TÔN  GIÁO  VÀ … COVID 19

          Đại dịch Covid 19 đã hoành hành trên thế giới suốt hai năm qua, gây ra cái chết  đau thương cho hàng chục triệu người và dù đã có vaccxine chủng ngừa nhưng thật sự vẫn chưa có gì là khả quan với những cas mắc mới ngày càng gia tăng và nguy hiểm hơn.

          Trước tình hình rất đáng quan ngại đó, ngày 6/5/2021 Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Hóa và Phòng Ngừa Hợp Nhât để chữa trị  đã tổ chức 03 ngày Hội Nghị…ảo để bàn về phương thức chữa trị cũng như phòng ngừa trước cơn đại dịch rất ư nguy hiểm này.

          Để khai mạc Hội Nghị, đức hồng y Gianfranco Ravasi đã đưa ra nhận định: “ Thân xác là thực tại nền tảng của hiện hữu và thông đạt nhân bản và nhắc đến mầu nhiệm trung tâm của Ki Tô Giáo, mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài nói Hội Nghị được tổ chức xoay quanh 3 chủ đề được ngài mô tả  như ba ngôi sao lấp lánh trên bầu trời: Thân xác, Linh hồn và Tâm trí. Ngài cũng nói thêm rằng Hội Nghị  sẽ bao gồm đối thoại với các nhà chuyên môn và nhiều người khác nhau  về các chủ đề này và viễn kiến của người ta  về các chủ đề này  dĩ nhiên là khác nhau” ( Nguồn: Vietcatholic news 11/5/2021 – Vũ văn An – Tổng kết Hội nghị Vatican  về khám phá tâm trí và linh hồn – Hợp nhất để phòng  ngừa – Hợp nhất để chữa trị ).

          Đề tài cuộc hội thảo được đưa ra nhắm mục đích làm sao để có được sự hợp nhất trong quan điểm  cũng như nguyên nhân của dịch bệnh  và có thế thì mới mong chấm dứt được cơn đại dịch nguy hiểm này…

          Tuy nhiên như sau đây sẽ được trình bày, thật sự thì không hề có bất cứ một sự hợp nhất nào về ba lãnh vực mà đức hồng y Ravasi đã nêu ra và vì thế  cũng chẳng thể  nêu ra được cái nguyên nhân gây ra dịch bệnh  cũng như  cách phòng ngừa.

          Ngay khi phát biểu khai mạc, hồng y Ravasi, chủ tịch  Hội Đồng đã cho rằng: Thân xác là thực tại nền tảng của  hiện hữu  và thông đạt nhân bản…Thật ra thân xác không bao giờ có thể là nền tảng của hiện hiện hữu. Tại sao ? Bởi vì nếu cho thân xác là…nền tảng của hiện hữu  thì chẳng lẽ khi con người chết đi thì nó không hiện hữu hay sao ? Lại nữa, cho thân xác là thông đạt nhân bản nhưng thân xác chỉ là vật chất vô tri làm sao nó có thể nói có thể…nghe ? Cái nói, cái nghe đó là do trung khu thần kinh nói và nghe điều khiển. Trung khu thần kinh này nếu hỏng thì dù cho mắt, tai có tốt chăng nữa thì vẫn không thể nói, thể nghe được !

          Lại nữa cái việc gọi là thông đạt nhân bản  đó còn hệ tại ở chỗ…nghe cái gì, nói cái gì  chứ không chỉ là những âm thanh vô nghĩa  như tiếng gió, tiếng chim kêu, vượn hú v.v…

          Cũng bởi cho xác thân là nền tảng hiện hữu thế nên người ta, một hội thảo viên khác  khác cũng chẳng hiểu chi về Ý Thức: “ Oz hỏi Chopra về vai trò của tâm trí trong việc chữa bệnh thân xác. Chopra trả lời: Một trong các vấn đề nền tảng  trong khoa học có tên là: Vấn đề khó hiểu về Ý Thức ( Consciousness ) chúng ta trải nghiệm ra sao các tư tưởng, cảm giác, xúc cảm, cái nhìn thông sáng, trực giác, cảm hứng , óc sáng tạo, viễn kiến  thậm chí lòng kính sợ Thiên Chúa…

….Vấn đề theo ông là: Bộ não làm tất cả những điều đó  ra sao ? Tâm trí thúc đẩy bộ não hay bộ não thúc đẩy tâm trí ? Hiện nay, cuộc đàm  luận dường như  là chẳng có cái nào thúc đẩy cái nào ? ( Nguồn: Vietcatholic News 11/5/2021 đã dẫn ).

          Thật là một …mớ bòng bong và rồi rút cục cũng vẫn chẳng hiểu  bộ não thúc đẩy tâm trí hay tâm trí thúc đẩy bộ não ? Nếu cho bộ não thúc đẩy tâm trí  thì đâu có khác gì phái Duy Vật cho rằng vật chất có trước tinh thần ?

          Vấn đề vật chất có trước hay ý thức có trước  là  đề tài từ lâu đã làm  điên đầu  các nhà tư tưởng Tây Phương và trong cuộc hội thảo này cũng  vẫn  rất chi là mù mờ: “ Theo Chopra thì Ý Thức  có tính nền tảng hơn. Chúng ta trải nghiệm nó một cách chủ quan như là tâm trí và chúng ta trải nghiệm  nó một cách khách quan như là thân xác và não bộ  nhưng bộ não là một phần của thân xác. Ông cho rằng: ý thức là điều các truyền thống  tâm linh  gọi là Linh Hồn và các nhà khoa học về  nhận thức gọi là Tác Nhân Hữu Thức ( Conscious Agent )…

          …Oz hỏi Chopra: Điều gì mang lại cho ông yếu tính đó, linh hồn đó ? Trong Vũ Trụ Học của ông, nó phát xuất từ đâu ? Chopra trả lời: Hiện nay  các nhà khoa học về nhận thức  tức những người tin vào khuôn mẫu này nói rằng Linh Hồn  hay tác nhân hữu thức  này là một khía cạnh của  Ý Thức Phổ Quát mà có lẽ các tôn giáo gọi là Thiên Chúa” ( Nguồn Vietcatholic News – 11/5/2021 – đã dẫn ).

          Cuối cùng thì Ý  Thức lại là Ý Thức Phổ Quát và là.,..Thiên Chúa ? Thật ra Ý Thức không bao giờ là Ý Thưc Phổ Quát  bởi lẽ Ý Thức luôn là Ý Thức  của mỗi cá nhân về một điều gì đó và cái điều gì đó không thể ở bên ngoài thế giới hiện tượng hư phù, sinh diệt.

          Cho Ý Thức Phổ Quát là…Thiên Chúa, vậy thử hỏi Thiên Chúa  có quan hệ  gì đến dịch bệnh Covid 19 ? Vatican tổ chức cuộc hội thảo giữa những nhà khoa học, chuyên môn với chủ ý  để tìm xem có mối quan hệ nào  giữa dịch bệnh  và  Thiên Chúa Giáo để từ đó có hướng giải quyết…

          Về mối quan hệ đó, Collins một Ki Tô Hữu Tin Lành trước đây là một người vô thần  vốn là người giám sát việc  chính phủ hợp tác với các công ty dược phẩm  và các cơ quan chính phủ khác trong việc khai triển Vacxin  chống Covid  đưa ra nhận định rằng:

          “ Ông đã trải nghiệm nhiều khoảnh khắc khó khăn khi thấy  virut tràn lan khắp thế giới nhưng tìm được an ủi trong Kinh Thánh, ông nói: Trong suốt 15 tháng qua, tôi từng có nhiều khoảnh khắc cảm thấy ngã lòng, có lẽ là một chút vô vọng nữa rằng virut này đã  thắng cuộc chiến, chúng ta đang thua và tôi không biết làm gì hơn là cầu xin Thiên Chúa: Sao lại xảy ra việc này ? Liệu có điều gì Chúa có thể làm về nó hay không ?” ( Nguồn Vietcatholic News 11/5/2021 đã dẫn ).

          Với lời chất vấn ấy khiến chúng ta không khỏi liên hệ vấn đề đã được đặt ra từ lâu: “ Nếu Thiên Chúa hiện hữu sẽ không còn sự dữ trong thế giới. Nhưng người ta lại thấy quá nhiều sự dữ trong thế giới. Do đó  Thiên Chúa không hiện hữu”.

          Dịch bệnh Covid 19 là sự dữ, vậy Thiên Chúa  đóng vai trò gì  trong việc để nó xảy ra và cho đến khi nào nó mới chấm dứt ? Collins người đưa ra câu hỏi  tuy bi quan nhưng cũng rất hy vọng và vui mừng  vì các tiến bộ lớn lao  trong các kỹ thuật chẩn đoán để hiểu rõ virut này ở đâu  và ai bị lây nhiễm nhưng  đồng thời ông cũng  vui mừng vì lời hứa của một vị Thiên Chúa  hiểu nỗi đau khổ, chết trên thập giá  trong một kinh nghiệm đau đớn  mà không ai trong chúng ta  có thể tưởng tượng được bao giờ và là Đấng làm nơi trú ẩn và sức mạnh cũng như sự trợ giúp  mãi mãi của chúng ta trong cơn bĩ cực” ( Nguồn Vietcatholic News 11/5/2021 đã dẫn ).

          Vấn đề sự dữ và Thiên Chúa ở đây đã được giải quyết  bằng cách thay thế Đấng Tạo Hóa bằng Chúa Giê Su, một Thiên Chúa Nhập Thể. Tuy nhiên cái gọi là lời hứa của Đấng Cứu Thế như là sức mạnh  và là sự trợ giúp  mãi mãi là điều không hề có ! Đức Ki Tô đến không phải là để …trợ giúp và là nơi nương tựa cho thế gian tránh khỏi sự dữ bởi vì sự dữ  vốn là điều tất yếu xảy đến cho con người  khi họ còn sống trong vòng trói buộc của tội. Môn đệ Chúa tuy không thuộc về thế gian  nhưng vẫn không thể tránh khỏi cái thân phận  sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người. Chính vì vậy,  lời cầu của Chúa Giê Su  không dành cho thế gian  nhưng là dành cho họ để họ có thể vững tâm theo Ngài: “  Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian  nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác” ( Ga 17, 14 -15 ).

          Chúa không xin  cất  môn đệ ra khỏi thế gian  và như thế có nghĩa họ vẫn phải chịu chung số phận khổ đau của kiếp người nhưng với một tinh thần khác đó là tinh thần Từ Bỏ. Cái mê lầm sâu đậm của con người là chấp cho cái xác thân này là mình. Chính  vì cái chấp đó  con người  đã gây nên bao giống tội  và vì thế  phải gánh chịu mọi nỗi khổ đau. Đang khi đó, xác thân  chỉ là…cái túi chứa khổ , khổ vì bệnh tật, khổ vì rét lạnh, nóng bức, môi  trường ô nhiễm v.v…Lão Tử nói: “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn dã vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn ? ( Ta sở dĩ có hoạn nạn lớn vì ta có thân. Nếu không có thân làm gì có khổ ? ĐĐK chương 13 ).

          Chẳng ai lại không có thân ( Xác ). Không có thân thì làm sao sống ? Cái ý ở đây không phải là vì…có thân  nhưng là do chấp xác thân này là mình vì vậy nên mới có khổ. Đức Ki Tô đến để giải thoát con người  ra khỏi cái chấp đó bằng cách…Bỏ Mình: “ Ai muốn theo ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bỏ Mình cố nhiên không phải là …tự sát nhưng là bỏ đi cái chấp cho xác thân này là mình. Bao lâu chưa bỏ được cái chấp ấy thì còn gây tội và còn khổ. Tuy nhiên sau những …lo lắng, sợ hãi  bởi  sự hoành hành  của dịch bệnh. Vấn đề đặt ra ở đây là ý nghĩa của sự khổ đau là gì. Giả thử như có chấm dứt được cơn dịch này  thì liệu con người có …hết khổ hay không ?:

          “ Trước đó, bác sĩ Francis Collins, giám đốc viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ ( NIH ) và là thành viên của Hàn Lâm Giáo Hoàng Viện  Các Khoa Học đã phát biểu rằng: Cuộc khủng hoảng y tế  là điều hiển nhiên xét về số người bị nhiễm virut vì nó…

          …nhưng ông nói: Nó cũng làm gián đoạn chúng ta về tâm linh vì nó tạo ra rất nhiều lao đao về mặt sức khỏe tâm thần, lo lắng , trầm cảm, kể cả cảm thức xáo trộn  căng thẳng  hậu chấn thương ( Post – traumatic stress disorder ) của những người mắc đi mắc lại chứng này…

          …Lên  tiếng từ văn phòng của mình, nơi ông cho hay ông sống như một  vị…ẩn tu. Collins cho biết dù khoa học xem ra cung cấp cho ta hy vọng tốt nhất để thoát khỏi đại dịch nhưng nó không thể trả lời mọi câu hỏi sâu xa nhất của con người về ý nghĩa của đau khổ” ( Nguồn Vietcatholic News 11/5/2021 đã dẫn ).

          Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây không phải là những nỗi khổ đau của con người phải gánh chịu khi sống trên cõi đời  nhưng là ý nghĩa của nó. Từ đâu ta sinh ra để rồi phải gánh chịu mọi thứ khổ và rồi cuối cùng là cái chết đến mà không hiểu vì sao ta sống ?

          Triết học dù có đặt ra vấn đề…sống, chết nhưng không thể giải quyết nó, duy chỉ với tôn giáo, trong đức tin và thực hành  con người mới giải đáp được vấn nạn này. Đức Ki Tô xuất hiện nơi đời là một sự kiện khiến người ta không khỏi thắc mắc: “ Người Do Thái nhóm quanh Ngài mà nói rằng: Thầy để chúng tôi vơ vẩn đến chừng nào ? Nếu Thầy là Đấng Ki Tô  thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi biết ?” ( Ga 10, 24 ).

          Chúa Giê Su không trả lời bởi vì dù Ngài có nói thì họ cũng không tin. Chẳng những người Do Thái trước đây không tin mà cho đến nay, sau  2000 năm Đạo Chúa đã lan tràn khắp thế giới, người ta vẫn  không tin Ngài là Đấng Ki Tô  lại đã  trở thành Đấng Thiên Chúa Nhập Thể, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, một điều mà lý trí con người không sao có  thể chấp nhận !!!

          Bởi nguyên nhân tại sao  người ta không nhìn nhận Chúa Giê Su là Đấng Ki Tô ?  Đó chính là vì giáo thuyết Bỏ Mình của Ngài: “ Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo. Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất. Còn ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì  sẽ cứu được. Bởi chưng lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25 ).

          Bỏ lại được, cứu lại mất đó là cái …nghịch lý của Đạo Chúa và chính vì tin và thực hành nghịch lý ấy, Giáo Hội đã có được  biết bao các vị Thánh Nam, Nữ, Các Ngài đã  từ bỏ chẳng những danh vọng, chức tước, gia sản, gia đình thân yêu mà cho đến cả mạng sống để theo Chúa và đã được phần phúc đời đời trên Thiên Đàng như lời Chúa hứa.

          Có nhận ra như thế mới  thấy được ý nghĩa và giá trị của khổ đau. Dịch bệnh  và muôn nỗi khổ đau con người phải chịu thì đâu có là gì nếu sau khi chết  được về hưởng Nhan Thánh Chúa  trên Thiên Đàng ? Chẳng những không tránh khổ đau, các thánh còn vui lòng chịu khổ  vì Chúa  Ki Tô  và phần rỗi các linh hồn. Thánh Phao Lô nói: “ Nhưng về phần tôi, tôi quyết chẳng  khoe khoang điều gì, chỉ khoe khoang về Thập Tự Giá của Chúa chúng ta là Đức Giê Su Ki Tô đó thôi. Vì nhờ thập tự giá  ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy” ( Gal 6, 14 ).

          Tổ chức cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi  để cho qua cơn dịch bệnh quái ác này, âu cũng là việc nên làm. Thế nhưng thật cũng chẳng ơn ích gì  nếu đó chỉ  như một….phong trào mang tính hình thức. Tại sao ? Bởi vì trong Cầu luôn hàm chứa yếu tố Nguyện và Nguyện đây là nguyện về sống đời đời bên Chúa, bên Đức Mẹ và các Thánh trên Thiên Đàng. Chỉ cầu cho hết khổ mà không nguyện về với Chúa thì lời cầu ấy chẳng phải đã…phụ lòng Chúa Giê Su Đấng Cứu Thế muốn giải thoát chúng ta ra khỏi cõi đời vô thường, khổ ải này sao nhất là Ngày của Chúa đã gần ? “ Hỡi anh em, thì giờ Chúa đã gần. Anh em hãy coi mọi sự đang có như không có vì hình dạng của thế gian này đang qua đi trong từng giây, từng phút” ( 1C, 7,  29 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts