Tội Phạm Đến Chúa Thánh Thần

          Chúa Giê Su làm phép trừ quỷ  thì các kinh sư  đến từ Giê rusalem nói Ngài dựa thế của quỷ Bê en dê bút  mà trừ. Chúa bèn dùng dụ ngôn  nói Sa Tan làm sao trừ  được Sa Tan ?. Cuối cùng Ngài nói với họ: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Mọi tội lỗi đều được tha cho con người và phàm lời lộng ngôn nào họ nói ra cũng vậy. Song ai lộng ngôn với Thánh Thần thì mãi mãi sẽ chẳng được tha nhưng mắc tội đời đời. Ngài phán  như vậy bởi vì họ nói rằng ông này bị thần ô uế ám” ( Mc 3, 20 -30 ).

          Nói Chúa Giê Su bị thần ô uế ám. Tại sao lại là tội  phạm đến Thánh Thần ? Đó là vì tất cả lời nói, việc làm  nói chung và trừ quỷ nói riêng của Chúa đều bởi Thánh Thần  xuất phát “ Chúa Giê Su  đến sông Gióc Đan gặp Gioan xin làm Phép Rửa và khi Ngài vừa ở dưới nước lên thì  các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự trên Người và có tiếng từ trời phán: Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” ( Mt 3, 13 -17 ).

          Qua sự kiện này cho thấy, thần khí Thiên Chúa là một thứ năng lực siêu nhiên xuất phát từ chính Chúa Giê Su khi Ngài đã thực hiện  hành vi công chính cao cả “ Ngài nói với Gioan: Bây giờ hãy làm đi vì chúng ta đáng phải làm một việc công chính như thế” ( Mt  3, 15 ).

          Sở dĩ nói Thánh Thần là một thứ năng lực xuất phát từ chính Chúa Giê Su bởi trong một trường hợp khác Ngài nói sau khi về với Chúa Cha thì sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến: “ Những điều ấy Thầy không nói với các con ngay từ ban đầu vì khi ấy Thầy còn ở với  các con. Bây giờ Thầy đến cùng Cha và không ai trong các con hỏi: Thầy đi đâu ? Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy nên lòng  các con tràn ngập ưu phiền. Song Thầy nói thật với  các con. Thầy đi thì ích lợi cho các con. Thật vậy nếu Thầy  không ra đi thì Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi. Về sự công chính và sự xét xử. Về tội lỗi vì chúng không tin vào Thầy. Về sự công chính vì Thầy đến cùng Chúa Cha” ( Ga 16, 4 -10 ).

          Chúa nói …Thầy đi  tức đi chịu chết thì lợi ích cho các Tông Đồ  đó là vì khi ấy Ngài đã phục sinh về trời, không còn sống bằng cái xác thân hữu hình hữu hạn này nữa. Dẫu sao khi còn sống bằng thân xác thì cái năng lực  của Ngài không thể phát huy cách vô hạn như khi đã về trời. Đây cũng là ý nghĩa lời Chúa nói: Ta sẽ ban Đấng Bảo Trợ  tức Chúa Thánh Thần đến.

          Lời Chúa hứa ban Thánh Thần đã được thực hiện: “ Khi đến ngày Lễ Ngũ Tuần có các Tông đồ đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng lớn như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả  gian phòng nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi  giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng người. Và ai nấy đều được tràn đầy Ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho họ” ( Cv 2, 1 -4 ).

          Các Tông Đồ được đầy tràn Ơn CTT và ơn ấy như lời Đức Giê Su đã nói trước đây với họ rằng sẽ chứng minh về sự lầm lạc của thế gian. Về sự công chính. Về tội lỗi vì đã không tin  mạc khải của Ngài về Chúa Cha.

          Ơn Chúa Thánh Thần ban xuống cho các Tông Đồ cũng chính là ban cho Giáo Hội Tông Truyền  mà Đức Ki Tô đã thiết lập dựa trên nền tảng  Phê Rô: “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phê Rô, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng  được  nó. Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho  ngươi. Hễ điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc và điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 18 -19 ).

          Chúa thành lập Giáo Hội và trao quyền bính tối thượng chỉ cho một mình cá nhân Phê Rô. Điều ấy hẳn nhiên phải có mục đích và mục đích ấy chính là để gìn giữ, bảo toàn  mạc khải của Đức Ki Tô về  Đấng Cha. Đồng thời mạc khải này cũng là một không khác với Tin Mừng Nước Trời.

          Lý do cần gìn giữ, bảo toàn mạc khải về Đấng Cha ( Nước Trời ) bởi đây là Thực Tại mầu nhiệm  nội tại, con người không thể nhận biết bằng lý trí suy luận  hoặc với bất cứ tôn giáo nào khác ngoài Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền cũng gọi là Đạo Đức Tin “ Đạo ở gần ngươi. Ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhìn nhận Giê Su là  Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu” ( Rm 10, 8 -10 ).

          Tin và rao truyền niềm tin Chúa chịu chết và sống lại đó là sứ mạng được Chúa trao cho Giáo Hội từ thuở sơ khai cho đến tận ngày nay. “ Rồi Ngài khai mở tâm trí để họ hiểu Kinh Thánh. Lại phán cùng họ rằng: Có lời chép, Đấng Ki Tô phải chịu khổ hại, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại và phải nhân danh Ngài mà rao giảng sự ăn năn và sự tha tội cho muôn dân  muôn nước, bắt đầu từ Giê rusalem. Các ngươi là chứng nhân về mọi việc đó. Và này Ta sai Đấng mà Cha Ta đã hứa giáng xuống trên các ngươi. Hãy cứ ở trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trời cao ban xuống” ( Lc 24, 45 -48 ).

          Đấng hứa được ban xuống là Chúa Thánh Thần. Chính Ngài sẽ ban sức mạnh và khôn ngoan để các Tông Đồ  ra đi rao  truyền việc Chúa sống lại. Tuy nhiên để tiếp nhận niềm tin ấy là điều rất khó. Thánh Phao Lô  khi đến giảng tại thành A Then  đã bị người ta chế diễu thậm tệ: “ Khi  chúng nghe đến sự sống lại của  kẻ chết, người thì nhạo cười, kẻ thì nói: Thôi để lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó nữa” ( Cv 17, 32 ).

          Người đời rất khó để  chấp nhận việc Chúa  từ trong kẻ chết sống lại. Thế nhưng chính sự sống lại của Chúa  lại có liên quan  rất lớn đến vận mạng của con người. Người ta từ đâu sinh ra ? Sống trên đời để làm gì ? Chết rồi đi đâu ?

          Các vấn nạn trên đây là của triết học và nó sẽ không bao giờ có câu trả lời. Lý do bởi vì  triết học là lãnh vực của lý trí suy luận. Còn việc sống và chết là của tâm linh tôn giáo. Nói cho cùng,  chỉ  có Đức Ki Tô đã chết và sống lại, mới có thẩm quyền  giải quyết vấn đề sinh tử này.

          Giáo Hội mang sứ mạng rao truyền sự chết và sống lại của Chúa Ki Tô, đó hoàn toàn không phải là câu chuyện huyền hoặc có ý lừa dối ai. Trái lại đây  là niềm tin  và niềm tin ấy có liên hệ mật thiết đến sự sống lại của con người: “ Vả, nếu rao giảng rằng Đức Ki Tô đã từ kẻ chết sống lại thì sao trong anh em có kẻ nói rằng chẳng có sự sống lại cho kẻ chết ư ?Nếu chẳng có sự sống lại cho kẻ chết thì Đức Ki Tô cũng chẳng đã được sống lại  đâu.  Mà nếu Đức Ki Tô đã chẳng được sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi ra vô ích và đức tin của anh em cũng ra vô ích” ( 1C 15, 12 -14 ).

          Nếu Đức Ki Tô quả thật không sống lại thì chẳng những việc rao giảng  của các Tông Đồ  chỉ là sự ngoa truyền lừa dối  mà cũng chẳng thể có Giáo Hội  đúng như lời hứa của Chúa Giê Su  với tông đồ Phê Rô khi xưa. Sự thật không phải vậy, Giáo Hội đã được  khai sinh và tồn tại ở nơi cõi trần gian này suốt hai ngàn năm cùng với biết bao là những chứng nhân đã sẵn sàng chết  cho đức tin của mình. Với những chứng nhân đó chứng tỏ  điều gì nếu chẳng phải Giáo Hội Công Giáo đúng là Hội Thánh chân thật của Chúa Ki Tô ?

          Là Hội Thánh của Chúa do Chúa thiết lập, dĩ nhiên  có Chúa …ở cùng theo như lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ).Lời hứa ấy Chúa đã thực hiện  qua các Bí Tích, rõ nhất là nơi Bí Tích Thánh Thể  và Bí Tích Giải Tội. Người Công Giáo chúng ta tin Chúa Giê Su ngự thật trong Phép Thánh Thể và đức tin ấy sẽ đưa đến Sự Sống Đời Đời: “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế  kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là Bánh từ trời ban xuống, chẳng phải như thứ tổ phụ các ngươi  ăn rồi cũng chết. Kẻm nào ăn Bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).

          Một Bí Tích khác nữa cũng đòi hỏi cần có đức tin là Phép Giải Tội. Do đâu chúng ta tin vào Phép này ? Đó là vì  Chúa nói với tông đồ Phê Rô cũng là cho Giáo Hội của Chúa: Điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở.

          Lời Chúa là lời chân thật hằng sống, làm sao chúng ta  có thể lại không tin ? Dẫu vậy đức tin tuy là ơn nhưng không nhưng lại cần được trưởng dưỡng bằng  việc làm tức  thực thi các giới răn “ Ai có các  giới răn của Ta và giữ lấy. Ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta, sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21 ).

          Đức tin chỉ có thể tăng trưởng  bằng việc thực thi các giới răn. Thế nhưng làm sao có thể  thực hiện việc đó nếu không ở trong Giáo Hội  bằng sự tuân phục vô điều kiện. Ý nghĩa  việc tuân phục  đó là chúng ta tin và giữ tất cả những gì Giáo Hội buộc phải  tin và giữ.

          Lý do cần phải tin và giữ tất cả những gì Giáo Hội truyền dạy bởi vì đó là Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng  hầu dẫn chúng ta  bước đi trên  Con Đường Trọn Lành về với Chúa Cha. Ngược lại những ai công khai chống báng và không tuân giữ những điều Giáo Hội truyền dạy thì đó là  tội phạm đến Chúa Thánh Thần.

          Có nhận ra như thế  chúng ta mới hiểu được lời Chúa: Mọi tội lỗi đều được tha  ngoại trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Mọi tội lỗi đều được tha nếu có sự ăn năn sám hối  xin thứ tha thật lòng chẳng hạn  những tội  giết người, gian dâm, ngoại tình,trộm cướp ….Có những tội đối với người đời là rất nặng phải bắt giam cầm tù như tội ấu dâm của một số giáo sĩ cao cấp hiện nay. Nhưng với Chúa thì những con người khốn khổ ấy nếu ăn năn xưng thú tội mình trong Tòa Cáo Giải thì  chắc chắn sẽ được Chúa thứ tha “ Dẫu tội các ngươi  đỏ như son. Ta sẽ làm cho trắng như bông tuyết” ( Is 1, 18 ).

          Mặt khác nguyên nhân sâu xa khiến tội phạm đến Chúa Thánh Thần không thể được thứ tha bởi vì Chúa Thánh Thần chính là nguồn ơn soi sáng để  cho ta  có thể bước đi trên  Con Đường Trọn Lành bằng cách thực thi Thánh Ý Chúa “ Chẳng phải  mỗi kẻ  nói cùng Ta: Lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu. Nhưng chỉ kẻ nào biết vâng theo  Thánh Ý Cha Ta mà thôi” ( Mt 7, 21 ).

          Vâng theo Thánh Ý Chúa đó là con đường duy nhất đưa đến sự Trọn Lành. Con đường ấy cần phải được thể hiện qua Giáo Hội do Đức Ki Tô thiết lập ngoài ra không có con đường nào khác. Chính vì niềm tin ấy Thánh Cypriano đã đưa ra lời quả quyết “ Ngoài HT Công Giáo không thể có Ơn Cứu Độ” ( Extra Ecclesiam Nulla Salut ).

          Để hiểu tại sao ngoài HT Công Giáo không thể có Ơn Cứu Độ, chúng ta không thể không biết đến  ý nghĩa của Cứu Độ. Cứu ở đây  tức là Độ mà Độ cũng tức là Cứu. Cứu Độ có nghĩa là độ thoát con người ra khỏi biển lớn sinh tử là cõi thế gian hư phù sinh diệt.

          Mục đích của Đức Ki Tô đến với thế gian này là để  cứu thoát con người ra khỏi chốn thế gian tục lụy: “ Nếu các thuộc về thế gian thì thế gian chắc  sẽ yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghen ghét các ngươi” ( Ga 15, 19 ).

          Chúa chỉ có thể cứu  nếu chúng ta có lòng tin nơi Ngài “ Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ  ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ). Thế gian là chốn tối tăm và nó sẽ sớm bị diệt vong  bởi  lẽ  sự tối tăm ấy ngày càng dày đặc. Quả thật Chúa là sự sáng  nhưng sự sáng ấy  hầu như  đã…tắt  lịm trong cái thời Tục Hóa cao độ này. Đức tin không còn, đó là báo biểu cho Ngày Tận Thế đang đến gần “ Dẫu vậy khi Con Người đến. Há còn tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 8 ).

          Đã có nhiều lời đồn đoán về Ngày Tận Thế nhưng rồi nó vẫn chưa đến. Tuy nhiên có những dấu chỉ cho thấy ngày ấy không thể không đến: Những thiên tai dồn dập. lòng  thương yêu của con người  ngày càng cạn kiệt. Cha giết con, con giết cha, anh  em, vợ chồng giết nhau cách vô cùng tàn nhẫn….và ngay cả trong Giáo Hội  của Chúa, tình trạng chia rẽ, bất tuân huấn quyền dường như  đã không còn  có… vấn đề gì nữa !!!

          Trong hoàn cảnh rất đáng bi quan như  vậy, chúng ta những tuyển dân còn sót lại  nào biết làm gì hơn ngoài  việc  hết lòng cầu nguyện “ Vậy ĐCT há chẳng thể ban cho tuyển dân Ngài  là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài. Dẫu Ngài đã nín nhịn với họ lâu ngày rồi ư ? ( Lc 18, 7 ).

          Cầu nguyện với tất cả tâm  hồn  bằng Kinh Mân Côi, đó chẳng phải là lời khuyên nhủ chí tình của Mẹ Maria sao ? Hễ cứ có cầu là phải được. Chúng ta tin tưởng điều đó./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts