả ra cũng chẳng được”. Tại sao ? Bởi vì Tội Nguyên Tổ chính là cái điểm mấu chốt của toàn bộ Kinh Thánh. Thật vậy, nếu A Đam, E Và không phạm tội thì đã không bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng và như thế thì cũng chẳng làm chi có A Đam được coi như là thủy tổ loài người còn E Và  làm mẹ của chúng sinh ( St 3, 20 ).

          Một khi đã  không có chúng sinh, loài người thì tất nhiên  cũng đâu cần có Đấng Cứu Thế xuất sinh nơi đời  làm gì ?  Mặt khác nếu tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên A Đam, E Và, hai con người đầu tiên ấy  thì tức khắc sẽ phải đối đầu với sự rắc rối  không thể giải gỡ bởi vì nó hoàn toàn trái với khoa học khi khoa học khám phá ra rằng trái đất này đã hình thành cách đây hơn 05 tỷ năm và trong điều kiện khi đó  thì không thể tồn tại  bất cứ sinh vật nào huống chi  con người cùng với Vườn Địa Đàng  cũng như …con rắn biết nói tiếng người ???

          Cho rằng A Đam, E Và là hai con người bằng xương bằng thịt sống nơi Vườn Địa Đàng  đó chỉ có thể là  câu chuyện hoang đường, ngày nay không  ai có thể chấp nhận. Thế nhưng nếu quả thật không có A Đam, E Và thì cũng chẳng có Tội Nguyên Tổ mà nếu không có Tội  Nguyên Tổ  thì toàn bộ chân lý Thánh Kinh chứa đựng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước  làm sao có thể đứng vững ?

          Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây không phải để  phủ nhận Tội Nguyên Tổ nói riêng và   trình thuật Sáng Thế Ký nói chung nhưng là để  làm sáng tỏ Tội Nguyên Tổ là…tội gì  ? Tại sao nó lại là…tội ?

          “ Giê hova ĐCT phán  với A Đam rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ  cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì  chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn, chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Như vậy đã rõ Tội Nguyên Tổ chính là cái tội…ăn cái cây biết điều thiện và điều ác. Ăn cái cây biết điều thiện, điều ác  hay nói rõ hơn đó là…ăn cái cây biết phân biệt điều thiện và điều ác. Chẳng hiểu cái cây biết phân biệt điều thiện, điều ác  ấy  nó là loại cây hay trái gì  nhưng đó là  thứ Trái mà Đức Chúa Giê hova đã Cấm,  hễ..ăn ( phạm ) vào sẽ  chết.

          Lệnh truyền của Đức Chúa Giê hova cấm không được…ăn Trái Cấm, ăn vào sẽ chết. Thế nhưng  thực tế sau khi ăn  A Đam  chẳng những không …chết  lại  còn sống lâu tới hơn chín trăm tuổi  ?

          Như vậy cái chết của Nguyên Tổ  sau khi ăn Trái Cấm hoàn toàn không phải  cái chết xác thân nhưng là  chết phần tâm linh. Để hiểu thế nào là cái chết tâm linh. Chúng ta nhất định cần  giải  câu chuyện sa ngã của Nguyên Tổ nơi Vườn Địa Đàng  theo nghĩa…biểu tượng  chứ không thể theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ) như bấy lâu vẫn hiểu.

          Vườn Địa Đàng ám chỉ cho Bản Tâm Vô Phân Biệt. Cây Phân Biệt Thiện, Ác tức Tâm Phân Biệt. E Và, A Đam tượng trưng cho hai nguyên lý Âm Dương. Con Rắn là Lý Trí. Hễ Tâm Phân Biệt khởi thì liền đó mất Tâm Vô Phân Biệt. Mất đi Tâm Vô Phân Biệt  thì tức thời phải rời khỏi Vườn Địa Đàng  để sống trong chốn Nhị  Nguyên Phân Biệt là  cõi trần gian khổ ải này.

          Như vậy cái chết tâm linh là do Tâm Phân Biệt khởi thấy có Ta có Người có Vật ở ngoài mình. Một khi…thấy ( chấp ) có Ta  thì những gì thuận với Ta  thì sanh tâm yêu mến, muốn giữ lấy. Trái lại những gì nghịch với Ta thì sanh tâm ghét bỏ, trừ diệt.

          Cũng chính do nơi cái Tâm thuận, nghịch, yêu, ghét ấy mà đã gây ra  muôn vàn tội ác, chiến tranh, hận thù. Chẳng phải chủ nghĩa CS  đã phát động cuộc đấu tranh giai cấp, giết hại, đầy đọa bao nhiêu con người  là do cái chiêu bài bảo vệ quyền lợi của giai cấp vô sản ( thiện ) chống lại giai cấp tư bản bóc lột ( ác )  hay sao ?

          Chẳng phải bọn cuồng tín Hồi Giáo gây ra biết bao vụ khủng bố tàn độc  giết hại bao người dân vô tội là vì  đã tin rằng chỉ  đạo mình có chân lý ( thiện ) còn các tôn giáo khác đều là tà đạo ( ác ) hay sao ?

          Phân biệt cho đây là thiện, kia là ác. Đây là đúng, kia là sai để rồi sanh tâm yêu, ghét, lấy bỏ, được thua v.v..đó là tội ác có tính nguyên thủy  của con người. Tội ác xét về  khía cạnh tâm linh  đây  chính là Lý Trí, con bài của Sa Tan  mà Đức Ki Tô đã có lần vạch mặt chỉ tên.  “ Chúa nói với người Do Thái: Tại sao các ngươi không hiểu lời Ta ? Ấy là vì các ngươi chẳng thể nghe  Đạo của Ta. Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục  của cha các ngươi. Từ ban đầu ( Thuở Sáng Thế ) nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong lẽ thật vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vỉ nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 43 -44 ).

          Sự dối trá của Sa Tan  hết sức  tinh vi và nó đã đánh lừa được Nguyên Tổ. “ Sau khi nghe E Và nói: Cái trái ấy bị Đức Chúa cấm, ăn vào sẽ chết  thì rắn nói: Hai người chẳng chết đâu. Nhưng ĐCT biết rằng  hễ ngày nào hai người ăn trái cây đó thì  mắt mình mở ra sẽ như ĐCT biết điều thiện, điều ác. Người nữ thấy trái đó coi bộ ăn ngon lại đẹp mắt và quý  vì để mở trí khôn bèn hái ăn rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn mắt hai người liền mở ra, biết rằng mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 2 -7 ).

          Tính chất lừa dối của Sa Tan chính là sự cám dỗ. Nó cho thấy cái Trái Cấm  đó ăn thì ngon, đẹp mắt lại còn mở trí khôn ra nữa. Thế nhưng sau khi  vừa…ăn  thì thấy mình lõa lồ phải lấy lá cây vả che đậy lại, ám chỉ cho tình trạng nghèo cùng, khốn khổ.

          Trái  Cấm mà Sa Tan đã cám dỗ được Nguyên Tổ khi xưa thì nay lại ứng vào  Giáo Hội ngay từ những thế kỷ đầu khi quyết đi theo con đường Duy Lý: “ Cle’ment d’ Alexangdrie ở đầu tk thứ III  đưa ra khẳng định: Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết  học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp. Sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin  của chúng ta là như thế…Nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy để cho nó sụp đổ bởi lẽ qua đó  chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý” ( Giáo Phụ Tập I ( Từ TK I đến TK 4 ).

          Lý do khiến các Ki Tô Hữu thời đó sợ triết học Hy Lạp như sợ…ngáo ộp  là rất đúng bởi vì nó hoàn toàn trái ngược  với đức tin Công Giáo. Sở dĩ  có sự trái ngược ấy  là vì một đàng Thiên Chúa của triết Hy Lạp  thuần túy chỉ là một thứ khái niệm  dưới danh xưng là Logos thần linh.Một đàng đức tin chân thật chỉ có thể có khi tin vào mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha nội tại.

          Lòng tin nơi mạc khải của Đức Ki Tô đó cũng chính là ơn gọi của  mọi  Ki Tô Hữu: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình  mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Một ĐCT là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6 ).

          Ơn gọi của Ki Tô Hữu chúng ta đó là trở về với Đấng Chúa  là Cha ở nơi mình. Để thực thi sự trở về ấy Đức Ki Tô đòi hỏi cần có sự…bỏ mình “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bỏ mình có nghĩa là bỏ đi sự phân biệt Ta, Người. Ta với Người tuy hai mà một, tuy một mà hai. Là một bởi vì mỗi người đều được sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con TC ( St 1, 26 ). Còn là hai bởi vì  còn sống trong vòng trói buộc của vô minh, điên đảo và sự vô minh đó chính là Tội Nguyên Tổ mà không một ai có thể tránh khỏi “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào thế gian. Lại bởi  tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan tràn khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).

          Mọi người đều đã phạm tội và tội ấy chính là  tội…phân biệt thiện, ác. Đức Ki Tô truyền dạy đạo lý “ Bỏ Mình” chính là để cho ta bỏ đi  cái sự phân biệt ấy  bằng nhiều phương thế khác nhau. Yêu người thì phải yêu cả kẻ thù nghịch (Mt 5, 43 -45 ). Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 6, 3 -4 ).

          Những đạo lý cao xa này chúng ta đã nói đã nghe nhiều rồi. Nhưng nếu chỉ nói, chỉ nghe mà không đem ra thực hành trong đời sống thì đâu được ơn ích gì ? Mặc dầu vậy việc “ Bỏ Mình” là rất khó bởi vì nó đã đụng chạm đến tính chấp sâu dày do Tội Nguyên Tổ gây nên.

          Lại nữa  trong việc “ Bỏ Mình” này nếu chỉ cậy vào sức mình thì chắc chắn sẽ  chỉ chuốc lấy thất bại. Tại sao ? Bởi vì  trong việc Bỏ Mình này chúng ta đang bước vào trận chiến một mất một còn với Sa Tan “ Con rắn  quỷ quyệt xưa nơi Vườn Địa Đàng. Đứa lừa dối cả và thiên hạ” ( Kh 12, 9 ).

          Để  có thể chiến đấu và chiến thắng Sa Tan chúng ta  không thể không tin tưởng, cậy dựa vào Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội  bởi vì Ngài chính là  Người Nữ  đã được tiên báo ngay từ thưở Sáng Thế “ Giê hova ĐCT phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ. Dòng giống mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân  Người” ( St 3, 15 ).

          Cuộc chiến của Người Nữ Maria và Sa Tan như vậy đã được báo trước từ buổi Sáng Thế và vẫn còn tiếp diễn cho tới tận  ngày nay, ngày càng khốc liệt. Cuộc chiến ấy dĩ nhiên diễn ra ở nơi nội tâm mỗi người. Những hiện tượng bên ngoài chỉ là biểu hiện của  cái bên trong. Tình trạng bỏ đạo hàng loạt tại các nước Âu Châu, cái nôi của Đạo Công Giáo thuở nào. Giáo hội Đức công bố sẽ mở Công Nghị có tính ràng buộc với chủ trương  chống lại giáo lý Công Giáo về  luật  độc thân linh mục, về việc hôn nhân đồng tính,  có ý ly khai khỏi GH Công Giáo…Nạn ấu dâm hết sức tệ hại khiến Giáo Hội lâm vào tình trạng phá sản đạo đức trước mắt người đời v.v…

          Tất cả những hiện tượng ấy như đã nói đó chỉ  là những biểu hiện bên ngoài  được quyết định bởi cái bên trong tức nội tâm con người. Nhận ra như thế để cho thấy trong việc chiến đấu và chiến thắng quỷ dữ Sa Tan chúng ta cần  xoay cái Tâm trở vào bên trong bằng cách  hết lòng tin tưởng, cậy trông nơi Đức Maria  vì Ngài  là thủ lãnh trong  cuộc chiến tâm linh này.

          Với tư cách thủ lãnh của cuộc chiến. Đức Maria trong hai thế kỷ gần đây đã hiện ra nhiều lần, nhiều nơi để ban bố những mệnh lệnh cần thiết  cho việc chiến thắng kẻ thù nham hiểm Sa Tan. Dù với bất cứ mệnh lệnh nào Đức Mẹ cũng chỉ nhắm đến  mục đích để  chúng ta tức những ai thuộc dòng dõi Người Nữ  có thể bỏ đi Tâm Phân Biệt hầu trở về với  Thiên Chúa, Đấng là Cha do Đức Ki Tô mạc khải.

          Nếu E Và xưa  vì  nghe theo cám dỗ của  con rắn  cố tình …ăn Trái Cấm để bị đuổi ra khỏi Địa Đàng  thì giờ đây Đức Maria là E Và Mới lại dẫn đưa chúng ta vào Thiên Đàng qua việc dứt bỏ đi Tâm Phân Biệt là cái Tâm luôn hướng chiều về thế gian hư phù, giả dối.

          Kinh Mân Côi với cấu trúc đặc biệt của nó chính là phương thế vô cùng hữu hiệu  để cho ta dứt bỏ đi  Tâm Phân Biệt  bằng cách kiên tâm trì chí trong việc  huân tập  Lời Chúa  “ Vì  Lời ĐCT là lời hằng sống, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh, khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).

          Thực hành Kinh Mân Côi  bằng cách sử dụng Lời Chúa như một thứ gươm báu để dứt trừ Tâm Phân Biệt. Điều ấy chắc chắn sẽ đem lại  kết quả lớn lao cho những ai có lòng kiên trì bởi vì lòng kiên trì đó vừa chứng tỏ đức tin vừa nói lên lòng thiết tha yêu mến Chúa, Đấng ở nơi mình. Thánh Phao Lô nói: “ Đức tin sống bởi đức mến” ( Gl 5, 6 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts